Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Mùa xuân, mùa xuân”, vở ca kịch góp phần tôn vinh nét đẹp của chữ Hàn Hangeul”

2013-09-24



[Đôi nét về tác phẩm “Mùa xuân, mùa xuân” và tác giả Kim Yu-jeong]Hôm mùng 5/9 vừa qua, tại rạp Yong (Rồng) của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, ở quận Yongsan, thành phố Seoul, đã ra mắt vở ca kịch “Mùa xuân, mùa xuân”. Vở diễn nằm trong chuỗi chương trình “Sân khấu văn học chữ Hàn Hangeul” mà bảo tàng này đang thực hiện. Bà Kwon Hye-jeong, Trưởng nhóm kế hoạch biểu diễn thuộc Quỹ văn hóa của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, giới thiệu: “Từ năm nay, Ngày chữ Hàn Hangeul 9/10 sẽ lại trở thành ngày nghỉ lễ sau 22 năm bị hủy bỏ, theo quyết định của Chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 11 năm ngoái. Vì là một năm rất có ý nghĩa, nhất là khi Bảo tàng chữ Hàn Hangeul sắp được khánh thành vào năm sau, nên chúng tôi đã chuẩn bị nhiều chương trình sân khấu lấy chủ đề văn học chữ Hàn để quảng bá nét đẹp, giá trị về mặt tinh thần cũng như lịch sử trong ngôn ngữ, cử chỉ và lời ca của dân tộc Hàn.”

Bảo tàng chữ Hàn Hangeul đang được xây dựng bên trong khuôn viên Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và dự kiến khánh thành trong năm tới. Đây sẽ là nơi trưng bày đầy đủ nhất mọi di vật văn hóa liên quan đến bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul từ khi nó được vua Sejong (Thế Tông) sáng tạo ra vào giữa thế kỷ 15, cho đến nay. Nhưng trước mắt, thanh thiếu niên có thể cảm nhận được nét đẹp của nó qua vở ca kịch “Mùa xuân, mùa xuân”. Trưởng nhóm Kwon Hye-jeong cho biết: “Chúng tôi thực hiện chuỗi chương trình “Sân khấu văn học chữ Hàn Hangeul” nhằm giới thiệu nét đẹp của chữ Hàn đến bộ phận thanh thiếu niên thông qua các vở diễn chuyển thể có nội dung dễ tiếp thu đối với các em. Truyện ngắn “Mùa xuân, mùa xuân” của nhà văn Kim Yu-jeong là một trong những tác phẩm quen thuộc mà bất cứ học sinh Hàn Quốc nào cũng phải đọc. Vì lẽ đó, chúng tôi đã thực hiện tác phẩm này trước tiên.”

Kim Yu-jeong là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn học Hàn Quốc trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị thực dân Nhật chiếm đóng. “Mùa xuân, mùa xuân”, được ông viết năm 1935, cũng là một trong những truyện ngắn Hàn Quốc hay nhất trong thời kỳ này. Trưởng nhóm Kwon Hye-jeong nói thêm: “Đây là một tác phẩm trào phúng lấy bối cảnh là làng Sillae ở Chuncheon, tỉnh Gangwon, cũng chính là quê hương của nhà văn. Nội dung xoay quanh vấn đề hôn nhân và gia đình mà nhân vật chính là anh chàng con rể hiền lành, chất phác và ông bố vợ gian xảo, toan tính. Ẩn sau tiếng cười hài hước là nội dung sâu sắc về hiện thực nông thôn nghèo khổ của Hàn Quốc dưới chế độ thực dân. Tất cả đã được lột tả hết sức chân thực qua ngòi bút châm biếm rất tự nhiên và đặc trưng của nhà văn Kim Yu-jeong.”

Kim Yu-jeong (1908-1937) bắt đầu viết văn từ khi mới bước sang tuổi 20. Cho đến khi qua đời vì bệnh viêm màng phổi ở tuổi 29, ông đã kịp để lại cho đời 30 cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn, 12 bộ tùy bút, 6 tuyển tập thư từ và nhật ký cùng nhiều tác phẩm khác. Các tác phẩm của ông đều chất chứa tấm chân tình cao quý của một người Hàn yêu nước. Đọc tác phẩm của ông, độc giả có thể cảm nhận được hiện thực u tối của Hàn Quốc ẩn sau những tiếng cười hóm hỉnh.

Nhờ bàn tay dàn dựng của đạo diễn kịch Oh Tae-suk mà nội dung của truyện ngắn “Mùa xuân, mùa xuân” đã bước ra khỏi trang sách, được tái hiện một cách sinh động trên sân khấu với những câu thoại và chuyển động hình thể gợi nhớ về một thời xa xưa, cùng các ca khúc mang nhịp điệu Jangdan truyền thống trong âm nhạc Hàn Quốc. Đạo diễn Oh Tae-suk chia sẻ: “Trào phúng là một trong những đức tính cơ bản đáng quý của người Hàn. Kim Yu-jeong là một trong những nhà văn đã rất thành công trong việc đưa những nét đặc trưng đó vào tác phẩm của mình.”



“Mùa xuân, mùa xuân” là một vở ca kịch mang đậm tính Hàn Quốc từ những câu thoại tiếng Hàn chân phương nhưng ý nghĩa và tình cảm đến những bộ trang phục giản dị mà người dân thời đó vẫn mặc. Nông thôn Hàn Quốc xa xưa hiện ra thật bình dị trên sân khấu hiện đại. Trong suốt 90 phút thưởng thức “Mùa xuân, mùa xuân”, khán giả sẽ được lắng nghe khoảng 20 ca khúc với những ngôn từ và động tác múa mang đậm nét truyền thống Hàn Quốc. Đạo diễn Oh Tae-suk tâm sự:“Tôi cảm thấy rất có ý nghĩa khi đã mang được những nét nhạc, điệu múa truyền thống cùng ngôn ngữ thuần phác của người Hàn từ trong truyện lên sân khấu. Do sự phát triển của phương tiện truyền thông và nhu cầu cập nhật thông tin mà tiếng Hàn ngày càng bị giản lược, biến dạng, biến nghĩa. Càng như vậy, chúng ta càng phải tập trung vào việc bảo tồn vốn ngôn ngữ đã được ông cha ta sử dụng hàng trăm năm qua, càng phải phát huy hơn nữa nét đẹp của nó.”

Ngồi xem các nghệ sĩ ca hát và nhảy múa, tự lúc nào, khán giả cũng tự động lắc lư đôi vai và tự nhiên cảm nhận được sức lôi cuốn của chữ Hàn Hangeul. Diễn viên Song Young-kwang, người thủ vai ông bố vợ, cho biết: “Hồi nhỏ, tôi đã đọc truyện ngắn này rồi, nó rất hay. Ban đầu, tôi cũng lo lắng không biết nó sẽ được chuyển thể như thế nào. Nhưng được xem bản dựng của đạo diễn Oh Tae-suk, tôi mới thấy tác phẩm này quả là có nhiều điều đáng để học sinh, sinh viên học tập và quyết tâm chuẩn bị nó. Với vở diễn của chúng tôi, chỉ cần một chiếc trống phong yêu Janggu và một chiếc trống Buk cùng vẻ đẹp của chữ Hangeul, cũng đủ để mang đến sự thú vị cho người xem. Tiếng Hàn thật sự rất hay với hệ thống từ ẩn dụ phát triển. Chính nó đã giúp cho câu thoại và ca từ trở nên hay hơn. Không cần nghe, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ thấy chữ Hangeul đẹp và dễ gần đến thế nào.”

[Diễn biến đặc sắc của vở ca kịch “Mùa xuân, mùa xuân”]Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn chính là anh con rể Deok-dal trong vở “Mùa xuân, mùa xuân”. Vở diễn được bắt đầu với cảnh Deok-dal than thở về thân phận đi ở rể trong gia đình địa chủ Bong-pil. Anh phải làm việc quần quật cả ngày ở ngoài ruộng, nhưng cam tâm chịu đựng mọi thứ, cốt chỉ để được kết hôn với Jeom-sun sau khi cô trưởng thành theo đúng lời hứa của bố cô là địa chủ Bong-pil. Vậy nhưng đã ba năm trôi qua mà Jeom-sun chẳng lớn thêm được chút nào. Điều này khiến cho Deok-dal ngày càng sốt ruột nên ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại lời hứa với ông bố vợ.

Nhưng thay vì giữ lời, ông lại đáp trả Deok-dal bằng những trận đòn đau đớn. Bong-pil vốn không hề có ý định giữ lời hứa với Deok-dal, càng không muốn đối xử tốt với anh. Ông không trả cho anh lấy một đồng và chỉ xem anh như một thằng làm công. Nhưng Deok-dal lại quá ngây thơ, anh chỉ dám than thân trách phận và chịu đựng đòn roi mỗi ngày. Mặc dù vậy, Deok-dal vẫn không nguôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được kết hôn cùng Jeom-sun. Đó cũng là nguồn động lực sống mỗi ngày của anh. Và nó đã được thể hiện thật xúc động thông qua những bài hát da diết trong vở diễn.

Dù có uất ức, buồn tủi đến mức nào, chỉ cần cất tiếng hát là nỗi lòng như được nguôi ngoai. Nỗi buồn sẽ được giảm bớt nhiều và nhanh hơn nếu nhiều người cùng hát chung với chúng ta. Chính vì thế mà trong đoạn này, khán giả được yêu cầu hát cùng với diễn viên. Lời bài hát giống như lời nói xưa của một người bà dành cho đứa cháu. Lời hát đã gây hưng phấn cho khán giả. Họ liên tục hát và vỗ tay theo diễn viên trên sân khấu. Theo đạo diễn Oh Tae-suk, văn học nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc có sức mạnh xoa dịu và kích thích tinh thần rất lớn. Chỉ cần nghe thấy giai điệu và cất tiếng hát là đã có thể giải bày hết được nỗi lòng và nhận được sự đồng cảm nơi mọi người xung quanh. Đạo diễn Oh Tae-suk cho biết: “Những bài dân ca hay bài hát kể chuyện Pansori được truyền khẩu trong dân gian, có giai điệu và lời ca được lưu truyền hàng trăm, hàng nghìn năm. Tùy vào tâm tư, tình cảm của con người và thời cuộc mà ca kịch Hàn Quốc có sự gia giảm lời ca hay tiết tấu để tồn tại cho đến tận bây giờ. Âm nhạc Hàn Quốc trong lành như không khí mà chúng ta hít thở và thơm tho như mẻ tương đang ủ trong lu đất vậy.”

Với một người lúc nào cũng trông ngóng đến ngày được nên vợ nên chồng với Jeom-sun như Deok-dal thì cái điều luật không được kết hôn với trẻ vị thành niên dưới 20 tuổi quả là một cú “trời giáng”. Jeom-sun chỉ mới 15 tuổi và điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ phải đợi thêm năm năm dài. Đây là khoảnh khắc Deok-dal mất đi hy vọng. Trong nguyên tác, Jeom-sun cũng đứng về phía ông bố và gây biết bao đau khổ cho nhân vật “tôi”. Nhưng trong vở diễn, Deok-dal đã dũng cảm ra đi, thoát khỏi ngôi nhà của gã địa chủ gian tham. Tuy đã rời bỏ gia đình Bong-pil nhưng Deok-dal vẫn không thôi nhớ về người vợ “hụt” của mình. Trong khi đó, Jeom-sun mặc dù cũng có tình cảm với anh nhưng không dám vượt qua sự ngăn cấm của bố.

Cuối cùng thì hai người cũng đã có dịp tái ngộ để xác nhận tình cảm của nhau trong lễ chia lửa cầu may của làng. Trong khi dân làng đang bận rộn với việc xin lửa thì Deok-dal và Jeom-sun lặng lẽ bỏ trốn cùng nhau. Đây là một cái kết khiến nhiều người rất hài lòng. Sân khấu đã hạ màn nhưng trong tai nhiều khán giả hẳn vẫn còn văng vẳng câu thoại “Năm nay mình cưới nhau em nhé! Mình cưới nhanh em nhé!” hóm hỉnh và mang nặng thổ âm địa phương của Deok-dal ở cuối vở diễn. Một khán giả cho biết: “Tôi cũng đã từng đọc một trích đoạn của “Mùa xuân, mùa xuân” trong giờ ngữ văn hồi còn học phổ thông và sau này có mua một tuyển tập truyện ngắn trong đó có in đầy đủ tác phẩm này. Tuy nguyên tác và vở diễn có cái kết khác nhau nhưng cả hai đều rất vui nhộn.”

Không có cảnh trí lộng lẫy hay dàn nhạc giao hưởng hoành tráng như các vở nhạc kịch nước ngoài, ca kịch “Mùa xuân, mùa xuân” chỉ có chất dung dị và gần gũi với cách bố trí đơn giản và những nhạc cụ mang đậm chất truyền thống như trống phong yêu Janggu, trống Buk, đàn tranh 7 dây Ajaeng, đàn tranh 12 dây Gayageum… nhưng vẫn đủ sức truyền tải được sự hứng thú đến người xem. Trên hết, thông qua những lời ca, câu thoại thuần phác mà mang ý nghĩa sâu sắc, vở diễn đã có công lớn trong việc giữ gìn nét đẹp của chữ Hàn Hangeul và quảng bá nó đến đông đảo bộ phận công chúng.

Lựa chọn của ban biên tập