Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Mùa thu với niềm vui đọc sách ở Hàn Quốc

2013-10-01



Một chợ sách ngoài trời với vô số các loại sách được bày bán khắp nơi đang níu giữ bước chân du khách. Vài du khách ra sức mặc cả, nhưng rồi với cái giá không thể rẻ hơn cùng nụ cười thân thiện của người bán, họ đã nhanh chóng mang về cuốn sách mà mình ưng ý với tâm trạng thoải mái.

[Những chương trình lễ hội và hòa nhạc đa dạng phục vụ người yêu sách]Chợ sách ngoài trời nói trên là một phần của Lễ hội sách Seodaemun, diễn ra trong hai ngày 7 và 8/9 vừa qua. Đến đây, người mua và người bán đều có thể tìm thấy niềm vui qua những trang sách bổ ích. Trong những ngày này, tại thành phố xuất bản Paju ở tỉnh Gyeonggi cũng diễn ra lễ hội sách lớn nhất Hàn Quốc mang tên “Booksori Paju”. Năm ngoái, lễ hội đã đón tiếp gần 450.000 lượt khách và con số này có lẽ sẽ còn tăng cao trong năm nay. Những lễ hội mà chúng tôi vừa giới thiệu chỉ là hai trong số hơn 6.700 sự kiện liên quan đến sách đã được các cơ quan, đoàn thể địa phương trên toàn quốc và Thư viện quốc gia Hàn Quốc tổ chức trong suốt tháng 9. Vậy là cứ mỗi độ thu sang, đi đâu bạn cũng có thể bắt gặp sách cùng không ít các hoạt động đa dạng để mang chúng đến gần hơn với đời sống con người.

Tiếng đàn vi-ô-lông du dương đang mời chào du khách đến với chương trình “Mối giao hòa giữa âm nhạc với văn học”, được Thư viện Namsan ở thành phố Seoul tổ chức hôm 14/9. Tham dự chương trình mang hình thức của một buổi hòa nhạc văn học này, du khách được thưởng thức các tiết mục biểu diễn đặc sắc, kết hợp hài hòa âm nhạc với ngâm đọc tác phẩm văn chương. Bà Hong Jeong-suk của Phòng hỗ trợ hoạt động văn hóa thuộc Thư viện Namsan giới thiệu: “Chương trình giúp công chúng cảm nhận được rõ hơn nét đẹp của văn học bằng cách kết hợp âm nhạc có giai điệu phù hợp với phần ngâm đọc để tô điểm thêm tính nghệ thuật của tác phẩm. Lần này, chúng tôi đọc một truyện ngắn của tác giả Kim Dong-ri và một tùy bút của tác giả Yun Oh-young. Mong muốn của chúng tôi là tạo cơ hội để khán giả tiếp cận với các cây bút đã đặt nền móng cho nền văn học hiện đại của Hàn Quốc, đồng thời khuyến khích họ quan tâm hơn đến những tác phẩm khác của hai nhà văn này. Tôi hy vọng chương trình sẽ mang đến cho công chúng những phút giây thư giãn cùng văn học nghệ thuật và góp phần hình thành nên sinh hoạt đọc sách vui vẻ.”

Cảm xúc như được nhân đôi khi cùng lúc được nghe nhạc lại được nghe tác phẩm. Quả là không có cách thưởng thức sách nào lãng mạn hơn cách này. Sau đây là cảm nhận của một khán giả: “Tôi hoàn toàn cảm nhận được các tác phẩm nhờ vào sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và giọng đọc. Vào mùa đọc sách, chắc ai cũng chỉ nghĩ đến việc chọn một cuốn sách rồi tìm một góc yên tĩnh ngồi đọc. Nhưng được nghe đọc sách trong không gian âm nhạc đa thể loại như thế này sẽ giúp chúng ta yêu thích và dễ hiểu tác phẩm hơn.”

Trở lại với Lễ hội sách Seodaemun, lúc này các em nhỏ đang thích thú với việc làm những cuốn sách dựng hình. Giống như nhiều văn phòng quận khác của thành phố Seoul, Văn phòng quận Seodaemun cũng tổ chức lễ hội sách với rất nhiều hoạt động thú vị. Những hoạt động như thế này mang đến một bầu sinh khí mới cho độc giả tham dự, thật khác xa với hình ảnh khô khan trước đây của các triển lãm sách. Nhà phê bình sách Jang Dong-seok cho biết: “Lễ hội sách không chỉ là nơi trưng bày sách mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động đa dạng như diễn kịch ở góc giới thiệu sách thiếu nhi, biểu diễn ca nhạc, giao lưu giữa tác giả và người đọc, chợ sách ngoài trời… Các hoạt động này vừa giúp du khách có được những phút giây thư giãn, khiến họ quan tâm hơn đến sách, vừa góp phần liên kết tác giả với các nhà xuất bản. Trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, sách in đang mất dần chỗ đứng. Những lễ hội sách như thế này sẽ góp phần đề cao vai trò và tầm quan trọng của chúng trong đời sống chúng ta.”

Hoạt động được nhiều người chú ý nhất tại Lễ hội sách Seodaemun là buổi gặp gỡ giữa tác giả và độc giả mang tên “Hòa nhạc sách”. Khách mời danh dự của buổi gặp gỡ là họa sĩ tranh biếm họa nổi tiếng Park Jae-dong. Những câu chuyện, chia sẻ chân thành của ông, từ ngày mới bước chân vào nghề cho đến khi trở thành “cây đại thụ” của dòng tranh biếm họa, đã nhận được nhiều đồng cảm của công chúng. Họa sĩ Park Jae-dong tâm sự: “Do gia đình mở tiệm cho thuê truyện tranh nên từ nhỏ tôi đã được đọc rất nhiều loại truyện này. Đối với tôi, cửa tiệm là một hòn đảo kho báu. Mỗi ngày tôi đọc ít nhất 20 cuốn, tính ra mỗi năm là khoảng 7.000 cuốn và ba năm thì hơn 20.000 cuốn. Chắc không có ai đọc nhiều truyện tranh bằng tôi đâu. Tôi đã học được nhiều thứ từ truyện tranh như cách vẽ, cách thể hiện cảm xúc nhân vật, cách phát huy trí tưởng tượng, những thông tin bổ ích, bài học về tình bạn, tinh thần mạo hiểm… Nhờ đó mà tôi mới có được thành công như ngày nay.”



Tác phẩm mà họa sĩ mang đến để giới thiệu tại hòa nhạc là “Nhật ký của bố”, cuốn sách ghi lại những dòng tâm sự của người cha họa sĩ viết trong suốt 20 năm, từ năm 1971. Nay đã ở tuổi mà khi xưa cha mình qua đời, họa sĩ cho xuất bản cuốn sách này với mong muốn thể hiện nỗi nhớ đối với đấng sinh thành. Nói về lễ hội sách, họa sĩ Park Jae-dong chia sẻ: “Lễ hội sách mang đến cho mọi người khoảng thời gian thoải mái về tinh thần. Người lớn chúng ta ai cũng muốn được đắm mình trong những trang sách, nhưng do cuộc sống tất bật mà chưa thể thực hiện được. Thông qua những sự kiện như thế này, họ được thỏa sức thể hiện tình yêu sách của mình và truyền tình yêu đó cho con cái. Đến đây, họ đã có được những phút giây nghỉ ngơi thật giá trị.”

[Những hoạt động đọc sách hướng đến đối tượng học sinh và người khuyết tật]Trong lúc đó, Thư viện Jongno, cũng ở Seoul, thì đang tổ chức hoạt động viết báo tường cho các em học sinh tiểu học, lấy chủ đề về những cuốn sách mà các em đã đọc. Nhà văn chuyên viết sách cho thiếu nhi Jeong Hye-won, người phụ trách hướng dẫn cho các em, cho biết: “Các em được yêu cầu đọc các tác phẩm nổi tiếng thế giới như “Người lái buôn thành Venice” (The merchant of Venice) của William Shakespeare hay “Người thổi sáo thành Hamelin” (Der Rattenfänger von Hameln) của Anh em Grimm. Tuần sau sẽ đến các tác phẩm cổ điển của Hàn Quốc. Hôm nay là ngày tổng kết những gì đã đọc và tìm hiểu. Các em sẽ phải chọn một nội dung hay nhân vật đặc sắc trong những tác phẩm đó để viết thành một bài báo dưới dạng cảm tưởng hay phỏng vấn, vẽ hình hoặc thiết kế quảng cáo… rồi tập trung chúng lại để làm thành một tờ báo tường.”

Ngoài hoạt động báo tường nói trên, Thư viện Jongno cũng đang tiến hành lớp học “Xôn xao hành trình văn học sách giáo khoa” nhằm bồi dưỡng kiến thức và giá trị của các tác phẩm văn học nằm trong chương trình phổ thông mà nhiều em học sinh còn chưa nắm vững. Thủ thư Kim Yeon-jeong của thư viện cho biết: “Chúng tôi chọn ra khoảng 20 tác phẩm văn học được trích trong sách giáo khoa tiểu học rồi mời nhà văn đến để giảng dạy cho các em học sinh. Nhờ đó mà các em nắm vững tác phẩm dễ dàng và sâu sắc hơn. Sau đó, các em được yêu cầu thảo luận hay viết bài về đề tài này. Thật tốt nếu các em nhỏ giành nhiều sự quan tâm và tìm thấy niềm vui nơi trang sách. Tôi mong thư viện không chỉ là nơi mà thanh thiếu niên tìm đến để chuẩn bị cho việc thi cử mà còn là nơi diễn ra nhiều chương trình thú vị để các em có thể tham gia.”. Tham dự lớp học, các em không chỉ được ôn luyện kiến thức văn học, mà còn có dịp đọc, thảo luận và phát biểu cảm tưởng của mình về các tác phẩm. Hoạt động này giúp nuôi dưỡng tâm hồn các em trưởng thành hơn. Một học sinh chia sẻ: “Thật thú vị khi được trò chuyện, chia sẻ với các tác giả. Những lời phân tích và giải thích của họ giúp chúng em hiểu hơn về tác phẩm, đồng thời kích thích trí sáng tạo của chúng em. Em đang định mỗi ngày sẽ đọc một cuốn sách.”

Cô Kang Hye-jeong là một tình nguyện viên tích cực của Thư viện chữ nổi Seongbuk. Công việc của cô là đọc sách và thu âm lại giọng đọc của mình để làm thành sách nói giúp người khiếm thị có thể dễ dàng hiểu được nội dung các cuốn sách. Cô tâm sự: “Bình thường, tôi chỉ đọc cuốn sách mình yêu thích. Nhưng khi đến đây thu âm, tôi phải đọc cuốn sách mà người nghe muốn nghe. Nhờ vậy mà tôi đã được tiếp xúc với nhiều loại sách khác nhau, từ truyện võ hiệp, truyện thiếu nhi cho đến tiểu thuyết, thậm chí bài vở ôn thi. Chúng giúp tôi hiểu biết thêm rất nhiều. Hơn nữa, với công việc này, tôi sẽ không phải mất tiền để mua sách mới. Tôi thích công việc này vì nó khiến tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội.”

Cứ mỗi tháng một lần, Thư viện chữ nổi Seongbuk lại phải cập nhật các cuốn sách nói mới. Thế nên vai trò của những tình nguyện như Kang Hye-jeong là rất quan trọng. Cô Kim Yun-na, nhân viên của Thư viện này cho biết: “Rất nhiều người yêu thích công việc tình nguyện này. Vì có rất nhiều người xin làm nên chúng tôi phải tổ chức tuyển chọn. Những người trúng tuyển sẽ phải thu âm cuốn sách mà thư viên chọn lựa và họ phải tham gia đào tạo mỗi năm hai lần. Mọi file sách nói mới đều được chúng tôi đưa lên trang chủ của thư viện để người nghe tải về. Ngoài những tiểu thuyết Hàn Quốc đã nổi tiếng, chúng tôi cũng thu âm tiểu thuyết mới, các bài luận, sách lịch sử cùng không ít tác phẩm nước ngoài ăn khách.”

Một tình nguyện viên khác là cô Kim Su-jeong thì chia sẻ rằng mùa thu này, cô sẽ chọn một cuốn sách viết về du lịch để thu âm vào lần tới. Cô tiết lộ: “Tôi muốn đọc một cuốn sách về du lịch hay tranh vẽ để giúp người khiếm thị hình dung về nhiều địa điểm du lịch cũng như giúp họ vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp bằng trí tưởng tượng. Không phải người khiếm thị nào cũng bị mù bẩm sinh, có người lớn lên mới bị mất thị giác. Vậy nên tôi muốn dùng giọng nói của mình để gợi lại những hình ảnh ít ỏi mà họ đã từng có.”. Giọng đọc truyền cảm của Kim Su-jeong hẳn sẽ đưa nhiều người khiếm thị đến những vùng đất mới với biết bao điều kỳ thú mà họ không có may mắn được chiêm ngưỡng.

Vào cái thời chưa có internet hay smartphone thì sách là nguồn thông tin duy nhất mà con người có được. Sách là tâm điểm của mọi cuộc trò chuyện, sự kiện và là khởi nguồn của văn hóa mới. Ngày nay, cùng với sự ra đời của sách điện tử, con người không còn phải mang vác các cuốn sách nặng nề mà vẫn có thể thưởng thức câu chữ ở bất cứ đâu, bất khi nào. Dù vai trò của sách đang bị mất dần trong xã hội hiện nay nhưng những giá trị tri thức mà chúng chứa đựng thì không bao giờ mất đi. Nhà phê bình sách Jang Dong-seok cho biết: “Trong quá khứ, sách luôn dẫn đầu mọi xu hướng. Nhưng bắt đầu từ cuối thế kỷ 20 cho đến nay thì không còn như vậy nữa. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta tìm lại được chỗ đứng cho loại hình văn bản này. Nhờ internet, con người có thể tìm ra được bất cứ thông tin nào, nhưng đó chỉ là những thông tin thông thường. Còn để có được những tri thức, trí tuệ có giá trị thật sự của con người thì sách vẫn là thứ tốt nhất. Thông qua sách, những tri thức, trí tuệ mà chúng ta đã tích lũy sẽ được lưu truyền đến nghìn đời sau. Thêm nữa, sách cũng góp phần làm phong phú cuộc sống chúng ta. Hơn bất cứ khi nào, đây chính là lúc chúng ta cần tô điểm cuộc sống bằng những cuốn sách.”

Lựa chọn của ban biên tập