Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hình ảnh phố chợ Hàn Quốc xưa qua Lễ hội trải nghiệm Yukuijeon

2013-10-08



Một góc quận Jongno ở trung tâm thành phố Seoul bỗng trở nên huyên náo hơn thường ngày với sân khấu độc diễn của một diễn viên trong vai gã ăn xin đang cất giọng ca trầm ấm trên nền nhạc du dương. Đây là một hoạt động nằm trong Lễ hội trải nghiệm Yukuijeon lần thứ 8 diễn ra trong hai ngày 28 và 29/9 vừa qua.

[Đôi nét về Yukuijeon và Lễ hội trải nghiệm Yukuijeon]Nhà tổ chức và nghiên cứu văn hóa Yang Hyo-ju đến từ Bảo tàng Yukuijeon cho biết: “Yukuijeon (Lục Hĩ Triền) là tên gọi của sáu tuyến phố buôn bán lớn nhất ở thành Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của Seoul) trong triều đại Joseon (Triều Tiên, 1392-1910) của Hàn Quốc. Những tuyến phố này được đích thân nhà vua đặt ra, có đặc quyền kinh doanh mỗi nơi một mặt hàng độc quyền và chuyên cung cấp cho hoàng cung. Sáu mặt hàng ấy là lụa, vải bông, vải tơ tằm, vải đay, giấy và cá.”

Yukuijeon được hình thành từ thời vua Taejong (Thái Tông) ở thế kỷ thứ XV. Khu này nằm ngay giữa Jongno rồi phát triển tỏa ra và mô phỏng đúng theo mô hình phố chợ của kinh đô triều đại Goryeo (Cao Ly, 918-1392) là Gaegyeong (Khai Kinh, tên gọi xưa của thành phố Gaesung, nay thuộc Bắc Triều Tiên). Trung tâm của Yukuijeon hiện chính là một phần của khu vực con suối Cheonggye. Nhà tổ chức và nghiên cứu văn hóa Yang Hyo-ju cho biết thêm: “Ngoài chức năng buôn bán đơn thuần, Yukuijeon còn đóng vai trò cung cấp nhu yếu phẩm cho hoàng cung và cơ quan nhà nước ở gần đó. Hàng hóa ở đây tuy đắt, nhưng chất lượng thì miễn chê, có thể ví như những tiệm hàng hiệu trong các trung tâm thương mại ngày nay. Do đó, đối tượng khách hàng của Yukuijeon rất giới hạn. Thường dân khó có khả năng mua hàng tại đây, phần vì giá cả, phần vì vị trí quá gần các cung điện.”

Để có được đặc quyền kinh doanh tại Yukuijeon, các thương nhân phải có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước. Nhà tổ chức và nghiên cứu văn hóa Yang Hyo-ju cho biết: “Thương nhân đóng thuế được kinh doanh tại “thị triền”, tức các phố buôn bán có phép, nhận được nhiều sự bảo trợ và đặc ân từ vua. Còn những ai không đóng thuế thì phải kinh doanh ở “loạn triền”, tức phố buôn bán trái phép, chịu sự chi phối của thương nhân đóng thuế. Hai trong số những đặc ân lớn nhất mà thương nhân đóng thuế nhận được là không phải thực hiện chế độ quân dịch và chế độ phu dịch.”

Yukuijeon lúc nào cũng là nơi buôn bán tấp nập với sự hiện diện của những món hàng đắt tiền và những thương gia tất bật. Ở đây, trước kia có một con đường mà chỉ cần nghe tên là người ta đã hình dung ra được sự tấp nập của Yukuijeon, đó là Unjongga. Bà Yang Hyo-ju giải thích: “Un”, âm Hán là “vân”, có nghĩa là “mây”; “jong” (tòng), có nghĩa là “đi theo” còn “ga” (nhai) có nghĩa là “con đường”. Unjongga (Vân Tòng Nhai) có nghĩa là con đường nơi hàng hóa và con người lúc nào cũng nhiều và ra vào tấp nập như mây bay trên trời. Ở Jongno (Chuông Lộ) vốn có một quả chuông và cứ vào mỗi tối người ta lại gióng lên bảy hồi chuông để kết thúc một ngày buôn bán. Nghe thấy tiếng chuông là mọi người tự động tạm ngưng công việc và tản về bốn phương tám hướng.”



Yukuijeon khi xưa bao bọc cả quận Jongno, suối Cheonggye và một phần của chợ Namdaemun ngày nay. Nhưng Lễ hội trải nghiệm Yukuijeon lần này chỉ diễn ra giới hạn trong đặc khu du lịch Cheonggye. Đặc khu du lịch này bao gồm suối Cheonggye và các dãy phố với trên 15.000 cửa hiệu buôn bán quần áo, giầy dép, vàng bạc, văn phòng phẩm… xung quanh con suối. Trong hai ngày lễ hội, một đoạn đường dài 3,54 km từ đại lộ Sejong đến ngã tư phường Sungin được trang hoàng tương tự với những hình ảnh của Yukuijeon 600 năm về trước.

Lễ hội đặc biệt tái hiện rõ nét các tuyến phố kinh doanh sáu loại mặt hàng độc quyền là hàng lụa, hàng vải bông, hàng vải tơ tằm, hàng vải đay, hàng giấy và hàng cá. Đến đây, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng những món đồ tưởng chừng như chỉ còn trong ký ức như khung cửi xe sợi hay khung cửi dệt vải. Ông Jang Byeong-hak, Chủ tịch Hiệp hội Đặc khu du lịch Cheonggye, giới thiệu:
“Chúng tôi đã tái hiện hình ảnh xưa của Yukuijeon với sáu tuyến phố. Hồi trước, khi bắt được cá, người ta đem ướp muối rồi mang đến hàng cá để bán. Quá trình ướp muối này cũng như các cách thức buôn bán đã được chúng tôi dàn dựng lại để du khách tìm hiểu và so sánh với hiện tại. Ngoài ra, du khách còn bắt gặp hình ảnh các nghệ nhân ngồi xe sợi, dệt vải bên khung cửi.”

Mỗi tuyến phố có một kiểu bảng hiệu riêng tùy theo đặc tính của từng nơi. Ngày xưa, khi chưa có bảng hiệu thì các cửa hàng thường treo cờ và nó đóng một vai trò rất quan trọng đối với Yukuijeon. Nhà tổ chức và nghiên cứu văn hóa Yang Hyo-ju giải thích: “Cờ được xem là bảng hiệu của các cửa hàng ở Yukuijeon. Chúng được làm từ vải và có kích thước vô cùng to lớn, chỉ được treo phía trước mỗi khi cần thể hiện uy lực, chứ không giống như bảng hiệu ngày nay, luôn được đính chặt một chỗ. Ví dụ, nếu hàng lụa và hàng giấy “tuyên chiến” với nhau thì hai bên sẽ luôn tìm cách dựng một lá cờ to hơn đối phương. Các cửa hiệu có treo cờ “Tuyến triền” (quán sợi) sẽ bán các sản phẩm lụa, còn trên lá cờ ghi “Chỉ triền” có nghĩa là các cửa tiệm bán mặt hàng giấy.”

[Những nét đặc sắc của Lễ hội trải nghiệm Yukuijeon]Lần theo những tấm bảng hiệu, chúng ta hãy cùng khám phá sáu tuyến phố đặc biệt này. Đầu tiên là hàng giấy. Hanji là một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc và là mặt hàng sinh hoạt thiết yếu của người Hàn khi xưa. Tuyến phố này lúc nào cũng chỉ thấy toàn người là người. Không một du khách nào có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những vật phẩm tinh tế được làm từ Hanji. Chủ của một cửa hàng giấy là ông Jeon Sang-hyeon cho biết: “Ngày xưa, người ta bán rất nhiều loại giấy Hanji truyền thống từ các loại cao cấp dùng trong triều đình cho đến giấy dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Những thứ như miếng lót giầy, dây thừng hay đèn lồng đều được làm từ loại giấy này. Ngày nay, chúng tôi sử dụng nó để làm ra những vật dụng hiện đại, trông rất bắt mắt. Tại lễ hội, ngoài việc tái hiện lại hàng giấy thời Joseon, chúng tôi còn mang đến những vật phẩm mang hơi thở hiện đại, đồng thời, tạo điều kiện để du khách có thể trải nghiệm với loại giấy này.”

Còn bây giờ là đến hàng vải đay. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách sẽ là bộ khung cửi dệt vải. Theo lời mời của ban tổ chức lễ hội, nghệ nhân Yoon Hyang-suk đã lặn lội từ huyện Bosung, tỉnh Nam Jeolla, lên tận Seoul để dựng gian hàng và ngồi dệt vải. Dưới đôi tay khéo léo của người thợ, những sợ đay ngang, dọc đan chéo nhau nhanh chóng tạo nên một tấm vải. Không ít du khách đã tỏ ra mong muốn được trải nghiệm công việc thú vị này nhưng có làm biết nó không hề dễ một chút nào.

Đứng trước nguy cơ nghề dệt vải đay đang bị mai một, nghệ nhân Yoon Hyang-suk tâm sự:
“Vải đay đang bị các mặt hàng khác lấn lướt. Ở dưới quê, bây giờ chỉ còn lại những bà già theo nghề này, chứ người trẻ không ai làm cả. Nhiều người thợ làm cả ngày mà vẫn chẳng kiếm được bao nhiêu. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng giữ lấy nghề nhưng nó vẫn đang bị mai một. Thật là đáng tiếc! Mùa hè mà mặc quần áo làm từ vải đay thì mát phải biết. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi vẫn nỗ lực duy trì nghề. Xét theo mức độ vất vả và công sức bỏ ra thì giá hàng vải đay không thể nói là quá đắt đỏ.”. Sau một khoảng thời gian mải miết ngồi bên khung cửi là bạn đã có được một chiếc túi vải đay tiện dụng. Vải đay từng được coi là một sản phẩm quý giá, nhưng giờ đây thường được dùng để lọc nước hầm thịt hay dựng thảo dược rồi ngâm vào bồn tắm để tạo mùi hương…

Hàng lụa luôn là nơi thu hút sự quan tâm của du khách nhiều nhất. Đến đây, du khách có cảm giác như bị lạc vào thế giới lụa với hằng hà sa số các vật phẩm sinh hoạt được làm từ chất liệu đa hình đa sắc này. Ngay chính bảng hiệu của tuyến phố này cũng sặc sỡ hơn những nơi khác. Chúng lúc nào cũng lấp lánh như mời chào du khách ghé vào. Một chủ cửa hàng cho biết:
“Chúng tôi gần như không bán được tấm lụa nào mà chỉ bán được những vật phẩm được làm từ lụa như: miếng gói đồ, túi đựng tiền, đồ cắm kim, đế lót ly, túi đựng bút… Khách hàng mua những thứ này rất nhiều vì màu sắc và thiết kế đẹp, đa dạng mà lại rẻ. Thứ du khách nước ngoài thích mua nhất là đế lót ly.”

Trong số các tuyến phố thì chỉ duy nhất một nơi mà bạn có thể tìm được thứ có thể ăn được, đó là hàng cá. Ông Jeon Sang-hyeon, chủ một cửa hàng cá khô, cho biết: “Lẽ ra hàng cá thì phải bán cá tươi sống nhưng do điều kiện bảo quản khó khăn nên chúng được thay thế bằng cá khô. Ở thời Joseon, người ta bán khoảng 30 loại cá, mực. Hiện tại, chúng tôi đang bày bán mực khô, cá minh thái khô, tôm khô…”.

Tuy chủ yếu bán các loại cá khô, nhưng mặt hàng được du khách, nhất là du khách nước ngoài, mua nhiều lại là lá rong biển được chế biến theo kiểu truyền thống.

Song song với việc bày bán sáu loại mặt hàng để du khách thưởng lãm, ban tổ chức lễ hội còn bố trí tại khu trải nghiệm một số trò chơi truyền thống đa dạng của Hàn Quốc như đá cầu, đánh quay… Những trò chơi nay không chỉ thu hút trẻ em mà còn cả người lớn, góp phần tạo thêm bầu không khí hứng khởi cho phố chợ. Một du khách trung niên bồi hồi nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi đánh quay giỏi lắm. Sau 50 năm không đụng đến, giờ chơi lại thì tệ quá... Tuy hình dạng con quay có khác trước nhưng cái cảm giác ngày xưa thì vẫn vẹn nguyên trong tôi. Luyện thêm chút nữa chắc tôi sẽ lại chơi tốt ngay thôi.”

Tuy không to lớn, hoành tráng như Yukuijeon thời xưa nhưng lễ hội cũng đã phần nào tái hiện được khung cảnh một thời của khu phố chợ này. Những trải nghiệm thú vị tại đây khiến du khách như được quay về với Hàn Quốc của thời kỳ phong kiến. Một du khách chia sẻ: “Lúc đầu, tôi không biết Yukuijeon là gì và nghĩ chắc chỉ là nơi bán buôn gì đó thôi. Đến đây, tôi đã được nghe giải thích tận tình về Yukuijeon, lại được làm giấy Hanji… Không ngờ, hôm nay vô tình đến mà lại thu lượm được quá nhiều điều bổ ích.”

Hiện nay, bên trái cổng Samilmun (Tam Nhất Môn) của công viên Tapgol ở quận Jongno vẫn còn lưu giữ một tấm bia đá, dấu tích của Yukuijeon. Cạnh bia đá là tòa nhà Yukuijeon, nơi có Bảo tàng Yukuijeon ở tầng ngầm một. Nhà tổ chức và nghiên cứu văn hóa Yang Hyo-ju giới thiệu: “Từ năm 2003, nhiều tòa nhà cũ nát ở khu vực quận Jongno đã được tu sửa hoặc xây mới lại. Một người dân đã mua đất đai để xây dựng một tổ hợp thương mại. Trong lúc đang tiến hành thi công thì vào ngày 1/1/2004, các công nhân đã phát hiện ra một tảng đá làm móng nhà. Việc xây dựng đã được đình chỉ lại để tiến hành kiểm tra giá trị văn hóa của di tích. Trong đợt khai quật đầu tiên, các nhà khảo cổ đã xác định đây chính là dấu tích nơi đặt các cửa tiệm vào thế kỷ XVI. Do khu này nằm cạnh công viên Tapgol, vốn cũng là một di tích lịch sử-văn hóa, các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật lần thứ hai và phát hiện ra di tích Yukuijeon có từ thế kỷ XV.”

Bảo tàng hiện đang lưu giữ những di tích khảo cổ còn xót lại của Yukuijeon khi xưa. Du khách có thể thoải mái đi lại và quan sát di tích nằm ở bên dưới và được một lớp kính chịu lực bao bọc, như một minh chứng rõ ràng nhất về sự tồn tại của Yukuijeon. Đây là nơi có di tích được bao bọc bằng lớp kính lớn nhất châu Á. Đi trên những dấu vết lịch sử, không ít du khách cảm thấy bồi hồi như được quay ngược thời gian. Và bước chân họ tự nhiên nhẹ nhàng hơn như để trân trọng di tích đáng giá này.

600 năm đã trôi qua, tuy không còn ở trong thời kỳ hoàng kim nữa, nhưng hàng chục nghìn cửa hàng của nơi từng là Yukuijeon khi xưa vẫn đứng san sát và tấp nập xe cộ, người mua kẻ bán cùng bạt ngàn hàng hóa như ngày nào. Nhờ Lễ hội trải nghiệm Yukuijeon mà một phần tinh thần của sáu tuyến phố này được khơi dậy, đồng thời mang đến cho du khách cơ hội được quay về với trung tâm văn hóa và thương nghiệp của xứ sở Kimchi một thời.

Lựa chọn của ban biên tập