Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bảo tàng văn học cận đại Hàn Quốc

2013-10-15



[Vài nét về bảo tàng và dòng văn học cận đại Hàn Quốc]Năm 1883, cảng Incheon, nằm tiếp giáp phía Tây với thành phố Seoul, được mở cửa, tạo điều kiện cho văn hóa phương Tây du nhập vào Hàn Quốc. Đến năm 1934, những hình ảnh về khu cảng này vào thời đó đã được miêu tả rõ nét trong văn học thông qua tiểu thuyết “Vấn đề con người” của tác giả Kang Kyeong-ae. Trong đó có đoạn: Tọa lạc trên vùng đất trung tâm của Joseon (vương triều trước trên bán đảo Hàn Quốc), cảng Incheon là cảng nhân tạo lớn nhất của triều đại này. Nó có rất nhiều thứ đáng để xem. Tại đây, có hàng nghìn chiếc thuyền hơi nước khổng lồ bốc khói nghi ngút đang neo đậu dọc theo bến cảng.

Với sự thâm nhập ồ ạt của hàng hóa phương Tây, rất nhiều kho hang đã ra đời xung quanh cảng Incheon. Trong số đó, có bốn nhà kho được xây bằng gạch đỏ với tổng diện tích 1.600 m2 vẫn còn sót lại ở phường Haean, quận Jung tại thành phố Incheon, như một minh chứng lịch sử sống động và quý báu về khu cảng này. Được xây dựng từ những năm 1930, trải qua bao nhiêu năm, những nhà kho trên đã trở nên cũ kỹ và mục nát. Mới đây, chúng đã được chỉnh trang, tu sửa và được mở cửa với tên gọi mới là “Bảo tàng văn học cận đại Hàn Quốc” vào ngày 27/9. Giám đốc bảo tàng, ông Lee Hyun-sik, giới thiệu: “Phần lớn bảo tàng văn học tại Hàn Quốc là bảo tàng giới thiệu về một nhà văn nào đó, ví dụ như bảo tàng Lee Hyo-seok, bảo tàng Kim Yu-jeong… Điểm khác biệt của Bảo tàng văn học cận đại Hàn Quốc là nó tổng hợp tất cả những gì thuộc về văn học cận đại của đất nước này từ những năm 1890 cho đến năm 1948. Đây là nơi trưng bày bản gốc của những tác phẩm từng xuất hiện trong sách giáo khoa các cấp của Hàn Quốc. Được tạo nên bằng câu chữ, có thể nói văn học là nền tảng căn bản văn hóa của một đất nước. Những học sinh ngồi trên ghế nhà trường có thể cho rằng văn học rất nhàm chán, nhưng đó chỉ là trước khi đến bảo tàng này. Khi đến đây, các em sẽ dễ dàng nắm vững được về hệ thống văn học thông qua cách bày trí theo mốc thời gian cùng nhiều hoạt động trải nghiệm.”



Là thành viên thứ 61 của Hiệp hội các bảo tàng văn học Hàn Quốc, Bảo tàng văn học cận đại không đơn thuần chỉ là nơi tôn vinh một cá nhân hay một tác phẩm nào, mà được xem như một bảo tàng văn học tổng hợp đầu tiên của Hàn Quốc, nơi tập trung tất cả những gì thuộc về văn chương từ cuộc cách mạng năm Giáp Ngọ 1894 đến khi thành lập Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc năm 1948. Nhằm phản ánh đúng không gian lịch sử, các tòa nhà của bảo tàng tuy được chỉnh trang nhưng vẫn giữ lại những dấu tích nguyên bản từ cột gỗ, xà nhà, trần nhà cho đến tường gạch. Với trên 29.000 bản gốc và bản thảo quý hiếm, nơi đây xứng đáng là bảo tàng văn học lớn nhất Hàn Quốc. Vì lý do gì mà nó lại được đặt ở gần cảng Incheon? Giám đốc Lee Hyun-sik giải thích: “Vị trí hiện tại của bảo tàng chính là cảng Jemulpo (Tế Vật Phố, tên gọi cũ của Incheon) được mở cửa vào năm 1833. Đây cũng chính là bối cảnh trong tiểu thuyết “Nước mắt của máu” của nhà văn Lee In-jik và tiểu thuyết “Vấn đề con người” của nhà văn Kang Kyeong-ae. Cảng Jemulpo là cửa ngõ tiếp nhận luồng văn hóa cận đại phương Tây du nhập vào Hàn Quốc và đặt nền móng cho văn học cận hiện đại Hàn Quốc.”

Văn học Hàn Quốc từ năm 1894 đến năm 1948 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng văn hóa và các luồng tư tưởng phương Tây. Hàn Quốc trong thời kỳ này đang chuyển mình thành một quốc gia cận đại. Trong lúc chính quyền phong kiến đang rệu rã, thực dân Nhật lăm le xâm chiếm, xã hội nảy sinh nhiều mâu thuẫn về tư tưởng thì cũng là lúc dòng văn học mới tạo dựng được chỗ đứng vững chắc và giữ vai trò ghi nhận sự thay đổi của thời đại cũng như tâm lý người Hàn. Thế nên, dòng văn học cận đại có vị trí vô cùng quan trọng trong nền văn học Hàn Quốc. Giám đốc Lee Hyun-sik cho biết: “Nói đến làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, người ta thường nói đến phim ảnh, âm nhạc nhưng khởi nguồn của nó lại chính là văn học. Văn học cận đại chính là gốc rễ của văn học hiện đại. Do đó, chúng ta phải nắm vững nguồn gốc và quá trình hình thành của nó. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu không phải chỉ sau ngày một, ngày hai mà hình thành. Nó là kết quả của cả một quá trình phát triển lâu dài mà các nhà văn phải tích cực cống hiến mới có được. Dòng văn học cận đại phát triển trong giai đoạn lịch sử khi Hàn Quốc đang đứng trước muôn vàn sóng gió, hết bị thực dân đô hộ rồi đến chia cắt đất nước. Quá trình đó đã được lưu lại trong các tác phẩm văn học và đặt nền móng hình thành nên làn sóng văn hóa Hallyu ngày nay.”

Bảo tàng văn học cận đại Hàn Quốc có hai tầng. Tại phòng triển lãm ở tầng 1, du khách sẽ được tìm hiểu về các tiểu thuyết, truyện ngắn… của những tác giả tiêu biểu. Nơi đây còn bố trí một góc trưng bày nhỏ ở cửa ra vào với những cuốn sách quý, mỗi cuốn chỉ còn sót lại một quyển duy nhất. Ham Tae-young, người phụ trách quản lý và tổ chức bảo tàng, cho biết:
“Góc trưng bày nhỏ này là nơi giới thiệu đến du khách những tài liệu quan trọng và đặc trưng mà bảo tàng đang sở hữu. Chúng tôi đang cho trưng bày tập thơ “Hoa hiên” của nhà thơ Kim Eok, xuất bản năm 1934, tài liệu quý nhất mà chúng tôi có được. Đương thời, nó chỉ được xuất bản 25 cuốn và đây chính là cuốn duy nhất còn sót lại. Nó là thành quả lao động của một nhà thơ, một họa sĩ tài ba bậc nhất thời bấy giờ. 15 tác phẩm bao gồm tranh và chữ viết trong đây đều do chính tay tác giả viết và vẽ.”. Các bài thơ trong tập thơ “Hoa hiên” được nhà thơ Kim Eok dịch sang từ thơ chữ Hán. Tuy đã ngả màu hoen ố của thời gian nhưng tập thơ đã phần nào nói lên diện mạo văn chương và mỹ thuật Hàn Quốc những năm 1930.

[Đi một vòng bảo tàng để khám phá một dòng văn học]Bước vào phòng triển lãm ở tầng 1, đầu tiên du khách sẽ được quay về với giai đoạn 1894-1910, giai đoạn đầu hình thành của văn học cận đại Hàn Quốc. Phụ trách Ham Tae-young giới thiệu: “Chúng tôi đang trưng bày bản gốc của hai trong số các phẩm tiêu biểu nhất ở thời kỳ này là “Bài ca về tuyến tàu hỏa Gyeongbu – nối Seoul và Busan” và “Từ mặt trời đến cậu bé” của Choi Nam-seon, cùng ba tập bài hát chép tay thời bấy giờ. Đây cũng là giai đoạn hình thành dòng tiểu thuyết mới cũng như dòng tiểu thuyết lịch sử. Khách tham quan có thể tìm thấy bản gốc của các tác phẩm đầu tiên thuộc dòng tiểu thuyết mới là “Nước mắt của máu” và tiểu thuyết ngụ ngôn “Ghi chép về cuộc họp của động vật”.”. Tác phẩm “Bài ca về tuyến tàu hỏa Gyeongbu” đã được tái hiện bằng âm thanh kỹ thuật số để du khách có thể nghe trực tiếp.

Bầu không khí ở góc văn học những năm 1910 tối tăm hơn những nơi khác của phòng triển lãm. Bởi vì đây là giai đoạn thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Tuy là một thời kỳ lịch sử đen tối nhưng các nhà văn lại hoạt động rất tích cực. Phụ trách Ham Tae-young cho biết:“Tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này là “Trò chơi lửa” của nhà thơ Chu Yo-han, bài thơ theo thể tự do đầu tiên của Hàn Quốc. Sự ra đời của bài thơ được chúng tôi giới thiệu bằng biểu đồ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trưng bày bản gốc của tập thơ “Sớm tinh mơ tươi đẹp”, tập thơ đầu tay của nhà thơ Chu Yo-han. Góc này cũng trưng bày quyển tạp chí văn hóa mang tên “Sáng tạo” do nhà văn Kim Dong-in chủ biên. Chúng tôi đã làm một bản sao để du khách có thể tự tay lật đọc. Nói đến giai đoạn này, không thể bỏ qua “Vô tình” của Lee Gwang-su, tiểu thuyết cận đại đầu tiên của Hàn Quốc. Du khách có thể đọc tác phẩm này bằng màn hình cảm ứng.”Bắt đầu từ năm 1919, thời điểm nổ ra Phong trào độc lập 1/3, nỗi buồn mất nước dường như hiện diện khắp nơi trong các tác phẩm văn học, mà cụ thể là bài thơ “Xuân có còn về trên cánh đồng bị cướp?” nằm trong tập thơ “Khai tịch”, tập thơ đầu tay của nhà thơ Lee Sang-hwa. Bài thơ có đoạn:



Xuân có còn về trên cánh đồng bị cướp, nay đã thuộc về người khác?
Hương cỏ như quấn quanh thân tôi.
Giữa hỗn độn những nụ cười xanh rờn, những nỗi buồn xanh rờn,
Cả ngày, tôi bước đi trong chống chếnh. Lẽ nào hồn xuân cũng muốn níu giữ tôi.
Nhưng, giờ thì cánh đồng đã bị cướp, mùa xuân cũng bị cướp mất rồi.


Nơi đây còn có một góc dành cho hai nhà thơ dân tộc tiêu biểu của giai đoạn này là Kim So-wol và Han Yong-un. Tại đây, du khách có thể trực tiếp chạm tay vào bản sao các tập thơ của họ và thoải mái thưởng thức. Khi nghe những ca khúc đại chúng phổ từ thơ của các nhà thơ cận đại phát trong bảo tàng, rồi đọc những dòng thơ xưa của họ, du khách có cảm giác như được quay về và sống trong thời đại mà những nhà thơ ấy đã sống. Trong giai đoạn 1925-1935, tổ chức “Đồng minh nghệ sĩ vô sản Joseon” (Korea Artista Proleta Federatio), được viết tắt là KAPF, một tổ chức quan trọng đối với nền văn học cận đại Hàn Quốc được thành lập. Với sự hoạt động của KAPF, văn học cận đại Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ. Phụ trách Ham Tae-young cho biết: “Sự ra đời của KAPF đã tiếp thêm sức mạnh để văn học Hàn Quốc mạnh mẽ phản ánh hiện thực xã hội. Các tác phẩm tiêu biểu, ghi lại dấu ấn trong giai đoạn này có thể kể đến như “Chuyện trốn chạy” của Choi Seo-hae hay “Thời kỳ quá độ” của Han Sul-ya. Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu bản gốc xuất bản lần đầu của một tác phẩm cũng rất nổi tiếng là “Cô Sun-yi ở ngã tư” của Im Hwa.”

Giai đoạn 1935-1945 là giai đoạn đen tối nhất đối với đất nước cũng như văn học Hàn Quốc. Với dã tâm làm bá chủ toàn cầu, thực dân Nhật đã leo thang chiến tranh ở khắp nơi và tăng cường đàn áp dã man. Để vượt qua hiện thực khắc nghiệt đó, rất nhiều nhà thơ đã tìm đến một thế giới thơ nêu cao ý chí sống và mang đậm hình ảnh quê hương, đất nước. Dòng thơ này được gọi là “Phe sinh mệnh”. Phụ trách Ham Tae-young giải thích: “Đây là các tập thơ của ba nhà thơ thuộc Phe sinh mệnh và hai nhà thơ xuất thân từ miền Bắc (nay thuộc Bắc Triều Tiên) là Baek Seok và Lee Yong-ak. Trong số đó thì hai cuốn “Tập thơ Hoa xà” của Seo Jung-ju là thuộc hàng hiện vật quý nhất của bảo tàng. “Tập thơ Hoa xà” được in 100 cuốn nhưng điều đặc biệt là các cuốn từ 1 đến 15 được đích thân tác giả viết giải thích và tặng cho bạn bè. Một trong hai cuốn mà chúng tôi đang có là cuốn số 13 mà tác giả đã tặng cho nhà thơ Park Hwa-mok. Cuốn còn lại là bản phổ cập đại chúng. Qua bản phổ cập này, chúng ta cũng có thể biết được tình hình lưu thông, phân phối sách thơ hồi đó.”

Bước sang giai đoạn 1945-1948, văn học Hàn Quốc chuyển mình sang một giai đoạn mới, thể hiện niềm vui khi đất nước được giải phóng. Đến đây, những tác phẩm vốn chưa được xuất bản lúc trước như “Tập thơ Lục Sử” (Lục Sử là tên Yuk-sa của nhà thơ theo âm Hán) của nhà thơ Lee Yuk-sa hay “Trời, gió, sao và thơ” của nhà thơ Yun Dong-ju đã được tự do ra mắt công chúng. Du khách cũng có thể chạm tay vào bản sao của các cuốn sách này và cảm nhận “sức nặng” của chúng.

Khắp nơi trong bảo tàng là sự hiện diện của 136 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ của khoảng 50 tác giả tiêu biểu cho dòng văn học cận đại. Để du khách dễ dàng cảm nhận, ngoài cách bố trí khoa học và mạch lạc, bảo tàng còn có dịch vụ hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài dành cho du khách ngoại quốc. Giám đốc bảo tàng, Lee Hyun-sik cho biết:
“Chúng tôi có phiên dịch ba thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật. Trong đó, khách Trung Quốc và khách Nhật Bản đến nhiều nhất. Đến với bảo tàng, họ có thể hiểu hơn về nét đẹp văn hóa cũng như tinh hoa văn học của Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện liên quan khác và hy vọng ngày càng có nhiều du khách nước ngoài ghé thăm.”



Tầng 2 của bảo tàng, nơi giới thiệu về các nhà văn của Incheon, chào đón du khách bằng những vết tích còn vẹn nguyên dấu ấn của thời gian, in hằn trên các bức tường và trần nhà. Bước ra khỏi phòng triển lãm ở tầng này, du khách sẽ tiến vào một không gian trong suốt với trần và hai phía trước, sau được bao bọc bởi kính. Đứng dưới những tia nắng thu ấm áp, không ít người bỗng dưng lại muốn đọc sách. Một du khách chia sẻ: “Bảo tàng nằm tại một nơi rất có ý nghĩa ở Incheon. Xung quanh đây có rất nhiều thứ thú vị đáng xem. Tôi thấy vui vì được gặp lại những tác phẩm đã được học thời phổ thông. Hồi đó tôi đã không mấy thiết tha đọc chúng. Bây giờ, tôi lại muốn tìm đọc vì thấy chúng phản ánh thời kỳ đó rất sinh động. Tôi còn ấn tượng với cách bố trí những cuốn tạp chí xưa mà bây giờ không còn tại bảo tàng này.”

Được tu sửa từ một kho hàng cũ kỹ, Bảo tàng văn học cận đại Hàn Quốc ngày nay là nơi để khách tham quan tìm đến để tìm hiểu về lịch sử văn học cận đại, cũng như có cơ hội được chiêm ngưỡng bản gốc của các tác phẩm văn chương quý hiếm của Hàn Quốc. Đây cũng là nơi mà du khách trong và ngoài nước được thỏa sức đắm mình trong những niềm vui đa dạng mà văn học mang đến cho con người.

Lựa chọn của ban biên tập