Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul và công viên Khu rừng mơ ước

2013-10-22



Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul nằm ở phường Junggye, quận Nowon, thành phố Seoul, vừa được khai trương hôm 24/9 sau năm năm thi công. Đây là bảo tàng mỹ thuật thứ tư do chính quyền thành phố thành lập và quản lý, cùng với Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul, Bảo tàng mỹ thuật phía Nam Seoul và Bảo tàng mỹ thuật cung Gyeonghui.

[Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul, không gian nghệ thuật mang tính công đồng]Vị trí Đông Bắc Seoul nơi bảo tàng tọa lạc không phải là một địa điểm quá huyên náo nhưng lại là nơi có thiên nhiên trong lành và ẩn chứa rất nhiều tiềm năng văn hóa, nhất là về hội họa. Từ ngày mở cửa, bảo tàng đã trở thành không gian chung của nghệ sĩ và người dân. Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul Choi Seung-hun cho biết: “Đây là bảo tàng do Chính quyền Seoul thành lập để phục vụ người dân, nhất là người dân sống ở đây, thông qua các chương trình đa dạng. Khu vực này có nhiều người hoạt động văn hóa nhưng chưa có nhiều người tạo dựng được tên tuổi. Bảo tàng là nơi để họ thực hiện điều đó. Bảo tàng chính là nơi giới thiệu đến người dân những tiềm năng văn hóa hiện hữu ở khu vực này nhưng vẫn chưa được phát hiện ra.”

Từ ga Hagye hoặc ga Junggye của tuyến tàu điện ngầm số 7, du khách có thể thoải mái men theo những con đường rợp bóng cây xanh của công viên Junggye để tiến vào bảo tàng. Giám đốc Choi Seung-hun cho biết thêm: “Bảo tàng nằm trong công viên Deungnamu (công viên Cây mây). Các nhà quản lý luôn muốn biến bảo tàng trở thành một nơi gần gũi với cuộc sống, mang nghệ thuật đến gần với sinh hoạt của người dân, nhưng điều đó rất khó. Mỹ thuật không dễ để tiếp cận và điều đó khiến cho nhiều bảo tàng không thu hút được sự quan tâm của người dân. Nhưng ở đây có nhiều cung đường cây xanh để người dân thoải mái đi dạo và đưa họ đến với bảo tàng, thậm chí là vào chiều tối. Rồi họ được nhìn ngắm tranh ảnh, được biết về các chương trình mình đang quan tâm. Cứ như thế, tự nhiên người ta đến gần hơn với bảo tàng.”



Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul rộng 17.113 m2, gồm ba tầng nổi và ba tầng ngầm. Nhìn từ trên xuống, tòa nhà có hình dáng như hai cuốn sách đặt nằm với không gian xung quanh được thiết kế hướng đến thiên nhiên. Bản thân tòa nhà cũng là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc đã được trao giải thưởng “Kiến trúc đẹp” của Seoul năm nay. Khu vực phía bắc Seoul vốn trước đây chỉ dày đặc các khu chung cư và trung tâm học thuật. Tuy nhiên, sau khi công viên Khu rừng mơ ước mở cửa năm 2009, nay đến bảo tàng này được khánh thành, khu vực phía bắc Thủ đô bỗng nổi lên như một “thánh địa” mới của văn hóa-nghệ thuật.

Bảo tàng được xây dựng trên một gò đất, xung quanh trồng rất nhiều cây xanh. Toàn bộ khuôn viên bảo tàng được các ngọn núi Surak và núi Buram bao bọc. Khung cảnh thiên nhiên hữu tình đủ để níu bước chân du khách. Cô Kim Hye-jin, người phụ trách quản lý và tổ chức triển lãm của bảo tàng, giới thiệu:
“Bảo tàng được chia thành ba khu vực, gồm một gallery thiếu nhi, một gallery ảnh và hai phòng dành cho các cuộc triển lãm luân phiên. Phần lớn các tác phẩm ở đây đều thuộc quyền sở hữu của chúng tôi. Nhân dịp khai trương, chúng tôi tổ chức một cuộc triển lãm ảnh với chủ đề “Phong cảnh Seoul” ở gallery ảnh, triển lãm ảnh “Tôi yêu Seoul” tại gallery thiếu nhi. Còn tại hai phòng triển lãm lớn thì trưng bày tác phẩm của các tác giả từ những năm 1970 trở lại. Đồng thời, chúng tôi cũng giới thiệu đến du khách lịch sử mỹ thuật Hàn Quốc, giúp họ nhận thức và khám phá ra nhiều điều mới mẻ về thành phố nơi mình đang sống.”

Nơi đặc biệt lôi cuốn sự chú ý của du khách chính là gallery thiếu nhi nằm ở tầng ngầm một của bảo tàng. Bước vào đây, du khách lập tức bị hút mắt vào những tác phẩm nghệ thuật bằng ni-lông đa hình đa sắc đang chuyển động trên trần nhà. Giám đốc bảo tàng Choi Seung-hun cho biết: “Các tác phẩm chuyển động như sinh vật sống này nhận được nhiều phản ứng tốt từ du khách. Để giúp chúng chuyển động, chúng tôi lắp một cái quạt ở phía trên để điều hòa gió ra vào, kết hợp với bơm và hút không khí phía trong tác phẩm. Chúng khiến nhiều người liên tưởng đến những sinh vật đang bơi lội trong đại dương.”. Các tác phẩm ni-lông này như đang vẫy tay mời gọi và chào mừng du khách, nhất là các du khách nhí. Một trong những tác phẩm đáng chú ý là “Laputa” của tác giả Lee Byung-chan. Nó thật sự rất sống động với các gam màu trung tính của hồng, vàng, xanh vỏ đậu, xanh dương, trắng… Đúng như tên gọi, nó khiến người ta liên tưởng đến hòn đảo Laputa lơ lững giữa không trung trong cuốn tiểu thuyết “Gulliver du ký” của nhà văn Anh Jonathan Swift.

Tại đây còn đang diễn ra triển lãm “Tôi yêu Seoul” với thật nhiều những bức ảnh và thước phim miêu tả về muôn mặt Seoul, mà nổi bật nhất là tác phẩm sắp đặt đa phương tiện mô phỏng cổng thành Sungnyemun (Sùng Lễ Môn) của tác giả Paik Nam-june. Phụ trách Kim Hye-jin cho biết: “Tác phẩm này có tên là “Chợ”. Chúng tôi mua nó vào năm 2001 nhưng phải đến bây giờ mới cho ra mắt công chúng. Nó là một tác phẩm rất có ý nghĩa đối với việc mở cửa bảo tàng và phục dựng cổng thành Sungnyemun. Ngoài ra, ở đây còn có đoạn phim mang tên “Xây chung cư” của Park Jun-beom cùng rất nhiều các bức tranh màu nước vẽ về những khung cảnh có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống và tiêu biểu của Seoul như chợ Namdaemun hay quận Jung… Chúng mang đến cho trẻ em nhiều phát hiện và hiểu biết thú vị, mới lạ về cuộc sống.”

Ở góc có tên là “Tham gia” của tác giả Kim Young-kwan, các em nhỏ có thể tự do xếp dựng các khối hộp lớn được sơn màu vàng và xanh da trời để tạo nên những tác phẩm sắp đặt tùy thích. Còn tại một góc khác, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cái cây đặc biệt, có một không hai ở Hàn Quốc, mang tên “Dự án Reverse-Rebirth” (tạm dịch là “Dự án Đảo ngược-Tái sinh”). Phụ trách Kim Hye-jin chia sẻ: “Trước khi khai trương, chúng tôi đã quảng bá với người dân khu vực này về bảo tàng. Chúng tôi đã tổ chức một sự kiện kêu gọi mọi người đóng góp những món đồ không dùng nữa trong vòng một tuần để làm một tác phẩm triển lãm trong gallery thiếu nhi. Sau đó, chúng tôi đã tạo nên cái cây này từ những vật phẩm đó. Nhờ hoạt động này mà mọi người đã chú ý hơn đến bảo tàng. Họ tỏ ra bất ngờ với tác phẩm và cảm thấy có ý nghĩa vì đã góp phần tạo nên nó.”. Tác phẩm thể hiện khao khát và mong ước nhỏ nhoi về văn hóa-nghệ thuật của ngươi dân sống trong khu vực này. Nó thực sự mang một ý nghĩa sâu sắc, nhất là trong bối cảnh Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul đang rộng cửa chào đón những người làm mỹ thuật và hướng đến một nền mỹ thuật mang tính đồng cảm, chung tay.

Bốn bảo tàng mỹ thuật do Chính quyền Seoul thành lập và quản lý, mỗi nơi mang một đặc tính riêng. Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul mang tính quốc tế, là điểm kết nối của mạng lưới mỹ thuật toàn cầu. Bảo tàng mỹ thuật phía Nam Seoul giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ và những tác phẩm nhấn mạnh vào thiết kế. Bảo tàng mỹ thuật cung Gyeonghui thường tạo không gian cho các tác phẩm nước ngoài. Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul thì được ví như một trung tâm mỹ thuật cộng đồng vì người dân. Phụ trách Kim Hye-jin cho biết:“Với mục đích biến bảo tàng trở thành một trung tâm nghệ thuật của cộng đồng, chúng tôi đã thành lập một học viện mỹ thuật với nhiều chương trình dành cho mọi tầng lớp người dân như chương trình đào tạo hướng dẫn bảo tàng, lớp lý thuyết lý luận mỹ thuật hiện đại, lớp nhiếp ảnh, lớp dạy vẽ tranh sơn dầu, tranh thủy mặc… Sắp tới, chúng tôi còn tổ chức các chương trình triển lãm liên kết giữa người dân với nghệ sĩ. Nhân dịp khai trương, tại gallery thiếu nhi có một chương trình gọi là “Câu chuyện kiến trúc” dành cho các em nhỏ dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Kook Hyoung-gul, người thiết kế nên bảo tàng. Ngoài ra, sẽ còn nhiều lớp học do những nghệ sĩ đang hợp tác cùng bảo tàng đảm nhiệm.”



Nhờ được cung cấp, chỉ dạy những thông tin bổ ích về mỹ thuật mà số học viên tham gia các lớp học như thế này ngày càng đông. Một người dân chia sẻ: “Các lớp học đều miễn phí và có nhiều chương trình đa dạng để chúng tôi có thể tham dự như lớp dành cho thanh thiếu niên, lớp dành cho học sinh tiểu học, lớp dành cho bà nội trợ… Có những kiến thức mà chúng tôi khó mà biết được ở nơi nào khác. Nhờ đó mà chúng tôi biết cách cảm thụ tác phẩm được dễ dàng và sâu sắc hơn, khả năng cảm thụ tác phẩm cũng khác đi.”. Đến với bảo tàng, bất cứ ai cũng có thể trở thành một tín đồ của mỹ thuật. Nhờ không ngừng nỗ lực để tiếp cận với người dân nên chỉ mới một tháng sau ngày khai trương, lượng khách đến bảo tàng mỗi ngày một đông hơn. Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul Choi Seung-hun lý giải: “Mỹ thuật là thứ có thể thể lay động cảm xúc. Vượt trên sự thỏa mãn trong quá trình thưởng thức chính là việc du khách nhận ra bản ngã của mình thông qua những thắc mắc, tò mò về một tác phẩm nào đó. Từ đó, họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi thưởng thức nó. Dạo này, có rất nhiều người đến với bảo tàng để thỏa mãn trí tò mò, lòng mong đợi… Nhiều bậc phụ huynh cho rằng đây là một nơi để bọn trẻ có thể vui chơi và làm quen với mỹ thuật.”

[Công viên Khu rừng mơ ước, nơi nghệ thuật giao hòa với thiên nhiên]Ở khu vực phía Bắc Seoul còn có một nơi mà người dân vừa có thể thưởng thức văn hóa vừa có thể thưởng ngoạn thiên nhiên. Đó là công viên Khu rừng mơ ước, nằm ở phường Beon, quận Gangbuk. Trưởng nhóm điều hành Công viên Khu rừng mơ ước Lee Je-heung cho biết: “Công viên Khu rừng mơ ước được mở cửa ngày 17/10/2009. Phía Bắc sông Hàn ở Seoul không có nhiều di tích hay địa chỉ văn hóa. Đây là địa điểm từng đặt khu vui chơi Dreamland, có quảng trường cỏ và khu trượt máng trên băng, nhưng việc điều hành không suôn sẻ và nó đã bị đóng cửa. Nhận thấy khu vực này đang thiếu một công viên cỡ lớn, chính quyền đã tái tạo Dreamland thành công viên Khu rừng mơ ước.”

Công viên rộng 660.000 m2 với một quảng trường phủ thảm cỏ rộng gấp đôi Quảng trường Seoul ở trung tâm thành phố, một thác nước nhân tạo, một ao nước, một ngôi lầu… Ngoài ra, ở đây còn có trung tâm nghệ thuật với sân khấu hiện đại, cùng nhà hàng, quán cà phê sách. Nhưng được yêu thích hơn cả vẫn là đài quan sát dành cho những ai thích nhìn ngắm xung quanh khu vực này từ trên cao. Để lên được đây, du khách có thể đi bằng cầu thang máy nghiêng kỳ thú. Trưởng nhóm Lee Je-heung giới thiệu: “Đây là nơi đầu tiên ở Seoul có thang máy nghiêng. Thang máy đưa du khách lên đến độ cao 150 m. Từ đây, họ có thể lên đài quan sát và nhìn ngắm toàn cảnh Seoul, thậm chí là núi Namsan. Từ đài quan sát, du khách sẽ thấy được hết những ngọn núi nằm gần nhất như núi Bukhan hay núi Surak, đặc biệt là toàn cảnh công viên bên dưới.”. Nói đến đài quan sát, nhiều người sẽ liên tưởng đến tháp N Seoul ở núi Namsan. Nếu Seoul nhìn từ tháp là hình ảnh của một thành phố hiện đại, sầm uất của thế kỷ 21, thì Seoul nhìn từ đài quan sát ở công viên này là quang cảnh của một thành phố thân thiện với thiên nhiên. Một du khách cảm nhận: “Núi Buram ở phía này, kia là đài Baekun, còn đó là núi Surak. Tôi thích phường Junggye vì nơi đây có rất nhiều thảm cây xanh. Tôi sẽ lại thường xuyên đến đây. Ngắm cảnh ở đây thật là thích.”

Ngoài phục vụ các buổi biểu diễn, trung tâm nghệ thuật của công viên còn có chức năng tổ chức triển lãm. Đặc biệt, năm 2010, một nhà triển lãm mang tên “Sang Sang Tok Tok” (Muôn màu tưởng tượng) đã được mở cửa trong khuôn viên công viên, thu hút được nhiều sự yêu mến của các gia đình. Nhà triển lãm rộng 560 m2 và cao hai tầng này là một địa chỉ để các em nhỏ có thể trải nghiệm mỹ thuật và nuôi dưỡng trí tưởng tượng cũng như óc sáng tạo. Gần đây, khi đến bảo tàng, trẻ em sẽ được thỏa sức vui chơi cùng đất. Các em được phép chạm tay vào những ụ đất được chuẩn bị sẵn hoặc chạy nhảy bằng chân trần trên đất. Trên hết, các em được khuyến khích làm những tác phẩm từ đất theo trí tưởng tượng của mình. Một bà mẹ cho biết: “Bình thường, các cháu chẳng mấy khi được chơi với đất. Bây giờ, được chạm và đi trên đất thế này các cháu thích lắm! Các cháu thích được tha hồ tưởng tượng cùng đất. Từ sáng, cháu nhà mình đã háo hức muốn đến đây. Bây giờ, các cháu sẽ chọn ra một tác phẩm đẹp nhất nhé.”Từ ngày có Bảo tàng mỹ thuật phía Bắc Seoul và công viên Khu rừng mơ ước, diện mạo của khu vực Đông Bắc Seoul đã đổi khác rất nhiều với sự xuất hiện của làn gió văn hóa-nghệ thuật. Đặc biệt hơn, nơi đây đã trở thành điểm hẹn của nghệ sĩ với người dân, một không gian chung để chia sẻ nghệ thuật và trí sáng tạo và cũng là nơi giao hòa giữa nghệ thuật với thiên nhiên.

Lựa chọn của ban biên tập