Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nỗi đau của lịch sử Hàn Quốc được khắc họa trong vở kịch “Hoa phụng tiên”

2013-12-03

Kể từ ngày 1/8/1992, cứ vào lúc 12 giờ trưa thứ Tư hàng tuần là rất đông người Hàn lại biểu tình phía trước Đại sứ quán Nhật Bản để kêu gọi nước này giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến thứ II. Cuộc biểu tình diễn ra ngày 4/12/2013 là lần thứ 1103.

[Công luận Hàn Quốc và quốc tế lên án tội ác của Nhật Bản]Trong suốt hơn 20 năm qua, người dân Hàn Quốc ròng rã kêu gọi công lý cho những phụ nữ bất hạnh nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy này. Tiếng nói của họ không chỉ vang xa đến Nhật Bản mà còn vươn rộng khắp năm châu. Nhân dịp kỷ niệm ngày bán đảo Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị Nhật Bản là ngày Quốc khánh 15/8 năm nay, rất nhiều Hàn kiều cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình tương tự trước Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Los Angeles (Mỹ), thu hút được sự chú ý từ công luận quốc tế. Ngày 19/9 vừa qua, lần đầu tiên có một cuộc biểu tình như vậy cũng được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp, giữa quảng trường mênh mông đối diện tháp Eiffel. Sự kiện góp phần giúp người dân Châu Âu hiểu rõ hơn vấn đề phụ nữ Hàn bị ép làm nô lệ tình dục trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc.

Bất chấp việc ngày càng có nhiều nhân chứng, vật chứng tố cáo hành vi trái đạo đức của Nhật Bản, Chính quyền nước này vẫn tiếp tục phủ nhận lịch sử, ngoảnh mặt với tiếng nói của công lý, không chấp nhận xin lỗi và liên tục đưa ra những phát ngôn gây bất bình cho dư luận. Trong lúc đó, các nạn nhân của tội ác ấy đang lần lượt ra đi do tuổi cao sức yếu.

Giữa lúc toàn thế giới đang lên án mạnh mẽ vấn đề này, thậm chí còn đưa nó ra thảo luận tại Liên hợp quốc, cùng sự xuất hiện của rất nhiều hoạt động xã hội liên quan, giới văn nghệ sĩ Hàn Quốc cũng chung tay góp sức kêu gọi công lý cho các cụ bà nạn nhân bằng nhiều hành động thiết thực. Một trong số các hoạt động đó là dàn dựng các vở kịch phác họa nỗi đau dai dẳng của những phụ nữ đã phải cam chịu tủi nhục để làm công cụ “giải khuây” cho quân đội Nhật.



[Mục đích và ý nghĩa ra đời của vở “Hoa phụng tiên”]Ngày 15/11 vừa qua, vở kịch “Hoa phụng tiên” nói về số phận những người phụ nữ Hàn bị ép buộc mua vui cho lính Nhật đã được công diễn tại Nhà hát M của Trung tâm nghệ thuật Sejong, ở trung tâm thành phố Seoul. Dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn Gu Tae-hwan, nỗi chua xót một thời của những phụ nữ từng bị dày xéo thân thể và hệ quả của nó ngày hôm nay lại một lần nữa được tái hiện trước mắt công chúng. Đạo diễn Gu Tae-hwan chia sẻ: “Tôi và trưởng đoàn kịch cùng ê-kíp thực hiện đã thống nhất với nhau rằng đây vẫn là chủ đề thời sự gây nhức nhối trong xã hội. Nhà văn Yun Jeong-mo là một trong những người am hiểu vấn đề này rõ nhất và đã phát triển nó thành tác phẩm văn học. Do đó, chúng tôi đã mời bà cùng thực hiện vở kịch này. Quan hệ Hàn-Nhật gần đây rất nhạy cảm. Trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, chẳng lẽ chúng ta cứ phải câm lặng mãi sao? Sẽ thật dễ dàng nếu cứ tiếp tục mạnh ai nấy sống và cho rằng chuyện của lịch sử thì không liên quan đến mình. Điều tôi muốn nói thông qua tác phẩm này là mọi thứ không dễ dàng như mọi người nghĩ.”

Nguyên tác của vở “Hoa phụng tiên” là tiểu thuyết “Mẹ từng có tên là Josenpi” do nhà văn Yun Jeong-mo sáng tác vào năm 1982. “Josen” là phát âm tiếng Nhật của từ “Joseon” (tên gọi cũ của Hàn Quốc). Còn “Pi” chính là phát âm của chữ cái “P” trong từ “Prostitute” (có nghĩa là “gái mại dâm”). “Josenpi” là từ mà quân đội Nhật dùng để gọi những phụ nữ người Hàn bị ép làm nô lệ tình dục lúc bấy giờ. Đây là tác phẩm mà nhà văn Yun Jeong-mo viết nhằm hóa giải phần nào nỗi uất hận của những người phụ nữ từng mang kiếp tủi nhục. Nhà văn Yun Jeong-mo cho biết: “Nhà phê bình văn học Im Jong-guk đã viết về vấn đề phụ nữ Hàn bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong tác phẩm có tiêu đề là “Thực lục nô lệ tình dục” trong hai năm 1978 và 1979. Sau đó, mặc dù vấn đề này thỉnh thoảng vẫn được nhắc đến nhưng chẳng có ai ghi chép lại các câu chuyện có thực. Thế nên, tôi đã thêm các câu chuyện ấy vào tiểu thuyết, đồng thời, nêu bật ảnh hưởng xấu của nó qua hai thế hệ. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nạn nhân bởi ở thời điểm đó họ không dám ra mặt. Phải đến sau khi cuốn sách được ra mắt, tôi mới có cơ hội gặp được nhiều cụ.”

Sau khi cuốn sách được xuất bản, lần lượt từng cụ bà nạn nhân của tội ác năm xưa đã dũng cảm vượt qua nỗi đau, bước ra ánh sáng và mạnh dạn nói lên sự thật. Điều này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong xã hội Hàn Quốc. Hơn 30 năm sau ngày tác phẩm ra đời, một lần nữa, nội dung của nó lại được tái hiện trong vở kịch “Hoa phụng tiên” và người viết kịch bản không ai khác cũng chính nhà văn Yun Jeong-mo. Nếu như trong nguyên tác, hậu quả tội ác do quân Nhật gây ra chỉ ảnh hưởng lên người mẹ và cậu con trai, thì trong vở kịch, nó sẽ còn để lại “dư chấn” cho đến tận đời cháu. Nhà văn Yun Jeong-mo kể: “Năm 1982, khi tác phẩm ra đời thì vấn đề này đã có ảnh hưởng tới hai thế hệ. Nhưng giờ đã là năm 2013 thì phải lên đến ba thế hệ rồi. Các cụ đã có cháu chắt cả. Nhân vật cô cháu gái mà tôi sáng tạo thêm trong tác phẩm đang học nhân loại học, tức là chuyên ngành nghiên cứu về con người. Cô mâu thuẫn với bố mình, vốn có mẹ từng bị ép mua vui cho lính Nhật, một sự thật mà ông luôn giấu kín. Trong năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có nhiều lời phát biểu gây tranh cãi về vấn đề này, khiến dư luận Hàn Quốc hết sức bất bình. Tôi nghĩ nhân đà này, tại sao chúng ta lại không lên tiếng? Ba thế hệ đã trôi qua, nếu bây giờ không giải quyết thì vấn đề sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn. Trọng tâm của vở kịch là tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và kêu gọi giải quyết nhanh chóng nó.”

Cánh hoa phụng tiên tượng trưng cho người con gái đang mong chờ mối tình đầu đẹp đẽ. Nhưng hình ảnh cánh hoa phụng tiên bị bóp nát lại tượng trưng cho giấc mơ bị tan nát của các cụ bà nạn nhân. Đó là lý do vì sao vở kịch lại mang tên “Hoa phụng tiên”. Đạo diễn Gu Tae-hwan giải thích: “Mặc dù lấy nguyên tác để làm bối cảnh nhưng vở kịch sẽ mang đến cho khán giả những cảm nhận hoàn toàn mới mẻ. Tại Hàn Quốc, các cô gái thường giã hoa phụng tiên rồi đắp lên móng tay để nhuộm màu. Nếu đến khi đợt tuyết đầu đông rơi xuống mà móng tay không bị mất màu thì cô gái sẽ tìm được đức lang quân như ý. Hoa phụng tiên từng là phương pháp làm đẹp duy nhất của phụ nữ xưa kia. Nó cũng thể hiện cho giấc mơ tình yêu bé nhỏ của họ. Vì ý nghĩa tượng trưng đó mà chúng tôi đã quyết định đổi tên tác phẩm thành “Hoa phụng tiên”.”



[Nội dung sơ lược của vở kịch]Câu chuyện của “Hoa phụng tiên” là sự giằng xé không dứt giữa ba thế hệ là bà mẹ, vốn từng bị ép làm nô lệ tình dục, với con trai Bae Mun-ha và cháu gái Su-na. Ông Bae Mun-ha luôn tìm đủ mọi cách để che giấu quá khứ của mẹ mình. Nhờ có bố vợ là Chủ tịch hội đồng quản trị của một trường đại học mà ông đã liên tục được thăng quan tiến chức. Đang lúc sắp trở thành hiệu trưởng của ngôi trường đó thì có một việc xảy đến với Bae Mun-ha. Con gái của ông là Su-na, sinh viên ngành nhân loại học, lại muốn nghiên cứu về vấn đề phụ nữ bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II, một vấn đề liên quan đến mẹ của Bae Mun-ha mà bấy lâu ông không muốn nhắc đến.

Ngày trước, Bae Mun-ha đã từng rất căm phẫn đến mức muốn giết chết bố mình vì luôn ngược đãi và mắng chửi mẹ là “ca-ve”. Mỗi khi nhớ lại quãng đời ấy, lòng ông lại cảm thấy đau nhói. Bởi thế, ông đã kịch liệt phản đối con gái nghiên cứu vấn đề này. Tiếng gào thét thê lương của Bae Mun-ha đã tạo được nơi khán giả sự đồng cảm về những nỗi đau thời thơ ấu mà ông đã trải qua. Vở kịch đã đánh thức khán giả với câu hỏi: “Phải chăng xã hội Hàn Quốc đã làm ngơ quá lâu trước nỗi đau của các cụ bà nạn nhân?”.

Nỗi đau được tái hiện thông qua diễn xuất của các diễn viên và càng trở nên nhức nhối hơn thông qua các đoạn phim tài liệu được chiếu trên sân khấu. Đạo diễn Gu Tae-hwan cho biết:
“Kịch là tác phẩm hư cấu nhưng nó luôn có đề tài dựa trên sự thực. Do đó, để lấp đầy khoảng trống giữa sự thật lịch sử và những chi tiết hư cấu của vở kịch, để khán giả không coi câu chuyện này là giả tưởng, chúng tôi đã lồng ghép những đoạn video mô tả hiện thực dựa trên những tư liệu có thật trong quá khứ. Chúng tôi đã làm video theo thủ pháp phim tài liệu, chứ không như một cuốn phim dàn dựng thông thường, để khán giả có thể tự nhiên tiếp nhận những thông tin ấy. Những đoạn video này được chiếu đan xen cùng các cảnh trong vở kịch với những hình ảnh và lời nói của các nạn nhân để khán giả được mắt thấy tai nghe và cảm nhận hiện thực quá khứ. Sau khi vở kịch kết thúc, khán giả một lần nữa được nghe các nạn nhân còn sống tố cáo tội ác của Nhật Bản cùng những lời nhắn nhủ của các nạn nhân đã qua đời. Chúng tôi hy vọng cách thể hiện như vậy sẽ giúp khán giả nâng cao nhận thức về một vấn đề lịch sử vẫn còn chưa được giải quyết thỏa đáng.”

Cảnh cuối của vở kịch là những lời chia sẻ chân thành từ tận đáy lòng của các nhân vật chính. Đó là cô con gái đang phải đối mặt với sự thật quá khứ mà bố mình hằng che giấu. Đó là ông Bae Mun-ha đang cầu mong nhận được sự cảm thông từ con gái mình. Và đó là người mẹ đã quyết định bỏ nhà đi để con trai không bị tủi nhục. Những chia sẻ ấy đã góp phần hóa giải nỗi đau trong quá khứ. Những đoạn video ghi lại lời kể của những nạn nhân khi xưa khiến khán giả hết sức xúc động. Không ít người đã tự nhìn nhận lại bản thân mình sau khi xem vở kịch. Một khán giả chia sẻ: Xem xong vở kịch, tôi thấy rất nặng nề. Tôi đã và đang nghe rất nhiều về vấn đề này nhưng thật sự không quá để tâm. Tôi không ngờ là nó lại trầm trọng đến như vậy. Nỗi đắng cay thật quá lớn. Tôi thấy mình đã quá vô tâm khi nghĩ rằng đó không phải là việc của bản thân… Thiết nghĩ, không chỉ có tôi mà hiện cũng có rất nhiều người vô tâm như vậy. Và điều này khiến tôi càng thêm nặng trĩu tâm tư.

Quan hệ ngoại giao Hàn-Nhật ngày càng trở nên rất nhạy cảm và điều này làm vấn đề phụ nữ Hàn bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II càng thêm phức tạp. Tranh cãi không biết bao giờ mới chấm dứt trong khi những nạn nhân năm xưa đang lần lượt rời bỏ thế gian, để lại phía sau một khoảng lịch sử ngày càng mờ mịt. Chính lúc này, vở kịch “Hoa phụng tiên” đã ra đời như một cách lưu giữ lịch sử cho thế hệ mai sau cũng như tiếp thêm sức mạnh để người Hàn vững bước trên hành trình đòi lại công lý.

Lựa chọn của ban biên tập