Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Khán giả tham gia vào quá trình hoàn thiện một vở diễn

2013-12-10

Ngày 20/11 vừa qua, vở opera “Như trăng lướt trên mặt nước” (As The Moon Flows On The Water) đã được biểu diễn tại Hội trường Chamber của Trung tâm nghệ thuật Sejong, nằm ở trung tâm thành phố Seoul. Không giống như những vở opera thông thường trình diễn cùng cả dàn nhạc, trên sân khấu hôm đó chỉ có một nhạc cụ duy nhất là cây đàn piano.

[Khán giả xem trước và cùng tham gia xây dựng tác phẩm, tại sao không?]Vở diễn còn khác lạ ở chỗ tập kịch bản được đặt công khai trên bàn, bảng tổng phổ được đính sẵn trên giá đỡ trên sân khấu để diễn viên được tự do đọc đi đọc lại như là đang tập dượt. Hình thức này được gọi là biểu diễn đọc. Ông Lee Geon-yong, trưởng Đoàn kịch opera thành phố Seoul, giải thích: “Biểu diễn đọc là hình thức biểu diễn một tác phẩm trong đó diễn viên không cần phải hóa trang, sân khấu không cần phải được dàn dựng chỉn chu và cũng không cần đến sự trình tấu của cả một dàn nhạc giao hưởng. Chỉ một vài nhạc phẩm chính được lựa chọn để biểu diễn. Diễn viên cũng chỉ là những người đóng vai chính. Họ chưa cần phải học thuộc lời thoại hay bài hát mà có thể vừa nhìn vào kịch bản vừa diễn.”



Đoàn kịch opera thành phố Seoul đã trình diễn vở opera “Như trăng lướt trên mặt nước” theo hình thức này với mong muốn nhận được những nhận xét, đánh giá từ phía người xem để hoàn thiện vở kịch mà họ sắp ra mắt chính thức. Trưởng đoàn Lee Geon-yong cho biết: “Một tác phẩm sau khi viết xong cần phải nhận được sự đánh giá chính xác. Cách tốt nhất để nhận được những đánh giá đó là đưa nó lên sân khấu để cho khán giả thưởng thức và nhận xét, vì như vậy sẽ khách quan hơn. Đó là lý do chúng tôi tổ chức buổi biểu diễn đọc lần này. Thông qua phản ứng của khán giả, chúng tôi có thể dự đoán được mức độ thành công của tác phẩm cũng như phát hiện ra những sai sót để chỉnh sửa lại kịp thời trước khi vở kịch được lên sân khấu chính thức.”

Vở “Như trăng lướt trên mặt nước” đã nhận được những phản ứng tích cực từ phía người xem. Điều này khiến cho trưởng đoàn Lee Geon-yong cảm thấy an tâm được phần nào. Ông chia sẻ: “Các khán giả rất thích xem biểu diễn đọc. Họ mua vé vào xem rất nhiều và cho rằng hình thức này vừa mới lạ, thú vị như kịch dài kỳ trên sóng phát thanh vừa có thể phát huy trí tưởng tượng. Mặc dù chỉ được nghe giọng hát và âm thanh hiệu ứng thôi nhưng họ vẫn thấy cảm động hơn xem phim trên truyền hình. Ban đầu, khán giả bán tín bán nghi về hình thức biểu diễn này nhưng dần dần thì số người tìm đến xem ngày càng đông đến mức bán hết sạch vé.”

Một vở diễn thường được đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức chỉ để công diễn trong vài ngày. Thế nên, nếu không thu hút được khán giả thì sẽ khó tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Nhằm giảm thiểu tổn thất, nhiều vở kịch đã được giới thiệu với khán giả theo hình thức biểu diễn đọc trước khi chính thức ra mắt. Hình thức này gần đây rất được công chúng yêu thích. Phản ứng của họ đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện tác phẩm. Trong vài trường hợp, khán giả cũng có thể tham gia vào quá trình sáng tác và nâng cao tính đại chúng cho tác phẩm.

Trước đây, những buổi biểu diễn đọc chỉ dành cho nhà đầu tư hoặc giới chuyên môn như là một phần trong quá trình sáng tác. Nhưng gần đây, những buổi biểu diễn kiểu này lại được mở rộng cho cả đối tượng là công chúng bình thường. Sự chuyển mình từ khép kín sang mở rộng như thế này đã phần nào làm biến đổi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Hàn Quốc. Nhà phê bình văn hóa Kim Hun-sik cho biết:
“Trước đây, sự thẩm định, đánh giá của chuyên gia là rất quan trọng đối với nghệ thuật biểu diễn cũng như các loại hình văn hóa khác. Điều này đôi khi khiến cho cảm nhận của người xem về tác phẩm hoàn toàn khác so với ý đồ của các tác giả. Nhưng gần đây, số lượng người mê xem kịch tăng lên, khả năng thẩm định của công chúng cũng cao hơn nên ê-kíp sản xuất các vở kịch rất quan tâm đến đánh giá và nhu cầu thưởng thức của họ. Nhiều tác phẩm đã thất bại khi công diễn cũng bởi không coi trọng phản ứng của công chúng và không thể hiện được những gì người xem mong đợi và quan tâm. Việc biểu diễn cho khán giả xem trước là cách tốt nhất đề biết được nhu cầu của người xem để từ đó nâng cao chất lượng tác phẩm.”

Không phải tất cả những tác phẩm được chuyên gia đánh giá cao đều thành công khi được công diễn chính thức và ngược lại. Chính vì vậy nên ê-kíp sản xuất bắt đầu quan tâm đến phản ứng của khán giả đối với sản phẩm của mình trước khi nó được hoàn thiện. Nhà phê bình Kim Hun-sik cho biết: “Biểu diễn đọc bắt đầu xuất hiện từ khoảng ba, bốn năm nay. Hồi trước, khi nói đến biểu diễn đọc, người ta nghĩ đến một kiểu diễn tập chỉ dành cho diễn viên và ê-kíp sản xuất, nhưng giờ thì nó đã được công khai cho công chúng. Thông qua đó, những người thực hiện vở kịch hiểu được suy nghĩ của khán giả, họ thích hay không thích phần nào, mức độ hiểu của họ đối với ý đồ của đạo diễn và tác giả ra sao… để tìm ra hướng điều chỉnh hợp lý.”

Nhờ có sự tham gia của công chúng vào quá trình sản xuất mà các hình thức thưởng thức văn nghệ đã trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Ngoài biểu diễn chính thức thì hiện nay đã xuất hiện các hình thức biểu diễn “phụ”. Nhà phê bình Kim Hun-sik nhận định: “Các vở diễn trước đây luôn đặt khán giả vào tình trạng thụ động, có sao xem vậy, trong khi có nhiều phần rất khó hiểu đối với khán giả. Họ đến xem là để cảm nhận được cái hay cái sâu sắc của tác phẩm mà trái lại chẳng hiểu được gì. Thế nên, buổi diễn thử hay giới thiệu trước nội dung của tác phẩm giúp người xem có được những hiểu biết cơ bản và thấy vui thích hơn khi xem tác phẩm đó. Với mục đích nhận được sự hưởng ứng của người xem và hoàn thiện tác phẩm, biểu diễn đọc sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.”



[Những thành quả từ sự hợp tác của ê-kíp sản xuất và công chúng]Các diễn viên đang hắng giọng trước khi diễn tập. Người thì tranh thủ mở to miệng luyện tập cách nhấn câu nhả chữ. Người thì vặn vẹo cơ thể theo nhịp nhạc để khởi động. Chúng ta đang có mặt tại buổi diễn tập vở “Othello”, một tác phẩm của đại văn hào người Anh William Shakespeare. Vở dự định sẽ được công diễn vào tháng 1 năm 2014 nên hiện chỉ còn vỏn vẹn một tháng để tập luyện. Nhìn những tập kịch bản đặt trước mặt, các diễn viên như càng thêm tập trung rèn luyện. Mặc dù chỉ là biểu diễn đọc nhưng cảm xúc của họ cũng tràn trề như đang công diễn chính thức.

Đạo diễn, khán giả và chuyên gia ngồi xem được phép nêu ra đánh giá giữa các màn, các cảnh. Mọi người được thoải mái đánh giá vở diễn trên thang điểm từ một đến mười. Sắp tới, ê-kíp sản xuất còn dự định tổ chức biểu diễn thảo luận để người xem có thể nói lên ý kiến của mình. Park Ji-hye, đạo diễn của vở kịch, cho biết: “Có thể hiểu biểu diễn thảo luận là một buổi thảo luận công khai về tất cả mọi khía cạnh trong quá trình chuẩn bị cho vở kịch như thực hiện một tác phẩm như thế nào, có những thử nghiệm gì… Đây là lúc mà chúng tôi và công chúng cùng nhau chia sẻ những ý tưởng để hoàn thiện tác phẩm. Chúng tôi chỉ chọn một vài màn quan trọng để biểu diễn trước cho khán giả xem cách thể hiện của mình về tác phẩm ra sao rồi cùng họ bàn bạc, kiểm tra lại những tình huống có thể phát sinh…”

Nếu như biểu diễn đọc là hình thức cho phép diễn viên xem kịch bản trong quá trình thể hiện toàn bộ vở kịch thì biểu diễn thảo luận là dịp để ê-kíp sản xuất được nghe đánh giá cấu thành vở diễn hoặc cách thể hiện từ phía khán giả. Đạo diễn Park Ji-hye chia sẻ: “Những nhận xét đánh giá của khán giả rất có ích, giúp chúng tôi có thể tự mình đánh giá lại tác phẩm một cách khách quan hơn. Cộng thêm phản hồi của giới chuyên môn nữa là chúng tôi sẽ biết được mình cần phải tiếp tục phát huy hay bổ sung thêm điểm gì. Quy trình này thật sự rất quan trọng với chúng tôi vì nó kích thích tìm tòi nhiều hơn những cái mới.”

Nhiều ê-kíp sản xuất trông đợi đây sẽ là dịp để có thể nhận được những phán ứng trái chiều của công chúng nhưng cũng có trường hợp khán giả không có bất kỳ phản ứng nào. Những lúc như vậy, ê-kíp sản xuất và diễn viên có hơi thất vọng nhưng vẫn coi những buổi biểu diễn như vậy là chất kích thích mới để đưa vào các thử nghiệm đa dạng và tự tin hơn cho lần công diễn chính thức. Diễn viên Yang Jong-wook tâm sự: “So với biểu diễn bình thường, biểu diễn thảo luận mang đến cho tôi rất nhiều cơ hội để thử nghiệm. Do đó, tôi không sợ gặp nếu phải thất bại, không lo lắng nếu mắc phải sai sót và có thêm tự tin để tiếp tục tìm kiếm cái mới. Can đảm thử sức có thể giúp cho ê-kíp sản xuất xem xét tác phẩm dưới nhiều góc độ phong phú hơn.”

Tuy không được hoành tráng như công diễn chính thức nhưng những buổi biểu diễn đọc, biểu diễn thảo luận luôn luôn nhận được phản ứng nóng hổi từ khán giả. Nhà phê bình văn hóa Kim Hun-sik cho biết:“Biểu diễn đọc, biểu diễn thảo luận là những hình thức biểu diễn thô. Chính vì thế mà khán giả có thể cảm nhận nội dung tác phẩm trung thực hơn. Sự xuất hiện bình dị, không son phấn của diễn viên cũng giúp tác phẩm thuyết phục và nhận được nhiều sự đồng tình của khán giả hơn. Mặt khác, việc có thể xem trước tác phẩm cũng như tham gia vào sản xuất sẽ mang đến cho họ sự thích thú. Do không còn phải cảm nhận thụ động, đồng thời thấy mình là một phần của vở kịch nên khán giả sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến tác phẩm.”

Sân khấu Space 111 của Trung tâm nghệ thuật Doosan đang công diễn vở kịch “Chị Mok-ran” nói về một người phụ nữ tị nạn Bắc Triều Tiên và bi kịch của sự chia cắt đất nước. Năm ngoái, vở diễn này đã vinh dự được trao giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” tại Liên hoan kịch Hàn Quốc. Nhờ nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía công chúng mà vở đã được tái công diễn nhiều lần. Trước đó hai năm, công chúng đã được tiếp xúc với nội dung vở diễn thông qua biểu diễn đọc. Jeon In-cheol, đạo diễn của vở kịch, cho biết: “Vì lần đầu tiên được thực hiện nên chúng tôi cho khán giả xem trước khi công diễn chính thức để kiểm tra rồi từ đó quyết định xem nên phát triển nó theo hướng nào. Đã là kịch thì phải được biểu diễn trên sân khấu mới thú vị, nếu chỉ đọc kịch bản thôi thì hơi chán, nên các buổi biểu diễn kiểm nghiệm gần đây đã được thêm thắt cho đa dạng, luyện tập cũng chỉn chu hơn, bố trí sân khấu kỹ lưỡng hơn để khán giả không thấy chán, đồng thời có thể hình dung ra được cái hay và sức hấp dẫn của vở diễn.”

Nhờ việc chia sẻ với khán giả sau biểu diễn đọc, đạo diễn Jeon In-cheol đã quyết định thay đổi đoạn kết của vở “Chị Mok-ran”, chuyển tác phẩm theo một hướng hoàn toàn mới. Đạo diễn Jeon In-cheol kể lại: “Nhờ ý kiến đóng góp quý báu của khán giả trong biểu diễn đọc, chúng tôi đã phát hiện được những yếu tố có thể phát triển hơn nữa. Sau khi trao đổi rất lâu với tác giả, chúng tôi đã chọn được cái kết ưng ý. Có thể nói biểu diễn đọc đã giúp nâng tầm tác phẩm. Ban đầu, tác phẩm có một cái kết hết sức viên mãn, nhưng khi nhìn lại thực tế, tôi thấy cuộc sống của chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì lẽ đó mà đoạn kết đã được đổi theo chiều hướng gần gũi hơn với hiện thực cuộc sống.”. Như vậy là kết thúc của vở “Chị Mok-ran” đã được phát triển theo hướng phản ánh chân thực nỗi đau chia cắt đất nước. Điều này đã giúp vở diễn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ công chúng. Cuộc sống khổ cực của người phụ nữ tị nạn Bắc Triều Tiên đã gây xúc động và ấn tượng khó quên đối với những ai đã xem vở kịch.

Tuy chưa hoàn thiện nhưng những buổi biểu diễn đọc hay biểu diễn thảo luận không chỉ góp phần tạo ra nhiều hình thức giải trí mà còn mang tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Giữa lúc kinh tế đang khủng hoảng, kéo theo văn hóa nghệ thuật cũng lao đao như hiện nay thì những hình thức biểu diễn như thế này sẽ là phương án hữu hiệu trong việc tìm lại thời hoàng kim cho nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập