Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tổ hợp hợp tác nghệ thuật, mái nhà chung nuôi dưỡng ước mơ và tài năng cho các nghệ sỹ

2013-12-17

Tổ hợp hợp tác nghệ thuật, mái nhà chung nuôi dưỡng ước mơ và tài năng cho các nghệ sỹ
[Tổ hợp hợp tác nghệ thuật Lulu Lala, không gian bồi đắp ước mơ và năng lực]Ngày 9/12 vừa qua, một buổi giảng dạy với chủ đề về tác giả mỹ thuật quần chúng mang tên “Gặp gỡ họa sĩ Shin Hak-chul” được Tổ hợp hợp tác nghệ thuật Lulu Lala tổ chức. Là những người chung bước trên con đường nghệ thuật, hơn ai hết, các nghệ sỹ hiểu rõ những khó khăn, vất vả mà mình đang phải đối mặt. Tất cả đều nhận thức được rằng mình cần phải nhanh chóng tìm ra một phương cách nào đó để giải quyết khó khăn. Nhà điêu khắc Oh So-young cho biết:“Tôi đã từng là một tác giả hoạt động rất độc lập. Nhưng thay vì tự thân trăn trở, sáng tác, tôi thấy làm việc cùng những người đồng chí hướng thật sự rất có ý nghĩa. Tôi cho rằng hợp tác với những người có cùng nỗi lo và quan điểm là một việc làm cần thiết, không chỉ trong nghệ thuật mà cả các lĩnh vực khác. Sở dĩ cần thiết là vì nếu làm việc một mình, bạn sẽ gặp phải hạn chế về sức lực cũng như các mối quan hệ khi phải tự mình tìm nơi triển lãm rồi thực hiện các khâu… Nhưng nếu có nhiều người bên cạnh thì có thể dễ dàng giải quyết được những vấn đề đó.”

Nếu cứ “một mình một đường” thì người nghệ sỹ sẽ khó có cơ hội được mở rộng tầm nhìn và nắm bắt được dòng chảy của mỹ thuật, đồng thời, không có cơ hội để gặp gỡ những nghệ sỹ bậc thầy để học hỏi. Tuy nhiên, nếu là thành viên của Tổ hợp Lulu Lala thì những ước mơ trên có thể trở thành hiện thực. Họa sĩ Park Song-hee chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết họa sĩ Shin Hak-chul qua sách báo. Được trực tiếp gặp mặt để nghe ông nói về tranh của mình, về triết lý trong sáng tác và những kinh nghiệm trong đời quả là niềm hạnh phúc cho tôi. Sau đó, tôi còn được thảo luận và xin những lời khuyên riêng từ ông.”

Tổ hợp hợp tác nghệ thuật Lulu Lala ra đời hồi tháng 3 năm nay với mục tiêu phá vỡ những thông lệ của giới nghệ thuật hiện nay là chỉ tập trung vào vài nghệ sỹ và hướng đến đối tượng người thưởng ngoạn và tiêu thụ tác phẩm là giới thượng lưu. Lulu Lala tạo cơ hội cho những nghệ sỹ có tài nhưng chưa gặp thời, đồng thời mở rộng đối tượng người xem là công chúng bình dân. Nhà điêu khắc Na Gyu-hwan, Giám đốc điều hành thường trực của Tổ hợp, cho biết: “Phần lớn các nghệ sỹ thường chỉ làm việc một mình và điều này khiến họ khát khao giao lưu với công chúng, xã hội và với các nghệ sỹ khác. Thay vì thành lập quỹ hoặc công ty, chúng tôi đã thành lập tổ hợp để mọi thành viên đóng góp và trở thành chủ nhân.”

Sau chín tháng thành lập, Tổ hợp đã thu hút được 60 nghệ sỹ cùng chung tay xây dựng với lệ phí mỗi tháng là 100.000 won/người (khoảng 100 USD). Tất cả đều có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch triển lãm cũng như buôn bán, lưu thông tác phẩm. Khi hoạt động riêng lẻ, họ rất khó để có thể tổ chức triển lãm hàng năm, nhưng với sự giúp sức của nhiều người thì việc đó đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Họa sĩ biếm họa Yi Dong-soo chia sẻ: “Tự mình tổ chức triển lãm sẽ mất thời gian chuẩn bị rất lâu bao gồm cả khâu tìm nơi trưng bày. Từ ngày tham gia vào đây, tôi đã tổ chức được khoảng ba, bốn lần. Hiện tôi cũng đang có một triển lãm. Vì là một tổ hợp nên tự bản thân mọi người biết mình sẽ phải đóng vai trò gì để giúp đỡ lẫn nhau. Có lẽ nhờ vậy mà mọi người cảm thấy phấn chấn và làm việc chăm chỉ hơn nữa.”

Mặc dù phải chịu sức ép không nhỏ vì sự kỳ vọng và quan tâm của các nghệ sỹ xung quanh, nhưng thông qua những lần triển lãm, các nghệ sỹ của Tổ hợp đã và đang gặt hái được nhiều thành tích đáng khích lệ. Để nâng cao hơn nữa năng lực của các nghệ sỹ, ban lãnh đạo Tổ hợp đã liên tục tổ chức các buổi học chuyên đề cũng như phát hành tạp chí chuyên về nghệ thuật. Giám đốc Na Gyu-hwan giới thiệu: “Chúng tôi đang chủ biên và phát hành một cuốn tạp chí mang tên là “RAC”, viết tắt từ ba chữ tiếng Anh là “Rule” (Luật lệ), “Art” (Nghệ thuật) và “Cook” (Đầu bếp). Thông qua tạp chí này, chúng tôi muốn giới thiệu tới công chúng các gương mặt nghệ sỹ, tin tức và chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, tạp chí cũng là chiếc cầu nối giữa nghệ sỹ với công chúng và là sợi dây gắn kết các thành viên lại với nhau.”

Nhờ có Tổ hợp Lulu Lala, các thành viên không còn phải lo lắng về vấn đề kinh phí hay cơ sở vật chất nữa mà có thể toàn tâm toàn ý dốc hết khả năng và sự sáng tạo của mình vào sáng tác. Do đó, việc tham gia vào Tổ hợp này cũng mang đến cho họ tia hy vọng mới. Nhà điêu khắc Park Sang-duck cho biết: “Kinh phí luôn là vấn đề gây đau đầu cho các nghệ sỹ. Có rất ít nghệ sỹ có thể sống được với nghề mà không phải làm thêm nghề tay trái. Làm sao để thoát khỏi gánh nặng kinh tế để có thể say sưa với nghề là mối lo âu day dẳng. Nhưng khi tham gia vào Tổ hợp, chúng tôi được cơ hội trưng bày, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm của chính mình đến với công chúng.”

[Tổ hợp hợp tác họa sĩ tranh minh họa, một môi trường làm việc chuyên nghiệp]Ở phường Seongsu, quận Seongdong, thành phố Seoul có một quán cà phê mang tên “Café Illust”. Địa điểm này đồng thời cũng là không gian của Tổ hợp hợp tác họa sĩ tranh minh họa, nơi thu hút rất đông họa sĩ có tay nghề khéo léo. Những tấm tranh, tác phẩm nhỏ của mọi thành viên tô điểm cho các bức tường của quán thêm lung linh. Do được bố trí như một quán cà phê sách nên bất cứ ai cũng có thể vào đây vừa nhấm nháp tách trà vừa chuyện trò và thưởng thức văn chương. Giám đốc điều hành thường trực của Tổ hợp hợp tác họa sĩ tranh minh họa Kwon Oh-chul giới thiệu: “Đây là nơi để các họa sĩ tranh minh họa có thể tụ họp và hoạt động nghệ thuật. Trong suốt thời gian chuẩn bị, chúng tôi gặp gỡ nhiều tác giả để tìm hiểu về nhu cầu của họ, từ đó thành lập nên một nơi có thể hỗ trợ sáng tác và bảo vệ quyền lợi cho họ, chính là Tổ hợp này. Sau sáu tháng chuẩn bị, chúng tôi đã khai trương quán vào tháng 7 vừa rồi. Chúng tôi hiện có khoảng 80 thành viên và dự tính sẽ còn tăng nữa trong tương lai.”

Giống như Lulu Lala, Tổ hợp này cũng là ngôi nhà chung của các họa sĩ tranh minh họa. Bên trong quán có hẳn một phòng làm việc dành riêng cho họ. Các họa sĩ này hợp tác với nhau là để khắc phục tình trạng xuất bản đang ngày một ảm đạm. Giá đốc Kwon Oh-chul cho biết: “Môi trường hoạt động của họa sĩ tranh minh họa đang bị thu hẹp do ngày càng có ít trẻ em. Theo số liệu thống kê năm 2011, Hàn Quốc chỉ có khoảng 3,5 triệu trẻ em dưới 8 tuổi. Dù họa sĩ có nỗ lực thực hiện một cuốn sách tranh hay đến mức nào thì cũng không tiêu thụ được. Đã vậy, thư viện lại còn mọc lên ngày càng nhiều nên người đọc chỉ cần đến đó mượn là được. Những điều này khiến doanh số bán sách giảm dần.”

Để phát hành một cuốn sách tranh, người họa sĩ phải mất ít nhất là sáu tháng, còn lâu nhất là mấy năm trời, nhưng những nỗ lực này chẳng được đền đáp. Điều này khiến cho túi tiền của họa sĩ tranh minh họa luôn ở trong tình trạng lép kẹp. Với sự trợ giúp của Tổ hợp, các họa sĩ bắt đầu thực hiện sách theo hướng chuyên môn hóa và đang dần tìm ra hướng kinh doanh riêng. Giám đốc Kwon Oh-chul tiết lộ: “Ở đây, không chỉ có họa sĩ mà còn có những người làm quản lý, thư ký, lập kế hoạch triển lãm… Công việc của mọi người được phân công đều nhau. Hiện chúng tôi đang trong quá trình quảng bá và mở rộng Tổ hợp hơn nữa.”

Café Illust không chỉ là nơi các họa sỹ có thể trưng bày tác phẩm của mình mà còn là không gian làm việc với những thiết bị chuyên nghiệp, đỡ gánh nặng mà các họa sĩ tranh minh họa đang vác trên lưng đã phần nào được tháo gỡ. Một điều rất quan trọng nữa mà Tổ hợp mang lại chính là các buổi học nâng cao chuyên môn. Thông qua những buổi học như thế này, nhất là phần hỏi đáp qua lại, các nghệ sĩ đã phần nào giải tỏa được những băn khoăn, thắc mắc mà mình đang ấp ủ. Nó cũng góp phần mở rộng hiểu biết cho các họa sĩ mới bước chân vào nghề. Họa sĩ Ko Kwang-sam chia sẻ: “Các họa sĩ đi trước vốn đã xuất bản sách, hoạt động lâu năm, quen biết nhiều nhà văn, nhà xuất bản nên không cần đến sự giúp đỡ của Tổ hợp. Nhưng người mới bước chân vào lĩnh vực này còn thiếu nhiều kinh nghiệm nên rất cần đến sự giúp đỡ đó. Tham gia vào đây, họ sẽ nhận được sự hướng dẫn của người đi trước để có thể phát triển sự nghiệp, đồng thời góp phần mở rộng hơn nữa thị trường sách tranh của Hàn Quốc.”

[Tổ hợp sản xuất âm nhạc độc lập, chỗ dựa vững chắc cho các ban nhạc rock không chính thống]Ra đời trước cả Lulu Lala và Tổ hợp hợp tác họa sĩ tranh minh họa là Tổ hợp sản xuất âm nhạc độc lập dành cho các ban nhạc rock không chính thống. Năm 2010 khi Tổ hợp được thành lập, cũng là lúc các hoạt động âm nhạc đang phát triển rực rỡ. Ca sĩ Dan Pyun-sun, Ủy viên điều hành của Tổ hợp, kể lại: “Quá trình hiện đại hóa, kéo theo đó là việc giải phóng mặt bằng khu xung quanh trường đại học Hongik đã khiến nhiều hộp đêm nhỏ phải đóng cửa, nhiều nghệ sỹ hoang mang không biết mình phải làm gì, không ít người đã quyết định từ bỏ đam mê. Khi đó, quán mỳ Kalguksu mang tên Duriban cũng bị buộc phải di dời, khiến nhiều người phản đối, tụ tập biểu tình và tổ chức buổi biểu diễn tại đây cứ mỗi tuần một lần. Lần công diễn hoành tráng nhất là đúng dịp Ngày quốc tế lao động 1/5 với chừng 70 ban nhạc tham gia, thu hút gần 3.000 khán giả đến xem. Sự kiện này được xem là một trong những đêm nhạc không chính thống độc lập quy mô lớn hiếm hoi vào thời điểm đó. Nhân dịp mọi người tụ họp đông đủ như vậy, chúng tôi đã quyết định thành lập Tổ hợp sản xuất âm nhạc độc lập này.”

Tổ hợp hiện nay đã thu hút được trên 200 thành viên mà đa phần là các ban nhạc cùng một số fan và nhà tài trợ. Với mức phí tham gia chỉ 5.000 won/tháng (khoảng 5 USD) mỗi thành viên, Tổ hợp đã có được nguồn kinh phí vừa đủ để sản xuất đĩa hay công diễn. Ca sĩ Dan Pyun-sun cho biết: “Do không phải là một công ty giải trí nên các nghệ sỹ chúng tôi phải tự mình thực hiện tất cả các khâu sản xuất băng đĩa. Chữ “độc lập” trong tên gọi cũng chính là thể hiện ý nghĩa này. Chúng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là tự mình phải quản lý và thực hiện những điều mình muốn. Tổ hợp chỉ giúp đỡ, chia sẻ cho nhau mọi thứ từ không gian biểu diễn, trang thiết bị, phí thành viên cho đến quan hệ công chúng.”

Mỗi ban nhạc được vay tối đa 500.000 won (khoảng 500 USD) để sản xuất đĩa của mình mà không cần phải thế chấp bất cứ thứ gì. Tuy không phải là một món tiền lớn nhưng nó vẫn có thể giúp họ nuôi sống tình yêu âm nhạc và nhiệt huyết nghệ thuật của mình. Ca sĩ Dan Pyun-sun tâm sự: “Tôi đã phải tiêu tốn đến tám triệu won cho lần thực hiện album đầu tiên. Sau khi tham gia Tổ hợp, tôi được chia sẻ thông tin, ý tưởng nên hiệu suất tăng cao. Nhờ quá trình quan trọng này mà tôi chỉ mất có 800.000 won để ra mắt album lần này.”. Với sự giúp sức của Tổ hợp sản xuất âm nhạc độc lập, Dan Pyun-sun cũng đã ra mắt thành công album thứ hai của mình hợp tác với nghệ sỹ Grey. Nếu tự thân vận động thì không biết bao giờ sản phẩm này của anh mới có mặt trên thị trường.

Toàn Hàn Quốc có gần 50 tổ hợp hợp tác nghệ thuật. Hình thành với mục đích tự cứu lấy bản thân, sau một khoảng thời gian vẽ, viết, chơi nhạc... bên nhau, cái mà họ nhận được không chỉ là những hỗ trợ về mặt kiến thức hay cơ sở vật chất mà còn là sự động viên, khích lệ để các nghệ sỹ vững bước trên con đường chinh phục ước mơ và nghệ thuật.

Lựa chọn của ban biên tập