Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sự thay đổi tích cực của văn hóa tiệc tùng công sở tại Hàn Quốc

2013-12-24

Khán giả đang nhộn nhịp kéo nhau đến xem vở nhạc kịch “Cô Young-ae thô lỗ”, đang được công diễn tại Sảnh đường nghệ thuật Tưởng tượng (Sangsang Art Hall) KT&G ở phường Samseong, quận Gangnam, thành phố Seoul. Đáng chú ý là toàn bộ khán giả đều là nhân viên công sở. Một người chia sẻ: “Tôi vốn không uống được rượu. Thay vì nhậu nhẹt, tôi thích đi xem kịch hay ca nhạc vì nó giúp tâm trạng tôi tốt hơn. Không những thế, tôi còn được chuyện trò cùng nhiều người.”

[Khi tiệc nhậu bị thế chỗ bởi tiệc văn hóa]Khán giả trong trang phục công sở thanh lịch đang cười rất sảng khoái trước từng lời thoại của diễn viên. Trước đây, khi nhắc đến tiệc tất niên, người Hàn thường liên tưởng đến những bàn ăn sặc mùi rượu được cho là thể hiện tình thân chan chứa. Thế nhưng, nếu cứ liên tục ăn nhậu như vậy sẽ chỉ khiến cho sức khỏe ngày càng tuột dốc. Thật may là gần đây, văn hóa tiệc tất niên đã có những thay đổi tích cực. Thay vì nhậu nhẹt, giới văn phòng lại kéo nhau đi thưởng thức nhạc kịch, kịch nói hay phim ảnh. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các cách tổ chức tiệc liên hoan cuối năm mang đậm tính văn hóa và màu sắc tâm lý trị liệu.

Ngày nay, ai cũng muốn ăn ngon, sống khỏe và tìm cách trị liệu tâm lý để thoát khỏi những lo âu, mệt mỏi về tinh thần. Trong xu thế đó, văn hóa tiệc tất niên cũng phải thay đổi theo hướng có lợi cho sức khỏe. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik cho biết:
“Khi nói đến tiệc tất niên là người Hàn nghĩ ngay đến tiệc nhậu, dịp để uống cho đến lúc say bét nhè thì thôi. Nhưng gần đây, khi vai trò của nữ giới trong doanh nghiệp được nâng cao và họ xuất hiện nhiều hơn trong các buổi liên hoan thì văn hóa tiệc tùng công sở cũng phải thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho nữ giới. Chính vì thế mà tiệc tất niên theo hình thức thưởng thức văn hóa-nghệ thuật đang trở thành một xu thế mới với sự đồng thuận, đồng tình của nam giới dù cánh đàn ông vốn coi lễ tất niên chỉ là dịp để nhậu nhẹt mà thôi. Mặc dù chưa bỏ hẳn việc uống rượu, nhưng nếu sau bữa tối cùng một vài chén rượu mà được thưởng thức vở diễn thì quả là một dịp tất niên ý nghĩa.”



Tiệc tất niên 119, tiệc tất niên 112 hay tiệc tất niên 222 là những cụm từ mới xuất hiện trong giới nhân viên văn phòng. Tiệc 119 là tiệc được tổ chức tại một địa điểm duy nhất, uống một loại rượu và kết thúc trước chín giờ đêm. Tiệc 112 là tiệc được tổ chức cũng chỉ ở một nơi, uống một loại rượu và kết thúc trước hai giờ sáng. Còn tiệc 222 là tiệc mà một người mỗi lần chỉ uống một nửa cốc rượu, không uống quá hai cốc và kết thúc trước hai giờ sáng. Nhiều công ty đã và đang áp dụng phong cách văn hóa tiệc tùng này. Ông Choi Deok-su thuộc công ty phát điện miền Trung Hàn Quốc, chia sẻ: “Công ty chúng tôi đang tiến hành chiến dịch thay đổi văn hóa nhậu nhẹt vốn dĩ đã ăn sâu vào đời sống công sở. Trong đó có tiệc tất niên 119. Chúng tôi dời thời gian đãi tiệc từ buổi tối lên buổi trưa, thay việc uống rượu quá chén bằng thưởng thức biểu diễn nghệ thuật hay hoạt động xã hội. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục thu thập ý kiến của mọi người. Đồng thời, chúng tôi cũng đang lập kế hoạch để biến thứ Năm hàng tuần thành Ngày gia đình cho các nhân viên của mình để khuyến khích họ về nhà sớm, dành thời gian cho gia đình.”

Chính nhờ sự thay đổi về cách thức tổ chức tiệc tất niên như vậy mà một nghề mới đã xuất hiện, có tên là điều phối văn hóa. Cùng với đó là sự ra đời của nhiều đơn vị chuyên tổ chức tiệc tất niên theo hình thức tiệc văn hóa cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Ông Jeon Jin-oh, người phụ trách vở nhạc kịch “Cô Young-ae thô lỗ” giới thiệu: “Điều phối văn hóa gọi nôm na là dịch vụ tổ chức trọn gói tiệc công ty theo hình thức thưởng thức nghệ thuật. Khi khách hàng có yêu cầu, chúng tôi sẽ đứng ra thực hiện từ việc biểu diễn cho đến tổ chức tiệc sau đó. Tiệc tùng là một nét văn hóa quen thuộc của doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong cả năm, tùy theo bộ phận, phòng ban mà các nhân viên sẽ phải ăn uống, nhậu nhẹt cùng nhau nhiều lần. Nhưng điều này đang thay đổi, nhất là tiệc tất niên. Do nhu cầu ngày càng tăng mà những dịch vụ như thế này đang phát triển rất nhanh chóng.”

Doanh nghiệp có nhu cầu chỉ cần thông báo số lượng người tham dự. Đơn vị tổ chức sẽ đứng ra thu xếp từ A đến Z. Ngoài chương trình biểu diễn nghệ thuật, họ cũng đảm nhiệm luôn cả việc chuẩn bị tiệc chiêu đãi phù hợp với bầu không khí cuối năm để mọi người có được một buổi họp mặt nhẹ nhàng sau vở diễn. Giờ thì giới văn phòng không còn phải lo lắng về việc sẽ phải tổ chức tiệc tất niên ở đâu hay như thế nào nữa. Do mỗi người có một sở thích khác nhau nên việc lựa chọn một chương trình biểu diễn để cả tập thể cùng thưởng thức cũng không dễ dàng gì. Loại hình biểu diễn có vẻ được lòng nhiều người hơn cả chính là nhạc kịch. Nhà phê bình Kim Heon-sik nhìn nhận:
“Sở dĩ các doanh nghiệp thích chọn nhạc kịch vì loại hình này có hiệu quả cả về hình ảnh và âm thanh. Opera hay nhạc thính phòng thì quá hàn lâm, công chúng bình dân khó tiếp cận. Còn nhạc kịch thì vừa mang tính đại chúng, vừa mang tính nghệ thuật, lại vừa mang tính kinh tế nên rất được ưa chuộng.”

Trong số các vở nhạc kịch thì những vở có nội dung tươi sáng, truyền tải thông điệp hy vọng và được đa phần nhân viên đánh giá cao sẽ có khả năng được lựa chọn hơn cả. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik cho biết: “Dù có bao nhiêu buồn tủi hay phiền muộn trong suốt năm thì cuối năm vẫn là thời điểm mọi người mong ước về một năm mới tốt lành. Các vở được nhiều doanh nghiệp đặt xem đều là những tác phẩm nổi tiếng, được đánh giá cao và nhất là phải truyền tải được hy vọng và niềm vui cho nhân viên của họ.”



[Cùng vui cười và lắng đọng cùng nhạc kịch ngày cuối năm]Là một trong những vở nhạc kịch đang được yêu thích nhất tại Hàn Quốc, vở “Cô Young-ae thô lỗ” đã miêu tả khá chân thực và đầy đủ về cuộc sống công sở với biết bao niềm vui, nỗi buồn mà bất cứ nhân viên nào cũng từng trải qua. Ông Jeon Jin-oh cho biết: “Điểm đặc biệt của vở diễn này là tạo được sự đồng cảm và niềm vui cho giới nhân viên công sở với các tình tiết gây cười và những tình huống vui buồn trong sinh hoạt công sở, qua đó đề cao tình bạn bè, đồng nghiệp. Nhân vật chính là Young-ae, một cô gái xấp xỉ 35 tuổi, luôn buồn rầu về ngoại hình của mình và có cuộc sống khép kín. Đây là tuýp nhân vật thường thấy trong các bộ phim truyền hình. Xung quanh cô là giám đốc, vị trưởng phòng khó chịu, người đồng nghiệp thân thiết hay cô nhân viên vào sau đáng ghét…”

Nhiều khán giả có thể bắt gặp hình ảnh của chính mình trong vở diễn. Đó có thể là người cấp trên lúc nào cũng bắt cấp dưới họp hành và la mắng họ như cơm bữa. Đó có thể là một nhân viên vào sau lười làm việc nhưng khi gặp sếp thì giả vờ chăm chỉ, ngoan hiền. Đó cũng có thể là người đồng nghiệp duy nhất hiểu rõ ta… Vở diễn đã miêu tả hết sức sống động những mâu thuẫn, hiểu lầm… vẫn thường diễn ra trong môi trường công sở. Nhưng sau khi tất cả được hóa giải, mọi người lại giành tình cảm cho nhau nhiều hơn, giúp họ gắn bó với nhau hơn. Về điều này thì bất cứ khán giả nào xem cũng có thể đồng cảm. Đa phần khán giả cho rằng dường như vở diễn đang nói về cuộc sống của chính họ. Một người chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi xem lại những câu chuyện thường xảy ra trong đời sống công sở được tái hiện trên sân khấu. Nhậu nhẹt chỉ khiến chúng ta tốn tiền, còn xem biểu diễn vừa khỏe khoắn tinh thần vừa được dịp nhìn nhận lại bản thân.”

Ngoài phần nội dung chính, vở “Cô Young-ae thô lỗ” cũng lồng ghép những nội dung theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thông qua nội dung thêm vào này, nhân viên có thể giãi bày tâm tư tình cảm của mình đối với cấp trên, cấp dưới, bạn bè, đồng nghiệp về tất cả những gì đã trải qua trong suốt một năm. Ông Jeon Jin-oh, người phụ trách vở “Cô Young-ae thô lỗ” cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp chương trình mang tên “Hãy mở lòng” vào cuối vở diễn để mọi người được giãi bày tâm sự, chia sẻ suy nghĩ hay gửi lời nhắn đến bạn bè, đồng nghiệp của mình ngay trên sân khấu. Việc này giúp cho mọi người có được một bầu không khí vui vẻ, gắn kết hơn.”

Trong lúc ngồi nghe tâm sự, thật không gì vui hơn khi được nhìn thấy tất cả bạn bè, đồng nghiệp ngồi xung quanh đều chan hòa trong bầu không khí ấm cúng, thân tình. Người được chọn lên sân khấu gửi lời cảm ơn và động viên đến những đồng nghiệp đã cùng vất vả, khó khăn trong suốt năm. Thậm chí nhân vật chính này còn được tặng phiếu ăn miễn phí để cùng tham dự một bữa tiệc ấm cúng ngày cuối năm.

Nếu vở nhạc kịch “Cô Young-ae thô lỗ” đi sâu vào khai thác đời sống công sở thì vở nhạc kịch “Siêu sao vĩ đại” lại làm sống dậy những ước mơ bị quên lãng trong lòng nhiều nhân viên văn phòng, những người luôn phải cắm cúi vào công việc từ ngày này qua tháng nọ. Hiện vở diễn này cũng được rất nhiều doanh nghiệp “chọn mặt gửi vàng” nhân dịp tất niên. “Siêu sao vĩ đại” là sự kết hợp hài hòa giữa hình thức nhạc kịch với công diễn ca nhạc. Có thể ví nó như một “bộ quà tặng tổng hợp”.



Nhân vật chính của vở diễn là những người lúc nào cũng phải đấu tranh giữa giấc mơ và hy vọng, suy sụp và vươn lên. Tuy gặp khó khăn nhưng họ vẫn không từ bỏ giấc mơ. Xem xong vở diễn, không ít khán giả đã tự hứa với mình phải phấn đấu nhiều hơn trong năm mới. Kang Chul-woong, nhà sản xuất của vở diễn này, cho biết:
“Sau gần hai giờ ngồi xem, khán giả có thể nhâm nhi một vài chén rượu và trò chuyện những điều xoay quanh nội dung vở diễn cũng như thông điệp về ước mơ và hy vọng mà vở diễn muốn nhắn gửi. Qua đó, họ được dịp chia sẻ với nhau về ước mơ của mình, về việc nó đã được thực hiện hay chưa, nếu chưa thì cần phải cố gắng hơn nữa như thế nào…”

Sau một năm làm việc mệt mỏi, nhờ vở diễn này mà giới văn phòng được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục làm việc trong năm tới. Một khán giả tâm sự: “Trong lúc xem vở diễn, tôi bất chợt nhớ đến ước mơ của mình. Nếu tham gia tiệc nhậu, tôi sẽ chỉ ăn, uống rồi kết thúc trong uể oải. Nhưng khi đi xem biểu diễn, tôi vừa được thư giãn lại vừa được chia sẻ suy nghĩ với bạn bè, đồng nghiệp. Tôi thích như vậy hơn.”

Các buổi biểu diễn nghệ thuật đang dần thế chỗ những mâm rượu trong tiệc tất niên của nhiều doanh nghiệp. Sau một năm làm việc mệt mỏi, tại sao chúng ta lại không tìm đến những thứ có thể khiến cho tinh thần và thể chất được thư thái, nhẹ nhàng để phục hồi sức lực, thay vì say xỉn và lê lết về nhà trong thân xác uể oải. Văn hóa tiệc tất niên tại Hàn Quốc đã thay đổi, góp phần mang đến nguồn năng lượng mới cho giới văn phòng cũng như thành công mới cho doanh nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập