Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Năm 2014, Năm Giáp Ngọ

2014-01-28

Tính theo cung Hoàng đạo thì năm 2014 là năm con ngựa, hay còn gọi là năm Giáp Ngọ. Trước thềm năm mới, có lẽ ai cũng muốn có một năm thăng tiến giống như chú ngựa phi nước đại. Đặc biệt, năm nay được gọi là ngựa xanh bởi "Giáp" trong "Giáp Ngọ" có nghĩa là màu xanh. Ngựa xanh không có thực mà chỉ tồn tại trong thế giới tưởng tượng. Bởi thế mà từ xưa tới nay, ngựa xanh được coi là biểu tượng cho thành công và may mắn.

Giám đốc Bảo tàng dân gian quốc gia Cheon Jin-ki cho biết: “Lịch của người châu Á cổ tính theo chu kỳ 60 năm. Chu kỳ này được lập dựa trên sự kết hợp của mười hai con vật (mười hai chi) là các biểu tượng cụ thể theo cung Hoàng đạo và 10 dấu hiệu của bầu trời (mười can). Trong 60 năm, sẽ có năm năm ngựa luân chuyển sau mỗi một giáp (12 năm) là Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ và Nhâm Ngọ. Giáp trong mười can là màu xanh khi chiếu theo ngũ hành sắc. Bởi vậy, sau 60 năm chúng ta mới được gặp lại năm Giáp Ngọ với nghĩa là năm ngựa xanh.”

Vốn là một trong những nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc nên từ xưa đến nay, Hàn Quốc vẫn duy trì phong tục tính tuổi theo mười hai con giáp trong mười hai chi với thứ tự là Chuột, Bò (thay vì Trâu), Hổ, Thỏ (thay vì Mèo), Rồng, Rắn, Ngựa, Cừu (thay vì Dê), Khỉ, Gà, Chuột, Lợn. Bởi thế, con người từ khi sinh ra, ai cũng có tuổi ứng với một trong số mười hai con giáp trên. Năm nay là năm con ngựa, tức ở vị trí thứ bảy trong mười hai con giáp của mười hai chi và giờ Ngọ là từ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Trong xã hội nông nghiệp từ xa xưa, ngựa chính là một trong những động vật gần gũi, thân thiết với người Hàn.

Ông Cheon Jin-ki chia sẻ:“Ngựa là loài vật vô cùng quan trọng và gần gũi với con người. Cũng bởi lý do đó mà từ xưa tới nay, ngựa được coi là loài động vật mang khả năng dự đoán hay báo trước những việc quan trọng trong cuộc sống của con người. Ngựa là phương tiện giao thông và thông tin trong thời bình cũng như trong thời chiến. Ngựa cũng là loài vật trung thành, sẵn sàng từ bỏ cả mạng sống khi chủ tử nạn. Khi ngựa chết đi, bờm hoặc đuôi con vật này được sử dụng làm cào hay mũ quan; da ngựa được dùng làm túi hay giày; ngay cả phân ngựa cũng được dùng làm củi đốt hay nguyên liệu sản xuất giấy. Ngựa là loài động vật hy sinh, dâng hiến cho con người trọn vẹn khi sống cũng như lúc chết.”

[Triển lãm “Mã đáo thành công”]Chính bởi những vai trò đó nên có thể nói ngựa đã trở thành một thành viên trong gia đình của người Hàn Quốc. Để chào đón năm mới, các bảo tàng lớn trên toàn quốc đã tổ chức những triển lãm đặc biệt về ngựa và các đồ vật liên quan đến ngựa. Ngay từ đầu năm, các phòng triển lãm cũng liên tục tổ chức trưng bày tranh ảnh với chủ đề về ngựa.

Bảo tàng dân gian quốc gia Seoul đã tổ chức triển lãm với chủ đề "Mã đáo thành công". Sự kiện này nhằm giới thiệu về biểu tượng và vai trò của ngựa theo dòng lịch sử nhân loại thông qua 63 tác phẩm tranh, ảnh và đồ vật.

Bà Im Se-kyung, chuyên viên Phòng điều hành triển lãm của Bảo tàng dân gian quốc gia giới thiệu: “Hàng năm, bảo tàng chúng tôi đều tổ chức một triển lãm đặc biệt về loài động vật tượng trưng cho năm đó. Triển lãm năm nay về ngựa là bức tranh toàn cảnh về hình ảnh liên quan đến loài vật này trong đời sống văn hóa dân tộc. Triển lãm này chia thành ba phần. Phần một tái hiện lại quá trình từ khi ngựa là động vật hoang dã, chỉ dùng để lấy thịt cho đến khi trở thành phương tiện chuyên chở người. Phần hai tập trung tái hiện vai trò và hình ảnh ngựa trong quá trình được dùng làm phương tiện giao thông, trở thành biểu tượng phân biệt thân thế, địa vị con người trong xã hội. Cuối cùng là ngựa với vai trò là đại diện cho thần linh.”



[“Nỗ lực tìm hiểu về loài ngựa”]Ngay từ lối vào khu triển lãm, người xem có thể bắt gặp màn hình lớn có cảnh ngựa đang phi nước đại. Bên cạnh màn hình này là những văn tự cổ giới thiệu cho chúng ta về sự gắn bó mật thiết giữa ngựa với con người trong lịch sử xa xưa.

Bà Im Se-kyung cho biết: “Bảo tàng chúng tôi đã thu thập được nhiều văn tự cổ về tên gọi cũng như đặc điểm của các loài ngựa từ giai đoạn trước cho đến thời đại Joseon và làm thành tuyển tập với tiêu đề "Nỗ lực tìm hiểu về loài ngựa". Ví dụ như trong cuốn "Mã kinh sao tập ngạn giải" có ghi chép về cách điều trị khi ngựa bị bệnh. Hay trong "Lý hương kiến văn lục" có ghi chép về Baek Kwang-hyeon, người chuyên chữa bệnh cho ngựa gọi là “mã y” trong triều đại Joseon.”

"Mã kinh sao tập ngạn giải" là cuốn sách về thú y do Yi Seo biên soạn lại từ sách “Mã y phương” (Phương thuốc dành cho ngựa) được viết từ cuối thời Goryeo đến đầu thời Joseon và "Mã kinh đại toàn" của nhà Minh (Trung Quốc). Cuốn sách giới thiệu một cách đầy đủ về tên gọi các bộ phận của ngựa, cách nuôi, chăm sóc và chữa bệnh cho loài vật này.

Bên cạnh đó còn có các cuốn "Tài vật phả" được biên soạn năm 22 đời Jeongjo (Chính Tổ), triều đại Joseon, phân loại các loài ngựa theo giống và màu sắc; cuốn "Khảo sự toát yếu" được viết vào năm thứ 9 đời Myeongjong (Minh Tông), triều đại Joseon, ghi lại phương pháp chữa các bệnh cho ngựa. Chỉ quan sát những ghi chép về ngựa ở nhiều nguồn cũng đủ để biết ngựa là tài sản quan trọng như thế nào với con người.

Giám đốc Bảo tàng dân gian quốc gia Cheon Jin-ki chia sẻ: “Nếu như xe ô tô trở thành nền tảng của ngành công nghiệp trong xã hội hiện đại, ngựa cũng có vai trò quan trọng như vậy trong xã hội truyền thống. Ngày nay có nhiều phương tiện hiện đại để truyền đạt thông tin như điện thoại, Internet, ô tô, nhưng trong xã hội xưa thì ngựa chính là phương tiện truyền thông nhanh nhất. Bởi vậy, việc nuôi dưỡng và chăm sóc ngựa thời đó được coi là "đại sự quốc gia". Cũng vì lý do đó nên có rất nhiều ghi chép phong phú liên quan đến ngựa.”

[Sự giao cảm giữa ngựa và con người]Sau khi xem xong gian trưng bày cuốn sách "Mã kinh sao tập ngạn giải", khách thăm quan sẽ được ngắm những hình ảnh phản ánh tập tính của ngựa và sự giao cảm giữa ngựa và con người. Có thể nói, sự sinh trưởng và tiến hóa của loài ngựa luôn đồng hành với con người. Triển lãm còn giới thiệu Maltheuri, tên gọi người chăn ngựa chỉ có ở đảo Jeju. Đó là chiếc mũ chống lạnh của người chăn ngựa làm từ da chó, những tấm ảnh ghi lại cảnh chăm sóc ngựa, những chiếc móng ngựa và dây cột ngựa... Đây chính là những di vật cho chúng ta thấy rõ tổ tiên từ ngày xưa đã tốn bao công sức để chăm sóc ngựa như thế nào.

Phần hai của cuộc triển lãm giới thiệu về các chế độ sử dụng ngựa, những chiếc yên ngựa và bàn đạp được phân chia theo địa vị, những bức tượng chú rể cưỡi ngựa trong đám cưới... Trong phần này, người xem có thể tìm hiểu về cách thức con người đã thuần hóa và sử dụng ngựa như thế nào.

Chuyên viên Im Se-kyung giải thích: “Thời Wonjong (Nguyên Tông) năm thứ 15 trong thời đại Goryeo (tức năm 1274) đã lập ra chế độ Mapae (Mã bài). Đến năm 1597 thời Joseon có chế độ Pabal (Bãi bát) chỉ những binh sĩ cưỡi ngựa để truyền tin qua các dịch trạm. “Mã bài” là một miếng gỗ phát cho các quan lại khi đi thị sát ở địa phương. Hình ảnh tiêu biểu cho chế độ này là các "ám hành ngự sử", quan viên được nhận mã bài cải trang và đi thị sát bí mật theo lệnh vua. Cũng giống như phải đổ xăng cho xe ô tô ngày nay, các quan khi đi thị sát sẽ dừng lại và trình mã bài tại các dịch trạm để giải quyết nhiều loại công việc như ăn nghỉ, chăm sóc ngựa hoặc đổi ngựa.”

Tuy là động vật dùng để chuyên chở nhưng giá ngựa thời xưa cũng đắt đến mức có thể đổi được hai, ba người đày tớ. Trong số những đồ vật được triển lãm có cả bàn đạp yên ngựa dành cho vua và các bậc quan lại được làm bằng vàng và bạc. Chỉ nhìn vật này cũng có thể thấy ngựa là phương tiện dành riêng cho những người có địa vị cao trong xã hội xưa. Cũng bởi vậy mà ngựa đã trở thành ước vọng, khao khát đối với dân thường.

Bà Im Se-kyung chia sẻ: “Do số lượng không nhiều nên trong xã hội xưa, ngựa chỉ dành để chở những người có địa vị và quyền lực. Vì vậy, ngựa không chỉ đơn thuần là phương tiện chuyên chở mà đã trở thành niềm khao khát, ước vọng của người dân thường. Một góc trong phần hai của triển lãm có chủ đề là "Ngựa và niềm ước vọng" đã tái hiện tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng làng xã như vẽ hình ngựa lên bùa chú để xua đuổi bệnh tật, ma quỷ; làm hình nộm ngựa bằng rơm để đuổi vận xui, với hy vọng là ngựa sẽ chở vận xui đi.”

Vào cuối thời Joseon có lá bùa màu vàng gọi là "Thần mã phù" với hình ngựa cùng hai chữ "Mã thần". Người dân quan niệm, nếu dán tấm bùa này trong nhà sẽ đuổi được bệnh tật, ma quỷ. Tuy không dám cưỡi ngựa như các bậc quý tộc, nhưng người dân vẫn thể hiện sự tôn kính, thần thánh hóa loài ngựa qua hình vẽ của những tấm bùa.



[Ngựa trong thần thoại lập nước và tranh dân gian]Ngựa không chỉ có trong tín ngưỡng dân gian mà còn xuất hiện trong những chuyện thần thoại về đề tài lập nước của Hàn Quốc.

Ông Cheon Jin-ki có đôi lời giải thích cho chúng ta: “Nhìn lại ghi chép lịch sử có thể thấy trong thần thoại Silla, thủy tổ Park Hyeokgeose sinh ra từ quả trứng. Chính một chú bạch mã đã đóng vai trò báo cho mọi người biết đức vua chào đời. Trong thần thoại Jumong, người sáng lập Goguryeo, ông cũng ra đời trong hình hài quả trứng và loài ngựa đã nhận ra mà tránh đi để không làm vỡ trứng. Trước đó, trong thần thoại nước Buyeo, vua Buru vì không có con nên đã lập đàn tế thần. Sau khi tế thần quay trở về cung, ngựa của vua chợt dừng lại và quỳ dưới một tảng đá lớn. Lật tảng đá này lên thì thấy có đứa trẻ phát ra ánh sáng màu vàng. Vua thấy giống với con ếch vàng nên đặt tên là Geumoa (Kim Oa), sau này là vua Geumoa. Theo những chuyện thần thoại này thì ngựa chính là loài vật đã có công giúp đỡ thủy tổ của dân tộc Hàn Quốc trong quá trình lập nước.”

Chúng ta cũng có thể thấy được sự thiêng liêng của ngựa trong những bức họa được tìm thấy trên tường các ngôi mộ cổ. Tiêu biểu có bức "Thiên mã đồ" được khai quật tại "Thiên mã trủng" (Mộ thiên mã) ở phường Hwangnam, cố đô Gyeongju. Bức họa mô phỏng hình ảnh bạch mã đang bay lên trời với tâm nguyện cầu mong cho vị hoàng đế khi băng hà sẽ cưỡi ngựa thong dong đi về thế giới bên kia.

Trong những bức tranh dân gian, ngựa là loài động vật tượng trưng cho sự sinh sôi, dư dật và lòng trung thành. Bức "Bát tuấn đồ" có vẽ hình ảnh tám con ngựa mà Thái tổ Yi Seong-gye cưỡi trong quá trình xây dựng đất nước. Bức "Cổn mã đồ" miêu tả hình ảnh đôi ngựa đực cái, một con đang gặm cỏ, một con khoái chí lăn lộn ở bên dưới. Bức tranh này cho thấy ngựa còn tượng trưng cho sự sinh sôi và tình yêu vợ chồng. Trong quan niệm dân gian Hàn Quốc, hình ảnh song mã bao giờ cũng khỏe khắn và may mắn hơn so với hình ảnh một con ngựa đơn lẻ.
Tuy cùng nằm trong một hệ văn hóa nhưng quan niệm và cách nhìn ngựa của Hàn Quốc khác rất nhiều so với Trung Quốc và Nhật Bản. Giám đốc Cheon Jin-ki cho biết: “Vì đất nước Trung Quốc rộng lớn nên văn hóa Trung Quốc từ xưa đã quan niệm ngựa là phải chạy nhanh. Người Trung Quốc ưa chuộng hình ảnh của "Thiên lý mã", tức là ngựa chạy nghìn dặm một ngày. Người Hàn Quốc từ xưa lại thích loài ngựa nhỏ đi dưới cây sồi lá nhỏ (một giống sồi mọc ở ven biển hay thung lũng). Người Hàn Quốc thích ngựa khỏe mạnh và bền bỉ, có khả năng leo núi tốt hơn là sức chạy nhanh. Người Nhật thì coi ngựa như là “Lộ thần”, tức thần dẫn đường.”

[Ngựa của linh hồn và các vị thần]Phần thứ ba của triển lãm có chủ đề là "Ngựa của linh hồn và các vị thần". Vì là tài sản quan trọng của quốc gia, được sử dụng trong quân đội cũng như công việc hành chính nên ngựa còn được cúng tế đề cầu sức khỏe. Sự tồn tại của ngựa đã được thần thánh hóa trong đời sống tâm linh của người Hàn Quốc. Người xem có thể cảm nhận được sự tôn kính đối với ngựa của người xưa qua các tác phẩm điêu khắc ngựa bằng sắt, gỗ hay bằng đất.

Ông Cheon Jin-ki nói: “Vì là một trong những nền tảng công nghiệp quan trọng của quốc gia nên vào thời Goryeo hay đầu thời Joseon, ngựa còn nằm trong danh mục những đồ thờ cúng dành cho các lễ tế ở tầm quốc gia. Vào ngày Mã tổ tế, tức tháng 10 âm lịch hàng năm, người dân làm bánh nếp đậu đỏ và bày cúng tại chuồng ngựa. Trong đền thờ thành hoàng làng cũng có thể dễ dàng bắt gặp tượng ngựa bằng đất, bằng sắt hay bằng sứ. Người dân quan niệm rằng khi Thành hoàng về lo việc của làng sẽ phải có phương tiện đi lại giống như xe ô tô cá nhân ngày nay nên đặt tượng ngựa trong đền thờ thành hoàng làng để cúng thần.”



[Quan niệm về con gái tuổi ngựa]Có thể thấy từ xưa cho đến nay, ngựa đã trở thành bạn đồng hành cũng như loài vật có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống của dân tộc Hàn. Thế nhưng lại có lời đồn rằng nếu con gái sinh trong năm ngựa thì sẽ trở nên hung dữ. Cũng bởi vậy mà trong năm ngựa, tỉ lệ sinh con gái đã có khi giảm xuống bất ngờ.

Ông Cheon Jin-ki chia sẻ: “Người Nhật Bản quan niệm con gái tuổi ngựa cao số. Bởi vậy nên trong nhiều truyền thuyết hoặc chuyện dân gian nước này có thể gặp nhiều nhân vật nữ tuổi ngựa thường "ăn to nói lớn", khinh thường đàn ông và hay gây ra sự cố. Trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Hàn Quốc, quan niệm đó dần xâm nhập vào Hàn Quốc và xuất hiện trong tựa đề phim điện ảnh hay truyền hình những năm 1960, 1970 là “Cô gái tuổi ngựa”, “Cô dâu tuổi ngựa”.”

Nhưng trong thời đại thông tin hóa coi trọng tốc độ ngày nay, có rất nhiều người muốn có những đặc tính tốt của ngựa như sức khỏe, sự nhanh nhẹn và sức bật dẻo dai.

Giám đốc Cheon Jin-ki chia sẻ: “Trong xã hội truyền thống, người phụ nữ thường chỉ biết ngoan ngoãn phục tùng nhưng trong thời đại thông tin ngày nay, cần phải có sự nhanh nhẹn của ngựa để tiếp nhận thông tin cũng như cần phải có vẻ đẹp khỏe khoắn để tồn tại và phát triển. Bởi vậy, những thuộc tính của ngựa như cơ bắp và bốn chân cứng cáp, dẻo dai; nhịp thở khỏe khoắn... lại chính là những vẻ đẹp và phẩm chất mà con người hiện đại cần có.”

Quả đúng là năm ngựa nên trong năm nay có rất nhiều sự kiện thể thao nổi bật sắp diễn ra. Thế vận hội mùa đông sẽ khai mạc vào ngày 7 tháng 2 tại Sochi (Nga). Trong tháng 6 sẽ khai mạc Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup tại Bra-xin và Đại hội thể thao châu Á lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9 tới. Đối với giới thể thao trên toàn thế giới, năm nay sẽ là năm để bứt phá và phát huy năng lực dồi dào như những chú ngựa. Triển lãm "Mã đáo thành công" đã truyền đến cho quan khách nguồn năng lượng sung mãn để hướng về một năm mới thành công và ngập tràn hy vọng.

Lựa chọn của ban biên tập