Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tình làng nghĩa xóm tại chung cư

2014-03-25

[Dàn đồng ca Pureumi]Cứ vào thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, khi đi ngang qua một chung cư của phường Hwagok, quận Gangseo, thủ đô Seoul, là ta lại nghe vang vọng tiếng dàn đồng ca.
Tuy chưa đạt đến trình độ như những dàn hợp xướng chuyên nghiệp, nhưng người nghe vẫn cảm nhận được sự dày công luyện tập qua cách hòa âm nhịp nhàng, uyển chuyển. Đây là dàn hợp xướng nào vậy? Bà Lee Yeong-ae, thư ký dàn hợp xướng cho biết:
"Dàn đồng ca Pureumi do những người dân yêu thích ca hát trong chung cư thành lập. Chúng tôi luyện tập hai buổi một tuần, mỗi buổi hai tiếng đồng hồ dưới sự chỉ dẫn của nhạc trưởng chuyên nghiệp."



Cho đến nay, dàn hợp xướng đã hoạt động được hai năm và có 35 hội viên. Dàn hợp xướng cũng khẳng định được chỗ đứng riêng qua việc tổ chức hai lần biểu diễn thường kỳ và thậm chí còn được mời đi hát tại nhiều sự kiện trong thành phố. Bà Lee Yeong-ae, Thư ký dàn đồng ca Pureumi chia sẻ: "Sau hai năm hoạt động, chúng tôi đã tổ chức được mỗi năm một buổi biểu diễn thường kỳ. Chung cư của chúng tôi cũng được văn phòng thành phố bầu chọn là chung cư cộng đồng hoạt động sôi nổi nhất, nên dàn hợp xướng nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các sự kiện do thành phố tổ chức hoặc các trung tâm phúc lợi chăm sóc y tế người cao tuổi. Mục tiêu sắp tới của dàn hợp xướng là tham gia và giành giải trong cuộc thi hợp xướng toàn quốc."

Chung cư Prugio ở phường Hwagok, nơi ra đời của dàn hợp xướng Pureumi, có 2.200 hộ dân sinh sống. Nếu chỉ dọn đến đây ở thì chắc người ta sẽ chẳng biết đến nhau. Hoạt động tập thể này đã tạo ra lý do gặp gỡ, giao lưu cũng như hình thành nên mục tiêu chung cho cả cộng đồng. Tình xóm giềng, văn hóa cộng đồng đang dần được thiết lập tại chính những khu chung cư cao cấp tại Hàn Quốc.

[Triển lãm "Đời sống chung cư"]Chung cư chiếm tới 60% trong các loại hình nhà ở tại Hàn Quốc. Trong đó, tỷ lệ chung cư tại Seoul chiếm tới 58%. Chung cư, tổ ấm chung của nhiều gia đình Hàn Quốc, đang trưởng thành cùng với sự phát triển của thủ đô. Bắt đầu từ ngày 6 tháng 3 năm 2014, Bảo tàng Lịch sử Seoul đã ra mắt cuộc triển lãm mang tên "Đời sống chung cư", tái hiện những quang cảnh và câu chuyện về những con người sống tại chung cư...

Hướng dẫn viên phụ trách mảng lịch sử của Bảo tàng Lịch sử Seoul, bà Jeong Soo-in cho biết: "Triển lãm này không chỉ giới thiệu về lịch sử phát triển chung cư, mà còn tái hiện hình ảnh chung cư trên ba góc nhìn khác nhau: thứ nhất là góc nhìn của tầng lớp trung lưu - đối tượng chủ yếu sống ở chung cư; thứ hai là góc nhìn của những người dân phải di dời do bị giải tỏa mặt bằng để xây dựng chung cư. Cuối cùng là góc nhìn của thế hệ sinh ra sau thập niên 1980, những người hầu hết sinh ra và lớn lên tại chung cư và lưu giữ rất nhiều ký ức sâu đậm về khu nhà nơi mình sống. Với họ, chung cư không phải là khối bê tông vô cảm, lạnh lẽo mà là nơi chất chứa những kỷ niệm thời ấu thơ, là quê hương thực sự. Dưới ba góc nhìn cơ bản này, chúng tôi muốn truyền tải đến người xem hình ảnh toàn diện, đa chiều về chung cư."

Chung cư bắt đầu được xây dựng tại Hàn Quốc cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ đã tạo nhiều việc làm và điều này khiến dòng người đổ về thủ đô ngày càng đông, kéo theo nhiều nhu cầu về hạ tầng đô thị. Hướng dẫn viên lịch sử Jeong Soo-in giải thích: "Sau ngày giải phóng, người dân ào ạt dồn về thủ đô. Do thiếu chỗ ở mà người ta đua nhau dựng những khu nhà tạm bợ tại các vùng đồi hay khu ổ chuột giữa lòng thủ đô. Nhằm tháo gỡ vấn nạn khu ổ chuột và đáp ứng nhu cầu nhà ở với số lượng lớn, chung cư đầu tiên đã được thành lập. Đó là khu chung cư Jongam, với ba dãy nhà nằm song song với nhau. Khu chung cư khi đó cũng không có các cơ sở hạ tầng dành để sinh hoạt chung."

Chung cư Jongam tại quận Seongbuk, thủ đô Seoul, được khánh thành năm 1958 gồm có ba tòa nhà và 152 hộ. Kiểu thiết kế và lắp đặt bệ xí bệt trong nhà khi đó đã trở thành chủ đề "nóng" một thời và cũng chỉ có tầng lớp trung lưu như chính trị gia, nghệ sĩ, giáo sư mới được ở tại đó. Đặc biệt, sau khi chung cư Jongnam ra đời, thời đại chung cư tại Hàn Quốc đã thực sự bắt đầu từ đầu những năm 1960. Bà Jeong Soo-in cho biết: "Khu chung cư cao tầng, nhiều dãy nhà đầu tiên hình thành tại Hàn Quốc từ năm 1962. Trong thập niên 1960, chung cư vốn là loại nhà dành cho tầng lớp dân nghèo. Mãi cho đến sau vụ tai nạn sập chung cư năm 1970, thì chính sách cung cấp chung cư mới chuyển thành loại hình nhà ở dành cho tầng lớp trung lưu."

Kể từ sau sự ra đời của chung cư Mapo năm 1962, người dân Hàn Quốc bắt đầu làm quen với khái niệm "khu chung cư". Đến những năm 1970, có thêm khu căn hộ quy mô lớn Hangang Mension tại Khu vực Banpo-1. Tiếp đó là một loạt chung cư quy mô lớn được xây dựng tại các quận, phường của Seoul như Banpo, Yeongdong, Jamsil, Apgujeong... theo dự án khu đô thị mới phía Nam sông Hàn. Đây cũng là thời điểm giới thiệu mẫu nhà để quảng bá và chế độ phân phối căn hộ theo hình thức góp vốn xây dựng. Đặc biệt, chung cư thử nghiệm Yeouido là khu căn hộ cao tầng đầu tiên tại Hàn Quốc và thu hút đối tượng khách hàng là tầng lớp trung lưu. Đến những năm 1980, cùng với sự bùng nổ của các dự án, chính sách phát triển đô thị, việc xây dựng chung cư tại Hàn Quốc cũng bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Triển lãm "Đời sống chung cư" đã tái hiện nguyên vẹn thực trạng cư dân sinh sống tại chung cư những năm 1980.

Hướng dẫn viên lịch sử Jeong Soo-in cho biết:"Chung cư Samho ở phường Seocho được xây dựng năm 1978 theo dự án khu đô thị mới phía Nam sông Hàn. Đây là mô hình tái hiện một căn hộ có diện tích 109 m2 với bốn phòng ngủ trong đó có một phòng dành cho người giúp việc trong nhà. Vì có nhiều phòng nên diện tích của mỗi phòng tương đối nhỏ so với hiện nay và sàn nhà cũng chưa có hệ thống sưởi bằng khí đốt như ngày nay. Những tấm nan này thể hiện bộ tản nhiệt của hệ thống sưởi bằng hơi nước thời đó."

Khủng hoảng ngoại tệ năm 1998 đã khiến thị trường bất động sản sụt giá nghiêm trọng. Các công ty xây dựng cũng hạn chế phân phối chung cư. Điều này cũng ảnh hưởng rõ nét đến hoạt động xây dựng chung cư những năm 2000. Do cầu nhiều hơn cung nên giá chung cư tăng lên vùn vụt và các căn hộ cao cấp mọc lên ngày càng thể hiện sự phân hóa rõ rệt. Năm 2002, công ty xây dựng Samsung đã khánh thành tổ hợp chung cư cao cấp Tower Palace tại phường Dogok, quận Gangnam, thành phố Seoul. Tiếp đó, một loạt tổ hợp chung cư cao cấp lần lượt ra đời như chung cư IPark (phường Samseong, quận Gwanak), chung cư Hyperion (phường Mok, quận Yangcheon), chung cư Parkview (phường Jeongja, quận Bundang, thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi). Những tổ hợp này đã mở ra thời đại "hoàng kim" trong lịch sử phát triển chung cư tại Hàn Quốc.

Thông qua những mô hình trưng bày trong triển lãm, người xem có thể thấy rõ xu thế những chung cư ngày càng cao hơn, hiện đại và tiện nghi hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, những khu căn hộ ngày nay cũng đã bắt đầu chú ý tới vấn đề môi trường. Ông Byeon Yeong-su, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa cộng đồng chung cư thuộc Liên đoàn chung cư toàn quốc, cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng một khu căn hộ thân thiện với môi trường và hài hòa với hệ sinh thái tại một không gian trống ở quận Nowon, Seoul. Đây là dự án nhà cho người có thu nhập thấp và sinh viên. Khác với chung cư thông thường, đây là chung cư xanh, tức không sử dụng năng lượng, không thải khí CO2. Nguồn điện và sưởi trong căn hộ sẽ được tự tái tạo từ năng lượng mặt trời, sức gió và sức nóng mặt đất; các chất thải sinh hoạt cũng sẽ được tái sử dụng vì mục đích tiết kiệm và bảo vệ môi trường."

Thông qua mô hình triển lãm, khách tham quan cũng có thể nhận ra chung cư hiện đại với những tiện ích mới như: tận dụng tầng hầm để làm bãi đỗ xe ngay trong chung cư, xây công viên xung quanh, thiết kế đường dành cho người luyện tập chạy bộ. Tuy nhiên, cũng chính sự tiện lợi và hiện đại này đã khiến tình xóm giềng ngày càng mai một. Trong quá khứ, người ta chỉ cần nhìn sang bờ tường bên kia là thấy nhà hàng xóm, hay qua lại con ngõ nhỏ là có thể gặp gỡ, chào hỏi những người cùng sống trong vùng. Ngày nay, chỉ cần bấm nút lên thang máy là có thể lên tới tận cửa phòng, nên cũng chẳng còn lý do để gặp gỡ hàng xóm. Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa cộng đồng chung cư Byeon Yeong-su chia sẻ:
"Hạ tầng chung cư Hàn Quốc ngày càng hiện đại nhưng lại vô hình chung thu hẹp đời sống tinh thần của những cư dân sống trong đó. Cuộc sống của họ ngày càng trở nên biệt lập và bị cắt đứt mối quan hệ với xã hội, cộng đồng. Đây cũng là nguyên nhân nảy sinh những vấn nạn xã hội như mâu thuẫn về tiếng ồn giữa tầng trên và tầng dưới, những nghi ngờ về tính toán chi phí thi công và quản lý bảo vệ."

[Văn hóa cộng đồng tại chung cư]Xuất phát từ nhu cầu muốn gặp gỡ, giao lưu của cư dân chung cư hiện đại, những không gian sinh hoạt tập thể bắt đầu xuất hiện. Viện trưởng Byeon Yeong-su giới thiệu: "Mặc dù chung cư phổ biến tại Hàn Quốc như một không gian ở nhưng lại không hề có cơ sở văn hóa và giáo dục bên trong đó vào những năm 1970, 1980 và 1990. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 2000, các chung cư đã bắt đầu đặt nhu cầu của người dân làm trọng tâm, và xây dựng nhiều không gian cộng đồng tổng hợp như công viên, đường dạo bộ, rạp chiếu phim, thư viện, phòng đọc, phòng tập thể dục, phòng tập golf, bể bơi, khu tắm hơi, trung tâm mua sắm..."



Cùng với sự phát triển của không gian sinh hoạt tập thể, những người sống trong chung cư đã bắt đầu chung sức xây dựng văn hóa cộng đồng. Câu lạc bộ bóng bàn tại một chung cư của quận Gangseo, thành phố Seoul, nhộn nhịp hoạt động từ sáng tới tối với sự tham gia của các thành viên là cư dân chung cư. Ông Kim Ji-hwan, chủ nhiệm câu lạc bộ bóng bàn của chung cư chia sẻ: "Ba năm trước, chúng tôi đã cải tạo lại tầng hầm của khu nhà thành phòng đánh bóng bàn. Cơ sở vật chất ban đầu rất sơ sài, nghèo nàn, nhưng các hội viên đã cùng chung tay đóng góp để câu lạc bộ có được trang thiết bị tốt như ngày nay. Hiện câu lạc bộ của chúng tôi có khoảng 60 thành viên, trong đó có 20 nam và 40 nữ với tuổi đời từ 40 cho đến 70 tuổi. Tất cả đều có một điểm chung là ai ai cũng đều sung sức, nhiệt tình. Câu lạc bộ của chúng tôi hoạt động liên tục từ thứ Hai cho đến Chủ nhật."

Cứ ba buổi một tuần, vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, câu lạc bộ còn tổ chức các lớp học bóng bàn dành cho người mới bắt đầu chơi. Chỉ với 20.000 won (chưa đến 20 USD) hội phí, là mọi cư dân trong khu nhà có thể tham gia luyện tập. Sau đây là chia sẻ của một thành viên nữ: "Ban đầu tôi không thích chơi bóng bàn. Bị chồng kéo đến đây nên một, hai tháng đầu tôi chỉ ngồi xem. Nhưng được sự hướng dẫn nhiệt tình của những hội viên đi trước, mà giờ đây tôi đã tìm thấy niềm vui mới từ môn thể thao này. Chơi bóng bàn giúp tôi giải tỏa căng thẳng và hạnh phúc hơn rất nhiều. Tôi có cảm giác những bữa cơm mình nấu cho gia đình cũng ngon hơn. Tôi thường khoe với mọi người rằng chơi bóng bàn quả là lựa chọn đúng đắn của tôi."

Không chỉ biết đến nhau nhờ hoạt động thể thao, những cư dân tại chung cư còn kết mối thân tình khi cùng sinh hoạt tại dàn hợp xướng. Dàn hợp xướng của người dân chung cư quận Gangseo thường luyện tập hai buổi một tuần, sau giờ ăn tối. Vì cùng sinh hoạt trong khu nhà nên các thành viên cũng không lo ngại việc về nhà muộn ban đêm. Bà Kim Bo-bae, một thành viên của dàn hợp xướng chia sẻ:"Tôi cũng không gặp được bạn bè thường xuyên. Nhưng ở trong khu chung cư này thì mọi người hay qua lại, gặp gỡ và hỏi han nhau, đến mùa muối kimchi cũng tụ tập làm chung. Ở đây giống như làng xóm hơn là khu căn hộ. Tôi thường tranh thủ đến tập từ lúc 7 giờ 40 phút tối, sau khi đã ăn tối, dọn dẹp. Lúc đi cũng như lúc về cũng đều có hàng xóm đi cùng, trò chuyện nên tôi thấy thoải mái, phấn chấn vì vừa an toàn, vừa không mất tiền đi lại.":

Nhạc trưởng của dàn hợp xướng đã tình nguyện hướng dẫn cho cả câu lạc bộ, chiếc đàn piano cũng là do một người dân trong chung cư quyên tặng. Chung cư quận Gangseo có một đặc điểm thú vị là có tới hơn 20 câu lạc bộ khác nhau như Yoga, nhảy tập thể, bóng bàn, hợp xướng, sáo ocarina... Nếu người dân muốn học bộ môn nào thì sẽ đề đạt nguyện vọng tại cuộc họp tổ dân phố và sau đó chung cư sẽ đưa thông báo tuyển người dạy tình nguyện. Lớp học sẽ được mở ngay khi có giáo viên. Để có được những lớp học như thế này phải kể đến vai trò quan trọng của người dân trong chung cư.

Bà Lee Yeong-hee, trưởng ban quản lý khu chung cư, cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng hội trường trong khu căn hộ bằng vốn hỗ trợ thuộc dự án phát triển khối cộng đồng của thành phố Seoul. Trước đây vì không có địa điểm nên chúng tôi không thể thực hiện được những điều ấp ủ. Nhưng từ khi có lớp học, chúng tôi đã mở được nhiều khóa học như học tiếng, học nhạc cụ và sắp tới dự kiến sẽ có nhiều khóa học khác nữa. Nếu không có giáo viên tình nguyện, chung cư cũng có thể mời người ngoài đến dạy. Những lớp học thu tiền không phải vì lợi nhuận mà là cơ hội để cả người dạy lẫn người học cùng chia sẻ và giao lưu với nhau. Ở đây, có những người còn tham gia một lúc hai, ba lớp."

Mỗi căn hộ trong tòa nhà chục tầng là một thế giới khác. Nhìn từ bên ngoài, đây là cuộc sống biệt lập của mỗi cá nhân. Song, chỉ cần mở cửa, mở lòng, thì chung cư sẽ biến thành nơi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Phải chăng, trong xã hội hiện đại ngày nay, chung cư chính là một hình thái mới, là nơi gieo mầm văn hóa cộng đồng và làm sâu sắc thêm tình làng nghĩa xóm?

Lựa chọn của ban biên tập