Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Lời nói là sức cạnh tranh trong thời đại mới

2014-04-01

[Tầm quan trọng của lời nói]Năm 2011, bộ phim "The King's Speech" (Nhà vua nói lắp) của đạo diễn Tom Hooper đã thu hút đông đảo khán giả trên thế giới. Bộ phim kể về hoàng tử Albert của Anh, người đã lên ngôi trở thành vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth II, thay cho anh trai của mình là vua Edward VIII, người đã từ bỏ ngai vàng để lấy một phụ nữ đã có hai đời chồng. Do tật nói lắp cùng với tính tình nhút nhát nên hoàng tử Albert luôn bị nghi ngờ về tư cách làm vua.

Lúc hoàng tử Albert lên ngôi, cũng là khi nước Anh đang phải đương đầu với Thế chiến thứ II. Để đáp ứng những mong mỏi của người dân về một nhà lãnh đạo mới trong bối cảnh hỗn loạn, bất an đó, ông đã nỗ lực luyện tập và điều trị chứng nói lắp. Vua George VI đã dần khắc phục tật nói lắp của chính mình, ông đã động viên những người dân đang hoang mang về chiến tranh. Vua George VI được mọi người dân tôn kính và trở thành biểu tượng cho sự nỗ lực, vượt lên khó khăn trong lịch sử nước Anh.

Sự trưởng thành của một người nhút nhát trở thành một vị vua chân chính trong phim "The King's Speech" đã một lần nữa đề cao sự biểu đạt bằng lời nói. Kỹ năng nói cũng đang trở thành một trào lưu mới tại Hàn Quốc.



[Trung tâm đào tạo kỹ năng nói]Trong một lớp học nền nã, học viên đang luyện tập cách hít thở bằng bụng dưới sự chỉ dẫn của giáo viên. Mọi người lặp lại những động tác cơ bản như: ưỡn ngực, hít không khí bằng mũi thật sâu cho đến khi bụng căng phồng và sau đó lại thở ra một hơi dài theo đường miệng. Sau khi luyện tập hít thở bằng bụng, các học viên bắt đầu luyện cách phát âm. Đây chính là trung tâm đào tạo kỹ năng nói. Ông Oh Byung-kwan, một học viên của trung tâm, chia sẻ: "Tôi sống và học tập ở nước ngoài lâu nên không phát âm được phụ âm cuối “t” còn các nguyên âm "ư", "i", đáng lẽ phải mở rộng vòm miệng khi nói thì tôi vẫn chưa làm được. Mọi người cứ nghĩ việc phát âm rất đơn giản, nhưng thực ra chúng ta vẫn chưa sử dụng các phần cơ một cách đúng đắn và đầy đủ khi phát âm. Tôi đang học và sửa cách phát âm cơ bản tại trung tâm này."

Thật bất ngờ khi tại trung tâm có rất nhiều người gặp phải vấn đề phát âm và cảm thấy ức chế khi không thể diễn đạt theo ý muốn giống như học viên Oh Byung-kwan. Đặc biệt là gần đây, khả năng diễn đạt là một trong những điều kiện cần thiết để vượt qua cánh cửa phỏng vấn, một vòng thi bắt buộc đầy nghiêm ngặt khi thi đại học hoặc đi xin việc tại Hàn Quốc. Giảng viên Bae Yun-hee của trung tâm đào tạo kỹ năng nói giới thiệu: "Học viên của trung tâm phần lớn là sinh viên ở độ tuổi 20 và nhân viên, thậm chí có cả viên chức ở độ tuổi 40-50. Sinh viên thường phải chuẩn bị cho các kỳ thi phỏng vấn xin việc làm tại các công ty. Còn các nhân viên tại các cơ quan, công ty do phải phát biểu, diễn giải tại nhiều cuộc họp, hội nghị, nên cũng có nhu cầu rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông để khẳng định năng lực cá nhân."

Quả không sai khi nói, năng lực biểu đạt ngôn ngữ là chìa khóa để thấu hiểu và đồng cảm trong thời đại ngày nay. Sự lưu loát trong lời ăn tiếng nói vô cùng quan trọng trong cuộc sống, bởi điều này rất dễ gây ấn tượng và tạo thiện cảm tốt đẹp ban đầu cho người nghe. Giáo sư Huh Kyung-ho, Viện trưởng Viện nghiên cứu kỹ năng nói và thảo luận quốc tế của trường Đại học Kyunghee cho biết: "Khi gặp một ai đó, ban đầu chúng ta để ý tới ngoại hình của họ. Nhưng càng tiếp xúc thì phải giao lưu, chào hỏi, giới thiệu bản thân. Lời nói của một người sẽ thể hiện phẩm cách, phong thái và rất dễ khiến người nghe liên hệ tới trình độ văn hóa của người đó. Trong chuyện hẹn hò cũng vậy. Ngoại hình cũng rất dễ gây ấn tượng, nhưng lời nói mới thể hiện được nhân cách, tính tình, tình cảm và là cánh cửa để chiếm được thiện cảm của đối phương."

Giao tiếp bằng lời nói là hoạt động mà chỉ riêng con người mới có khả năng thực hiện. Từ "Forum", tức “diễn đàn”, là nơi một nhóm người, một tập thể thảo luận về một vấn đề nào đó. Từ này vốn xuất phát từ cụm từ "Roman Forum", chỉ Hội trường La Mã cổ đại. Ngay từ thời xa xưa, như người La Mã cổ đại, nhân loại đã không ngừng tranh luận về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội...và trưởng thành từ chính những buổi thảo luận đó. Tuy nhiên, ngày nay, sự phát triển của các dịch vụ Mạng xã hội đã khiến con người ngày càng sao nhãng việc gặp gỡ và giao lưu chia sẻ trực tiếp với nhau. Có khi gặp nhau nhưng người ta cũng chỉ im lặng và đắm chìm vào thế giới ảo của chiếc điện thoại thông minh. Do chỉ trao đổi bằng hình ảnh và tin nhắn nên cơ hội đối thoại giữa người với người trong xã hội cũng như trong gia đình ngày càng ít đi. Tuy nhiên, những kỳ thi phỏng vấn, những tiết học thảo luận, những bài phát biểu trong công ty...lại đang đòi hỏi năng lực diễn đạt lưu loát. Chính thực trạng này đã khiến những trung tâm đào tạo kỹ năng nói ra đời một cách rất tự nhiên.

Giáo sư Huh Kyung-ho chia sẻ: "Kỹ năng nói thiết thực cho tất cả mọi đối tượng trong bất kỳ thời đại nào. Đặc biệt, trào lưu qua câu văn tinh xảo, điêu luyện của ngày xưa đang được dần dần thay thế bởi phương thức biểu đạt bằng lời. Chúng ta có thể thấy rõ xu thế chia sẻ và giao tiếp qua video chẳng hạn như trang Youtube trong xã hội ngày nay. Con người hiện đại ưa tiếp cận thông tin bằng tai hơn là theo dõi các con chữ. Bởi thế mà chỉ cần nói năng lôi cuốn, hài hước cộng với ngoại hình bắt mắt là sẽ tạo được thiện cảm và xây dựng được nhiều mối quan hệ với mọi người xung quanh."

Để thành công giữa thời buổi cạnh tranh khốc liệt, một người cần phải khẳng định bản thân thông qua việc bày tỏ chính xác những suy nghĩ của chính mình. Tuy nhiên, kỹ năng này không phải cứ học là có thể thành tài trong một sớm một chiều. Điều quan trọng là người nói cần phải nuôi dưỡng niềm tin vào chính bản thân. Giảng viên Bae Yun-hee của trung tâm đào tạo kỹ năng nói giải thích: "Những học viên đến đây có một điểm chung là đều mất niềm tin vào bản thân. Sự tự tin tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta. Có nhiều người rất tự tin khi trò chuyện với bạn bè thân thiết, nhưng lại mất bình tĩnh khi đứng trước đám đông. Điều này có thể do tính cách, hoặc cũng có thể do bản thân người nói không chắc chắn về những thông tin mà mình chia sẻ. Họ luôn nghĩ: "Rồi người nghe sẽ đánh giá mình như thế nào?", và vì thế họ càng thêm lo lắng và mặc cảm."

Ngày càng có nhiều người tìm đến các trung tâm đào tạo kỹ năng nói vì muốn xóa đi nỗi sợ hãi vô hình khi đứng trước đám đông. Đặc biệt, đối với những người đang chuẩn bị xin việc thì vấn đề này lại trở thành nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Cô Jo Hyun-ah, một học viên của trung tâm đang trong giai đoạn chuẩn bị xin việc, tâm sự: "Tôi đăng ký học ở đây để sửa tật nói nhanh, điều chỉnh ngữ điệu và kỹ năng trình bày trong phỏng vấn. Sau thất bại ở kỳ thi phỏng vấn trước đây, tôi nhận ra là mình còn yếu kém về khả năng biểu đạt, ngữ điệu và thiếu kiến thức về văn hóa phỏng vấn. Khi tham gia lớp học này, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Mặc dù việc sửa các thói quen cố hữu rất khó, nhưng tôi rất muốn rèn luyệnđể có được giọng nói rành mạch, truyền cảm như phát thanh viên truyền hình."

Những học viên của trung tâm đang giới thiệu bản thân và tập sửa ngữ điệu. Tiết học ngày càng trở nên sôi nổi và hào hứng khi kết hợp cùng các trò chơi rèn luyện kỹ năng điều chỉnh âm vực cao, thấp trong từng lời nói. Một khóa học kỹ năng nói thường kéo dài hai tháng với những bài tập từ cơ bản tới phức tạp như: tập hít thở bằng bụng, tập ngữ điệu, năng lực biểu đạt, phong thái trình bày...Những học viên đến trung tâm đều vô cùng háo hức và kỳ vọng vào sự thay đổi của bản thân cuối khóa học.

[Trung tâm kỹ năng nói dành cho thiếu nhi]Trung tâm kỹ năng nói dành cho thiếu nhi cũng nhộn nhịp với sự hiện diện của những học viên nhí. Các em cũng bắt đầu lớp học với các bài tập ban đầu giống như người lớn như học hít thở bằng bụng, luyện cách phát âm. Sau các bước thả lỏng cơ thể, các em bắt đầu chào giáo viên và giới thiệu bản thân một cách dõng dạc, mạch lạc.

Nhìn vào không khí sôi nổi của những lớp học như thế này, có thể thấy kỹ năng nói dành cho thiếu nhi cũng đang ngày càng được quan tâm. Bà Lee Ji-eun, Giám đốc trung tâm kỹ năng nói dành cho thiếu nhi, cho biết: "Các em thiếu nhi tìm đến với trung tâm ngày càng đông. Nếu như ngày xưa, nhà trường chỉ chú trọng vào kiến thức như toán hay tiếng Anh thì ngày nay, phần lớn chương trình giáo dục đã đưa vào kỹ năng kể chuyện. Bởi vậy, học sinh dù có giỏi đến đâu nhưng nếu không biết biểu đạt kiến thức bằng vốn từ của mình thì cũng sẽ rất khó được công nhận. Do đó, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh đặt câu hỏi qua Internet hoặc gọi điện đến trung tâm nhờ tư vấn. Nhiều người còn trực tiếp đưa con đến trung tâm để làm các bài kiểm tra đánh giá năng lực, phân loại tính cách."

Học viên đa phần là các em vừa rời vòng tay mẹ và còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc với trường mới, lớp mới. Nhiều khi vì giọng nói nhỏ mà các em càng cảm thấy rụt rè, hoặc một số em còn nói lắp, nói ngọng nên bị bạn bè đùa giỡn, trêu chọc. Bởi vậy, các em đến đây vừa để sửa phát âm, vừa để học cách trở nên tự tin và mạnh dạn hơn. Mẹ của em Im Ha-rin chia sẻ: "Cháu nhà tôi vốn rất hoạt bát, nhưng vì tác động môi trường xung quanh mà cháu ngày càng ít nói, nhút nhát. Vì thế, tôi đã đưa cháu đến đây với mong muốn giúp cháu trở nên dạn dĩ, tự tin hơn." Mẹ em Seo-jun nói: "Cháu sắp vào lớp một nên nếu biết cách phát âm đúng cũng như hình thành được năng lực diễn đạt thì cháu sẽ thích nghi tốt hơn với môi trường mới. Tôi nghĩ rằng cả người lớn lẫn trẻ em cũng đều cần phải hoàn thiện kỹ năng này."

Phụ huynh cảm thấy an tâm, phấn khởi hơn khi nhìn thấy con em mình tiến bộ hàng ngày khi theo học tại trung tâm. Cô Cha Mi-yeong, mẹ của em Si-eun bảy tuổi, tâm sự: "Cháu nhà tôi là con một nên có phần nhút nhát. Tôi đưa cháu đến đây để rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, giúp cháu trở nên hoạt bát hơn. Cứ mỗi khi được cô giáo mẫu giáo khen là cháu lại về nhà khoe mẹ: "Mẹ ơi, cô khen con nói to và càng ngày càng giỏi đấy!".



Khác với các em lớp dưới, các anh chị lớp trên lại tìm đến trung tâm để chuẩn bị cho những bài phát biểu trước đám đông. Em Kim Min-hee, học sinh lớp 6, nói: "Cháu đã học ở đây được ba tuần rồi. Cháu đang chuẩn bị cho bài phát biểu tranh cử Hội trưởng Hội học sinh toàn trường. Đến đây cháu được học cách phát biểu sao cho dõng dạc, phát âm chính xác, ngắt nghỉ đúng cách, và các động tác biểu đạt kèm theo. Cháu rất muốn giới thiệu khóa học bổ ích này cho các bạn nào phát âm chưa chuẩn hay còn rụt rè khi nói chuyện."

Những học viên đến trung tâm có nhiều mục đích khác nhau như: xin việc, kết bạn, thành công trong quan hệ xã hội, trở thành người lãnh đạo tài ba...Tuy nhiên, họ đều có chung một quyết tâm là khát khao hoàn thiện những kỹ năng ngôn ngữ. Lời nói chí lý, lời nói hay sẽ không chỉ thuyết phục được người đối điện, mà còn khẳng định ý kiến cá nhân và để hướng tới sự đồng cảm giữa con người với con người. Đặc biệt, những lời nói vừa sâu sắc, vừa dí dỏm, hài hước đang trở thành điều kiện cần trong xã hội hiện đại luôn đề cao sự hiện diện của "cái tôi".

Lựa chọn của ban biên tập