Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Trung tâm thiết kế hình con tàu vũ trụ tại Seoul

2014-04-08

[Khánh thành Trung tâm thiết kế Dongdaemun]Vào ngày 21 tháng 03 vừa qua, thị trưởng thành phố Seoul Park Won-soon đã có bài phát biểu khánh thành Trung tâm thiết kế Dongdaemun (Dongdaemun Design Plaza – DDP).
Nằm trên nền sân vận động Dongdaemun cũ, với tổng chí phí xây dựng lên tới 484 tỷ won (khoảng 460 triệu USD), Trung tâm thiết kế Dongdaemun có diện tích thực địa là 62.692 m2, diện tích sàn tổng cộng là 86.574 m2, cao bốn tầng và có ba tầng hầm. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của nơi này không phải là quy mô hay chi phí xây dựng mà chính là vẻ đẹp uốn lượn mô phỏng hình con tàu vũ trụ tỏa ánh bạc lấp lánh. Tòa nhà thiết kế tương lai này đang trở thành một trong những biểu tượng mới của thủ đô Seoul.



Ông Park Won-soon, thị trưởng thành phố Seoul, cho biết: "Điểm nổi bật nhất của Trung tâm thiết kế Dongdaemun chính là kiến trúc ấn tượng do nữ kiến trúc sư lừng danh người Anh Zaha Hadid thiết kế. Với việc áp dụng một loạt những chính sách phát triển kiến trúc đô thị, Seoul đã lột xác từ hình ảnh một thành phố xây dựng sang thành phố của kiến trúc. Cuộc thi kiến trúc thế giới năm 2017 dự kiến sẽ được tổ chức tại Seoul, và sẽ làmột trong những tiếng pháo hiệu mở đường cho sự biến đổi và phát triển mới của thành phố này."

Vốn đã nổi tiếng là thánh địa thời trang luôn tấp nập người mua, giờ đây, Dongdaemun còn đóng vai trò là một trung tâm văn hóa tổng hợp khi con tàu vũ trụ Trung tâm thiết kế Dongdaemun đã hạ cánh tại đây. Ông Jeong Kuk-hyun, Trưởng ban Quản trị kinh doanh của DDP thuộc Quỹ thiết kế Seoul cho biết: "Dongdaemun từng là khu vực thương mại, quân sự của thủ đô Seoul và ngày nay, nơi đây cung cấp hơn một nửa lượng hàng thời trang cho cả nước. Tuy nhiên, hoạt động thời trang tại khu vực này gần đây cũng dần bị đình trệ. Trung tâm thiết kế Dongdaemun sẽ là nơi phát triển văn hóa trọng điểm; phối hợp cùng cộng đồng địa phương nhằm bồi dưỡng giới trẻ đam mê thiết kế học tập và sáng tạo; chia sẻ những thành quả văn hóa, nghệ thuật; và là nơi thu hút du khách, những nhà văn hóa trên toàn thế giới."

[DDP- Biểu tượng kiến trúc của Seoul]Phương châm của Trung tâm thiết kế Dongdaemun DDP là "Ước mơ” (Dream), “Thiết kế” (Design) và “Tận hưởng” (Play).
Với tham vọng tạo dựng một biểu tượng kiến trúc giống như tháp Eiffel ở Paris (Pháp), chính quyền thành phố Seoul đã dành nhiều tâm huyết trong việc lựa chọn mẫu thiết kế của trung tâm. Điều này lại càng được quan tâm hơn, khi người phụ trách thiết kế công trình là Zaha Hadid, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới nhận giải thưởng thiết kế Pritzker cao quý vào năm 2004, giải thưởng được ví như giải Nobel của ngành kiến trúc. Khác với những tòa nhà cao tầng khối vuông thông thường, bên ngoài của DDP là những mặt cong uốn lượn, nơi cao nhất là 29 m. Cả khối kiến trúc được dát bởi 45.000 tấm nhôm, trông giống như một con tàu vũ trụ màu bạc. Vì là khối kiến trúc lập thể nên quang cảnh tòa nhà lại thay đổi tại mỗi vị trí quan sát khác nhau. Trên mái vòm được trải thảm cỏ và bên trong thì liền mạch, thông suốt nên có thể đi tới bất cứ nơi nào trong tòa nhà. Một khách tham quan chia sẻ:"Tôi là sinh viên khoa thiết kế công nghiệp và tôi đến đây để tham dự lớp học ngoại khóa. Tôi được biết là quá trình xây dựng tòa nhà này vô cùng kỳ công, vất vả, mỗi viên gạch lát cũng đều được đánh số."

Nhìn từ xa, giữa những tòa nhà cao chọc trời, công trình giống như một ngọn đồi nhỏ nằm an nhiên sau một ngôi làng nào đó. Ông Jeong Kuk-hyun, Trưởng ban Quản trị kinh doanh của DDP thuộc Quỹ thiết kế Seoul, chia sẻ: "Vì đây là vùng địa hình thấp nên nữ kiến trúc sư đã thể hiện công trình với dáng vẻ một quả đồi để đem lại cảm giác gần gũi, thân thiện. Quả không sai khi nói đây là một công trình vừa mang nét hiện đại, tinh tế của phương Tây, vừa mang những giá trị truyền thống đặc sắc của Hàn Quốc."

Có rất nhiều cửa vào Trung tâm thiết kế Dongdaemun, nhưng cách đơn giản nhất là đến ga Công viên lịch sử và văn hóa Dongdaemun, ga nối các tuyến tàu điện ngầm số 2, 3 và 5. Khi ra cửa số 1 của ga này, du khách có thể bắt gặp ngay "Quảng trường hòa hợp" của DDP. Vé vào cửa của mỗi khu triển lãm khác nhau, nhưng du khách cũng có thể mua vé tham quan tổng hợp giá 9.000 won (tương đương 9 USD). Sau khi mua vé và nhận bản đồ hướng dẫn tham quan, khách trước tiên sẽ được chào đón tại Khu giới thiệu DDP. Bà Kim Su-jeong, Trưởng nhóm thiết kế công nghiệp của Quỹ thiết kế Seoul, nói: "Trung tâm thiết kế được chia làm ba không gian là: Khu giới thiệu, Khu học tập và Khu đời sống. Khu giới thiệu ban đầu chỉ có chức năng triển lãm, và sau này đã được quy hoạch để có thể tổ chức nhiều hoạt động khác như biểu diễn thời trang, công diễn, hòa nhạc, giới thiệu sản phẩm mới, sản phẩm thử nghiệm..."



Khu giới thiệu gồm nhà giới thiệu 1 và nhà giới thiệu 2, là nơi du khách có thể cảm nhận rõ nét nhất phong cách kiến trúc mái cong của kiến trúc sư Zaha Hadid. Đặc biệt, nhà giới thiệu 1 là nơi có trần cao nhất trong Trung tâm thiết kế Dongdaemun. Dù là không gian bên trong, nhưng cả bốn hướng đều được bao phủ bởi màu bạc trắng và không hề có cột chống nên khách thấy mát lạnh và thoáng đãng.

Địa điểm mà khách tham quan thường dừng chân lâu nhất là Khu học tập và Khu đời sống. Khu học tập có nhiều triển lãm theo chủ đề còn nhà chia sẻ thiết kế của Khu đời sống là nơi trình bày, giới thiệu các sản phẩm thiết kế mới trong và ngoài nước. Bà Kim Su-jeong nói: "Khu học tập trưng bày các tác phẩm tổng hợp về thiết kế, nghệ thuật, khoa học... theo đường vòng bao quanh khu này. Bảo tàng thiết kế tầng hai giới thiệu nguồn gốc nền thiết kế sáng tạo của thành phố Seoul. Tầng bốn là khu vui chơi, trải nghiệm với nhiều hoạt động phong phú để kích thích óc sáng tạo, cảm xúc nghệ thuật cho thiếu nhi."

[Triển lãm văn hóa Gansong]Kể từ ngày khánh thành, Trung tâm thiết kế Dongdaemun đã và đang giới thiệu nhiều triển lãm đặc sắc trong đó có Triển lãm văn hóa Gansong ở tầng hai của Khu học tập. Là bảo tàng cá nhân đầu tiên của Hàn Quốc, Bảo tàng mỹ thuật Gansong đã đóng góp tác phẩm tham gia triển lãm ngay từ những ngày đầu mở cửa DDP. Triển lãm lấy chủ đề về nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Jeon Hyung-pil, hiệu là Gansong (Giản Tùng), giới thiệu 59 bảo vật cùng các giai thoại liên quan đến quá trình sưu tầm và sáng tác các tác phẩm văn hóa-lịch sử của ông.

Ông Lee Jin-myeong, Quản lý kế hoạch và trưng bày của Quỹ văn hóa Gangsong, cho biết:
"Đây là khu vực trưng bày những bài viết, bút ký, bản thảo và tác phẩm do nhà giáo dục và văn hóa Jeon Hyung-pil sáng tác. Ông vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà phổ cập văn hóa, là chí sĩ "giữ nước bằng văn hóa". Ông đã sang Nhật Bản cũng như nhiều nơi khác trên thế giới và dùng tài sản cá nhân để tìm lại những tác phẩm văn hóa của dân tộc. Ông tâm nguyện những tác phẩm văn hóa này chính là sợi dây nối kết hậu thế với tổ tiên và quá khứ, đặc biệt trong thời kỳ đô hộ của thực dân Nhật từ năm 1910 đến năm 1945. Năm 1940, ông đã mua lại trường phổ thông trung học Boseong, một trong những trường học hiếm hoi dạy về "hồn dân tộc" thời điểm đó."

Nhà giáo dục, văn hóa Jeon Hyung-pil bắt đầu sưu tầm các tác phẩm văn hóa từ năm 1930 khi thực dân Nhật triển khai những chính sách diệt chủng tinh thần dân tộc như tàn phá di sản văn hóa trên bán đảo Hàn Quốc, đổi tên Hàn thành tên Nhật. Ông đã cứu thoát khỏi mồi lửa bộ tranh 21 bức "Heaak Jeonsinchep” (Hải nhạc truyền thần thiếp) của họa sĩ nổi tiếng thuộc trường phái tả thực Jeong Seon, hiệu là Gyeomjae (Khiêm Trai) thời Joseon. Ông cũng đã sang Nhật để tìm về tác phẩm “Hyewon Jeonsincheop (Huệ Viên truyện thần thiếp) của họa sĩ Shin Yun-bok, hiệu là Hyewon (Huệ Viên). Một loạt các bảo vật khác cũng được ông mua về như bức phác họa hình ảnh bà Shin Saimdang được in trên đồng tiền có mệnh giá lớn nhất Hàn Quốc là 50.000 won (tương đương 50 USD), bình sứ màu xanh khảm hình con chim hạc cao cấp nhất thời Goryeo là Cheongjasanggamunhakmun. Trong triển lãm lần này, tác phẩm được quan tâm nhất chính là cuốn “Hunminjeongeum Haerye” (Huấn dân chính âm giải lệ), di sản văn hóa quốc gia số 70 của Hàn Quốc.
Quản lý Lee Jin-myeong của Quỹ văn hóa Gangsong nói: "Cuốn "Huấn dân chính âm giải lệ" quan trọng không chỉ vì nó chỉ có một không hai trên đời mà còn vì ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Trong cuốn Sejong thực lục rõ ràng có ghi bản “Huấn dân chính âm giải lệ” giới thiệu về nguyên lý và mục đích của việc tạo ra chữ viết tiếng Hàn Hangeul, được in để ban cho các bậc khai quốc công thần. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài vẫn không tìm thấy tung tích của văn bản này cho mãi đến năm 1940. Vào thời đó, chính quyền thực dân Nhật đang chủ chương thi hành chính sách bài trừ tiếng Joseon (tên gọi tiếng Hàn thời đó), bắt người dân Hàn Quốc học tiếng Nhật và rêu rao rằng tiếng Hàn chỉ là vay mượn từ tiếng Mông Cổ, là những ký tự vẽ lại từ hình vẽ trong nhà vệ sinh... Năm 1940, ông Jeon Hyung-pil đã bỏ ra một khối tài sản lớn để mua lại và gìn giữ bảo vật này."

PNếu không có sự nỗ lực và hy sinh bền bỉ, âm thầm của nhà văn hóa, giáo dục Jeon Hyung-pil thì không biết bao nhiêu báu vật của đất nước đã bị biến tài sản của nước khác. Do Quỹ văn hóa Gansong chỉ mở cửa bảo tàng một năm hai đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng hai tuần, nên người dân Hàn Quốc lại xếp hàng dài hàng chục mét để được vào xem các tác phẩm văn hóa, lịch sử quý giá này. Tuy nhiên, trong ba năm tới, khoảng gần 2.000 tác phẩm với nhiều chủ đề đa dạng, phong phú do Quỹ văn hóa Gansong quản lý sẽ lần lượt được giới thiệu tại Trung tâm thiết kế Dongdaemun.

[Triển lãm về thiết kế và thể thao tại DDP]Vị trí của Trung tâm thiết kế Dongdaemun xưa kia vốn là Sân vận động Dongdaemun, nơi diễn ra nhiều đại hội thể dục thể thao toàn quốc và Giải thi đấu bóng chày các trường trung học phổ thông suốt từ những năm 1970 đến những năm 1980. Vì vậy, với chủ đề Khoa học, Nhân loại, Thời trang và Chiến thắng, tầng hai của Khu học tập đã dành để triển lãm 78 sản phẩm thể thao gợi lại ký ức một thời hoàng kim của sân vận động Dongdaemun; 43 hiện vật của các vận động viên như cầu thủ bóng đá Hwang Seon-hong, cầu thủ bóng chày Park Chan-ho, nữ vận động viên trượt băng tốc độ Lee Sang-hwa... và 168 tác phẩm của Bảo tàng thiết kế London (Anh). Hướng dẫn viên Yoo Ju-hee tại Phòng triển lãm thiết kế giới thiệu.

Đây là triển lãm đặc biệt về thiết kế và thể thao nhân dịp khánh thành Trung tâm thiết kế Dongdaemun. Với mục đích giới thiệu về mối quan hệ giữa thể thao và thiết kế, chúng tôi chia gian trưng bày thành ba phần: Phần một là trời, đất và biển; phần hai là thiết kế vì chiến thắng, phần ba là những sản phẩm sáng tạo qua sự kết hợp của các vận động viên và các nhà thiết kế.

Dẫn: Điểm nổi bật của DDP còn là con đường dài 533 m, nối từ Phòng triển lãm thiết kế tầng hầm số hai lên đến Bảo tàng thiết kế tầng bốn. Phía ngoài con đường vòng quanh này cũng có một đường cầu thang khác. Khi từ cầu thang bước lên tầng bốn và nhìn xuống toàn bộ khung cảnh phía dưới, du khách có cảm giác như mình đang đứng trong một thế giới rộng lớn, kỳ diệu. Đi theo con đường vòng quanh trung tâm, du khách sẽ bắt gặp nhiều tác phẩm độc đáo của các nhà thiết kế nổi tiếng trong và ngoài nước, như chiếc ghế được làm từ thép không gỉ mang tên "Khuôn mặt của Zaha Hadid", chiếc ghế chờ có tên "Mercuric tables”, chiếc đèn "Ara và Avia" được làm từ vật liệu mới thủy tinh có thể uống cong...Thật là thú vị khi vừa được nghỉ ngơi, vừa được chiêm ngưỡng những mẫu thiết kế độc đáo này. Một khách tham quan chia sẻ: "Tôi cảm thấy vô cùng thú vị và bất ngờ khi được bước vào một thế giới hoàn toàn lạ lẫm, với những cảm giác về không gian, hình khối vô cùng khác lạ. Chiếc ghế thật là thoải mái và kiểu cách, khiến tôi tưởng như mình trở thành người mẫu vậy."



Một công viên trải thảm cỏ có diện tích tương đương bằng sân bóng đá nằm trên nóc nhà Trung tâm thiết kế Dongdaemun. Một người dân khác tâm sự" "Tôi đã nghe kể nhiều về cầu thang độc đáo, hiện đại trong trung tâm. Nhất định tôi sẽ đi xem. Tòa nhà này quả thực đã được thiết kế hoàn toàn mới mẻ, với những phong cách và kiểu dáng mà từ trước tới nay chúng ta chưa từng biết. Hy vọng là trong tương lai, Trung tâm thiết kế Dongdaemun sẽ trở thành niềm tự hào mới của khu vực Dongdaemun.

Trung tâm thiết kế Dongdaemun, con tàu vũ trụ giữa lòng thủ đô Seoul, khơi dậy trong mỗi chúng ta khát khao sáng tạo và một thế giới hiện đại, văn minh. Thánh địa thời trang Dongdaemun đang thay hình đổi dạng để trở thành một trung tâm văn hóa tổng hợp mới tại Hàn Quốc. Hãy thử một lần bước chân lên "con tàu vũ trụ" với phong cách thiết kế hướng tới tương lai này, để cùng khám phá và trải nghiệm những cảm giác mới lạ...

Lựa chọn của ban biên tập