Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Trung tâm nghệ thuật Namsan, cái nôi của sân khấu thử nghiệm

2014-04-15

[Khánh thành Trung tâm kịch nói năm 1962]Vào ngày 12 tháng 4 năm 1962, Trung tâm kịch nói, nhà hát theo phong cách hiện đại đầu tiên tại Hàn Quốc, đã khánh thành dưới chân núi Namsan. Sự ra đời của Trung tâm kịch nói này đã được thậm chí chương trình thời sự mang tên Daehan News giới thiệu rầm rộ. Đất nước Hàn Quốc vào thời điểm đó mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) được gần 10 năm, người người đều vất vả lo "miếng cơm manh áo", hiếm hoi lắm mới có nhà tậu được chiếc ti vi. Sân khấu nghệ thuật tổng hợp quy mô nhỏ đầu tiên này đã ra đời với sứ mệnh khôi phục nền kịch nói của Hàn Quốc và nuôi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ, sau năm năm nhận tài trợ của Quỹ Rockefeller và Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) có trụ sở tại Mỹ.



Vở kịch đầu tiên được trình diễn trong ngày khánh thành là vở Hamlet của Shakespeare. Giống như sân khấu hình tròn của thời La Mã, Hy Lạp cổ đại, khán giả có thể quan sát sân khấu từ trên xuống dưới và gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, khi các diễn viễn không đi ra từ sau cánh gà mà xuất hiện từ bốn phía sân khấu. Tròn một tháng sau khi thành lập Trung tâm kịch nói, hệ thống cáp treo tại núi Namsan cũng được chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 12 tháng 5 năm 1962.

Hai chiều cáp treo xuất phát từ bãi nước khoáng núi Namsan (Namsan Yaksuteo) có chiều dài 605 mét. Từ bến cáp treo, chỉ cần đi bộ khoảng 2-3 phút là đến Trung tâm kịch nói. Vì vậy mà vào thời đó, giới trẻ Hàn Quốc thường thích hẹn hò tại núi Namsan, đi cáp treo rồi đến Trung tâm kịch nói để thưởng thức nghệ thuật.

Vào năm 2008, cáp treo trên núi Namsan đã được nâng cấp từ 38 chỗ thành 48 chỗ để phục vụ lượng khách tham quan ngày càng tăng. Trung tâm kịch nói cũng đổi tên thành Trung tâm nghệ thuật Namsan vào năm 2009. Cho đến nay, trung tâm vẫn tiếp tục đóng vai trò là cái nôi nuôi dưỡng, cổ vũ hoạt động sáng tác, thử nghiệm của các nghệ sĩ kịch nói Hàn Quốc.

Bà An Mi-young, Trưởng phòng quản lý và điều hành trung tâm thuộc Quỹ văn hóa Seoul, cho biết:"Trung tâm nghệ thuật Namsan vừa là sân khấu cộng đồng, vừa mang tính chất thử nghiệm cho những sáng tác tập thể. Vì vậy chúng tôi chủ trương trình diễn các tác phẩm mới, dựa trên chủ đề mang tính chất "thời sự", là những vấn đề mà con người hiện đại đang quan tâm, trăn trở. Các vở kịch luôn hướng tới việc lột tả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống để khơi gợi sự đồng cảm từ phía khán giả. Với phương châm đó, trung tâm đã và đang giới thiệu sáu vở kịch trong năm nay."

[Những vở kịch thể nghiệm trên sân khấu nghệ thuật Namsan]Hiện tại, Trung tâm nghệ thuật Namsan đang lần lượt giới thiệu sáu vở kịch mới, nằm trong kế hoạch biểu diễn năm 2014. Mỗi một tác phẩm đều đem lại ấn tượng sâu sắc qua nội dung mới mẻ và phong cách trình diễn đặc sắc. Tiêu biểu có vở "Tài liệu về Namsan-phần sân khấu", lấy chủ đề về chính Trung tâm nghệ thuật Namsan, qua đó tái hiện lại nhiều sự kiện xảy ra xung quanh quá trình hình thành, phát triển của trung tâm. Vở kịch đang được công diễn "Bahuchara Mata" do các nghệ sĩ Hàn Quốc và Ấn Độ phối hợp dàn dựng lại đề cập đến những người thuộc cộng đồng thiểu số về giới tính.



"Bahuchara Mata" dẫn dắt người xem vào khung cảnh văn hóa Ấn Độ với nền nhạc dìu dặt đầy đặc trưng. Vở kịch giới thiệu về những người chuyển giới tính tôn thờ thần Hijra ở phía Nam Ấn Độ. Cộng đồng thờ cúng Hijra có thể là những người chuyển giới, đồng tính, lưỡng tính hoặc vô tính. Đạo diễn vở kịch "Bahuchara Mata" Bae Yo-seop cho biết: "Trong quá trình giao lưu biểu diễn với đoàn nghệ thuật Ấn Độ, chúng tôi đã nhận được lời mời hợp tác dàn dựng vở kịch này từ năm năm trước đây. Vở kịch đưa ra câu hỏi: "Giới tính của con người thực sự là gì?" và kể về những con người bị bỏ rơi, bị phân biệt đối xử chỉ vì họ có xu hướng giới tính khác với số đông. Qua đó, vở kịch kêu gọi con người trong xã hội hiện đại hãy gạt bỏ cái nhìn phiến diện, đón nhận những nét phong phú, đa dạng của cuộc sống và hãy thấu hiểu lẫn nhau."

Đạo diễn Bae Yo-seop đã cố gắng diễn tả những giằng xé, đau khổ trong hành trình đi tìm lại "bản ngã" thực sự của những người sinh ra đã mang giới tính khác thường. Có lẽ đây là một chủ đề khá "nhạy cảm", sẽ khó được đón nhận tại các sân khấu thương mại. Đạo diễn Bae Yo-seop chia sẻ: "Vở kịch này vốn không có đất diễn tại các sân khấu thông thường. Nhưng nhờ có Trung tâm nghệ thuật Namsan nên chúng tôi được thỏa sức thử nghiệm mà không cần phải lo lắng hay bận tâm về lượng khán giả ít hay nhiều. Bên cạnh đó, trung tâm này vốn được coi là cái nôi của kịch nói cận đại Hàn Quốc. Tuy hiện nay trung tâm đã được tu sửa lại nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bóng dáng lịch sử khi quan sát hàng cột trụ của tòa nhà ở phía trên hàng ghế khán giả. Chính vì vậy mà tôi cảm thấy rất tự hào khi được thừa hưởng những tài sản do thế hệ cha anh để lại."

[Vở kịch "Tài liệu về Namsan-phần sân khấu"]Sân khấu kịch nói luôn đòi hỏi sự sáng tạo và tinh thần thử nghiệm đầy táo bạo, say mê của người nghệ sĩ. Tuy nhiên trong thực tế, các sân khấu thương mại lại không chào đón những vở kịch táo bạo như thế. Trong khi đó, tại Trung tâm nghệ thuật Namsan, những vở kịch mới lại luôn được ưu tiên hàng đầu. Quả không sai khi nói trung tâm chính là điểm đến lý tưởng cho những nghệ sĩ chân chính. Vở kịch thể hiện rõ nét tinh thần thử nghiệm trong đợt công chiếu lần này của trung tâm chính là vở "Tài liệu về Namsan-phần sân khấu”.

Các diễn viên đang giới thiệu về Trung tâm kịch nói, tên gọi trước đây của Trung tâm nghệ thuật Namsan, qua lời thoại kịch. Tâm điểm chính là sân khấu nghệ thuật Namsan, từ khi khánh thành năm 1962 cùng các sự kiện tiêu biểu xảy ra xung quanh khu vực núi Namsan thời đó.Vở kịch còn hé lộ những câu chuyện đằng sau hoạt động của Cục Kế hoạch an ninh quốc gia (tiền thân của Cơ quan tình báo quốc gia hiện nay), cơ quan nằm cách Trung tâm nghệ thuật Namsan không xa. Đây chính là nơi bắt giữ, tra tấn những nhà hoạt động đòi dân chủ và chứng kiến nhiều sự kiện chính trị, lịch sử khốc liệt những năm 1970, 1980. Tuy ngày nay, cơ quan này không còn và nền đất cũ đã được xây dựng thành khách sạn dành cho thanh niên (Youth Hostel), nhưng những nỗi đau quá khứ thì vẫn còn nguyên vẹn.

Đạo diễn Lee Kyung-seong giải thích: "Vở kịch "Tài liệu về Namsan–phần sân khấu" tái hiện hình ảnh về Trung tâm kịch nói, sân khấu kịch hiện đại đầu tiên tại Hàn Quốc. Từ điểm nhấn trung tâm là sân khấu kịch có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, vở kịch còn tái hiện những sự kiện diễn ra xung quanh khu vực núi Namsan qua lăng kính nghệ thuật. Tiêu biểu trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc có Cục tình báo trung ương, nơi ngụy tạo nhiều sự kiện chính trị và cũng là nơi hỏi cung, tra tấn nhiều nhà chính trị, dẫn đến những cái chết oan ức, bi thương. Câu chuyện trong nhà hát kịch và câu chuyện ngoài sân khấu được hòa làm một..."

Với ý nghĩa kết nối những câu chuyện ở trong và ngoài sân khấu, vở kịch chủ ý chia người vào xem thành hai lượt: một đợt khán giả đến xem kịch thông thường và một đợt khán giả xuất hiện đột ngột ở giữa vở kịch. Các diễn viên đang đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Trung tâm nghệ thuật Namsan bỗng dưng mời các khán giả lên từ phía sau sân khấu. Sự gặp gỡ đầy bất ngờ giữa những khán giả đang ngồi trên khán đài và những người mới được mời lên sân khấu khiến cho tất cả đều thấy lạ lùng, bỡ ngỡ. Đó chính là một trong những sắp đặt đầy ẩn ý của vở kịch, theo đạo diễn Lee Kyung-seong: "Có khoảng từ 20 đến 30 khán giả sẽ vào nhà hát kịch sau khi vở diễn bắt đầu. Khi mở màn và một diễn viên đang đọc lời thoại vở Hamlet trên sân khấu thì các khán giả này sẽ lần lượt đi vào từ phía sau của sân khấu và gặp mặt các khán giả ngồi ở phía khán đài. Chúng ta vẫn thường quen với việc khi đến nhà hát kịch, khán giả chỉ ngồi thụ động và quan sát sân khấu. Vì vậy, khi để cho các khán giả gặp mặt nhau theo cách này, người xem sẽ bị "rối trí" vì không biết ai là diễn viên, ai là khán giả."

"Tài liệu về Namsan-phần sân khấu" nằm trong sê-ri các vở diễn của đạo diễn Lee Kyung-seong. Năm ngoái, “Tài liệu về Namsan–phần nhân vật” được ra mắt khán giả và sẽ ra mắt năm sau với “phần khán đài”.
Ngoài những vở kịch vừa đề cập ở trên, ngày 26 tháng 4 tới, trung tâm còn giới thiệu với khán giả vở "Ngày xanh", tác phẩm lấy lăng kính hiện đại để nhìn lại Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980 được công diễn bốn năm liên tục nhờ sự ủng hộ của khán giả. Tiếp đến, vào tháng 8 năm nay, trung tâm sẽ tiếp tục giới thiệu vở kịch có tên gọi "Bok-hee vui vẻ" với phong cách "kịch một vai", nói về những tham vọng và lòng hiếu thắng của con người. Vào tháng 9, tại trung tâm có vở "Người tàng hình" tái hiện nỗi cô độc và lạc lõng của con người hiện đại. Vở kịch dự định công diễn vào tháng 11 mang tên "Tại sao ta lại hậm hực chỉ vì những việc nhỏ nhặt?" sẽ lấy mô típ cuộc đời và tác phẩm thơ của nhà thơ Kim Su-yeong, và đi những bước thử nghiệm đầu tiên trong việc xóa bỏ ranh giới giữa kịch nói và văn học.

[Trung tâm nghệ thuật Namsan sát cánh cùng các nghệ sĩ trẻ]Hàng năm, để có thể giới thiệu tới khán giả những vở kịch mới mang đậm tính nghệ thuật như thế này, Trung tâm nghệ thuật Namsan đã không ngừng hỗ trợ cho các nhà soạn kịch. Lễ hội sân khấu kịch được tổ chức tại trung tâm kể từ cách đây ba năm và đã diễn ra trong năm 2014 từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2. Trong ba ngày liên tiếp, những tác phẩm của các nhà soạn kịch trẻ lần lượt được thể hiện trên sân khấu và được đánh giá chuyên môn. Bà An Mi-young, Trưởng phòng quản lý và điều hành trung tâm thuộc Quỹ văn hóa Seoul, cho biết thêm: "Đây là một hoạt động nhằm tìm kiếm những vở kịch hay. Trước khi có Lễ hội sân khấu kịch, trung tâm đã thực hiện mỗi năm hai đợt dự án mang tên "Hãy xem bản thảo" để đón nhận kịch bản của các nhà biên kịch nghiệp dư. Những tác phẩm có triển vọng sẽ được đọc trên sân khấu và đây chính là cơ hội giúp nhiều tác giả trẻ dấn thân vào con đường trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp."



Một vở kịch hay được hình thành từ những chất liệu mới mẻ và kịch bản có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. Khi kịch bản hay gặp được đạo diễn và diễn viên tài năng thì vở kịch sẽ được thăng hoa và trở thành tác phẩm xuất sắc. Trung tâm nghệ thuật Namsan chính là nơi nuôi dưỡng và vun trồng cho tinh hoa kịch nghệ. Bà An Mi-young chia sẻ: "Từ trước tới nay, khái niệm "phối hợp sáng tác" chỉ được hiểu ở mức độ tài trợ về tài chính và không gian sân khấu. Nhưng hình thức phối hợp này có nhiều hạn chế và bên "đối tác" chưa phát huy được hết năng lực để có thể giúp đỡ nghệ sĩ tạo nên tác phẩm nghệ thuật đích thực. Bởi thế, không chỉ dừng lại ở mặt tài chính, không gian mà Trung tâm nghệ thuật Namsan còn nỗ lực tham gia vào tất cả quá trình, từ khâu lên ý tưởng, chia sẻ sáng kiến với biên kịch và nhà hoạch định sáng tác, cho đến các khâu trung gian và khâu hoàn thiện vở kịch. Đây chính là hình thức phối hợp sáng tác nhịp nhàng, ăn ý và hiệu quả nhất giữa nhà hát kịch và tác giả."

Để có được một tác phẩm xuất sắc đòi hỏi sự kiên nhẫn, đầu tư không ngừng và thời gian. Nắm bắt được thực tế này, Trung tâm nghệ thuật Namsan đã và đang nỗ lực tìm kiếm, hỗ trợ những tài năng trẻ, những nhà biên kịch đang đơn độc mày mò sáng tác để giúp họ thực hiện ước mơ của mình. Trưởng phòng An Mi-young nói: "Thực ra, rất khó gây được tiếng vang trong công chúng khi sử dụng kịch bản mới, hoặc kết hợp sáng tác cùng các nghệ sĩ trẻ. Nhưng nếu chỉ dựa vào sức hút của những vở kịch nổi tiếng trước đó, hoặc kịch bản của nước ngoài thì vô hình chung, chúng ta sẽ bị rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, vừa phải dựa vào kịch nói phương Tây, lại vừa không xây dựng được chỗ đứng cho nền kịch nói nước nhà. Vì vậy mà dù ít hay nhiều, chúng ta cũng phải đào tạo các nhà biên kịch, đạo diễn và nghệ sĩ của riêng chúng ta, phải nghiên cứu và thử nghiệm nhiều tác phẩm phù hợp với xu thế mới, để giới thiệu tới sân khấu đại chúng."

Kịch nói lý giải và tháo gỡ những trăn trở của cá nhân và xã hội trên sân khấu. Còn người diễn viên sử dụng ngôn ngữ, chuyển động hình thể để biểu hiện thay con người những mối băn khoăn đó và "gãi" hộ ta đúng "chỗ ngứa. Vai trò, bản chất của văn hóa nghệ thuật lại nằm ở chính sự so sánh giản dị đó. Tuy nhiên, để kịch nói thực hiện được đúng vai trò của mình, một tác phẩm kịch nói cũng cần rất nhiều sự đầu tư. Trung tâm nghệ thuật Namsan là điểm tựa vững chắc cho những tác phẩm kịch thử nghiệm, nơi người nghệ sĩ được thể hiện bầu nhiệt huyết căng tràn và được thăng hoa cùng nghệ thuật. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, nhất định trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được thưởng thức một tác phẩm mang đậm chất Hàn Quốc và có tầm vóc như kịch của vị tác giả danh giá người Anh, William Shakespeare.

Lựa chọn của ban biên tập