Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vở "Frankenstein", đòn bẩy cho nhạc kịch Hàn Quốc

2014-04-22

[Vở nhạc kịch "Frankenstein"- hành trình ba năm chuẩn bị] Vở nhạc kịch "Frankenstein" đang được công diễn tại Trung Tâm nghệ thuật Chungmu (quận Jung, thủ đô Seoul). Vở diễn này, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, xuất bản năm 1818 của nữ nhà văn Anh Mary Shelley (1797-1851), không phải là tác phẩm mua bản quyền của nước ngoài mà là do chính các nghệ sĩ Hàn Quốc dàn dựng và thể hiện.



Sau đây là chia sẻ của một khán giả nữ: "Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần vở kịch này, nhưng hôm nay là ngày tôi cảm thấy hay nhất. Hai nhân vật chính Vitor và Henry phối hợp rất ăn ý ở mặt hòa âm, phối khí cũng như diễn xuất đầy biểu cảm. Tôi rất bất ngờ vì đây là vở nhạc kịch do chính Hàn Quốc sáng tác."Một khán giả nam nhận xét: "Tôi thấy kịch bản rất chặt chẽ, kịch tính, âm nhạc mang tính kích thích cao. Sân khấu cũng được trang trí rực rỡ, ấn tượng."Một khán giả nam khác cho biết: "Thông thường, các nhà hát kịch tại Hàn Quốc chỉ hỗ trợ về sân khấu. Nhưng vở kịch lần này là do nhà hát trực tiếp dàn dựng nên tôi cảm thấy điểm này vô cùng mới mẻ và khả quan."

Vở nhạc kịch "Frankenstein" đã được lên kế hoạch dàn dựng từ cách đây ba năm, với mục đích công diễn kỷ niệm 10 năm khánh thành Trung tâm nghệ thuật Chungmu. Đây là tác phẩm chứa đựng nhiều trăn trở và công sức của các nghệ sĩ nhạc kịch Hàn Quốc. Ông Kim Hee-cheol, Trưởng phòng Kế hoạch công diễn của Trung tâm nghệ thuật Chungmu, cho biết: "Vở nhạc kịch "Frankenstein" đã được các nghệ sĩ nhạc kịch trong nước dàn dựng trong vòng ba năm với tham vọng tiến ra thị trường nhạc kịch quốc tế. Đặc biệt, Trung tâm nghệ thuật Chungmu chính là nơi dẫn dắt xuyên suốt quá trình dàn dựng, từ khâu tuyển chọn diễn viên, tổ chức nhân sự cho đến các khoản mục đầu tư. Là nhà hát cộng đồng trực thuộc Văn phòng chính quyền quận Jung, thủ đô Seoul, Trung tâm nghệ thuật Chungmu luôn đề cao tính cộng đồng trong biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó, khác với những nhà hát khác, trung tâm luôn có ý thức đỡ đầu, vun đắp cho những sáng tác nhạc kịch trong nước. Dự án nhạc kịch do trung tâm trực tiếp đứng ra dàn dựng lần này chính là mô hình mới mẻ, đặc sắc cho những trung tâm cộng đồng khác."


Cho đến nay, các vở nhạc kịch có quy mô lớn trong nước có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như "Hoàng hậu Myeongseong" (Minh Thành) và vở diễn về nhà cách mạng chống Nhật "Nghĩa sĩ An Jung-geun". Hai vở nhạc kịch nêu trên đều lấy bối cảnh văn hóa, lịch sử của Hàn Quốc và đã được đánh giá cao về quy mô, nội dung cũng như âm nhạc, trang trí sân khấu. Tuy nhiên, do sử dụng các chất liệu mang đậm tính Hàn Quốc nên vở diễn cũng gặp hạn chế khi tiếp cận với khán giả nước ngoài tại các sân khấu quốc tế.

Giáo sư Won Jong-won thuộc khoa Báo chí truyền hình của Trường đại học Soonchunhyang cho biết: "Do ý thức cần phải giữ gìn bản sắc dân tộc nên nhạc kịch Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn khi trình diễn ngoài nước. Nếu chúng ta vẫn khư khư với những chất liệu văn hóa truyền thống, thì sẽ khó có thể tìm được sự đồng điệu với khán giả thế giới. Vì vậy, chúng ta phải đổi mới nhạc kịch bằng cách sử dụng những chất liệu quen thuộc với khán giả quốc tế, nhưng khai thác bằng lối biểu đạt cảm xúc mang đậm tinh thần và văn hóa dân tộc. Phương thức này gần đây được gọi là "nội dung toàn cầu" và tôi đánh giá rất cao ưu điểm: các chủ đề vừa mang tính phổ quát, vừa chạm tới trái tim của mọi đối tượng khán giả."

[Những điểm đặc sắc của vở nhạc kịch Hàn Quốc "Frankenstein"]Tiểu thuyết "Frankenstein" là nguồn cảm hứng của nhiều bộ phim, đầu tiên là bộ phim câm cùng tên dài 16 phút của đạo diễn người Mỹ J. Searle Dawley. Và gần đây nhất, vào tháng 1 năm 2014, quái vật Frankenstein đã trở lại trong bộ phim hành động viễn tưởng mang tên "Tôi là Frankenstein", do nhà biên kịch kiêm đạo diễn người Úc Stuart Beattie thực hiện. Được chuyển thể thành các thể loại như phim truyền hình và hoạt hình, câu chuyện về quái vật Frankenstein đã trở nên quen thuộc với khán giả trên toàn thế giới. Ông Kim Hee-cheol, Trưởng phòng Kế hoạch công diễn của Trung tâm nghệ thuật Chungmu, chia sẻ: "Động lực khiến chúng tôi lựa chọn vở nhạc kịch này, xuất phát từ những trăn trở trong suốt 20 năm qua, như: "Tại sao nhạc kịch trong nước lại không được khán giả đón nhận?", "Tại sao nhạc kịch Hàn Quốc lại chỉ dựa vào những chất liệu dân tộc?" Rất may là hai năm trước, trong khi trung tâm đang tìm đường ra sân khấu quốc tế với những ý tưởng mới, thì đạo diễn Wang Yong-beom đã ngỏ lời đề nghị hợp tác dàn dựng một vở nhạc kịch trên cốt truyện về quái vật Frankenstein. Trung tâm đã tán thành ngay sau đó, vì nhận thấy đây là một câu chuyện mang tính toàn cầu, có tiềm năng đưa nhạc kịch Hàn Quốc ra thế giới giống như những sản phẩm Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) khác."

Ngoài vở nhạc kịch "Frankenstein", hai vở nhạc kịch khác của Hàn Quốc là "Jack the Ripper" (Jack - kẻ sát nhân đồ tể) và "Ba chàng lính ngự lâm" (Les trois mousquetaires) cũng đã được trình chiếu và đánh giá cao tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Với sự tham gia của nhiều ca sĩ, ngôi sao thần tượng, những vở nhạc kịch này đã càng khiến làn sóng văn hóa Hàn Quốc thêm dâng trào mãnh liệt. Tuy nhiên, hai vở kịch này lại không hoàn toàn do Hàn Quốc sáng tác, mà được mua lại bản quyền âm nhạc và kịch bản của Cộng hòa Séc vào năm 2008. Do đó, vở nhạc kịch "Frankenstein" khác với các tác phẩm khác về nhiều phương diện. Tuy cốt truyện mang tính đại chúng, nhưng vở nhạc kịch triệt để thực hiện phương châm không tuyển chọn các ngôi sao thần tượng vào dàn diễn viên. Đạo diễn Wang Yong-beom giải thích: "Trong quá trình dàn dựng vở nhạc kịch "Frankenstein", chúng tôi đã tập trung khai thác giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm. Vì vậy việc tuyển chọn diễn viên cũng không dựa trên doanh thu phòng vé mà chỉ xem xét, đánh giá thực lực của các nghệ sĩ."

Trong vở nhạc kịch "Frankenstein", các diễn viên đảm nhiệm vai chính như Yoo Jun-sang, Park Eun-tae, Lee Keun-myung... đều là những nghệ sỹ có âm vực cao vút, kỹ thuật điêu luyện và năng lực biểu đạt cảm xúc đầy tinh tế, truyền cảm. Vì vậy mà tuy vắng bóng những ngôi sao thần tượng, nhưng chính năng lực diễn xuất ổn định của các diễn viên nhạc kịch chuyên nghiệp đã nâng chất lượng của tác phẩm lên tầm cao mới, và thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo khán giả.



[ "Frankenstein" - Vở nhạc kịch đầy bi thương và kịch tính]Vở nhạc kịch bắt đầu với câu chuyện về tiến sĩ Victor Frankenstein. Vì mất cha mẹ từ nhỏ nên ông tự coi mình là người bị nguyền rủa. Dần dần, ông bị cuốn vào các thí nghiệm riêng với mục đích tạo ra sự sống, lĩnh vực mà chỉ có các vị thần mới có khả năng thực hiện. Tình cờ ông gặp Henry du Pré, một người có tài cấy ghép xương. Chi tiết tiến sĩ Victor gặp Henry là một nét riêng, chỉ có trong nhạc kịch Hàn Quốc. Trưởng phòng Kế hoạch công diễn Kim Hee-cheol giải thích: "Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều khi xây dựng hình tượng quái vật cũng như mối quan hệ giữa quái vật và tiến sĩ Victor. Những nét khác lạ của vở nhạc kịch so với nguyên tác như: tình bạn mang hai sắc thái đối lập yêu-ghét giữa quái vật Henry và tiến sĩ Victor; những suy nghĩ và cảm xúc đậm tính người của quái vật Henry... Đây là cách khai thác vừa độc đáo lại vừa chạm đến trái tim khán giả."

Phần đầu vở nhạc kịch tập trung khắc họa tình bạn sâu sắc giữa tiến sĩ Victor, người tin vào sức mạnh vạn năng của khoa học và Henry, người nhấn mạnh rằng con người không nên xúc phạm lĩnh vực của vị thần. Mặc dù có khác biệt quan điểm này nhưng họ là những người bạn tốt, cùng động viên, khích lệ nhau.

Từng phân cảnh như phòng thí nghiệm của tiến sĩ Victor, quán bar nơi Victor và Henry uống rượu đều được dàn dựng một cách chân thực nhất. Cầu thang hai bên sân khấu và các trang thiết bị, đạo cụ đều được thiết kế để có thể di chuyển và thay đổi các phân cảnh nhanh chóng, từ quán bar sang khán phòng khiêu vũ, và cả chiến trường Waterloo, nơi hoàng đế Pháp Napoléon bại trận vào năm 1815. Ấn tượng nhất phải kể đến phân cảnh khi Henry bước lên giá treo cổ để nhận tội giết người thay cho tiến sĩ Victor.

Trước khi bị tử hình, Henry đã giao cho tiến sĩ Victor có toàn quyền được nghiên cứu, thí nghiệm trên thân xác của mình. Victor đã vượt qua giới hạn của con người và cứu sống Henry. Phân cảnh Victor cầm chiếc đầu đã bị chặt của Henry và phía sau là các vị thần nổi giận buông sấm chớp ầm ầm khiến cho cả khán phòng đều rùng mình.

Nhưng thân xác mà Victor cứu sống không phải là người bạn Henry ngày nào, mà là một con quỷ khiến người đời sợ hãi, xa lánh và tìm cách tiêu diệt. Victor đã nỗ lực sáng tạo ra sự sống để giải bỏ nỗi ám ảnh của bản thân, nhưng ông lại tạo ra một con quái vật bị nguyền rủa.

Từ sau khi quái vật xuất hiện, sân khấu cũng mang một màu thê lương, lạnh lẽo. Đi đến đâu quái vật cũng chỉ nhận được sự xua đuổi, coi khinh của người đời. Giờ đây, trong trái tim quái vật chỉ sôi sục lòng căm hận và ý nghĩ trả thù. Tiếng nhạc vang lên từ dàn nhạc giao hưởng 22 người phía dưới sân khấu càng khiến cho không khí thêm u ám hơn.
Và rồi Victor và quái vật Henry gặp nhau tại Bắc Cực. Họ chĩa súng vào nhau trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Victor bắn vào chính giữa trái tim quái vật, còn quái vật bắn vào đùi của Victor. Đứng trước xác chết lạnh lẽo của quái vật Henry, tiến sĩ Victor lúc này mới cảm thấy xót xa, hối hận. Trong nguyên tác, quái vật đã giết chết người tình của tiến sĩ Victor, khiến ông đau khổ mà tự tử. Sau đó, quái vật cũng tuyệt vọng mà tự kết liễu đời mình theo tiến sĩ Victor. Nguyên tác kết thúc bằng những cái chết đầy bi kịch, nhưng vở nhạc kịch Hàn Quốc lại để cho Victor được sống. Sống nhưng lại đau khổ hơn cái chết, bởi ông sẽ phải chịu nỗi đau đớn, dằn vặt tưởng chừng như vô tận.

[Những phản hồi tích cực từ nước ngoài]Sau một tháng kể từ ngày công diễn đầu tiên, ngày 18 tháng 3 năm 2014, vở kịch đã nhận được lời đề nghị mua bản quyền từ nước ngoài. Những trăn trở về một tác phẩm nhạc kịch được sáng tác trong nước và công sức chuẩn bị trong suốt ba năm quả đã không phải là vô nghĩa. Trưởng phòng Kim Hee-cheol nói: "Sau khi vở nhạc kịch được công diễn, trung tâm chúng tôi có các bước trao đổi khả quan với các nhà hát kịch nước ngoài như Trung Quốc và Nhật Bản. Các đơn vị này đang đề nghị được mua bản quyền và mời đoàn nhạc kịch Hàn Quốc sang nước họ biểu diễn. Vì đã mở đợt công diễn chính nên trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện công diễn trong nước, và sau đó đoàn sẽ đi biểu diễn tại các nước châu Á trong năm nay. Mục tiêu dài hạn của đoàn là công diễn tại những sân khấu được coi là cái nôi của nhạc kịch như Nhà hát Broadway (New York, Mỹ) và West End (London, Anh)."

"Frankenstein" quả là bước khởi đầu thành công rực rỡ của nhạc kịch Hàn Quốc. Tuy lên kế hoạch ban đầu là 80 buổi công diễn, nhưng mới chỉ trong một tháng mà đã có tới hơn 40.000 lượt khán giả tới xem, nên Trung tâm nghệ thuật Chungmu đã quyết định diễn thêm chín buổi nữa. Thông qua hình ảnh một con người đầy tham vọng muốn tiếm quyền của cả thần thánh, vở nhạc kịch "Frankenstein" một lần nữa khắc họa sự ích kỷ của nhân loại và bản chất thực sự của sinh mệnh. Trên nền câu chuyện vừa tàn nhẫn lại vừa đau thương của hai người đàn ông, những nghệ sĩ nhạc kịch thả hồn vào từng câu hát với âm vực cao, khỏe khoắn và những biểu đạt đầy chân thực, truyền cảm. Mỗi lần đến xem, khán giả lại được thả hồn vào từng phân cảnh và cùng đồng loạt đứng lên, gửi tặng các nghệ sĩ những tràng pháo tay không dứt. Tâm sự sau đây của đạo diễn Wang Yong-beom sẽ thay cho lời kết chuyên mục hôm nay: "Từ trước đến nay, chưa có vở nhạc kịch nào dàn dựng tại Hàn Quốc có quy mô lớn và đạt được cả tính nghệ thuật lẫn tính thương mại. Nhưng vở "Frankenstein" đã mở ra cánh cửa của sân khấu quốc tế, để được giới thiệu là của Hàn Quốc. Nếu được chia sẻ ước mơ, thì tôi chỉ mong muốn rằng, Hàn Quốc sẽ chuyển từ nước nhập khẩu các tác phẩm của Anh, Mỹ thành nước sáng tác và xuất nhẩu nhạc kịch. Hy vọng vở diễn này sẽ trở thành đòn bẩy để nhạc kịch trong nước vươn rộng ra sân khấu thế giới."

Lựa chọn của ban biên tập