Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bộ phim "Jung Do-jeon” và tư tưởng vì dân

2014-04-29

"Jung Do-jeon" - Bộ phim chính sử độc đáoBộ phim cổ trang mang tên "Jung Do-jeon" phát sóng trên đài KBS từ đầu tháng 1 năm 2014 và hiện vẫn đang được công chiếu vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Bộ phim đề cập đến vai trò quyết định của Jung Do-jeon trong việc thiết lập ngôi vị vua mới vào thời kỳ chuyển đổi từ triều đại Goryeo (918-1392) sang triều đại Joseon (1392-1897). Kết cấu chặt chẽ và nội dung thiết thực này đã cuốn hút cả khán giả nam, vốn là những người kén chọn phim truyền hình. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik cho biết: "Phim cổ trang thường chia thành phim dã sử và phim chính sử. Bộ phim “Jung Do-jeon” thuộc diện phim chính sử. Những bộ phim thuộc thể loại này lấy bối cảnh, câu chuyện có thật trong lịch sử làm chất liệu chính nên luôn đem lại cảm giác gần gũi, chân thực và đáng thuyết phục. Bên cạnh đó, các khán giả nam giới có xu hướng quan tâm tới chính trị, xã hội hay các vấn đề mang tính vĩ mô. Họ cũng trực tiếp tìm hiểu, học tập về các vấn đề này, hoặc trải nghiệm gián tiếp qua việc xem phim, đọc sách. Bởi vậy nam giới có vẻ quan tâm và thích xem các phim chính sử."



Trong một thời gian dài, những bộ phim cổ trang kết hợp hư cấu hay còn gọi là dã sử đã chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ, khiến những bộ phim cổ trang trung thành với lịch sử không nhận được nhiều sự chú ý. Vì vậy mà sự hâm mộ đặc biệt dành cho phim "Jung Do-jeon" có thể được xem như một ngoại lệ. Giải thích cho hiện tượng này, đầu tiên phải kể đến sự mến mộ của khán giả dành cho nhân vật Jung Do-jeon. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik giải thích: "Jung Do-jeon vốn là một học giả lỗi lạc với những tư tưởng và chiến lược đã trở thành nền tảng trong lịch sử 500 năm của triều đại Joseon. Tuy nhiên những câu chuyện về ông lại không được đề cập đến nhiều trong suốt thời gian qua. Vô hình chung, chính tấm màn bí mật đó lại kích thích trí tò mò về nhân vật lịch sử này. Bộ phim kể về cuộc đời và tài năng của vị khai quốc công thần Jung Do-jeon ra đời trong đúng bối cảnh như vậy, nên đã thu hút sự hiếu kì của đông đảo công chúng."

Jung Do-jeon, nhà chính trị vì dânCái tên Jung Do-jeon luôn bị lu mờ trước Thái Tổ Yi Seong-gye, vị vua đầu tiên sáng lập nên vương triều Joseon. Nhưng trong phim, Jung Do-jeon được lấy làm nhân vật chính và cuộc đời của ông được khắc họa từ việc ông đã làm thế nào để phá bỏ chính quyền mục ruỗng cuối thời Goryeo, đến quá trình nung nấu ước mơ xây dựng một nền chính trị nhân bản “lấy dân làm gốc” bằng việc giúp Yi Seong-gye lên ngôi vua...

Jung Do-jeon sinh ra trong một gia đình quan lại dòng dõi, tại một vùng quê xa xôi, hẻo lánh. Ông bắt đầu làm quan vào năm 22 tuổi với chức Sarok (Ti Lục) vùng Chungju và sau đó ông còn được bổ nhiệm làm giảng viên tại trường Sungkyunkwan (Thành Quân Quán), tương đương Quốc Tử giám của Việt Nam. Tuy nhiên, vì lý do từ chối đón tiếp sứ thần nhà Nguyên (Trung Quốc) mà ông bị lưu đày về tỉnh Jeolla. Trong suốt 10 năm sống lưu đày, Jung Do-jeon đã nung nấu về một nền chính trị vì dân và ông đã tìm đến Yi Seong-gye, lúc này đang là một võ tướng được nhân dân hết lòng tôn kính, để thực hiện giấc mơ chính trị của mình. Đây là cuộc gặp mang tính lịch sử, là sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự của Yi Seong-gye và tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của Jung Do-jeon. Không chỉ thế, bộ phim "Jung Do-jeon" còn lột tả sự căng thẳng, kịch tính của những trận chiến tâm lý, giằng co giữa hai con người có cùng chí hướng đổi mới và những thế lực chính trị của xã hội cũ. Đặc biệt, người xem cảm thấy "giật mình" khi nhận thấy sự tương đồng giữa hiện thực chính trị xưa và nay qua lời của Yi In-im, một gian thần ở phía bên kia chiến tuyến với Jung Do-jeon.

Sau đây là trích đoạn lời thoại của nhân vật Yi In-im trong phim “Jung Do-jeon”: "Một kẻ tứ cố vô thân, cha thì làm chức hương lại còn con ở vùng quê heo hút, chẳng đủ tư cách đặt chân lên đất Gegyeong (Khai Kinh, thủ đô của triều đại Goryeo). Muốn thay đổi thế sự thì hãy lo thân mình trước đi. Cái loại như ngươi chỉ làm cho thế gian này thêm loạn. Chẳng có món quà nào cho con đường chính trị. Có chăng chỉ là có chút đồ hối lộ phòng thân sau này..."

Mặc dù là đại phu cuối thời Goryeo, nhưng Yi In-im chỉ khư khư bảo vệ đặc quyền của bản thân và đầy mưu mô, thủ đoạn gian xảo. Jung Do-jeon trở thành cái gai trước mắt Yi In-im, khi ông một mực trung thành với lý tưởng thay đổi đất nước bằng cách mạng ruộng đất, thứ vốn là tài sản độc quyền của giới quý tộc thời đó. Đứng trước người đại diện cho quyền lực bảo thủ là Yi In-im, Jung Do-jeon không hề run sợ, nhân nhượng mà ông luôn thẳng thắn bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Cứ mỗi lần đến phân cảnh đó là người xem lại cảm thấy vô cùng hả lòng, hả dạ.

Tiếp theo là trích đoạn lời thoại của nhân vật Jung Do-jeon: "Con người ta vốn dĩ không phải nhận di truyền từ cha mẹ mà là hình ảnh hiện thân của thời đại. Hãy xem, thời đại mà ngươi tạo ra có khác gì một con quái vật. Có bao nhiêu người dân vô tội đang chết dần dưới bàn tay ngươi. Ta cũng sẽ cho ngươi nếm trải nỗi sợ hãi và tuyệt vọng đó. Dù bằng cách nào thì rồi ta cũng sẽ làm cho ngươi phải chết từ từ trong đau khổ."

Jung Do-jeon là một nhà chính trị với tư tưởng nhân bản lấy dân làm gốc. Cuộc đời hoạt động đầy thăng trầm của ông đã để lại lời tự vấn cho con người hiện đại về bản chất và phương hướng của một nền chính trị chân chính. Đạo diễn phim "Jung Do-jeon", ông Kang Byeong-taek chia sẻ: "Tôi muốn khắc họa chân dung một nhà chính trị chân chính, vừa có tài, vừa có đức. Theo tôi, đó cũng chính là một trong những điều quan trọng và thiết thực với đất nước Hàn Quốc năm 2014."

Quan điểm chính trị và lịch sử của đại chúng trong xã hội ngày nayHiện thực chính trị Hàn Quốc hiện nay đang luẩn quẩn trong mối xung đột và những cuộc chiến tranh lạnh không dứt. Thay vì đối thoại và tìm ra tiếng nói chung, các nhà chính trị lại chỉ tìm cách kèn cựa, lên án và phê phán lẫn nhau. Trong bối cảnh đó, bộ phim "Jung Do-jeon" đã phản ánh đúng khát khao về một nhà chính trị vì dân, do dân, và của người dân Hàn Quốc hiện nay.

Ông Kim Yong-sang, tác giả tiểu thuyết lịch sử "Jung Do-jeon" chia sẻ: "Cũng có người phản đối cải cách, nhưng số đông đại chúng luôn mong chờ những điều mới mẻ. Điều họ hướng tới không phải là xã hội được thống trị bởi thế lực chính trị hay kinh tế mà là xã hội hướng về nguyện vọng của nhân dân. Bản cương lĩnh Joseon Gyeonggukjeon (Kinh quốc điển) của nho sĩ Jung Do-jeon có thể được coi là cuốn sách giáo khoa của nền chính trị nhân bản lấy dân làm gốc. Điểm mấu chốt của cương lĩnh này là tư tưởng: chính trị là công cụ để giáo dục, hướng thiện cho con người. Để làm được điều đó thì người lãnh đạo phải biết yêu thương muôn dân, lo cho dân có cuộc sống ấm no, yên ấm, và phải thiết lập chính sách dựa trên ý nguyện của nhân dân. Chính bởi tái hiện được khát vọng chân chính đó mà bộ phim "Jung Do-jeon" đã nhận được sự chú ý, quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình."

Đặc biệt, các khản giả nam giới ở lứa tuổi trung niên là đối tượng hâm mộ phim "Jung Do-jeon" đông đảo nhất. Theo thống kê tỷ suất người xem phim "Jung Do-jeon", có trên 77% khán giả thuộc lứa tuổi 40 và trong đó có tới 57% là nam giới. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik giải thích: "Đấng mày râu vốn rất quan tâm tới các hoạt động xã hội, chính trị, nhưng trong thực tế có rất ít người nắm bắt được cơ hội làm chính trị thực sự. Bộ phim "Jung Do-jeon" dựa trên bối cảnh lịch sử quen thuộc và hình mẫu cụ thể đã giúp họ được "thỏa chí" một cách gián tiếp, được giải phóng những khát khao và ấp ủ sâu kín của mình."

Xem phim "Jung Do-jeon" có thể nhận ra nhiều điểm tương đồng giữa xã hội cuối thời Goryeo và xã hội Hàn Quốc hiện nay. Nhà phê bình sách Jang Dong-seok nói: "Xã hội cuối thời Goryeo nhìn tổng thể là mục nát, loạn lạc và khan hiếm người lãnh đạo thực tiễn. Vào thời đó, những địa chủ sở hữu nhiều đất đến nỗi lãnh thổ của họ được tính từ ngọn núi này sang ngọn núi kia. Đối chiếu với xã hội hiện đại Hàn Quốc ngày nay, ta cũng thấy được thực trạng tương tự, khi những người giàu thì ngày càng giàu thêm và cũng chưa thấy nhà chính trị nào có đủ tầm nhìn chiến lược để lãnh đạo đất nước."

Sự trở lại của những cuốn sách lịch sửThành công vang dội của bộ phim "Jung Do-jeon" còn ảnh hưởng tới thị trường xuất bản sách. Ông Yoo Jae-seong, trưởng chi nhánh Gangnam của chuỗi nhà sách Kyobo, cho biết: "Vì sự thành công của phim truyền hình nên một loạt sách về cuộc đời của Jung Do-jeon cũng lần lượt được xuất bản. Tính đến nay đã có khoảng ba, bốn đầu sách thuộc thể loại sách danh nhân và năm cuốn tiểu thuyết. Độc giả mua sách chủ yếu là nam giới, khoảng tầm từ ba mươi đến bốn mươi tuổi. Có nhiều cuốn đã nằm trong top sách bán chạy nhất và vẫn đang được tiêu thụ đều đặn cho đến nay."

Sách về Jung Do-jeon đang nằm chiễm chệ trên ngăn cao nhất của giá sách giới thiệu những sách bán chạy. Một khán giả hâm mộ nhân vật lịch sử Jung Do-jeon chia sẻ: "Nhờ xem phim "Jung Do-jeon" mà gần đây tôi quan tâm nhiều hơn đến lịch sử. Bộ phim đã tái hiện lại giai đoạn chuyển đổi từ thời đại Goryeo sang thời đại Joseon, từ đó lại càng kích thích trí tò mò của khán giả về bối cảnh, quá trình xây dựng nên triều đại Joseon." Còn sau đây là tâm sự của một độc giả mua sách về Jung Do-jeon: "Tôi đang chọn một vài cuốn sách đang bán chạy, trong đó có sách về Jung Do-jeon. Tôi cũng là khán giả trung thành của bộ phim về nhân vật này, nên nhân đây tôi muốn học thêm về lịch sử qua cuốn sách này. Khi tìm hiểu về ông, tôi thấy ông có nhiều tư tưởng tiến bộ mà chính con người trong xã hội hiện đại cũng không theo kịp. Trong khi chúng ta ngày nay chỉ lo vun vén cho lợi ích bản thân thì ông lại luôn nỗ lực hướng con người đi đúng theo đạo lý. Tôi nghĩ đây cũng chính là hình mẫu mà xã hội chúng ta đang tìm kiếm. Nhất định tôi sẽ đọc cuốn sách này."

Từ khi bộ phim được công chiếu, đã có hơn 10 cuốn sách về ông lần lượt xuất bản như "Jung Do-jeon và thời đại của ông", "Lịch sử khai quốc Joseon của Jung Do-jeon ", "Cách mạng", " Biện minh cho Jung Do-jeon", "Cuồng nhân Jung Do-jeon”... Những cuốn sách này đều có điểm chung là không lấy nhà vua làm trung tâm câu chuyện, mà tập trung khai thác đặc điểm, tư tưởng của các nhân vật vốn được coi là "phụ" trong lịch sử. Nhà phê bình sách Jang Dong-seok nói: "Trong quá khứ, cả phim ảnh và sách đều chỉ tập trung khắc họa hình tượng nhà vua, người được coi là trung tâm của lịch sử. Những tác phẩm như “Joseon vương triều thực lục” đã rất nổi tiếng một thời. Nhưng nhân vật chính của các ấn phẩm xuất bản hoặc các bộ phim được trình chiếu hiện nay lại là những nhân vật phụ, giới phong kiến, quý tộc hoặc đơn thuần chỉ là những người dân, nô bộc, họa sĩ nghèo khổ, những người bị phân biệt đối xử trong xã hội. Cùng nằm trong xu thế đó, sách về Jung Do-jeon cũng khai thác nhân vật lịch sử này dưới nhiều khía cảnh mới mẻ, nhân bản và gần gũi hơn."



Quan điểm lịch sử của đại chúng đang dần thay đổi và trở nên đa dạng hơn khi hướng sự quan tâm về những nhân vật "ngoài rìa" lịch sử. Điều này cho thấy một chân lý, lịch sử không chỉ được tạo nên bởi duy nhất một anh hùng, mà là thành quả từ nỗ lực hy sinh, cống hiến của rất nhiều những trung thần và những dân thường. Họ là những người luôn lặng thầm sát cánh, giúp người anh hùng hoàn thành sứ mệnh của mình trong một thời đại nhất định. “Vua vốn được coi là "con trời", là sự hiện thân đầy quyền quý, thiêng liêng. Nhưng sự hiện diện quý giá hơn cả không phải là vua mà là lòng dân. Nền chính trị không được lòng dân thì sớm hay muộn cũng sẽ bị suy đồi và sụp đổ.” Tư tưởng chính trị lấy dân làm gốc của nho sĩ Jung Do-jeon đã được phản ánh rõ trong cương lĩnh Joseon Gyeonggukjeon. Ta tự đặt câu hỏi, trong bối cảnh nhân dân Hàn Quốc hoang mang, đau khổ trước đại nạn chìm tàu Sewol thì nhà chính trị như Jung Do-jeon sẽ đưa ra lời đáp như thế nào? Nhân loại vẫn đang trong hành trình khát khao về một thời đại mới, về một thế giới mới tốt đẹp hơn. Và vì thế, độc giả vẫn tìm đến với những cuốn sách về Jung Do-jeon, khán giả vẫn đang đón chờ từng tập phim "Jung Do-jeon".

Lựa chọn của ban biên tập