Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thảm họa đắm tàu Sewol, người Hàn Quốc chung nỗi đau, chung lời cầu nguyện

2014-05-13

[Lật lại ký ức đau xót về thảm họa đắm tàu Sewol]Bắt đầu từ ngày 20 tháng 4, tại ga Jungang trên tuyến tàu điện ngầm số 4, quận Danwon, thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, một buổi hòa nhạc tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm tàu Sewol được tổ chức vào 6 giờ tối hàng ngày. Những mẩu giấy mang dòng tin nhắn chia sẻ, cầu mong cho các nạn nhân sớm trở về bình an đang treo trên khắp quảng trường cạnh ga Jungang. Và những khúc nhạc nguyện cầu vang lên từ phía sân khấu khiến bầu không khí nơi đây càng trở nên trầm mặc.

Ngày 16 tháng 4 là ngày mà không người Hàn Quốc nào có thể quên. Con tàu trọng tải nặng 6.825 tấn mang tên Sewol chở 476 hành khách, xuất phát từ cảng Incheon đến đảo Jeju bị đắm tại vùng duyên hải huyện Jindo, tỉnh Nam Jeolla. Tính đến ngày 12 tháng 5, có 172 người được cứu sống, 275 người thiệt mạng và 29 người vẫn mất tích. Từ giây phút xảy ra tai nạn thảm khốc này, cả đất nước Hàn Quốc như chìm trong tang thương và tuyệt vọng.

Thời gian từ lúc con tàu lắc lư, nghiêng ngả cho tới khi hoàn toàn bị lật là tổng cộng 2 giờ 20 phút. Đặc biệt, đại bộ phận hành khách trên tàu hôm đó là các em học sinh lớp 11 của trường trung học phổ thông Danwon thành phố Ansan. Chỉ mới một ngày trước đó thôi, các em vẫn còn đang rộn ràng, phấn khởi chuẩn bị cho chuyến đi du lịch thực tế cùng bạn bè. Những người cha, người mẹ, người thân nghe tin sét đánh và chỉ còn biết vội vàng lao đến trường.

Một người chị có em trai là hành khách trên tàu Sewol chia sẻ: "Tôi chỉ mong em tôi sẽ trở về bình an. Mẹ tôi bị bất tỉnh nên tôi đến đây thay mẹ. Em tôi đã vô cùng vui sướng khi lên đường đi du lịch bằng chiếc giày mới được mẹ mua cho. Là lớp trưởng nên chắc nó đã ở bên trong với các bạn khác. Nó gọi điện cho mẹ lúc 9 giờ 20 phút, kể rằng người ta kêu mặc áo phao rồi bắt ngồi yên trong phòng. Chắc em tôi vẫn đang ở trong tàu." Có bác phụ huynh kể lại: "Con tôi gọi điện báo tin tàu bị chìm. Tôi hỏi nó đã mặc áo phao chưa? Nó trả lời đã mặc và đang nằm chờ trong phòng. Nó còn bảo sẽ sống sót trở về...và sau đó điện thoại tắt phụt." Còn đây là tâm nguyện thiết tha của một người cô có cháu trên tàu: "Chị tôi đã vất vả trong suốt 10 năm mới sinh được cháu. Tôi chỉ mong nó sống sót trở về, dù có bị thương cũng không sao."



Các bậc phụ huynh đã không thể chờ đợi được thêm, họ đi xe buýt suốt sáu tiếng đồng hồ đến cảng Paengmok ở huyện Jindo, gần hiện trường vụ tai nạn. Không chỉ những bậc phụ huynh, tất cả mọi người Hàn Quốc khi biết tin này cũng đều bàng hoàng, sửng sốt. Một người dân chia sẻ: "Tôi không biết nói gì nữa, giờ đây tôi chỉ biết cầu mong cho kỳ tích sẽ xảy ra, cầu cho các em học sinh và hành khách khác trên tàu sẽ trở về bình an."Một người dân khác cũng bày tỏ sự lo lắng"Tôi cảm thấy vừa hoang mang, đau đớn lại vừa phẫn nộ khi nghe tin về vụ tai nạn này. Chúng ta phải nắm lấy dù chỉ là một tia hy vọng, cầu mong đến ngày mai, tất cả những hành khách trên tàu sẽ được cứu sống." :

[Khắc khoải chờ tin cứu hộ]Thời gian cứ trôi đi nhưng chỉ thấy tin báo về người tử nạn. Thêm vào đó, việc Chính phủ liên tục thông báo không nhất quán về danh sách hành khách trên tàu, số người được cứu sống và số người mất tích càng khiến những người cha, người mẹ thêm đau đớn, tuyệt vọng. Lực lượng cứu hộ cũng huy động tổng lực và dốc sức tìm kiếm nạn nhân, nhưng chính bản thân họ cũng lực bất tòng tâm trước luồng nước ngầm chảy siết và tầm nhìn bị hạn chế. Ông Hwang Dae-sik, Trưởng ban cứu nạn Hiệp hội cứu hộ trên biển Hàn Quốc cảm thấy day dứt:
"Chúng tôi cũng khổ tâm lắm chứ. Bao cố gắng cũng chẳng để làm gì, khi không thể cứu sống dù chỉ một người. Là một nhân viên cứu hộ, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ và thấy mình thật đáng trách."

Gia đình những nạn nhân đắm tàu Sewol lưu lại nhà thi đấu thể thao quận Jindo để chờ tin cứu hộ. Nỗi đau cứ chồng chất nỗi đau, mỗi khi có tin về người thiệt mạng là lại vang lên những tiếng khóc than thật thê lương.

Trong tình cảnh đất nước như thế này, có những người dân đã không thể ngồi yên để chỉ theo dõi tin tức trên ti vi. Họ đến hiện trường vụ tai nạn để chuẩn bị từng bữa cơm, giặt quần áo hoặc chỉ đơn giản là để chăm nom chỗ nghỉ cho gia đình nạn nhân. Tình nguyện viên tại cảng Paengmok chia sẻ. "Tôi chuẩn bị các món ăn như bí xào, khoai tây xào. Củ cải đang thái này dùng để nấu món canh thịt bò cay cho bữa sáng. Thương và đau xót lắm. Tôi chẳng biết phải làm gì để giúp đỡ thân nhân nạn nhân trong lúc này." Một tình nguyện viên khác tâm sự: "Chỉ mong sao các gia đình nạn nhân ăn bữa cơm nóng hổi này do chúng tôi chuẩn bị và sẽ có thêm sức khỏe và nghị lực để chống chọi với nỗi đau." Và đây là lý do tham gia tình nguyện của một người dân: "Tôi đến đây chỉ để góp chút công sức giúp đỡ cho gia đình các nạn nhân. Tôi nhận nhiệm vụ giặt quần áo theo thứ tự đã được phân loại."

Những tình nguyện viên đến từ mọi miền trên đất nước Hàn Quốc. Người thì chuẩn bị các bữa ăn, lo công tác y tế, người dọn dẹp, người giúp đỡ và động viên gia quyến. Ai cũng mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để có thể san sẻ bớt nỗi đau thương, mất mát cùng gia đình các nạn nhân. Nhưng tất cả mọi người cũng đều cảm nhận rõ rằng chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất đi người thân trong gia đình.

Ông Kim Seok-ju, một tình nguyện viên là bác sỹ tâm thần thuộc trường Đại học Seoul, cho biết: "Hầu hết các gia đình đều rơi vào trạng thái bất an, trầm cảm và hay nổi nóng, mất tự chủ. Không chỉ thế, những thông tin sai lệnh, bị đính chính qua lại khiến gia đình các nạn nhân nhiều lần chuyển từ hy vọng sang tuyệt vọng. Suốt mấy ngày nay, họ đã liên tục bị khủng hoảng, sức khỏe giảm sút, có triệu chứng loạn nhịp tim, mất ngủ trầm trọng. Nhưng có nhiều người đã từ chối thuốc an thần, thuốc ngủ hay thuốc cảm mà chúng tôi đưa, chỉ vì họ muốn tận mắt theo dõi tình hình cứu hộ người thân."

Biết nói sao, an ủi ra sao trong tình cảnh này? Nhưng thay cho lời nói, tại hiện trường tai nạn vẫn có hàng trăm tình nguyện viên đang âm thầm làm việc. Trong số họ, có rất nhiều người cũng đã trải qua nỗi đau mất đi người thân yêu nhất.

Sau đây là tâm sự của một nữ tình nguyện viên: "Tôi đã nộp đơn xin thôi việc tại công ty và lập tức đến đây sau khi nghe tin về tai nạn đắm tàu trên ti vi. Thực ra, tôi cũng có một đứa con đã bị chết đuối cách đây năm năm. Là một người mẹ, tôi hiểu nỗi đau mất con đau đớn, tuyệt vọng như thế nào. Không có lời nói nào, không sự giúp đỡ nào có thể an ủi hoặc làm vơi bớt đi nỗi đau ấy. Hồi xưa, tôi cũng vậy. Tôi đã ném suất ăn mà một người phụ nữ mang đến. Tại đây, có người mẹ đang ngủ bỗng chợt vùng dậy, chạy ra phía cảng biển, vừa đi vừa gào khóc gọi tên con. Tôi chỉ biết nghẹn ngào khi chạm vào người mẹ ấy. Người ta vẫn nói thời gian là liều thuốc vơi đi nỗi đau, chữa lành mọi vết thương. Nhưng thật sự sẽ phải rất lâu."

[Nối dài những dòng người tưởng niệm]Đã có hơn 141 bàn thờ chung được lập trên toàn quốc để đón dòng người đến tưởng niệm các nạn nhân vụ chìm tàu khách Sewol. Tính đến ngày 12/5, số lượt đến viếng các bàn thờ trên toàn quốc đã đạt hơn 1,8 triệu người.

Dòng người từ khắp nơi trên toàn Hàn Quốc vẫn không ngớt về dâng hoa, mặc niệm viếng các nạn nhân gần một tháng sau khi xảy ra vụ tai nạn chìm tàu khách Sewol. Tin nhắn tưởng niệm được nhiều người chia sẻ nhất mang nội dung xin lỗi vì đã không thể bảo vệ và cứu được các nạn nhân. Phẫn nộ và thất vọng là tâm trạng chung của người dân Hàn Quốc trong khoảng thời gian này. Một vài người dân đến tưởng niệm tại bàn thờ chung đặt ở Quảng trường thành phố Seoul chia sẻ: "Tôi đến đây để bày tỏ lòng thương tiếc tới các nạn nhân, chắc chắn họ đã vô cùng sợ hãi trong giây phút tàu chìm.Một bạn gái tâm sự:"Các em học sinh chỉ đáng tuổi em tôi. Chúng vẫn còn là những nụ hoa chưa kịp nở. Tôi chỉ cầu mong sao các em sẽ sớm được trở về trong vòng tay của cha mẹ."Còn đây là ước nguyện của một người dân: "Các em đều là niềm tin, là hy vọng của cả gia đình. Mong các em hãy an nghỉ và hãy thỏa chí thực hiện những ước mơ còn dang dở ở thế giới bên kia."

Trên bức tường tại bàn thờ chung tưởng niệm các nạn nhân còn có rất nhiều tin nhắn chia sẻ, động viên được gửi tới từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là bức thư của một bà mẹ người Đức, thư chia buồn viết bằng tiếng Hàn lưu loát của một học sinh Trung Quốc, những dòng tin nhắn động viên được gửi từ Thái Lan... Xung quanh các khu tưởng niệm, những chiếc ruy băng màu vàng với những lời cầu nguyện ghi trên đó vẫn đang phần phật bay dưới bầu trời tháng 5 trong trẻo, xanh ngát.

[Những vết thương còn mãi]Đã 28 ngày trôi qua kể từ khi tai nạn đắm tàu Sewol xảy ra. Các chương trình lễ hội, công diễn trên toàn quốc hầu như đã bị hủy và hoạt động mua sắm, du lịch cá nhân cũng đã giảm đáng kể. "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", không khí đau buồn của thảm kịch này hiện vẫn phủ bóng lên toàn bộ đất nước Hàn Quốc và ảnh hưởng tới tâm lý của mọi người dân. Ông Jo Seong-nam, Viện trưởng Bệnh viện Eulji ở khu vực Gangnam, Seoul, cho biết:"Từ xa xưa Hàn Quốc đã là một dân tộc thuần nhất nên người dân có tinh thần tập thể cao, và vì thế cũng rất dễ lây lan hiệu ứng trầm cảm tập thể. Các thông tin về sự chậm trễ và lúng túng của Chính phủ trong công tác ứng phó với thảm họa, kết quả không khả quan của công tác cứu hộ được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến người dân Hàn Quốc rơi vào trạng thái bi quan, chán nản, khiến hội chứng trầm cảm lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, thành phố Ansan là nơi tập trung nhiều người thân, bạn bè của các nạn nhân, nên tâm lý của người dân khu vực này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng."

Những người được cứu sống trong vụ tai nạn đắm tàu Sewol cũng đang phải chịu các chấn thương về thể xác cũng như tâm lý. Các nạn nhân đều cảm thấy sợ hãi, bất an và vẫn chưa thể thoát ra khỏi những ám ảnh kinh hoàng về thời điểm con tàu bị lật. Viện trưởng Jo Seong-nam giải thích: "Những nạn nhân được cứu sống sau khi được điều trị chấn thương bên ngoài, thường bị rơi vào trạng thái bất an, sợ hãi cực độ. Thay vì cảm giác an toàn vì được cứu sống, các bệnh nhân lại cảm thấy có lỗi, dằn vặt vì chỉ mình mình là còn sống. Những người vốn có tinh thần trách nhiệm cao thì càng khó tha thứ cho sự bất lực của mình hơn. Tình trạng này nếu kéo dài trên một tháng thì có thể sẽ dẫn tới các biến chứng nặng nề hơn về mặt tâm lý."



"Nạn nhân gián tiếp" của tai nạn chìm tàu Sewol chính là những người tham gia công tác cứu hộ, những người đang ngày ngày phải đối mặt với hiểm nguy dưới biển sâu. Viện trưởng Jo Seong-nam nói: "Trong hoàn cảnh cứu hộ khẩn cấp từng phút, từng giây, thường các nhân viên cứu hộ sẽ không có thời gian riêng tư để suy nghĩ hay cảm nhận. Tuy nhiên, sau khi kết thúc công việc, các thợ lặn thường xuyên gặp ác mộng, và rơi vào các trạng thái như bất an, trầm cảm, lo lắng hay giận dữ. Hơn ai hết, họ là người chứng kiến những hình ảnh thảm thương tại hiện trường tai nạn, họ cũng là người cảm thấy phẫn nộ và dằn vặt nhiều nhất vì không thể cứu sống nhiều nạn nhân. Chúng ta cũng cần phải có kế hoạch điều trị và chăm sóc tâm lý cho các nhân viên cứu hộ này."

Những ngọn nến thắp trong đêm để mong chờ về một kỳ tích, những người dân trên khắp mọi miền tổ quốc cùng chung một nỗi đau, cùng cài lên ngực chiếc nơ vàng hy vọng, và cùng hướng về vùng biển Jindo trong niềm khắc khoải... Thời gian trôi đi, những vết thương rồi sẽ lành vết. Nhưng tất cả chúng ta vẫn sẽ khắc ghi trong lòng những thời khắc đợi chờ và đau thương này, để lấy đó làm nguồn động lực xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, xây dựng một đất nước sẽ không bao giờ tái hiện lại tai nạn bi thương như thế này.

Lựa chọn của ban biên tập