Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chuyến dã ngoại cùng thi nhân Cheon Sang-byeong

2014-05-20

[Lễ tưởng niệm cố thi sĩ Cheon Sang-byeong]Ngày 26 tháng 4 vừa qua, khoảng hơn 30 văn nghệ sĩ và người dân Seoul đã cùng tề tựu trước cửa Hội quán Su-un, tại phường Insa, quận Jongno, và cùng tiến về Nghĩa trang thành phố Uijeongbu thuộc tỉnh Gyeonggi, nơi an nghỉ của nhà thơ Cheon Sang-byeong (1930-1993). Năm nay là năm thứ 21 tổ chức lễ tưởng nhớ cố thi sĩ này. Tuy nhiên, khác với bầu không khí kính cẩn, nghiêm trang của những buổi tưởng niệm thông thường, trên nét mặt của mỗi người tới đây đều hiện rõ vẻ hạnh phúc như đang tham gia một buổi dã ngoại mùa xuân. Một nhà thơ cất lời tưởng niệm thi sĩ Cheon Sang-byeong:"Thưa thầy, em Im Kye-jae đây ạ. Đã hơn 20 năm rồi, hôm nay em lại đến để gặp thầy. Thầy đi vào đúng mùa hoa nở rộ và bây giờ chúng em về đây để thưởng thức tác phẩm mùa xuân mà thầy để lại. Chúng em xin được thành tâm tưởng niệm thầy."

Là nhà thơ có tâm hồn trong sáng, ngây thơ, Cheon Sang-byeong còn được gọi là "kỳ nhân" cuối cùng trên văn đàn Hàn Quốc. Ông cùng người vợ của mình luôn hạnh phúc, ung dung tự tại với cuộc sống thanh bạch, đạm bạc. Trong bài thơ Gwicheon (Quy thiên), tạm dịch là “Trở về trời”, một trong những tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Cheon Sang-byeong, nhà thơ đã ca ngợi cuộc sống tươi đẹp và ví cuộc đời mình như một chuyến dã ngoại trên trần thế. Thấm nhuần tư tưởng thi nhân, những người yêu thơ Cheon Sang-byeong đã tham gia lễ tưởng nhớ trong niềm vui rộn ràng của chuyến dã ngoại.

Ông Kim Byeong-ho, Phó chủ tịch Hội dự án kỷ niệm nhà thơ Cheon Sang-byeong cho biết:"Năm nay là ngày giỗ thứ 21 của cố thi sĩ Cheon Sang-byeong. Hàng năm, lễ giỗ được tổ chức tại chính mộ phần của nhà thơ. Không nặng nề, u buồn lễ tưởng niệm nhà thơ Cheon Sang-byeong lại giống như một buổi đi dã ngoại. Thi sĩ không có con, nhưng năm nào cũng có khoảng 30 hội viên cũ mới về đây thăm hỏi, ngâm thơ, hát phổ thơ. Sau đó mọi người cùng ăn cơm hộp và tham gia cuộc thi sáng tác thơ văn tại Trung tâm nghệ thuật Uijeongbu."



Những học trò của nhà thơ dâng lễ viếng và ngâm thơ ông ngay trước mộ phần. Sau đây là trích đoạn bài thơ "Hoa cúc":
"Dù không có đêm dành riêng cho hôm nay
Trăng vẫn mọc, sao vẫn lấp lánh soi
Dù không có ngày dành cho phiền não
Mặt trời vẫn lên, bình minh vẫn tới
Dù ta cứ vô tâm, nhưng trên bàn kia
Hoa cúc trong lọ vẫn rạng ngời cho ta."


Và đây là trích đoạn bài thơ nổi tiếng "Quy thiên" của thi sĩ Cheon Sang-byeong:
"Ta trở về, tay nắm giọt sương xuyên qua nắng sớm
Ta trở về, chỉ ta cùng ráng chiều nặn mây cuối chân trời
Ta trở về, ngày kết thúc cuộc dã ngoại trên thế gian tươi đẹp
Ta trở về, và sẽ nói rằng thế gian này đẹp quá."


Từng dòng thơ ngân vang trước mộ phần thi sĩ khiến mỗi người có mặt đều đắm chìm trong những hoài niệm về ông. Nhà thơ Im Kye-jae chia sẻ:"Ông đã cho ra đời những bài thơ tinh hoa của trí tuệ con người khi mới ở độ tuổi 30. Diện mạo cho tới tính cách thi nhân đều rất đời thường, nhưng ông lại đem đến cho đời những vần thơ trong sáng, đằm thắm. Ông được đánh giá là nhà thơ có vai trò hoàn thiện chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa nhân bản trong nền văn học Hàn Quốc."

[Hoài niệm về nhà thơ Cheon Sang-byeong và người vợ Mok Sun-ok]Bà Pyun Keun-hee, một thành viên trong Hội dự án kỷ niệm nhà thơ Cheon Sang-byeong, cũng tâm sự những kỷ niệm về vợ của nhà thơ là bà Mok Sun-ok: "Vợ của thi sĩ Cheon Sang-byeong là người lo kế sinh nhai cho cả gia đình. Bà có dáng người nhỏ nhắn. Bà mở một quán trà mang tên "Gwicheon" ở phường Insa. Từ nhà của nhà thơ ở Uijeongbu phải chuyển tới ba lần xe buýt để đi về, vất vả thế nhưng bà cũng không nghỉ buổi nào suốt 365 ngày trong năm. Bà rất thân thiện, cởi mở và không bao giờ kể xấu chồng. Thời còn học đại học, bà cũng được các giáo sư đánh giá cao về năng khiếu âm nhạc. Nhà thơ Cheon Sang-byeong thành công trong sự nghiệp văn chương là có phần công lao lớn của bà."

Sinh năm 1930 tại Nhật Bản, nhà thơ Cheon Sang-byeong về lại Hàn Quốc khi học lớp 7, năm đất nước được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật. Những lớp đàn anh như Kim Chun-su và Yoo Chi-hwan đã sớm phát hiện tài năng thơ văn thiên phú của Cheon Sang-byeong và giới thiệu bài thơ "Gangmul" (Nước sông) của ông đăng trên tạp chí Munye (Văn nghệ) khi ông mới học lớp 8, là năm 1952. Sau này, nhà thơ đỗ vào khoa thương mại của trường Đại học quốc gia Seoul, nhưng do không hợp tính cách nên ông đã bỏ học giữa chừng và chính thức đăng đàn với tác phẩm "Galmegi" (Hải âu) đăng trên tạp chí Văn nghệ năm 1965. Tuy nhiên, đến năm 1967, do liên lụy đến vụ Đông Berlin, Cheon Sang-byeong đã bị bắt giữ và tra tấn oan ức trong vòng sáu tháng. Vụ Đông Berlin là vụ Bộ Tình báo trung ương (nay là Cơ quan tình báo quốc gia) Hàn Quốc truy bắt sai 194 người Hàn sinh sống tại Đức và Pháp do nghi ngờ những người này đã đi lại Bình Nhưỡng, hoạt động gián điệp theo chỉ lệnh của Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Đông Berlin (Đông Đức). Bị ảnh hưởng của di chứng trong những tháng ngày bị tra tấn, nhà thơ không sáng tác trong một thời gian dài. Do không còn bóng dáng của ông, những người yêu thơ ông đã tập hợp các sáng tác trước đây và xuất bản tập thơ mang tên "Se” (Chim). Có thể nói, Cheon Sang-byeong là nhà thơ duy nhất có tập thơ đầu tiên được xuất bản thành tuyển tập thơ "di cảo" trong khi vẫn còn sống.

Năm 1972, ông thành hôn với bà Mok Sun-ok, hai ông bà mở một quán trà truyền thống ở phường Insa, Seoul. Kể từ đó bà thay ông đứng ra gánh vác việc nhà, bản thân nhà thơ sinh thời cũng đã từng nói: "Chỉ có tôi là nhà thơ duy nhất không phải làm nghề tay trái. Bởi vậy làm sao mà tôi không biết ơn vợ mình rất nhiều được cơ chứ?"

Ngày 28 tháng 4 năm 1993, nhà thơ Cheon Sang-byeong từ giã cõi đời. Bà Mok Sun-ok sau cả đời sát cánh cùng người chồng thi sĩ nghèo khó, lại một mình cai quản quán trà Gwicheon. Tháng 8 năm 2010, bà đã không còn có thể tham gia cuộc dã ngoại trên trần thế và về an nghỉ cùng ông.

[Lễ hội nghệ thuật Cheon Sang-byeong]Tại thành phố Uijeongbu, nơi nhà thơ Cheon Sang-byeong yên nghỉ, năm nào cũng tổ chức lễ hội mùa xuân để tưởng nhớ ông. Ông Kim Byeong-ho, Phó Chủ tịch Hội dự án kỷ niệm nhà thơ Cheon Sang-byeong giới thiệu: "Trước đây, buổi hòa nhạc tưởng nhớ 10 năm ngày mất của nhà thơ Cheon Sang-byeong đã được tổ chức thành công và để lại ấn tượng sâu đậm. Cùng với sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, thành phố Uijeongbu đã duy trì lễ hội nghệ thuật này, đến năm nay là năm thứ 11. Năm 1972, thi sĩ Cheon Sang-byeong kết hôn và sống chín năm tám tháng dưới chân núi Surak, phường Sanggye, quận Nowon, Seoul. Sau đó ông chuyển nhà về phường Jangan, thành phố Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi. Ông đã sống ở đây suốt 11 năm sáu tháng và yên nghỉ tại Nghĩa trang thành phố Uijeongbu. Có thể nói, Uijeongbu là thành phố có mối nhân duyên sâu đậm với nhà thơ."

Năm nay, các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội đã được đơn giản hóa rất nhiều sau vụ chìm tàu Sewol. Ban nhạc Amado Leejaram thể hiện ca khúc được phổ từ thơ của thi sĩ để mở màn cho lễ hội. Trong buổi công diễn này, nhóm nhạc Amado Leejaram đã lần lượt thể hiện bảy ca khúc được phổ từ các bài thơ của thi sĩ Cheon Sang-byeong như "Sáo", "Bài hát", "Chàng trai đến từ ngân hà", "Đồng môn", "Kiếp nghèo của tôi"...Ca sĩ Lee Ja-ram cho biết: "Chúng tôi đã nhận được lời mời hợp tác phổ nhạc các bài thơ của Cheon Sang-byeong tại lễ hội nghệ thuật mang tên ông được tổ chức vào năm 2010. Lúc đó, nhóm nhạc chúng tôi đã có khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và phổ được tám ca khúc từ lời thơ của thi sĩ. Chúng tôi rất hào hứng nhưng mãi đến tháng 4 vừa qua, nhóm nhạc mới phát hành album mang tên Crazy Vagabond và tiếp tục tham gia biểu diễn tại lễ hội nghệ thuật năm nay. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc khi được phổ thơ của Cheon Sang-byeong. Những vần thơ ông là những lời thủ thỉ, tâm tình và bản thân nó đã ngân vang tiếng nhạc nên chúng tôi cảm thấy rất hài lòng với phần lời và giai điệu của bài hát."

Vì là lễ hội nghệ thuật mang tên một nhà thơ nên cuộc thi ngâm thơ là phần quan trọng không thể thiếu. Đây là năm thứ ba tổ chức cuộc thi ngâm thơ Cheon Sang-byeong. 30 thí sinh đăng ký tham gia lần lượt thể hiện giọng ngâm đầy truyền cảm. Những vần thơ của thi sĩ Cheon Sang-byeong chân chất, giản dị nhưng lại ẩn chứa sự thuần khiết, hồn nhiên như trẻ thơ. Bản thân những thí sinh khi ngâm thơ ông cũng đồng cảm với cuộc đời thanh bạch của nhà thơ. Bà Jeong Eun-mi là một trong số đó: "Tôi vốn rất thích ngâm các bài thơ của nhà thơ Cheon Sang-byeong. Nhưng hôm nay đến đây, có nhiều người quá nên tôi vô cùng hồi hộp. Tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được gặp những người có cùng sở thích với mình."

Giai điệu âm nhạc cổ điển ngân vang tại Trung tâm nghệ thuật Uijeongbu. Nơi đây có khu mô phỏng phòng trà Gwicheon, quán trà truyền thống của nhà thơ Cheon Sang-byeong. Quán trà là nơi sinh kế, nhưng cũng vừa là nơi chia sẻ tình yêu thương của vợ chồng thi sĩ, vừa là nơi gặp gỡ, đàm đạo chuyện văn chương của các văn nghệ sĩ Hàn Quốc trong suốt 25 năm. Ông Kim Byeong-ho, Phó chủ tịch Hội dự án kỷ niệm nhà thơ Cheon Sang-byeong, chia sẻ: "Năm nay là năm đầu tiên thực hiện chương trình phòng trà văn học Cheon Sang-byeong. Suốt đời, nhà thơ yêu thích nhạc cổ điển đến nỗi trong những di vật ông để lại có tới hơn 100 đĩa nhạc cổ điển. Những người yêu nhạc cổ điển tại thành phố Uijeongbu đã đưa ra sáng kiến thành lập phòng trà mang tên nhà thơ. Mỗi ngày đều có người chủ trì phòng trà giới thiệu các đĩa nhạc, những người dân cũng chia sẻ đĩa nhạc cá nhân để cùng thưởng thức với mọi người. Đây vừa là hoạt động tái hiện lại hội quán văn học của các văn nghệ sĩ xưa, vừa khai thác chương trình cùng đồng hành với người dân trong khuôn khổ lễ hội nghệ thuật Cheon Sang-byeong."

Trong phòng trà văn học, cạnh chỗ ngồi của DJ còn có một sân khấu nhỏ và micro để phục vụ nhu cầu ngâm thơ của mọi người dân. Tuy đĩa than không đem lại hiệu quả âm thanh rõ nét như đĩa CD, nhưng những vần thơ của thi sĩ lại đặc biệt hài hòa với âm điệu mộc mạc và giản dị của máy nghe nhạc cổ điển. Một người dân tham gia lễ hội chia sẻ: "Tôi rất vui vì đến đây được sống lại trong không khí của quán Gwicheon xưa của vợ thi sĩ là bà Mok Sun-ok. Đặc biệt là món trà mộc qua hôm nay cũng rất đắt khách. Đây là một trong những thức uống chính tại quán của bà Mok Sun-ok."

Lễ hội còn có gian triển lãm những kỷ vật của thi sĩ Cheon Sang-byeong. Nói là kỷ vật nhưng cũng chỉ có vài món đồ giản dị mà những người hâm mộ gửi tặng nhà thơ như bút, bản thảo sáng tác, bàn viết, đồng hồ. Đặc biệt, chiếc đồng hồ nhà thơ vẫn đeo gắn với kỷ niệm rất đặc biệt về ông. Ông Kim Byeong-ho kể:"Nhà thơ có thói quen cứ 30 phút lại xem đồng hồ. Điệu bộ xem giờ, cách giơ tay xem đồng hồ của ông cũng rất độc đáo. Không rõ lý do cho hành động này. Nhưng ngay cả việc hút thuốc, ông cũng chia thời gian rõ ràng, cứ một giờ lại một điếu, ông cũng chỉ uống hai chén rượu gạo lên men Makgeolli một ngày. Nhà thơ quả là có quan niệm thời gian vô cùng đặc biệt. Những người quen biết ông cũng nhớ nhất hình ảnh nhà thơ xem đồng hồ trong khi nói chuyện cùng mọi người."



Thi nhân Cheon Sang-byeong đã sống cuộc đời nghèo khổ cho đến khi từ giã cuộc đời. Khi tổ chức tang lễ cho ông, cả gia đình mới lần đầu tiên được chạm đến số tiền phúng trị giá một triệu won (gần 1.000 USD). Mẹ vợ ông giấu số tiền này trong lò sưởi, rồi sau này bà Mok Sun-ok đã vô tình đốt hết số tiền này đi. Dường như cho đến tận sau khi đã qua đời, nhà thơ cũng từ chối những đồng tiền trên trần gian. Ông có viết trong bài thơ "Kiếp nghèo của tôi" như sau:
"Niềm hạnh phúc lớn nhất sáng nay là một tách cà phê và điếu thuốc xếp hàng thẳng tắp, ăn canh giải rượu rồi, ta vẫn còn tiền xe buýt".
Cheon Sang-byeong- nhà thơ tìm kiếm hạnh phúc trong những điều giản dị của cuộc sống. Ông đã đi xa được 21 năm, nhưng con người hiện đại chúng ta vẫn cứ tìm đọc thơ ông để tìm lời đáp cho câu hỏi: Hạnh phúc là gì?

Lựa chọn của ban biên tập