Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vở nhạc kịch "Công chúa Deokhye"

2014-05-27

[Deokhye- cô công chúa cuối cùng của triều đại Joseon]Công chúa Deokhye (Đức Huệ) là con gái út của vua Gojong (Cao Tông), vị vua cuối cùng trong lịch sử 500 năm của triều đại Joseon, lúc đó được đổi tên thành Đại Hàn Đế Quốc. Vì là con gái út, lại được sinh ra khi vua Gojong đã ngoài 60 tuổi, nên cô công chúa Deokhye được vua cha hết lòng yêu thương. Tuy nhiên, do sống trong những năm Đại Hàn Đế Quốc bị Nhật Bản đô hộ nên công chúa đã bị cưỡng chế đưa sang Nhật và sống tha hương trong nhiều năm liền. Cuộc đời đầy bất hạnh của công chúa Deokhye đã được tái hiện lại trong vở nhạc kịch mang tên bà, được công chiếu từ ngày 2 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 2014, tại Trung tâm nghệ thuật Seongsu, thuộc quận Seongdong, Seoul.

Từ khi 13 tuổi, công chúa Deokhye đã bị đưa sang Nhật làm con tin và cả cuộc đời bà luôn sống trong nỗi nhớ cha mẹ, quê hương day dứt. Ngày 25 tháng 5 là ngày sinh của công chúa. Cũng bởi thế mà cứ vào dịp này hàng năm, câu chuyện về cuộc đời đầy bi thương của công chúa Deokhye lại khơi gợi nên bao niềm thương cảm. Ông Sung Cheon-mo, đạo diễn vở nhạc kịch "Công chúa Deokhye", chia sẻ: "Một trong những chính sách thực dân mà Nhật Bản hay áp dụng là bắt hoàng tộc hay quý tộc của nước bị đô hộ làm con tin và cho phối hôn với người của nước mình. Thật không may, chính con gái út "lá ngọc cành vàng" của vua Gojong, công chúa Deokhye, đã bị bắt sang Nhật khi mới 13 tuổi. Nàng bị ép học ở trường Nhật, rồi khi chưa nguôi nỗi đau mất mẹ, nàng lại bị ép thành hôn với con trai của viên chủ đảo Tsushima của Nhật Bản. Năm 1932, nàng sinh hạ con gái tên Nhật là Masae, tên Hàn là Jeong-hye."

Công chúa cuối cùng của triều đại Joseon đã từ trần vào năm 1989. Vì vậy có thể coi bà là nhân vật lịch sử sống cùng thời đại với chúng ta. Câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của bà, sau khi được xuất bản thành tiểu thuyết "Công chúa Deokhye" năm 2009, đã thu hút được sự quan tâm của đại chúng.



[Hành trình sang Nhật làm con tin]Khi công chúa Deokhye chào đời vào năm 1912, đúng vào năm vua Gojong mừng thọ tuổi 60. Vua yêu cô con gái út này còn bởi thấy cô có nhiều điểm giống với ngài nhất. Cũng vì thế mà nhà vua đã phong cho mẹ Deokhye, vốn là một cung nữ, là Gwiin (Quý nhân) và phong hiệu là Boknyeongdang (Phúc Ninh Đường). Trong cuốn biên niên sử "Joseon vương triều thực lục" cũng có ghi, tiệc chúc mừng công chúa Deokhye chào đời chưa bao giờ có trong tiền lệ với các công chúa khác. Thậm chí, nhà vua còn bỏ ngoài tai phép tắc cung đình, ngài đưa công chúa Deokhye vào ngủ tại điện của vua là Hamnyeongjeon (Hàm Ninh điện) trong cung Deoksu (Đức Thọ) và cho lập nhà trẻ tại Jeukjodang (Tức Tộ đường) để ngày ngày được chăm sóc, cưng nựng con gái yêu. Tuy nhiên, có ai ngờ rằng cuộc sống hạnh phúc đó của công chúa Deokhye chỉ kéo dài đến năm nàng lên tám tuổi. Năm 1919, sau khi hoàng đế Gojong băng hà, cuộc đời của công chúa Deokhye cũng bắt đầu những chuỗi ngày đau khổ.

Dường như tại thời điểm đó, chính công chúa Deokhye đã có những dự cảm về số phận của mình. Khán giả đến xem vở nhạc kịch "Công chúa Deokhye" cũng có thể tham quan triển lãm 30 bức ảnh về hoàng thất của Đại Hàn Đế Quốc. Trưởng phòng kế hoạch biểu diễn vở nhạc kịch "Công chúa Deokhye", bà Kwon Mi-yeon, cho biết: "Đây là bức ảnh công chúa Deokhye chụp cùng giáo viên và các bạn tại hậu viên cung Changdeok (Xương Đức). Còn đây là bức ảnh chụp ngay trước hôm công chúa Deokhye bị cưỡng chế sang Nhật du học. Bức ảnh chụp lại buổi tiệc chia tay tại sân vận động, tất cả mọi người đang rộn ràng nhảy múa và cùng ngồi xếp hình vòng tròn. Ngay đằng sau là bức tranh do công chúa vẽ trước khi đi, sắc màu buồn bã, thê lương. Còn đây là ảnh nàng chụp cùng khách mời, nhân viên của buổi tiệc chia tay ngày hôm đó. Trong bức ảnh này chỉ có hai người mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc Hanbok, còn lại tất cả các khách mời đều mặc bộ Kimono của Nhật Bản. Một bức ảnh khác, công chúa chụp kỉ niệm lần cuối cùng với hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm, khuôn mặt trẻ thơ xinh xắn nhưng môi mím chặt và ánh mắt đầy ẩn ức."

Một tấm ảnh khác ghi lại thời điểm công chúa Deokhye rời Hàn Quốc đi Nhật Bản, tại ga Gyeongseong (nay là ga Seoul). Nói là đi du học, nhưng thực ra công chúa đã bị đưa sang Nhật làm con tin. Bà Kwon Mi-yeon giải thích: "Đây là những bức ảnh chụp tại ga Gyeongseong, ngay trước khi công chúa Deokhye lên đường sang Nhật. Bức bên trái chụp tại nhà ga, bức bên phải chụp cảnh công chúa đứng trên ban-công. Trong cả hai bức ảnh này, công chúa đều mặc Kimono chứ không phải Hanbok. Đây là hình ảnh đầy thương cảm, bởi nó như hé lộ một phần về số phận đầy bi kịch của công chúa Deokhye. Nàng sinh ra là người Hàn Quốc, là công chúa cuối cùng của triều đại Joseon, nhưng cả đời nàng lại phải sống như một người Nhật."

Hầu như trong các tấm ảnh còn lại, công chúa đều mặc Kimono hoặc âu phục. Một công chúa sinh ra trong một đất nước bị tước quyền nên cũng không có tự do, dù chỉ là để lựa chọn trang phục cho riêng mình. Những người đến xem triển lãm ảnh đen trắng về công chúa Deokhye đều thấy lòng nặng trĩu. Một khách tham quan chia sẻ: "Tôi tên là Shin Ju-yeon, sống tại thành phố Anyang. Tôi đang ngắm bức ảnh chụp công chúa Deokhye mặc Kimono tại ga Gyeongseong. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng không có bức ảnh nào tôi thấy khuôn mặt công chúa mang vẻ hồn nhiên, rạng rỡ của trẻ thơ, dường như nàng đã luôn phải đè nén cảm xúc của mình." Một khách tham quan khác nói: "Tôi thấy công chúa Deokhye thật đáng thương, đáng lẽ ở tuổi này, nàng phải vui vẻ, rạng rỡ, nhưng nét mặt nàng trong mỗi tấm ảnh đều phảng phất nỗi u buồn, phản ánh rõ thực trạng ảm đạm của thời đại khi đó."

Bài hát "Cười nào! Hãy cười lên" trong vở nhạc kịch dường như đã nói hộ suy nghĩ, tình cảm của công chúa Deokhye. Bà Mun Hye-young, diễn viên thủ vai công chúa Deokhye, tâm sự: "Bài hát "Cười nào! Hãy cười lên" thể hiện suy nghĩ nội tâm đầy giằng xé của công chúa Deokhye khi nàng bị ép đưa sang Nhật. "Phải trở nên mạnh mẽ, không được để người ta thấy mình như đang bị kéo đi. Cười nào! Hãy cười lên". Cứ đến trích đoạn này tôi lại thấy khổ tâm nhất, vì phải cười trong khi hát lên những lời chua xót này."

[77 năm cuộc đời nơi đất khách]Đâu là điểm nhấn của vở nhạc kịch khi lột tả hành trình 77 năm cuộc đời đầy sóng gió của công chúa Deokhye? Đạo diễn Sung Cheon-mo giải thích: "Vở nhạc kịch này được xây dựng trên câu chuyện có thực về cuộc đời của công chúa Deokhye. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với chi tiết: mặc dù có cuộc hôn nhân không mong muốn, nhưng công chúa Deokhye đã sinh hạ một người con gái. Đáng tiếc thay là con gái bà năm 23 tuổi đã bị mất tích. Có giông tố gì đã xảy ra trong gia đình của bà? Điểm nhấn của vở nhạc kịch nằm ở chính bi kịch này. Nói cách khác, vở nhạc kịch "Công chúa Deokhye" không chỉ dừng lại ở việc phản ánh cuộc đời của công chúa, mà còn muốn khơi gợi sự ám ảnh, dai dẳng của những tấn bi kịch truyền từ thế hệ này qua thế khác trong vòng xoáy lịch sử của dân tộc Hàn Quốc."

Nút thắt quan trọng của vở nhạc kịch là từ năm 1925, khi công chúa Deokhye bị ép sang Nhật đến năm 1962, khi bà trở lại Hàn Quốc và sau đó từ giã cõi đời. Trong hành trình gian truân đó, vở nhạc kịch tập trung vào câu chuyện xoay quanh gia đình công chúa là người chồng Takeyuki So, người luôn nỗ lực bảo vệ, gìn giữ gia đình, và người con gái Jeong-hye. Đạo diễn Sung Cheon-mô cho biết: "Rất khó để phán xét về con người của bá tước Takeyuki. Từ nhỏ ông ta cũng đã phải đi làm con nuôi hai lần để "nối dõi tông đường" cho dòng họ. Bản thân ông ta là người sống lệ thuộc vào người khác, kể cả trong chuyện kết hôn cũng phải tuân theo sắp đặt từ trước. Nói cách khác, Takeyuki cũng được xem như một nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản."

Vở nhạc kịch tái hiện hình ảnh đầy cảm động khi bá tước Takeyuki an ủi, bao bọc và trân trọng Deokhye, mỗi khi nàng đau khổ. Nếu xét dưới quan điểm cả hai người đều là những nạn nhân của cuộc hôn nhân mang mưu đồ chính trị, thì đây là những phân cảnh có thể hình dung ra được.

Sống trong cuộc hôn nhân đầy bất an nhưng cuối cùng hai người cũng đã có một đứa con. Từ khi bị dẫn giải sang Nhật Bản, công chúa Deokhye đã có những triệu chứng suy nhược thần kinh. Nhưng khi biết tin mình có thai, nàng đã cố gắng hết sức mình để chăm sóc thai nhi về thể chất cũng như tinh thần. Đạo diễn Sung Cheon-mo nói thêm:"Dù không mặn mà với cuộc hôn nhân bị bắt ép, nhưng Deokhye lại rất nâng niu đứa con của mình. Có thể nói, mười tháng mang thai là mười tháng nàng khỏe mạnh và phấn chấn nhất trong quãng thời gian ở Nhật Bản. Đơn giản vì nàng đã có niềm tin, và có lẽ người chồng Takeyuki cũng đã mong đợi đứa con này rất nhiều. Đây có thể xem là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc sống vợ chồng của Deokhye và Takeyuki."

Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sau khi sinh con, triệu chứng suy nhược thần kinh của Deokhye lại ngày càng trở nên trầm trọng. Chứng suy nhược thần kinh của Deokhye đã phát triển thành bệnh tâm thần phân liệt. Trong khi đó, cuộc sống của người chồng Takeyuki cũng trở nên quẫn bách do toàn bộ tài sản của giới quý tộc Nhật Bản đã bị quân Mỹ tịch thu sau khi Nhật bại trận. Cuối cùng, Takeyuki đã đưa vợ vào bệnh viện tâm thần và đệ đơn xin ly hôn. Deokhye không chỉ bị mất đi đứa con gái ruột thịt, mà còn bị chồng ruồng bỏ.

Kể từ đó, Deokhye đã phải sống hơn 10 năm trong bệnh viện. Thực ra, tên căn bệnh chính xác mà Deokhye mắc phải là chứng lú lẫn sớm. Còn với Takeyuki, sau khi người con gái Jeong-hye bị mất tích, ông đã dằn vặt, hối hận vì đã cho vợ vào bệnh viện.

Theo lời kể, Takeyuki đã đi tìm người con gái Jeong-hye cho đến tận lúc chết. Theo ghi chép lịch sử, con gái Jeong-hye của công chúa Deokhye không rõ hành tung từ năm 1956. Vì không tìm được di hài của Jeong-hye, có người nói cô đã mất tích, có người nói cô đã tự tử, nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán.

[Trở về quê hương]Công chúa Deokhye cũng như vị hôn phu Takeyuki chỉ là những cái tên mờ nhạt, lẻ loi trong lịch sử. Nhưng trong vở nhạc kịch, đời sống nội tâm của hai nhân vật này được khắc họa vô cùng rõ nét. Mang thân phận là những con tốt trên bàn cờ chính trị của hai nước Joseon và Nhật Bản, họ lạc lõng, cô đơn và đều khát khao tình yêu thương của gia đình. Đạo diễn Sung Cheon-mô chia sẻ: "Thông điệp mà tôi muốn truyền tải thông qua tác phẩm này không phải là sự hòa giải mà là sự động viên, vỗ về những thành viên trong gia đình khi đứng trước bi kịch cuộc đời. Đặc biệt, cả người bố và người mẹ đã phải vật lộn và tự khích lệ mình để gượng dậy sau nỗi đau mất con. Tôi mong muốn rằng, những người đến xem kịch của tôi sẽ một lần nữa nhận thức ra tầm quan trọng của gia đình, sẽ thêm yêu thương, tin cậy và quan tâm đến những người thân, ngay cả khi chúng ta thực hiện những điều giản dị nhất như cùng ăn một bữa cơm gia đình hay hẹn hò với người yêu."



Tuy bị bỏ rơi, nhưng công chúa Deokhye vẫn hướng về gia đình và dành tình yêu thương cho những người xung quanh. Nàng dùng chính tình yêu đó làm sức mạnh và động lực để chống lại sự cô độc. Bi kịch cuộc đời và nỗi đau của công chúa Deokhye thăng hoa thành nguồn động viên, khích lệ những con người cô đơn, nhỏ bé trong xã hội hiện đại.

Cùng với sự bại trận của thực dân Nhật trong Thế chiến thứ II, công chúa Deokhye trở về Seoul năm 1962, sau 38 năm phiêu bạt. Tuy nhiên vào thời điểm đó, tình trạng sức khỏe và tinh thần của bà đã xấu đi rõ rệt. Bà sống tại Sugangjae (Thọ Khang trai), ngay cạnh Nakseonjae (Lạc Thiện trai) trong cung Changdeok (Xương Đức) và luôn nhớ cha mình là vua Gojong. Trước khi tạ thế vào năm 1989, khi còn minh mẫn thì bà để lại mảnh giấy ghi nghệch ngoạc vài dòng: "Tôi muốn sống lâu tại Nakseonjae. Tôi nhớ điện hạ, nhớ quý phi. Đại Hàn Dân Quốc là đất nước của tôi. Tội lớn nhất của tôi là sinh ra làm giọt máu cuối cùng của Đại Hàn Đế Quốc." Đọc những lời nhắn nhủ tuy ngắn nhưng đầy ám ảnh này, mỗi người chúng ta bỗng như chợt nhận ra việc có một gia đình và được ở bên cạnh những người thân yêu thật may mắn và hạnh phúc đến nhường nào.

Lựa chọn của ban biên tập