Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Gia đình - nguồn yêu thương vô tận

2014-06-03

[Tìm lại ý nghĩa và giá trị của hai tiếng "gia đình"]Sống trong guồng quay bận rộn của xã hội hiện đại, con người bỗng chợt vỡ lẽ rằng mình đã vô tình quên đi giá trị của hai tiếng “gia đình”. Những bậc phụ huynh vốn coi thành công là thước đo trong cuộc sống, luôn giục giã, hối thúc con em mình học tập bỗng thay đổi quan niệm; những nhân viên công sở vốn đặt công việc lên hàng đầu nay cũng dành mối quan tâm chính cho gia đình.

Giáo sư Kim Won-seop, thuộc khoa Xã hội học của trường đại học Yonsei, cho biết: "Tôi nhận thấy sự thay đổi từ trong nhận thức của mình cũng như của những người thân, giống như là một hiệu ứng dây chuyền tập thể. Bố mẹ thay vì chăm chăm phán xét xem con mình có học giỏi hay không, thì giờ đây chỉ cần thấy con khỏe mạnh đã là quý, chỉ cần ngắm nhìn con cái thôi là lại muốn làm thêm điều gì đó cho chúng. Đặc biệt là người làm việc vốn chỉ mải mê với sự nghiệp, mục tiêu thăng tiến và coi gia đình như một sự “có sẵn” hiển nhiên. Nhưng sau khi xem những hình ảnh bi thương trong thảm họa Sewol, khi thấy bao gia đình đau đớn, tuyệt vọng trước cái chết của người thân, người ta đã có dịp suy nghĩ lại về những giá trị thực sự trong cuộc sống. Họ đã nhận ra rằng, công việc có thể thay đổi nhưng mất gia đình là mất đi ý nghĩa cuộc sống của chính mình."

Sự thay đổi nhận thức về giá trị gia đình được phản ánh rõ nhất trong xu thế tiêu dùng trong xã hội Hàn Quốc thời gian gần đây. Theo thống kê của một chuỗi siêu thị, doanh thu từ việc bán hoa cẩm chướng, một loại hoa được tặng cho bố mẹ nhân dịp ngày Cha mẹ 8/5 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng các gia đình dùng bữa tại các nhà hàng, so với năm ngoái cũng tăng lên 30%. Ngành thực phẩm và bán hàng trực tuyến cũng đang tích cực đầu tư nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm những sản phẩm bổ dưỡng, những mặt hàng hay được mua làm quà tặng, bày tỏ sự hiếu thảo với các bậc sinh thành. Trong lĩnh vực du lịch, các gói sản phẩm dành cho gia đình cũng rất được quan tâm. Ông Jo Il-sang, nhân viên công ty du lịch Hanatour, chia sẻ: "Nhu cầu du lịch nước ngoài hàng năm đều tăng. Đặc biệt năm nay, tuy khách đoàn giảm nhưng lại có nhiều gia đình lựa chọn các tour du lịch trọn gói hay du lịch tự do, đưa tổng số các gói tour ra nước ngoài của công ty tăng 10% so với năm ngoái. Trong các tháng 4, 5, 6, lượng du khách tăng từ khoảng 600 người đến 2.000 người."

Thảm họa đắm tàu Sewol đã làm đình trệ hoạt động tiêu dùng của toàn xã hội Hàn Quốc, nhưng mua sắm phục vụ cho mục đích thể hiện tình yêu thương hay để đảm bảo an toàn cho các thành viên gia đình lại tăng lên đáng kể. Một người dân Hàn Quốc tâm sự: "Tôi muốn dành tặng cho cha mẹ mình một chuyến du lịch thật vui vẻ và an toàn." Một người dân khác nói:"Gia đình tôi cũng hay đi du lịch cùng nhau. Nhưng chúng ta không thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, chỉ cần bước chân ra ngoài là lại có thêm điều lo lắng. Sau thảm họa vừa qua, tôi càng thêm quý trọng gia đình và muốn có thêm nhiều cơ hội đi đâu đó cùng gia đình mình hơn."



[Triển lãm bức thư yêu thương ba dòng]Những hoạt động văn hóa như triển lãm, biểu diễn khai thác chất liệu về gia đình cũng dành được sự quan tâm của công chúng. Trong tháng 5 vừa qua, cuộc triển lãm về những bức thư được viết dưới dạng ba dòng, mang thông điệp tình yêu, được giới thiệu tại Thư viện thành phố Seoul đã thu hút đông đảo khách tham quan. Ông Kim Jae-sik, nhân viên tại Thư viện thành phố Seoul, cho biết: "Chúng ta đang dần nhận thức sâu sắc hơn về giá trị gia đình. Những lời tâm sự, nhắn gửi hướng về cha mẹ, gia đình được trưng bày cũng phản ánh rõ rệt xu thế này. Lá thư được đặt ở vị trí trung tâm trong triển lãm mang nội dung: "Dù không chờ, nhưng mùa xuân ấm áp vẫn đến với mỗi người". Đây là lời nhắn nhủ: dù có phải sống trong hiện thực khó khăn, dù phải đương đầu với những tai nạn đau thương, nhưng nếu biết kiên trì vượt qua thử thách, thì rồi mùa xuân ấm áp sẽ đến với tất cả chúng ta."

“Anh chỉ yêu em, chỉ biết đến em và chỉ yêu em mà thôi”, “Xin lỗi, cảm ơn, yêu thật nhiều!”, “Cha mẹ của con, dù giờ đây Người đã không còn ở bên con, nhưng lúc nào con cũng nhớ và yêu cha mẹ vô cùng”. Chỉ ba dòng thôi, nhưng mỗi lá thư đều thấm đẫm tình yêu thương và làm ấm lòng người xem.

Để rồi mỗi khách tham quan lại tự viết nên những bức thư yêu thương của chính mình. Một khách tham quan chia sẻ: "Những lá thư ba dòng, súc tích dường như lại khiến người đọc suy nghĩ và cảm nhận được nhiều hơn. Bản thân tôi cũng xin việc muộn, khiến bố mẹ phải vất vả nhiều, khi đọc những dòng này, tôi rất nhớ mẹ mình." Một khách tham quan nữ nói:
"Tôi đồng cảm nhất với lá thư mang nội dung “Lời yêu thương thôi chưa đủ, cảm ơn vì đã luôn ở bên con”. Tôi đang sống xa nhà, nên từ sau tai nạn Sewol, tôi gọi điện về nhà nhiều hơn và còn viết thư cho cha mẹ nữa."Còn đây là chia sẻ của một người dân: "Biểu hiện tình cảm qua con chữ khiến cảm xúc như được dồn nén và cũng dễ tìm được sự đồng cảm hơn. Hình thức này rất thích hợp cho những ai còn ngại ngùng trong việc thể hiện tình cảm bằng lời."

[Vở kịch “Dongchimi”]Vở kịch “Dongchimi” được công diễn từ ngày 29 tháng 4 vừa qua đã trở thành tiêu điểm trong làng kịch nói Hàn Quốc. Cứ mỗi lần công diễn, vở kịch về chủ đề gia đình “Dongchimi” lại biến khán đài thành biển nước mắt. Từ lần ra mắt vào tháng 4 năm 2009, vở kịch đã thu hút 250.000 khán giả và được trình diễn tại hơn 30 thành phố trên toàn Hàn Quốc.

Là một viên chức nhà nước, sau khi nghỉ hưu, do tuổi già và di chứng của sức ép công việc mà sức khỏe của ông Kim Man-bok không được tốt, việc đi lại khó khăn cũng khiến ông hay bực mình, cáu gắt. Vợ ông, bà Jeong Yi-bun là người phụ nữ hiền lành, nhẫn nhịn, luôn ở cạnh và chăm sóc ông trong suốt mười năm qua. Thời trẻ, hai ông bà kết mối lương duyên ở quê rồi dắt díu nhau lên thủ đô Seoul với “gia tài” chỉ có bao gạo mang theo. Sau cả cuộc đời đầy gian nan, vất vả, ông bà cũng nuôi dạy các con gồm một nam, hai nữ trưởng thành. Nhưng họ lúc nào cũng cãi vã nhau trước mặt cha mẹ.

Cha mẹ nào cũng thương yêu tất thảy những đứa con như nhau. Nhưng con cái lại chỉ thấy những hành động của bố mẹ là thiên vị, bất công. Những đứa con của ông Kim Man-bok và bà Jeong Yi-bun cũng vậy. Con gái cả lấy chồng là một doanh nhân giàu có nhưng lại luôn phải dằn vặt vì vấn đề của hồi môn. Con trai thứ là người con duy nhất được bố mẹ cho đi du học nước ngoài, nhưng cứ động kinh doanh đâu lại thất bại đó. Con gái út đòi làm diễn viên kịch nói, lúc nào cũng gặp khó khăn về tiền bạc. Anh chị em trong nhà mỗi người một cảnh và hễ cứ gặp nhau là lại có chuyện cãi cọ.

Những hiểu lầm, mẫu thuẫn cứ liên tục tiếp diễn và ngày một chất chồng khiến người làm cha mẹ như ông Kim, bà Jeong thêm lo lắng, buồn bực. Và rồi một ngày, bà Jeong Yi-bun bỗng bị ngất trên đường đến bệnh viện thăm nuôi chồng. Tuy chỉ là cú ngã nhẹ do bị vấp chân nhưng bà Jeong Yi-bun lại rơi vào trạng thái bất tỉnh. Kết luận của bác sĩ khiến tất cả mọi thành viên trong gia đình đều bất ngờ, thảng thốt.

Bà Jeong bị mắc bệnh loãng xương, đồng thời bị mắc bệnh ung thư. Nhưng vì lo cho chồng, cho con mà bà chỉ dùng thuốc giảm đau để chống chọi với bệnh tật. Diễn viên Kim Gye-seon, người thủ vai bà Jeong Yi-bun, tâm sự: "Chỉ cần nghe hay nói tiếng “mẹ” tôi cũng đã thấy sống mũi mình cay cay. Khi đảm nhiệm vai diễn này, tôi cũng trăn trở nhiều về việc có thể lột tả hết được tình yêu thương của người mẹ trên sân khấu hay không. Vừa diễn, tôi vừa nghĩ về mẹ của mình. Có lần tôi hỏi mẹ: “Tại sao mẹ lại sống như thế?” Tôi cũng hy vọng rằng, vở kịch này sẽ là liều thuốc an thần dành cho những người cha, người mẹ bị mất con trong vụ đắm tàu Sewol."

Người vợ hiền lành, luôn rộng lượng trước mọi lời kêu ca, càu nhàu của chồng giờ đã nằm bất động, sống đời sống thực vật dựa vào chiếc máy hô hấp nhân tạo. Chứng kiến nỗi đau dai dẳng của vợ, người chồng không thể chịu đựng được hơn, ông quyết định tháo máy hô hấp nhân tạo của vợ.

Mất đi người vợ tảo tần, luôn chỉ biết hy sinh cho chồng con, ông Kim Man-bok tuyệt thực trong đau khổ. Những đứa con đến phút cuối mới nhận ra tình yêu thương của cha mẹ cũng hối hận trong muộn màng. Ai cũng tranh nhau nhận chăm sóc cha, nhưng ông Kim Man-bok chỉ lặng lẽ lắc đầu. Sức khỏe và tinh thần suy sụp, ông Kim Man-bok đã từ giã cõi đời sau khi tiễn người vợ yêu được ba ngày.

Vở kịch “Dongchimi” ca ngợi tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và nhắc nhở về đạo lý của người làm con. Đây là tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời nhà thơ Kim Sang-ok. Sau khi mất đi người vợ đồng cam cộng khổ cùng mình trong hơn 60 năm, nhà thơ đã đau buồn mà tuyệt thực trong sáu ngày và tạ thế vào ngày 31 tháng 10 năm 2004. Đạo diễn vở kịch “Dongchimi”, ông Kim Yong-eul, nói về thông điệp muốn truyền đạt tới khán giả qua câu chuyện đầy xúc động của vợ chồng nhà thơ: "Con cái khi trưởng thành ai cũng đều muốn chăm sóc cha mẹ. Nhưng khi lấy vợ lấy chồng rồi lại phải lo cho gia đình riêng của mình nên thực tế lại không thể báo đáp cha mẹ được gì. Tôi chỉ muốn kể lại cho những người làm con về tình yêu thương, sự hy sinh vô điều kiện của các bậc sinh thành."



Bi kịch đắm tàu Sewol là nỗi mất mát lớn cho cả đất nước Hàn Quốc, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta một lần nữa hướng về gia đình của chính mình, thấm thía những giá trị giản dị nhưng thiêng liêng mà trước đây ta vô tình hờ hững. Những đứa con xa nhà gửi tin nhắn yêu thương cho cha mẹ, những bậc phụ huynh cũng tạm gác lại công việc để dành thời gian trò chuyện, tâm sự với các con. Mỗi người dân Hàn Quốc đều cảm nhận rõ sự may mắn và hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương của gia đình. Một người dân tâm sự: "Tôi sống cùng em và cha, nhưng tôi với cha vốn không hợp nhau. Tuy nhiên, dạo gần đây tôi chăm sóc cha nhiều hơn, lo bữa ăn cho ông hay chào ông, chúc ông một ngày tốt lành trước khi cha đi làm. Thỉnh thoảng tôi còn nhắn tin, hỏi cha đang ở đâu, làm gì...Em tôi cũng hay ra ngoài, hễ thấy em về muộn là tôi lại gọi điện hỏi em. Tôi nhận thấy những thành viên trong gia đình ngày càng hiểu và gần gũi với nhau hơn." Còn sau đây là chia sẻ của một người dân khác: "Càng lớn tuổi tôi càng hiểu rõ hơn giá trị của gia đình. Trước đây cũng đã có giai đoạn tôi xa cách với cha mẹ. Nhưng giờ đây, tôi liên lạc với cha mẹ nhiều hơn, và cố gắng tận dụng mọi cơ hội để được gần gũi với gia đình. Tôi hy vọng rằng mình sẽ có nhiều thời gian được ở bên phụng dưỡng và trò chuyện với cha mẹ hơn nữa."

Lựa chọn của ban biên tập