Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc, cái nhìn xuyên suốt

2014-06-10

[Truyện tranh trực tuyến trên màn ảnh rộng]Bộ phim “Ngấm ngầm và vĩ đại” được công chiếu vào tháng 6 năm 2013, kể về một điệp viên tài năng người Bắc Triều Tiên tên là Won Ryu-hwan được nhận nhiệm vụ phải ẩn thân thành một tên ngốc tại một khu dân cư nghèo tại Seoul, Hàn Quốc. Trong khu làng nghèo không chỉ có Won Ryu-hwan mà còn hai điệp viên miền Bắc khác cũng đang “nằm vùng” chờ lệnh từ cấp trên. Trong khi đang chờ mệnh lệnh từ phía Bắc Triều Tiên, họ luôn cố gắng che giấu thân phận thật của mình, sống hài hòa với người dân vô tội nơi đây. Song bỗng một ngày, cấp trên đột nhiên hạ lệnh tất cả các điệp viên Bắc Triều Tiên tại Hàn Quốc phải tự sát. Ba điệp viên không phục tùng mệnh lệnh khó hiểu này và họ đã phải chiến đấu chống lại đội quân truy sát được phái từ Bình Nhưỡng sang. Cốt truyện kịch tính cùng các tình tiết gây cười, các pha hành động gay cấn đã thu hút hơn 7 triệu lượt khán giả. Ngoài những yếu tố trên, một trong số những nguyên nhân khiến bộ phim được đông đảo khán giả ủng hộ nhiệt tình có thể kể đến sự thành công của truyện tranh trực tuyến cùng tên, của tác giả Choi Jong-hun (bút danh là Hun).



Tác phẩm “Ngấm ngầm và vĩ đại” của tác giả Hun đang được đăng tải trên mạng hàng tuần, liên tục trong vòng bốn năm. Hiện nay, phần hai của bộ truyện tranh này cũng đang tiếp tục được đăng tải. Ngoài ra, rất nhiều bộ truyện tranh khác cũng đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng.

Quả không sai khi nói truyện tranh mạng đang ngày càng “phủ sóng” các lĩnh vực hoạt động văn hóa tại Hàn Quốc. Đã có hơn 10 tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh như "Tay đấm huyền thoại” (2013), "The fives" ("Nhóm năm người", 2013), "26 năm" (2011), "Anh yêu em” (2011), "Truyện tranh lãng mạn” (2008), "Rêu” (2010), "Chàng Ngốc” (2008), "Chung cư” (2006)...

Giáo sư Lee Jong-kyu thuộc trường Cao đẳng công nghiệp văn hóa Chungkang lý giải về hiện tượng này: "Truyện tranh trực tuyến đang dần trở thành “mặt trận chính” của nội dung văn hóa tại Hàn Quốc. Đây là không gian mở vừa giúp kiểm định các xu thế đại chúng đang thịnh hành, vừa cung cấp chất liệu để xây dựng các sản phẩm điện ảnh, nhạc kịch. Có thể coi truyện tranh mạng đã hình thành nên một hệ thống tương tác linh hoạt, xóa bỏ những khái niệm cũ về đề tài và chất liệu, đồng thời mở ra cơ hội được thử nghiệm và liên kết, chuyển hóa nhiều nội dung văn hóa. Chính bởi vậy mà hiện nay, các hãng phim rất quan tâm đến thị trường truyện tranh trực tuyến."



[Truyện tranh trực tuyến tại Hàn Quốc]Cụm từ “truyện tranh mạng” được gọi tắt theo tiếng Anh là Webtoon, là từ ghép của "Website"(trang mạng) và "cartoon" (truyện tranh). Thể loại này ra đời từ cuối những năm 1990, khi nhiều tác giả truyện tranh Hàn Quốc có phong trào đăng tải sáng tác của mình lên mạng để tiếp thu phản hồi và giao lưu với các độc giả. Có thể coi truyện tranh mạng là sản phẩm văn hóa được hình thành cùng với quá trình phát triển công nghệ thông tin trong xã hội Hàn Quốc. Từ đó đến nay, loại hình văn hóa này đã trải qua hơn 10 năm lịch sử và đang ngày càng có xu hướng mở rộng trong xã hội hiện đại do sự phổ cập của smartphone. Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế KT, khoảng 20% người dùng smartphone đọc truyện tranh trên mạng.

Một người dân Hàn Quốc chia sẻ:"Tôi thích đọc truyện tranh hành động rồi quan tâm đến tác phẩm “Noblesse” (Quý tộc). Đặc biệt, nhân vật trong tác phẩm được vẽ rất đẹp và sinh động." Một độc giả khác nói: "Tôi chỉ thích đọc bộ truyện mang tiêu đề “Dieter” (Người giảm cân). Bộ truyện tranh này rất thú vị bởi nó đề cập đến các hiện tượng sinh học trong đời sống hàng ngày khi ăn kiêng và cung cấp cho tôi nhiều kiến thức về sức khỏe." Còn đây là bộ truyện tranh ưa thích của một độc giả khác: "Tôi đang đọc bộ “Helper” (Người trợ thủ) của tác giả Sakk. Truyện kể về một chàng trai vô tình bị chết do tai nạn và có những mối liên hệ giữa thế giới của người sống và người chết." Thêm một người dân Hàn Quốc chia sẻ: "Tôi rất thích bộ truyện tranh “Penguin loves Mev” (Penguin yêu Mev) đang được đăng tải vào thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần. Câu chuyện tình yêu và hôn nhân của chàng trai người Anh và cô gái người Hàn Quốc với những khác biệt về suy nghĩ, văn hóa khiến độc giả vừa tò mò, vừa xúc động."

Hầu như người dân Hàn Quốc nào cũng có một vài bộ truyện tranh trực tuyến ưa thích của riêng mình. Vậy tại sao độc giả lại thích đọc truyện tranh trên mạng đến thế? Giáo sư Lee Jong-kyu giải thích: "Truyện tranh mạng có chu kỳ ra mắt và tốc độ tiêu thụ vô cùng nhanh chóng. Người sáng tác có thể tiếp thu ý kiến của độc giả và người đọc cũng có cơ hội tiếp cận với các xu thế mới trong xã hội và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình ngay trên mạng. Đó chính là sức lôi cuốn lớn nhất của truyện tranh mạng."

Sự phát triển của Internet đã khiến nhiều ngành văn hóa khác, tiêu biểu như ngành xuất bản phải lao đao. Tuy nhiên, thị trường truyện tranh trực tuyến lại có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trung bình một năm, truyện tranh mạng tăng trưởng 19%. Hình thức sáng tác đặc sắc này cũng đang để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực văn hóa khác như quảng cáo, game, biểu tượng cảm xúc trong tin nhắn, phim truyền hình, phim điện ảnh...Giáo sư Lee Jong-kyu đưa ra một vài con số: "Truyện tranh mạng đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Hàn Quốc. Theo thống kê của một cổng thông tin đăng tải truyện tranh, trong một tháng có khoảng 17 triệu người đọc truyện tranh tại trang web này. Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự xuất hiện của rất nhiều tác giả do một trang mạng dành riêng cho truyện tranh trực tuyến đã ra đời. Trung bình cứ trong một tuần sẽ có khoảng 600-700 sáng tác được đăng tải và đón đọc trên mạng."

[Triển lãm "All Webtoon"]Từ ngày 27 tháng 5, Thư viện quốc gia Hàn Quốc đang mở cuộc triển lãm về truyện tranh mạng trong nước mang tên “All Webtoon” (Truyện tranh mạng Hàn Quốc, cái nhìn xuyên suốt). Cuộc triển lãm đang nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng khi tập trung khai thác về một trong những biểu tượng làm nên sức mạnh của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu trong thời đại mới. Ông Choi Hong-chan, Trưởng phòng nghiên cứu thông tin kỹ thuật số thuộc Thư viện quốc gia Hàn Quốc cho biết: "Triển lãm được chia thành sáu chủ đề và giới thiệu 100 bộ truyện tranh mạng tiêu biểu trong vòng 10 năm qua tại Hàn Quốc. Mỗi bộ truyện tranh đều được sắp xếp theo năm phát hành và được giới thiệu cùng các thông tin đính kèm như tác giả, cốt truyện, các tác phẩm điện ảnh chuyển thể, các ấn phẩm có liên quan... Đây là cuộc triển lãm đầu tiên về truyện tranh trực tuyến tại Hàn Quốc và có ý nghĩa như một mốc son điểm lại quá trình phát triển của truyện tranh mạng."

Sáu chủ đề được giới thiệu tại cuộc triển lãm “All Webtoon” bao gồm: “Chuyện trò”- giới thiệu lịch sử của truyện tranh mạng; “Chiếc gương thời đại”- điểm lại 100 bộ truyện tranh tiêu biểu trong 10 năm phát triển; “Nở rộ văn hóa truyện tranh mạng” và “Sức mạnh truyện tranh trực tuyến” – nêu những ví dụ ứng dụng sản phẩm và giá trị văn hóa của truyện tranh mạng; “Không gian sáng tác của tác giả truyện tranh mạng” – bật mí “hậu trường” mà nhiều độc giả quan tâm; “Truyện tranh mạng và giấc mơ tương lai” – đề cập tiềm năng phát triển trong tương lai của truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc.

Trưởng phòng Choi Hong-chan trình bày: "Ngay từ cổng vào triển lãm, chủ đề “Chuyện trò” sẽ giới thiệu tới khách tham quan những thông tin cơ bản như truyện tranh mạng là gì, ra đời từ khi nào, hình thức hoạt động ra sao. Truyện tranh trực tuyến bắt đầu xuất hiện từ năm 1999 và bắt đầu phát triển thành một trào lưu thực sự từ năm 2003. Ban đầu, những bộ truyện tranh này được biết đến do chính các tác giả đăng tải và giới thiệu sáng tác của mình lên các cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, từ năm 2012, Hàn Quốc đang tiến hành nhiều bước thử nghiệm để đưa truyện tranh mạng trở thành một loại hình sáng tác độc lập, như thiết lập một khu riêng giới thiệu về truyện tranh mạng tại Triển lãm sách quốc tế tại Seoul. Triển lãm lần này tại Thư viện quốc gia Hàn Quốc sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển mới cho ngành công nghiệp truyện tranh mạng Hàn Quốc."



Kể từ tháng 3 năm 2002, truyện tranh mạng lần đầu tiên được trang web Yahoo Korea chính thức khai trương dịch vụ với tên gọi “Thế giới truyện tranh”. Sau đó một năm, trang cổng thông tin điện tử Daum cũng xây dựng chuyên mục mới mang tên “Thế giới trong truyện tranh” và cho đăng dài kỳ bộ truyện tranh “Sunjeong manhwa” (Truyện tranh lãng mạn), hay còn được biết dưới tên “Hello Schoolgirl” (Chào nữ sinh), của tác giả Kang Do-young (bút danh Kang Full). Bộ truyện tranh này sau đó đã được chuyển thể thành kịch năm 2005 và điện ảnh năm 2008.

[Khái niệm mới về "tác giả truyện tranh mạng"]Bộ truyện tranh dài kỳ “Truyện tranh lãng mạn” khi đó đã đạt kỷ lục 60 triệu lượt xem và trở thành tác phẩm truyện tranh xuất sắc nhất trong năm 2003. Thành công vang dội của tác giả Kang Full là phát pháo hiệu mở màn cho thời đại lên ngôi của truyện tranh mạng. Các cổng thông tin điện tử lớn như Naver cũng mở dịch vụ truyện tranh trên mạng vào năm 2005. Các tác giả truyện tranh cũng dần chuyển sang hoạt động dưới hình thức này nhiều hơn. Tác giả của bộ truyện tranh “Dr. Frost” (Tiến sĩ Frost), ông Lee Jong-beom chia sẻ: "Tôi đã sáng tác truyện tranh được năm năm. Ban đầu tôi định thực hiện truyện tranh thông thường nhưng việc xuất bản gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình tìm kiếm cơ hội tiếp cận độc giả, tôi đã phát hiện ra trên thị trường truyện tranh mạng còn khuyết các chủ đề mang tính chuyên môn. Chính vì thế tôi đã tận dụng thế mạnh chuyên môn của mình và tham gia vào làng truyện tranh mạng."

Để được xuất bản thành sách, các tác giả truyện tranh vừa phải có kỹ thuật vẽ điêu luyện, vừa phải có khả năng nhạy bén xây dựng kết cấu câu chuyện. Tuy nhiên, khả năng được xuất bản cũng rất bấp bênh do thị trường sách luôn kén chọn và phải cạnh tranh cao. Trong khi đó, các sáng tác trên mạng lại không yêu cầu quá khắt khe về đường nét cũng như độ mạch lạc trong kết cấu câu chuyện. Giáo sư Lee Jong-kyu cho biết: "Trong quá khứ, phải mất ít nhất 10 năm để trở thành một tác giả truyện tranh. Nhưng sự phát triển của môi trường truyện tranh mạng đã thay đổi khái niệm “tác giả truyện tranh”: ai cũng có thể trở thành tác giả và hình vẽ chỉ cần “vừa mắt” và khơi gợi sự đồng cảm từ độc giả."

Tuy nhiên, cơ hội trở thành tác giả rộng mở hơn cũng đồng nghĩa với việc níu giữ độc giả cũng khó khăn hơn. Tác giả Lee Jong-beom chia sẻ về những sức ép của văn hóa điện tử: "Là tác giả thì đương nhiên phải quan tâm đến phản ứng của công chúng. Nhưng đôi khi người nghệ sĩ không tránh khỏi bị sức ép và căng thẳng khi phải tiếp xúc với nhiều ý kiến trái chiều từ độc giả. Vì vậy mà ngoài hoạt động sáng tác, tác giả cũng phải xác định được điểm yếu và điểm mạnh của chính mình và học cách tiếp thu các phản ứng của độc giả một cách bình thản hơn. Bản thân tôi mặc dù cũng đã rất cố gắng nhưng nhiều khi cũng cảm thấy mệt mỏi vì điều này."

Cuộc triển lãm đầu tiên này bao gồm cả chủ đề "Không gian sáng tác của tác giả truyện tranh mạng" tái hiện lại môi trường đặc biệt của các họa sĩ truyện tranh mạng. Trưởng phòng Choi Hong-chan cho biết: "Khu không gian sáng tác của tác giả giới thiệu về các thiết bị kỹ thuật số, dụng cụ cá nhân, tư liệu... Ngoài ra, chúng tôi còn phỏng vấn và trò chuyện với hai tác giả tiêu biểu để giúp khán giả tìm hiểu rõ hơn về quá trình và từng công đoạn cụ thể để hình thành nên một bộ truyện tranh mạng."



[Truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc, những tiềm năng mới]Trong năm 2012, thị trường truyện tranh mạng Hàn Quốc đạt quy mô 100 tỷ won (tương đương 97 triệu USD), năm 2014 200 tỷ won (194 triệu USD) và dự đoán đến năm 2015 sẽ đạt mức 300 tỷ won (291 triệu USD). Với mức tăng trưởng gấp ba lần chỉ trong chưa đầy hai năm, quả không sai khi gọi truyện tranh mạng là “thể loại đẻ trứng vàng” trong ngành văn hóa Hàn Quốc.

Năm 2013, triển lãm đặc biệt về “Truyện tranh mạng Hàn Quốc” tại Lễ hội truyện tranh quốc tế được tổ chức tại Angoulême (Pháp) đã thể hiện diện mạo “cường quốc truyện tranh mạng” của Hàn Quốc. Hiện nay, bộ truyện tranh "Noblesse" (Quý tộc) của tác giả Son Je-ho và Lee Gwang-su cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trên trang web giới thiệu truyện tranh nổi tiếng của thế giới Mangafox. Nếu như Châu Âu nổi tiếng với thể loại tranh biếm họa, nước Mỹ được thế giới biết đến với truyện tranh anh hùng, Nhật Bản tự hào với phim hoạt hình thì ngày nay, Hàn Quốc sẽ mở cửa thị trường truyện tranh mạng. Sau K-pop, chúng ta hãy cùng chờ đợi vào thành công của truyện tranh mạng - biểu tượng văn hóa mới của Hàn Quốc.

Những độc giả Hàn Quốc cũng chia sẻ những hy vọng của mình vào loại hình sáng tác độc đáo này. Một độc giả nhận xét:"Tôi thấy điểm mạnh nhất của thể loại này là ở khả năng tiếp cận dễ dàng và phong phú. Nhờ có điện thoại thông minh mà mọi đối tượng độc giả có thể tiếp cận với truyện tranh mạng mọi lúc, mọi nơi. Tôi được biết là hiện nay mới chỉ có Hàn Quốc cung cấp dịch vụ truyện tranh trực tuyến với quy mô và thể loại đa dạng như thế này. Đây có lẽ là điểm “chiến lược” giúp truyện tranh Hàn Quốc vươn xa ra thế giới." Một độc giả khác bày tỏ: "Theo tôi thì sức hút của truyện tranh mạng nằm ở trí tưởng tượng dồi dào, phong phú của các tác giả." Còn đây là những kỳ vọng đối với thể loại truyện tranh trực tuyến tại Hàn Quốc: "Hình ảnh của truyện tranh trực tuyến giúp độc giả hiểu nội dung rõ ràng hơn so với các ấn phẩm khác như sách, báo. Tôi thấy đây là thể loại dẫn dắt làn sóng văn hóa Hàn Quốc sau phim truyền hình, điện ảnh và âm nhạc."

Lựa chọn của ban biên tập