Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Trải nghiệm an toàn tại Hàn Quốc

2014-06-17

[Thực hành các thiết bị an toàn trên máy bay]Hãng hàng không Asiana đã tổ chức một buổi thực hành các thiết bị an toàn trên máy bay cho các hành khách tại khu vực xuất phát phía Tây, ở tầng ba khu vực bay nội địa của sân bay Gimpo. Ông Ahn Kyung-won, trưởng nhóm huấn luyện dịch vụ khoang hành khách của Hãng hàng không Asiana, cho biết:"Để cung cấp những dịch vụ bay an toàn, tiện lợi và thoải mái nhất tới hành khách, hãng hàng không chúng tôi đã tổ chức chương trình giới thiệu các quy định an toàn dành cho đội ngũ tiếp viên cũng như các quy định an toàn cơ bản mà hành khách hay bỏ qua. Tại đây, mọi người được làm quen với 20 dụng cụ thuộc 13 loại thiết bị ứng cứu khẩn cấp được trang bị trong khoang máy bay. Hành khách tham gia có thể đeo thử thắt lưng an toàn, mặc áo phao cứu hộ, học cách hô hấp nhân tạo... Từ sau tai nạn chìm tàu Sewol, các hành khách Hàn Quốc quan tâm rất nhiều tới các chương trình trải nghiệm như thế này."



Kế tiếp thảm họa Sewol hồi giữa tháng 4 năm 2014, có rất nhiều tai nạn lớn nhỏ nối tiếp nhau xảy ra trên toàn Hàn Quốc như vụ hai tàu điện ngầm đâm nhau tại ga Sangwangsimni tuyến số 2 tại thủ đô Seoul (2/5), vụ hỏa hoạn tại bến xe khách thành phố Goyang ở tỉnh Gyeonggi (26/5), vụ hỏa hoạn tại viện dưỡng lão ở huyện Jangseong, tỉnh Nam Jeolla (28/5). Chưa bao giờ người dân Hàn Quốc lại lo lắng và đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề an toàn tính mạng như hiện nay. Đặc biệt đã có rất nhiều người dân đăng ký tham gia chương trình đào tạo an toàn trên máy bay để học về kĩ năng hô hấp nhân tạo trong tình huống khẩn cấp. Hành khách còn được nghe giải thích và trực tiếp sử dụng mặt nạ dưỡng khí, áo phao cứu sinh, máy khử rung bên ngoài tự động, xuồng cứu sinh 25 chỗ... Đây quả là những khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa với những ai chuẩn bị lên máy bay. Các hành khách chia sẻ cảm tưởng: "Tôi rất sợ đang bay mà máy bay bị rơi. Nhưng sau khi tham gia chương trình này tôi đã thấy an tâm hơn rất nhiều."; "Mặc dù đã biết sơ qua về lý thuyết, nhưng khi thực hiện thật sự thì tôi mới thấy lóng ngóng, ngượng ngập. Những hoạt động thực hành này rất hữu ích cho tôi.";"Mọi người đều cảnh giác với tai nạn nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải bình tĩnh ứng phó khi gặp sự cố."; "Trên thực tế, hành khách chỉ có thể tiếp cận với các trang thiết bị này trong tình huống khẩn cấp. Bởi vậy mà tôi thấy rất thích thú và hào hứng khi được trực tiếp trải nghiệm với các thiết bị, và cũng nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng."

[Trung tâm trải nghiệm an toàn tại Seoul]Người dân Hàn Quốc quan tâm hơn tới sự an toàn của bản thân và gia đình kể từ sau thảm họa đắm tàu khách Sewol. Mức tiêu thụ những dụng cụ bảo hộ như áo phao, bình cứu hỏa cũng tăng đột biến. Một trang bán hàng trực tuyến cho biết doanh thu bán các vật dụng an toàn đã tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, doanh thu từ các mặt hàng như máy dò lửa và khí gas tăng tới 460%, bình cứu hỏa tăng 245%.

Rất nhiều người dân đã tìm đến với các trung tâm trải nghiệm an toàn, thuộc quản lý của Cơ quan phòng chống thiên tai và hỏa hoạn của thành phố Seoul. Ông Kim Chang-ho, hướng dẫn viên phụ trách giáo dục an toàn thuộc Trung tâm trải nghiệm an toàn Boramae giới thiệu: "Nhu cầu giải đáp các thắc mắc về vấn đề an toàn gửi đến trung tâm đã tăng gấp đôi so với trước đây. Thông thường khách đăng ký tham gia trải nghiệm tập thể chiếm tới 60% tổng số khách. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách lẻ lại tăng lên đáng kể khiến trung tâm phải hạn chế số khách tham quan hàng ngày."

Tại Seoul, có hai Trung tâm trải nghiệm an toàn là Trung tâm Gwangnaru tại phường Neung, quận Gwangjin và Trung tâm Boramae, phường Sindaebang, quận Dongjak. Trung tâm Gwangnaru mở cửa đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 2003. Tiếp đó, vào năm 2010, trung tâm thứ hai mang tên Boramae cũng được khánh thành. Hai nơi này có nhiệm vụ tổ chức các tình huống giả định về động đất, bão, lũ, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, từ đó hướng dẫn người dân phương pháp ứng phó kịp thời với các tình huống nguy hiểm. Hướng dẫn viên Kim Chang-ho của Trung tâm Boramae giải thích: "Trung tâm trải nghiệm an toàn Boramae được thành lập vào tháng 5 năm 2010 và nằm trong công viên Boramae. Trong lĩnh vực giáo dục về thiên tai, hỏa hoạn thì điều quan trọng không chỉ là lý thuyết mà còn là thực hành. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết này, trung tâm đã tập trung phát triển các chương trình trải nghiệm thực tế và hướng dẫn người dân cách ứng phó, xử lý khi phải đối mặt với thiên tai, hỏa hoạn thực sự."

Tòa nhà Trung tâm trải nghiệm an toàn Boramae có ba tầng nổi và một tầng hầm. Trong đó, tầng hầm là nơi có thể trải nghiệm tình huống giả định tai nạn tàu điện ngầm; tầng một là khu trải nghiệm động đất và bão, lũ; tầng hai mô phỏng tai nạn giao thông và hỏa hoạn; tầng ba là nơi thực hành ứng cứu khẩn cấp và hướng dẫn sử dụng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Theo trình tự, sau khi được nghe giải thích về các loại thiên tai, hỏa hoạn ở tầng hầm, khách tham quan sẽ trải nghiệm ứng phó ở tầng một, và phần đầu tiên chính là động đất. Ông Kim Chang-ho giới thiệu: "Trải nghiệm về động đất được chia ra thành ba giai đoạn: động đất trong nhà, di tản khi nhà sập và động đất ngoài trời. Khu trải nghiệm trong nhà được mô phỏng động đất với sàn nhà rung, lắc ở cường độ 7 độ Richter. Tiếp đó, theo giả thiết nhà bị sập, người tham gia sẽ học cách di tản trong hành lang tối và sau đó ra ngoài trời để cảm nhận động đất với cường độ 5 độ Richter."



[Hành trình trải nghiệm an toàn]Sau khi nghe giải thích về động đất, khách tham quan sẽ tham gia trải nghiệm trong một căn nhà được mô phỏng như nhà bếp với bàn, ghế và mức rung chấn 7 độ Richter. Các em học sinh lớp ba của một trường tiểu học đã trực tiếp cảm nhận sự rung chuyển của cả đất trời trong cơn động đất. Rung chấn càng lúc càng mạnh khiến đường điện bị ngắt, tòa nhà thì đang dần sụp đổ, phải làm sao để thoát thân khi bốn phía đều tối đen như mực? Các em được hướng dẫn di tản bằng cách: tay trái bám tường, tay phải che đầu bằng cặp sách hay vải, nệm mềm để thoát khỏi nơi nguy hiểm. Ai cũng hồi hộp và căng thẳng khi di chuyển trong không gian tối tăm, chật hẹp.

Sau động đất, khách tham quan sẽ được hướng dẫn đến phòng trải nghiệm bão, lũ và thử “đương đầu” với những cơn gió mạnh. Hướng dẫn viên Kim Chang-ho thuộc Trung tâm trải nghiệm an toàn Boramae cho biết: "Sự khác biệt lớn nhất giữa động đất và bão lũ là bão lũ thì có thể đoán trước trạng thái của thời tiết như gió, mưa, còn động đất thì luôn xảy ra bất ngờ, đột ngột. Trải nghiệm về bão lũ được chia làm hai phần là thử sức gió và thử mưa bão. Vào tháng 11 năm 2013, siêu bão Haiyan đã tấn công miền Trung Philippines với sức gió ở vùng gần tâm bão có lúc lên tới 370 km/giờ. Các em học sinh tiểu học sẽ được trải nghiệm với mức gió mạnh trung bình, có tốc độ di chuyển 30m/giây, tương đương 180km/giờ."

Trước khi bước vào phòng trải nghiệm, học sinh đều được căn dặn tỉ mỉ và chuẩn bị tinh thần thật vững để đối mặt với gió bão. Một em học sinh chia sẻ: "Cháu rất sợ vì gió mạnh và rất lạnh lại phát ra tiếng gào rít."Một em khác nói: "Cháu bị ướt áo và rất lạnh." Giáo viên đi cùng các em cũng chia sẻ: "Sức gió mạnh đến mức người lớn như tôi cũng thấy sợ. Hy vọng là các em học sinh sẽ đều có cơ hội trải nghiệm và rút ra bài học an toàn riêng cho mình."

Thoát khỏi cơn gió có tốc độ 30m/giây, em học sinh nào cũng run rẩy, choáng váng và nhận thấy rõ sức mạnh cũng như mức độ nguy hiểm của thiên tai. Tiếp tục cuộc hành trình, các em sẽ lên tầng hai để tham gia trải nghiệm về hỏa hoạn. Mục đích chính của phần trải nghiệm hỏa hoạn là giải thích và hướng dẫn cho các em cách di tản an toàn khi xảy ra cháy nổ. Đầu tiên, các em học sinh sẽ được học cách sử dụng bình cứu hỏa, dụng cụ không thể thiếu trong chương trình học về phòng cháy, chữa cháy. Các em sẽ được học cách cầm bình chữa cháy và thao tác dập lửa an toàn. Khi thấy có lửa thì chúng ta sẽ phải ứng phó và di tản như thế nào? Các em cùng học cách hô to để báo hiệu và di chuyển theo bảng chỉ dẫn.



Thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra cũng nghiêm trọng không kém thiên tai. Đặc biệt, vào năm 2003, vụ cháy tàu điện ngầm Daegu đã làm hơn 300 người bị thương và thiệt mạng. Để đối phó với những tai nạn tàu điện ngầm tương tự có thể xảy ra, các em học sinh đã học cách đeo mặt nạ phòng độc. Tại Hàn Quốc, ga tàu điện ngầm nào cũng được trang bị từ 180-200 chiếc mặt nạ phòng độc, được cất tại tủ bảo quản vật dụng bảo hộ dành riêng cho hành khách. Ngoài trải nghiệm tình huống khẩn cấp trên tàu điện ngầm, các em còn được thử ngồi lên những chiếc xe buýt chạy “bạt mạng” với tốc độ nhanh chóng mặt. Đây lại là dịp giúp các em nhận thức rõ vai trò quan trọng của chiếc thắt lưng an toàn.

Hiện tại, Hàn Quốc đang đứng đầu các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỷ lệ tử vong do thiếu ý thức về an toàn hoặc các tai nạn. Nếu luôn đề cao ý thức toàn dân và thực hiện nghiêm chỉnh các chương trình huấn luyện, đào tạo kỹ năng về sức khỏe, an toàn tính mạng, thì chắc chắn chúng ta sẽ phòng tránh và kiểm soát được các tai nạn xảy ra. Thảm họa Sewol để lại nhiều đau thương, mất mát, nhưng cũng sẽ giúp cho toàn thể nhân dân Hàn Quốc một lần nữa khắc cốt ghi tâm về hai chữ “an toàn”.

Lựa chọn của ban biên tập