Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

"Du ngoạn cùng ánh trăng" tại pháo đài Hwaseong

2014-07-01

[Giới thiệu sản phẩm du lịch "Du ngoạn cùng ánh trăng"]"Mời mọi người lên đây để ngắm toàn bộ thành quách. Đây là địa điểm lý tưởng nhất để chụp ảnh dưới ánh trăng. Chụp nào! Một, hai, ba!"; "Cảnh đẹp như một bức tranh, như là trong mơ vậy."; "Tôi thấy bồi hồi, xao xuyến trong ánh trăng rằm lung linh như thế này."



Đây là một chuyến thăm quan ban đêm tại pháo đài Hwaseong (Hoa Thành), một di tích lịch sử của thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ông Park Jae-sik, Trưởng phòng kế hoạch du lịch thuộc Quỹ văn hóa thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, cho biết: "Chúng tôi đã phát triển gói sản phẩm du lịch “Du ngoạn cùng ánh trăng”, với mong muốn “mượn” trăng để làm nổi bật vẻ đẹp ngoạn mục của pháo đài Hwaseong. Đầu tiên, khách tham quan sẽ nghe giới thiệu tổng quát tại khu vực Haenggung (Hành cung), là nơi xưa kia nhà vua thường dừng chân nghỉ ngơi trên đường đi. Sau đó xe điện sẽ chở khách đi qua cổng Jangan (Trường An), đi dọc theo khu tường thành đến phía Đông Bắc pháo đài có hồ sen Yongyeon (Long Uyên) và sau đó lại quay về khu hành cung để xem các nghệ sĩ chuyên nghiệp thuộc đoàn ca múa nhạc dân gian tỉnh Gyeonggi biểu diễn."

Chương trình “Du ngoạn cùng ánh trăng” tại pháo đài Hwaseong được tổ chức vào những ngày rằm và kéo dài trong khoảng hai tiếng, bắt đầu từ tám giờ tối. Đây quả là một trải nghiệm thú vị khi trong đêm trăng sáng, ta được bước trên con đường mà vua Jeongjo (Chính Tổ), vị vua thứ 22 (1776-1800) của triều đại Joseon (1392-1897) đã từng đi qua. Bên cạnh đó, chương trình này chỉ được tổ chức trong khoảng bốn tháng, từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm, và lịch tham quan có thể bị hủy tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Bởi vậy mà số người đăng ký tham gia luôn đông nghẹt.

[Lịch sử hình thành pháo đài Hwaseong]Pháo đài Hwaseong được coi là công trình kiến trúc thành quách tinh hoa nhất của triều đại Joseon. Đây cũng là công trình thể hiện tấm lòng hiếu thảo của vua Jeongjo đối với cha của mình là Thái tử Sado (Tư Điệu, 1735 - 1762). Thái tử bị chính cha mình là vua Yeongjo (Anh Tổ, 1694-1776) đời thứ 21 của Joseon nhốt trong thùng gạo và đói chết ở trong đó. Lúc đó, tức năm 1762, Jeongjo mới chỉ 11 tuổi. Vì vậy mà ngay sau khi lên ngôi vào năm 1776, vua Jeongjo đã giải oan cho cái chết của cha bằng cách đổi tên hiệu Thái tử Sado thành Thái tử Jangheon (Trang Hiến). Năm 1798 ông di dời mộ cha từ chân núi Baebong (thành phố Yangju) (nay là phường Hwigyeong, quận Dongdaemun, Seoul) về núi Hwasan thuộc thành phố Suwon và đặt tên cho khu vực này là Hyeonnyungwon (Viện Hiển Long). Đồng thời ông đổi tên thành phố Suwon thành Hwaseong. Sau đó, đến năm 1796, vua Jeongjo bắt đầu cho xây dựng pháo đài Hwaseong. Không chỉ là hiện thân cho tấm lòng hiếu nghĩa của vua Jeongjo đối với người cha bất hạnh, pháo đài Hwaseong còn là một căn cứ quốc phòng vững chắc, với những lỗ châu mai, lỗ bắn cung, hệ thống ống khói đánh tín hiệu. Vào thời đó, pháo đài Hwaseong còn là một hoàng cung như cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) do vua Jeongjo thường xuyên nghỉ tại đây mỗi lần tới tảo mộ cha.

[Bắt đầu chuyến du ngoạn dưới trăng]Nếu muốn tham quan toàn bộ bờ thành dài gần 6 km kéo dài từ cổng Jangan (Trường An) đến cổng Paldal (Bát Đạt) ta phải đi bộ mất khoảng hai tiếng rưỡi. Tuy nhiên, trong chương trình “Du ngoạn cùng ánh trăng”, du khách sẽ ngồi xe điện và tham gia hành trình gần 4 km với các địa danh tiêu biểu của pháo đài như khu hành cung, cổng Jangan, cổng Hwahong, đình Banghwasuryu, đầm sen Yongyeon, suối Suwon...

Bóng tối dần dần bao phủ lại càng khiến những con đường trong pháo đài Hwaseong thêm nổi bật với ánh đèn vàng lộng lẫy. Mỗi khách tham quan đều được phát một chiếc đèn lồng cầm tay. Thoát khỏi sự ồn ào, bụi bặm của đô thị, mọi người chìm đắm trong không khí lắng đọng của buổi đêm, mùi cỏ thơm ngai ngái và bắt đầu chuyến du ngoạn với một niềm hứng khởi, lâng lâng, xao xuyến.



Khi công nhận pháo đài Hwaseong là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1997, UNESCO đã đánh giá cao đây là công trình quân sự kiểu mẫu của thế kỷ XVIII, thể hiện sự phát triển khoa học thời Joseon, mà thế giới chưa từng có khi đó. Mặc dù là pháo đài, nhưng mỗi thành quách, mỗi công trình trong Hwaseong lại có thiết kế và đường nét độc đáo riêng. Trải qua thăng trầm của chiến tranh, đặc biệt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhiều bộ phận của pháo đài đã bị phá hủy, nhưng nhờ có tài liệu ghi chép về việc xây dựng Hwaseong mang tên “Hwaseong songyeok uigwe” (Hoa Thành Thành dịch Nghi quỹ), nên công trình có thể được phục hồi hầu như nguyên vẹn. “Hoa Thành Thành dịch Nghi quỹ” là cuốn sách lịch sử ghi lại chi tiết, tỉ mỉ quá trình xây dựng pháo đài Hwaseong, như trọng lượng của đá, loại gỗ sử dụng hay chi phí xây dựng... Vào năm 2007, thư tịch cổ này cũng được UNESCO công nhận là Ký ức thế giới. Bắt đầu chuyến du ngoạn cùng trăng tại công trình mang tầm vóc thế giới Hwaseong, du khách được nghe giới thiệu về hành cung.

Trong triều đại Joseon, hành cung có nhiều chức năng khác nhau. Hướng dẫn viên Jeon Sang-heup giải thích cho du khách: "Hành cung có ba mục đích, đó vừa là nơi vua lánh nạn tạm thời khi có chiến tranh, tiêu biểu như thành Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) ở thành phố Gwangju, tỉnh Gyeonggi. Đây cũng có thể là nơi vua nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng như khu suối nước khoáng nóng Onyang (Ôn Dương) ở thành phố Asan, tỉnh Nam Chungcheong. Bên cạnh đó, hành cung tại pháo đài Hwaseong là nơi nhà vua nghỉ ngơi khi đến thăm mộ cha cách đó hơn 7 km."

Sau khi được khởi công từ năm 1796, Hwaseong được xây dựng tại phía Đông chân núi Palsan với quy mô 576 gian. Đặc biệt, vua Jeongjo đã ấp ủ kế hoạch nhường ngôi lại cho con trai 15 tuổi vào năm 1806, là Sunjo (Thuần Tổ) và đưa Thái hậu về Hwaseong để sống nốt quãng đời còn lại. Cũng bởi thế, nhân ngày sinh mẹ là ngày 13 tháng 2 năm 1795 (âm lịch), vua đã tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ tại Bongsudang (Phụng thọ đường) trong hành cung Hwaseong chứ không phải tại cung Gyeongbok như theo lệ thường. Hướng dẫn viên Jeon Sang-heup tiếp tục giới thiệu:
"Nhà vua thường đi viếng mộ cha một năm một lần. Năm Ất Mão 1795, đúng vào dịp mừng thọ Thái hậu nhà vua đã tổ chức tiệc mừng tại Hwaseong. Theo lệ thường, mọi sự kiện trong triều phải được tổ chức tại chính cung ở Seoul, chỉ có duy nhất lễ mừng thọ của mẹ vua Jeongjo được tổ chức tại địa phương. Địa điểm chúng ta đang đứng là nơi diễn ra tiệc mừng thọ. Còn đây là sàn nhà được ghép từ gỗ, nơi mà các cung nữ biểu diễn các màn múa chúc mừng."

[Những cảnh đẹp "phong thủy hữu tình"]Sau khi đi qua Bongsudang, xe điện sẽ chở khách lần lượt đi qua cổng Hwaseo (Hoa Tây), công viên Jangan, cổng Jangan với hành trình dài 3,2km. Ngồi trên xe điện và ngắm cảnh, các du khách đều tấm tắc ngợi khen: "Khung cảnh là sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện đại. Không khí trong lành, yên tĩnh cùng với ánh trăng êm dịu đã tạo cho pháo đài một vẻ đẹp lung linh, khác hẳn diện mạo lúc ban ngày."Một du khách khác chia sẻ: "Vừa ngắm cảnh lại vừa được nghe giải thích thế này khiến tôi có cảm giác đây mới là một chuyến du lịch đúng nghĩa và thật ấn tượng." Một bé gái cũng thốt lên: "Cảnh đẹp quá, cháu có cảm giác mình đang trở thành hoàng hậu vậy." Xe điện du lịch có ba toa, toa đầu mô phỏng hình đầu rồng, là biểu tượng cho nhà vua. Ghế ngồi trong các toa cũng được thiết kế theo hình kiệu vua ngồi, khiến các du khách có cảm giác như được hóa thân thành nhà vua trong một chuyến vi hành. Địa điểm đầu tiên mà xe điện đi qua chính là di sản quốc gia số 403, cổng Hwaseo (Hoa Tây), cánh cổng canh giữ phía Tây của pháo đài Hwaseong. Từ cổng Hwaseo, đi thêm một đoạn sẽ thấy vọng gác Seobuk (Tây Bắc).



Vọng gác Seobuk nằm trên đỉnh dốc cao để theo dõi và quan sát xung quanh. Hwaseong có bốn vọng gác là Đông Nam, Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nam. Đi lên phía trên cổng Hwaseo, ta còn bắt gặp đồn Seobuk Gongsim (Tây Bắc Không Tâm), là đồn cao ba tầng, bên dưới xây bằng đá, bên trên dựng bằng gỗ và có các lỗ trống để bắn đạn và hỏa pháo ra ngoài thành.

Trên đường đến hồ sen Yongyeon (Long Uyên), du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng lầu Banghwasuryu (Phóng Hoa Tùy Liễu). Lầu được xây dựng trên mỏm đá cao nhất của cửa Bắc pháo đài và cổng Hwahong (Hoa Hồng), cổng được xây trên chiếc cầu làm bằng đá hoa cương và bên dưới là suối Suwon (Thủy Nguyên) chảy róc rách. Chân chiếc cầu đá có đục bảy lỗ hình cầu vồng, là cửa dẫn nước từ bên ngoài vào trong thành và cổng Hwahong xưa kia vốn là địa điểm lấy nước của người dân trong thành. Bảy cửa dẫn nước chia suối Suwon thành bảy luồng chảy xiết, tạo nên một quang cảnh vô cùng hùng vĩ.

Điểm cuối của chuyến du ngoạn là hồ sen Yongyeon, nơi du khách được chiêm ngưỡng cả trăng trên trời và trăng dưới hồ nước trong vắt. Khách vừa chụp ảnh, vừa trầm trồ thán phục. Từ ngày xưa, hồ Yongyeon đã được gọi là hồ chứa trăng. Trăng của trời, trăng trong chén rượu, trăng soi bóng trong ánh mắt tình tứ của đôi lứa yêu nhau. Hwaseong quả thực là nơi phong cảnh hữu tình với hồ Yongyeon, cổng Hwahong lung linh và dòng nước suối Suwon tinh khiết, mang theo những cơn gió mát lành, xua tan đi cái oi ả của ngày hè.

[Kết thúc chuyến du hành với tiệc ngọt và biểu diễn nghệ thuật]Sau khi kết thúc hành trình tham quan, du khách trở về Yuyeotaek (Duy Dư trạch), vốn là nơi nghỉ ngơi của nhà vua khi đi vi hành, nhưng nay được dùng để xem biểu diễn nghệ thuật. Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, còn có tiết mục dâng trà và tiệc ngọt cho khách tham quan. Người dẫn chương trình giải thích về loại trà mang tên “Jehotang”:"“Jehotang” (Thang đề hồ) là đồ uống ngày xưa vua Jeongjo đã ban cho những người công nhân xây dựng pháo đài Hwaseong đề bồi dưỡng sức khỏe trong những ngày hè nóng nực. Tương truyền, cha của vua là Thái tử Sado cũng rất thích uống trà này để giải nhiệt. Đây là đồ uống có ý nghĩa đặc biệt với người dân Suwon, nó thể hiện tấm lòng đồng cảm và thương yêu bách dân thiên hạ của nhà vua."

Sau khi thưởng thức tiệc ngọt và buổi biểu diễn truyền thống với các tiết mục như điệu múa cầu nguyện thời thái bình, đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn nhị Haegeum... du khách nói lời chào tạm biệt pháo đài Hwaseong trong cảm xúc bâng khuâng, tiếc nuối. Các du khách lần lượt chia sẻ: "Đây thật là một trải nghiệm quý với tôi, khi vừa được đi xe điện, vừa ngắm cảnh và hóng gió mát."; "Hôm nay tôi đã lo là trăng không lên nhưng thật may là trời đã chiều lòng người. Buổi biểu diễn nhạc dân tộc cũng rất hay. Tôi muốn đến đây một lần nữa."; "Đi bộ nhiều nhưng tôi không thấy mệt, chắc vì có ánh trăng và buổi biểu diễn rất thú vị. Thật là một buổi tối hoàn hảo."; "Có lẽ vì sau cơn mưa nên bầu trời trong vắt và trăng cũng rất sáng. Tôi đã cảm thấy hạnh phúc trong suốt chuyến du ngoạn. Ấn tượng nhất là khung cảnh trăng sáng tại hồ sen Yongyeon. Những điệu múa truyền thống cũng rất đẹp."

Vua Jeongjo là người cho khởi công xây dựng pháo đài Hwaseong. Con trai ông là vua Sunjo cũng thừa hưởng tính hiếu thuận và tấm lòng nhân từ của cha, ông thường mở tiệc để tiếp đãi những bô lão nơi đây. Với quy mô rộng lớn và khung cảnh hùng vĩ, Hwaseong được coi là một trong những công trình quân sự tiêu biểu của Hàn Quốc. Nhưng trong dòng lịch sử, đây còn là nơi thăng hoa của chữ “Hiếu”, về nỗi nhớ thương và kính yêu các bậc sinh thành. Trong đêm trăng sáng, hãy thử một lần dạo bước quanh tường thành Hwaseong, để thấy tim mình thổn thức xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người.

Lựa chọn của ban biên tập