Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Văn học cổ điển Hàn Quốc qua lời ca Pansori

2014-07-08

["Đắc âm trí thuyết" trên sân khấu Pansori]Người nghệ sỹ đang hướng dẫn khán giả cách tấu Chuimsae, những câu cảm thán như "Đúng rồi!” “Hay lắm!” “Tuyệt vời!" đệm giữa các nhịp phách của bài hát kể chuyện Pansori, một trong những loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu của Hàn Quốc. Lời tấu của khán giả càng nhiệt tình thì ca sĩ lại càng thêm hứng khởi, càng thả hồn vào trong những điệu ngân của lời hát.

Quả không sai khi nói sân khấu Pansori là sự kết hợp hài hòa giữa lối hát của nghệ sĩ và lời tấu của khán giả, cả người biểu diễn và người xem đều cùng đam mê và thăng hoa cùng tác phẩm. Tuy nhiên, những từ cổ trong lời bài hát Pansori vừa là nét độc đáo, nhưng cũng vừa là một “rào cản” với đại chúng khi tiếp cận và tìm hiểu ý nghĩa, nội dung lời hát. Nhằm đưa loại hình văn hóa truyền thống đến gần hơn với khán giả hiện đại, từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 6, chương trình biểu diễn kiêm thuyết trình về văn học cổ điển Hàn Quốc qua lời ca Pansori đã được tổ chức tại sân khấu dân gian của Quỹ bảo vệ di sản văn hóa Hàn Quốc, thuộc quận Gangnam, thủ đô Seoul. Chương trình có tên là "Deukeumjiseol" (Đắc âm trí thuyết), trong đó “đắc âm” là cách lấy hơi khi ca Pansori đạt chuẩn mực, được “trí thuyết”, tức là diễn giải thành câu chuyện. Mỗi tác phẩm Pansori đều có cốt truyện lấy từ tác phẩm văn học, bởi vậy khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cả hai loại hình văn hóa, khi vừa được thưởng thức lời hát Pansori, vừa nghe giải thích về nội dung lời ca thông qua các tác phẩm văn học.

Ông Hong Dae-ung, nhân viên của Quỹ bảo vệ di sản văn hóa Hàn Quốc, cho biết: "Chương trình biểu diễn Pansori kiêm thuyết trình văn học lần này là khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa hát truyền thống Pansori và văn học cổ điển Hàn Quốc. Trong đợt công diễn này, năm tác phẩm Pansori nổi tiếng là trường ca "Sugungga" (Thủy cung ca), “Chunhyangga” (Xuân Hương ca), "Jeokbyeokga" (Xích Bích ca), "Simcheongga" (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) và "Heungboga" (Anh em nhà Heungbo) sẽ lần lượt được các nghệ nhân biểu diễn. Sau đó sẽ có phần thuyết trình, giải thích về các từ cổ, các nội dung chứa trong lời ca Pansori của các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học. Từ trước đến nay đã có nhiều hình thức kết hợp giữa văn học và nghệ thuật, nhưng sự gặp gỡ giữa Pansori và văn học cổ điển vẫn là một hình thức mới mẻ. Đây sẽ là cơ hội giúp các khán giả tiếp cận và gần gũi hơn với hai loại hình văn hóa này."



[Năm trường ca Pansori tiêu biểu]Đều là những loại hình nghệ thuật hướng tới chân-thiện-mỹ và đem lại tiếng cười, niềm vui cho khán giả, sự kết hợp giữa hát kể chuyện Pansori và văn học cổ điển Hàn Quốc trong đợt công diễn này hứa hẹn sẽ có nhiều nét mới mẻ và thú vị. Trong trường ca “Thủy cung ca”, ta được nghe câu chuyện về chuyến hành trình đi tìm lá gan thỏ của chú rùa biển, để cứu chữa căn bệnh nan y của Long vương; trong “Xuân Hương ca”, ta xúc động trước câu chuyện tình yêu của chàng trai dòng dõi quý tộc Lý Mộng Long và nàng Xuân Hương, con gái của một kỹ nữ. Trường ca "Người con gái hiếu thảo Sim Cheong" lại kể về một cô gái tự hy sinh làm vật tế thần cho đại dương để đổi lại đôi mắt sáng cho người cha mù. "Anh em nhà Heungbo" là câu chuyện về người anh Nolbo giàu có nhưng tâm địa xấu xa và người em Heungbo nghèo khổ nhưng có tấm lòng bao dung, nhân ái. “Xích Bích ca” lại lấy chủ đề là trận chiến Xích Bích trích từ truyện “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc. Những câu chuyện trong văn học cổ điển không chỉ đem lại hứng thú mà còn ẩn chứa bài học khuyến thiện diệt ác, nhân quả báo ứng trong cuộc sống.

Tiểu thuyết gia Kim Hong-sin phân tích: "Mỗi tác phẩm văn học cổ điển được thể hiện qua lời hát Pansori đều chứa đựng những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. "Anh em nhà Heungbo" là câu chuyện về một gia đình có hai anh em, nhưng cũng là hình ảnh của cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Người anh tham lam, quỷ quyệt chuyên bắt nạt em và làm điều xấu. Nhưng người em hiền lành có phần ngốc nghếch lại luôn bảo vệ và đùm bọc anh trai. Câu chuyện vừa phản ánh khát khao thoát khỏi cuộc sống nghèo đói và là bài học ứng xử về sự “khuyến thiện”, cho ta thấy rõ đâu là cái thiện, đâu là lòng tốt thực sự. Bên cạnh đó, “Xuân Hương ca” là tiếng nói bảo vệ tình yêu chân chính, và "Người con gái hiếu thảo Sim Cheong" lại là bài ca ca ngợi chữ hiếu."

[Pansori- những giá trị và cống hiến không ngừng]Hát kể chuyện Pansori, hay còn được ví là vở Opera độc diễn của Hàn Quốc, là loại hình âm nhạc truyền thống mà trong đó bao gồm ba yếu tố chính: người hát Soriggun, người đánh trống Gosu và khán giả. Người hát đứng trên sân khấu kể một câu chuyện theo chủ đề và vần điệu trong tiếng đệm trống của nhạc công cùng những lời cổ vũ của khán giả thỉnh thoảng xen vào giữa bài hát. Pansori được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng thứ 5 của Hàn Quốc. Năm 2003, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận hát kể chuyện Pansori là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.

Nhà văn Kim Hong-sin cho biết: "Pansori là hình thức nghệ thuật tái hiện lại những câu chuyện, ví dụ như tiểu thuyết bằng lời ca. Ngoài “thanh âm” là tiếng ca của người hát, Pansori còn được diễn tả bằng lời nói, điệu bộ, ngôn ngữ cơ thể. Năm tác phẩm Pansori tiêu biểu đều chứa đựng những giá trị nội dung khác nhau. Nếu không thường xuyên nghe Pansori thì rất khó để hiểu đồng thời không cảm nhận được hết cái hay của loại hình nghệ thuật này. Phải tìm hiểu và nghiên cứu sâu mới thấy được sự cộng hưởng vừa tinh tế, vừa hùng tráng trong lời ca truyền thống dân tộc. Tôi là người viết tiểu thuyết nhưng cũng thấy “choáng ngợp” và nể phục trước những lời ca uyển chuyển, mạch lạc với kết cấu chặt chẽ, khoa học."

Để trở thành nghệ sĩ hát Pansori, người nghệ sĩ phải khổ luyện cả đời mới có thể “đắc âm”, tức là đạt được trình độ lấy hơi, nhả chữ và truyền đạt được đúng cái tình, cái lý và chất biếm họa ẩn chứa trong từng lời ca Pansori. Danh ca Pansori Shin Yeong-hee chia sẻ: "Cũng giống như nhà sư đắc đạo, người hát Pansori cũng luôn hướng tới khát vọng “đắc âm”, phải luyện tập để lấy hơi và “nhại” các âm thanh trong tự nhiên như tiếng chiêng, tiếng sấm sét, tiếng chim, tiếng nước, tiếng gió, tiếng lá rơi... Hiện nay chỉ có ba danh ca Pansori còn sống trong 100 danh ca Pansori tiêu biểu của Hàn Quốc, còn chúng tôi không dám nhận mình đã được “đắc âm”, đó còn là một hành trình dài cho đến tận cuối đời."



["Thủy cung ca”]Trường ca "Thủy cung ca” là tác phẩm được lựa chọn để trình diễn đầu tiên trong đợt công diễn. Sau khi giới thiệu về ý nghĩa và giá trị của di sản phi vật thể của nhân loại Pansori, nhà văn Kim Hong-sin bắt dầu diễn giải. Để có cách tiếp cận vừa đơn giản, vừa lôi cuốn với khán giả, nhà văn Kim Hong-sin đã phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu tác phẩm. Ông cho biết, càng tìm hiểu về Pansori, ông lại càng phát hiện ra nhiều giá trị tiềm ẩn của loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc: "Trường ca "Thủy cung ca” mang ý nghĩa sâu sắc ở chỗ đây là tác phẩm duy nhất đã nhân cách hóa con vật. Ngày nay chúng ta có tàu ngầm để tìm hiểu về đại dương, nhưng người xưa thì hình dung ra đời sống dưới biển qua trí tưởng tượng phong phú. Long vương bị bệnh nặng và chỉ có lá gan của thỏ mới có thể chữa lành bệnh cho vua. Nhưng những loài vật dưới biển đều không thể sống nếu thiếu nước, chỉ có chú rùa là có thể vừa sống dưới nước, vừa sống trên cạn. Nếu hiểu theo nghĩa đen của lời hát thì sẽ thấy nhiều chi tiết vô lý, như làm sao lại có vua dưới nước, thỏ làm sao lại đi xuống được dưới biển? Câu chuyện đã sử dụng phép nhân hóa và phóng đại để xây dựng nhân vật và phát triển các tình tiết. Ngoài ra, các bạn nghĩ mà xem. Nếu trộn tất cả các loại thuốc có thể thành độc dược đúng không. Đó lại rất giống với nội dung ghi trong cuốn bách khoa toàn thư về y học của Hàn Quốc "Donguibogam (Đông Y Bảo Giám). Đây quả là chi tiết vô cùng bất ngờ và thú vị."

Để cứu chữa căn bệnh nan y của Long vương, chỉ có chú rùa biển, loài vật vừa sống được trên cạn, vừa sống được dưới nước là có đủ khả năng đi kiếm lá gan thỏ mang về cho vua. Nhưng chú rùa cũng không tránh khỏi lo lắng, mẹ chú cũng chỉ biết thở dài lo âu. Tiết tấu lời hát Pansori cũng thay đổi theo mạch truyện, đưa câu chuyện lên một cao trào mới. Tiếp nối chương trình, danh ca Nam Hae-seong tái hiện lại phần hấp dẫn nhất của Thủy cung ca. Đó chính là trích đoạn cãi nhau giành quyền trên dưới trong thế giới động vật. Khi lên đến đất liền, rùa phải quan sát các loài vật để đi tìm thỏ. Các con vật mà rùa gặp như hươu cao cổ, voi, sư tử, gấu, sóc, gấu trúc đỏ, lợn rừng, hươu, nai...đều tự nhận mình nhiều tuổi nhất, dẫn đến lời qua tiếng lại ầm ĩ. Đây là trích đoạn vừa vui nhộn về thế giới động vật, vừa vẽ lên hình ảnh đời sống của chính xã hội loài người.

["Xuân Hương ca"]“Xuân Hương ca” lấy từ “Truyện Xuân Hương” là tác phẩm văn học cổ điển được biết đến rộng rãi nhất trong đại chúng được công diễn vào ngày thứ ba. Thông qua câu chuyện tình yêu trắc trở của anh chàng quý tộc Lý Mộng Long và nàng Xuân Hương, con gái của một kỹ nữ, câu chuyện còn phản ánh khát vọng về một cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc của người dân trong xã hội xưa. Ông Kim Hyeon-ryong, Giáo sư danh dự Khoa Ngữ văn của trường Đại học Konkuk giải thích: "Trong xã hội thời xưa, người dân chỉ biết trông cậy vào vua, trong khi tầng lớp quan lại thì lộng quyền, ức hiếp dân chúng. Vào thời đó, chỉ có Ám hành ngự sử, chức quan Mật sứ chuyên nhận chỉ lệnh của vua để kiểm tra đức độ các quan lại địa phương và tìm hiểu cuộc sống của người dân trong vùng để giải oan và giúp dân có cuộc sống ấm no. Đây chính là hy vọng, là niềm tin vào xã hội của bách tính."

Việc thể hiện câu chuyện tình yêu, tình cảm nam nữ đến những nhân vật phụ xuất hiện trong cùng một vai diễn quả là một thử thách khó khăn với người nghệ sĩ. Bởi vậy mà các nghệ sĩ rất băn khoăn khi đứng trước mỗi tác phẩm. Danh ca Shin Yeong-hee cho biết:"So với bốn tác phẩm khác, “Xuân Hương ca” có rất nhiều nhân vật, tầng lớp, diễn biến tâm lý và tính cách các nhân vật cũng vô cùng đa dạng, mạch truyện dài và có rất nhiều từ cổ. Bởi vậy mà đây là thử thách khó khăn với mọi ca sĩ hát Pansori."



Mối lương duyên giữa chàng trai quý tộc với cô gái là con kỹ nữ, tựa như một luồng ánh sáng mới mẻ, làm rung động mọi trái tim của những người dân nghèo, vốn luôn phải sống trong vòng kìm kẹp, ức hiếp của tầng lớp quan lại phong kiến. Đặc biệt, câu chuyện kết thúc với cảnh chàng sĩ tử Lý Mộng Long đỗ Trạng Nguyên, trở thành quan Ám hành ngự sử và về lại vùng Namwon. Mọi người đều thấy “hả lòng hả dạ” khi chứng kiến cảnh chàng tái ngộ với nàng Xuân Hương và phế truất tên quan huyện gian ác.

Các khán giả đến xem buổi biểu diễn chia sẻ: "Bài giảng của thầy hôm nay rất cảm động và sâu sắc. Cách phân tích lời ca Pansori dưới góc độ văn học đã đem lại cho tác phẩm một màu sắc mới, tầm vóc mới."; "Tôi đến đây qua lời giới thiệu của mọi người xung quanh. Tôi đã cảm nhận được sâu sắc hơn về giá trị của Pansori. Pansori là bài ca cuộc sống, là niềm vui, là nỗi buồn và là năng lượng cho chúng ta tồn tại và phát triển trong xã hội ngày nay."; "Em là học sinh và vốn không hiểu rõ về hát kể chuyện Pansori. Nhưng hôm nay em đã hiểu và học hỏi được rất nhiều khi nghe lời thuyết trình của các học giả."; "Gia đình tôi định cư ở Guatemala, nhân dịp hè tôi về thăm Hàn Quốc và đưa các con đến xem biểu diễn. Tôi hy vọng là thông qua những buổi biểu diễn như thế này, các cháu sẽ hiểu về văn hóa dân tộc và tự hào vì mình là người Hàn Quốc."


Những lời hát Pansori khó hiểu bỗng trở nên hấp dẫn và thú vị hơn qua lời giới thiệu và thuyết trình của các học giả. Thông qua những buổi biểu diễn như thế này, hát kể chuyện Pansori như đã tiến gần hơn một bước với đại chúng và tiếp tục duy trì mối dây cộng hưởng giữa danh ca và Chuimsae, những lời tấu của khán giả xen giữa lời ca. Các nghệ sĩ cũng có thêm động lực là sự hoan hô, ủng hộ của khán giả trên con đường “đắc âm”, tìm kiếm những giá trị chân chính của nghệ thuật hát Pansori. Sự gặp gỡ giữa Pansori và văn học cổ điển đã mở ra những hướng đi mới, đưa Pansori hòa cùng nhịp đập với guồng quay của cuộc sống hiện đại.

Lựa chọn của ban biên tập