Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thế giới mỹ nghệ Hàn Quốc - Hương sắc và phong vị

2014-07-15

[Mục đích và ý nghĩa của triển lãm "Thế giới mỹ nghệ Hàn Quốc"]Từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 13 tháng 7 năm 2014, tại Ga văn hóa Seoul 284 (ga Seoul cũ) đã diễn ra cuộc triển lãm với tên gọi “Thế giới mỹ nghệ Hàn Quốc - Hương sắc và phong vị”. Ông Choi Jeong-cheol, Viện trưởng Viện Xúc tiến thiết kế mỹ nghệ Hàn Quốc, giới thiệu: "Triển lãm này không chỉ nhấn mạnh vẻ đẹp tinh tế mà còn giới thiệu tới công chúng về tính ứng dụng đa dạng của đồ thủ công mỹ nghệ. Để làm nổi bật “hương sắc và phong vị”, triển lãm tập trung khắc họa các vật dụng được đặt hài hòa trong từng không gian và mục đích sử dụng cụ thể. Theo đó, khách tham quan sẽ quan sát trực tiếp những đồ mỹ nghệ tại khuê phòng, trên bàn ăn, dụng cụ pha trà, các loại bình, hũ đựng gia vị, đựng các nguyên liệu thực phẩm. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là một trải nghiệm độc đáo giúp khách tham quan cảm nhận được vẻ đẹp vừa tinh tế, vừa gần gũi của đồ mỹ nghệ."

Bên cạnh chủ đề chính “Thế giới mỹ nghệ Hàn Quốc”, chủ đề phụ “Hương sắc và phong vị” đã phản ánh được mục đích của cuộc triển lãm lần này. Đó là giới thiệu tính năng và các ứng dụng đa dạng của đồ mỹ nghệ trong cuộc sống đời thường. Những vật dụng bằng đồng ánh vàng lấp lánh; bình sứ màu sữa láng mịn; các hũ, vại bằng đất nung với màu đất giản dị, mộc mạc; những chiếc bát truyền thống đầy kiểu cách, giờ đã không còn nằm yên trên kệ bày của quá khứ mà bước vào cuộc sống đầy hài hòa, sinh động. Đã có hơn 180 nhóm, tổ chức và 230 tác giả tham gia, cùng hơn 10.000 tác phẩm được giới thiệu trong cuộc triển lãm này. Các đồ mỹ nghệ được sắp đặt hài hòa theo dòng mạch chính là nền văn hóa ăn-mặc-ở trong xã hội Hàn Quốc. Người phụ trách quản lý và tổ chức triển lãm, bà Jang Shin-jeong, giải thích: "Bước qua hội trường, khách tham quan sẽ tới Khu kế hoạch, nơi giới thiệu về văn hóa ẩm thực. Tiếp theo, gian phòng trà là không gian thưởng trà và đàm đạo; phòng tiếp khách nổi bật với các đồ đạc trang trí rương hòm bằng sừng bò, hộp hay đồ trang sức và các vật dụng được đánh sơn mài bóng lộn. Lùi vào phía trong là khuê phòng, nơi bài trí những vật dụng và phụ kiện dành cho nữ giới. Lên tầng hai, bàn rượu sẽ đóng vai trò là cầu nối đưa khách tham quan đến thăm Khu chủ đề, nơi giới thiệu các loại chum, vại chuyên dùng để bảo quản thực phẩm chưng cất, lên men của Hàn Quốc."

Người xem như “choáng ngợp” khi bước vào thế giới thủ công mỹ nghệ với các vật dụng được làm từ nhiều chất liệu như gốm, sứ hay đồng, các loại bát làm từ gốm xanh, gốm trắng, sơn mài; những bộ đồ uống trà, đồ gỗ, đồ thủy tinh, đèn làm từ giấy truyền thống Hanji, vải nhuộm từ chất liệu tự nhiên...



[Đại sảnh và Khu triển lãm kế hoạch]Khi bước vào đại sảnh của Ga văn hóa Seoul 284, khách tham quan sẽ bắt gặp ngay một chiếc chum khổng lồ cao 2 mét. Chiếc chum này được nghệ nhân gốm Lee Kang-hyo trực tiếp trình diễn trang trí trong ngày khai mạc triển lãm. Trong âm thanh nhịp nhàng, rộn rã của bốn bộ gõ truyền thống Samulnori, nghệ nhân đã dùng đất sét trắng để vẩy lên bề mặt màu vàng sậm của chiếc chum được làm từ hoàng thổ, một loại đất quý hiếm của Hàn Quốc và vẽ lên đó bức tranh theo trường phái trừu tượng. Màn trình diễn độc đáo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả và là tiếng pháo mở màn cho lễ hội mỹ nghệ Hàn Quốc. Người tổ chức triển lãm Son Mun-soo giới thiệu về Khu kế hoạch, nơi trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo sự phối hợp của bốn vị đầu bếp nổi tiếng: "Hình ảnh gian bếp với các bếp trưởng đang sửa soạn bữa ăn được chiếu bằng video. Triển lãm được thể hiện theo phương pháp lập thể, khiến người xem liên tưởng tới từng động tác gắp thức ăn, trình bày trên đĩa của các đầu bếp. Theo tôi, đây là phương thức trình diễn vô cùng độc đáo, thú vị."

Gian phòng đầu tiên trong Khu kế hoạch là sự gặp gỡ của đầu bếp nấu món ăn truyền thống Hàn Quốc kiêm nghệ nhân dưa muối kimchi nổi tiếng Lee Ha-yeon và nghệ nhân gốm sứ Kim Hee-jong. Màu đỏ của kimchi hài hòa với màu trắng của những đĩa sứ Baekja và “hương vị” kimchi cũng trở nên hấp dẫn và thơm ngon hơn rất nhiều. Tiếp theo là gian phòng thứ hai. Ông Son Mun-soo cho biết: "Gian phòng thứ hai triển lãm các loại bát đĩa và dụng cụ bằng đồng thau. Đây là một trong những nguyên liệu vừa cao cấp lại vừa có tính năng giữ nhiệt cho thức ăn tốt nhất. Bởi thế mà xưa kia, đồ đồng thau chủ yếu chỉ được dùng trong hoàng cung quyền quý. Gian phòng còn thu hút sự quan tâm của khách thăm quan do đồ vật được bài trí dưới sự phối hợp của chuyên gia ẩm thực chay Jeon Hyo-won và nghệ nhân chế tác đồng thau Kim Soo-yeong."

Gian phòng thứ ba trưng bày đồ gốm với sự kết hợp của nghệ nhân sứ Lee Hyeon-bae và bếp trưởng Park Hyo-nam, người chuyên trách ẩm thực Pháp của khách sạn Hilton chi nhánh Seoul. Thật thú vị khi những món ăn kiểu Pháp, không phải được bày trên đĩa sứ phương Tây vừa rộng, vừa trắng, mà là trên bát, đĩa bằng gốm nâu phương Đông gần gũi, thân thương. Người tổ chức triển lãm Son Mun-soo nhận xét: "Đồ đất nung nâu đen xù xì, mộc mạc vốn bị “lu mờ” trước những sản phẩm gọn nhẹ khác trong xã hội hiện đại. Nhưng dưới bàn tay bài trí của bếp trưởng, những chiếc bát, chiếc đĩa đất nung này đã bộc lộ những giá trị và vẻ đẹp đầy bất ngờ. Đất nung dung hòa được cả ẩm thực Hàn Quốc lẫn phương Tây và làm tỏa sáng mọi món ăn từ đơn giản cho đến cầu kỳ, phức tạp. Ngay cả những khách thăm quan người Pháp cũng trầm trồ, tán thưởng."

Bàn ăn cuối cùng trong khu triển lãm của các bếp trưởng là nơi giới thiệu các sản phẩm của công ty Kwangjuyo, một doanh nghiệp gia truyền ba đời đã tạo nên thương hiệu gốm sứ nổi tiếng tại Hàn Quốc. Đại diện của công ty là Tổng bếp trưởng Kim Byeong-jin đã nhấn mạnh phong cách bài trí các sản phẩm gốm sứ với màu sắc đa dạng theo “mùa nào thức ấy”, để làm nổi bật đặc điểm và hương vị của món ăn.
Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đã khiến mỗi sản phẩm mỹ nghệ được giới thiệu trong triển lãm trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Người tổ chức triển lãm Son Mun-soo cho biết: "Mỗi chất liệu đều có những ưu điểm và thị hiếu riêng. Thật bất ngờ là trong triển lãm lần này, đĩa bát đồng thau lại được quan tâm nhiều nhất. Vốn không được sử dụng phổ biến, nhưng những sản phẩm đồng thau giới thiệu tại đây vừa đem lại cảm giác cổ điển, vừa hiện đại, sự biểu hiện chất liệu bên trong và ngoài sản phẩm cũng được biến tấu khác lạ, rất phù hợp với bàn ăn trong xã hội hiện đại."

[Phòng trà, Sarangbang và Khuê phòng]Tiếp theo, người tổ chức triển lãm Jang Shin-jeong dẫn mọi người đến thăm gian phòng trà: "Khách tham quan rất thích chụp ảnh tại gian này. Ngay từ lối vào phòng trà là chiếc tủ bằng nhựa 100 ngăn, cứ 10 ngăn một lại trưng bày các chén trà, là tác phẩm của một nghệ nhân. Văn hóa uống cà phê đang lên ngôi trong xã hội hiện đại, nhưng phòng trà lại dẫn dắt người xem vào một không gian tinh khôi với những chiếc bàn trà, thảm ngồi tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng."

Bước qua không gian trầm lắng, thư thái của phòng trà, khách thăm quan tiếp tục được chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm sứ tráng men ngọc bích đầy tinh tế như các dụng cụ pha trà, tách uống trà, đĩa đựng chén trà...Màu xanh trầm dịu nhẹ, lớp men bóng bẩy, mịn màng đem lại vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy cho mỗi tác phẩm.

Sarangbang - Phòng tiếp khách hay còn là gian phòng riêng của nam giới, những người chủ gia đình và vốn được coi là phải có trách nhiệm “tu thân, tề gia” trong xã hội xưa. Căn phòng này trong thực tế thường chỉ có bàn học, sách vở và đệm ngồi, nhưng triển lãm lại giới thiệu tới khách tham quan một Sarangbang sống động, rực rỡ sắc màu với các vật trang trí bằng khảm xà cừ, các loại tủ, rương, hòm khảm sừng bò theo phong cách “hwagak” hoặc chất liệu mây tre, họa tiết hình con bướm. Không gian phía trong cùng là khuê phòng, nơi chứa cất những “bí mật” nho nhỏ của người phụ nữ. Bà Jang Shin-jeong tiếp tục giới thiệu: "Khuê phòng là nơi triển lãm nhiều sản phẩm toát lên vẻ mềm mại, nữ tính, thường là các vật phẩm sính lễ thời xưa, như vải vóc, đồ tre trúc, hòm khảm ngọc trai. Đây là vải gai được nhuộm màu tự nhiên của nghệ nhân Park Jeong-soo; còn đây là trang sức bằng ngọc do nghệ nhân Kim Yeong-hee chế tác. Phía trong cùng căn phòng còn có buồng quý phi, nơi có tấm mành tre được dùng khi quý phi tiếp khách, đó là tác phẩm của nghệ nhân Jo Dae-yeong, đến từ thành phố Tongyeong."



[Khu triển lãm đặc biệt]Khu triển lãm đặc biệt mang tên “Thủ công mỹ nghệ địa phương, hôm qua và hôm nay” giới thiệu các sản phẩm của thành phố Gongju (tỉnh Nam Chungcheong), thành phố Tongyeong (tỉnh Nam Gyeongsang), huyện Damyang (tỉnh Nam Jeolla), thành phố Hwaseong (tỉnh Gyeonggi). Ở đây, người xem có thể tìm hiểu về các sản phẩm đại diện cho từng địa phương như đồ gốm núi Gyeryong của thành phố Gongju, sản phẩm mây tre của huyện Damyang, đồ thủ công mỹ nghệ khảm xà cừ của thành phố Tongyeong, sản phẩm dùng trong sinh hoạt được tết từ rơm của thành phố Hwaseong.

Vừa bước lên tầng hai, khách tham quan như được say sưa trong men rượu khi ngắm nhìn đủ mọi loại cốc chén với hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau, được bày la liệt trên bàn rượu. Những ai vốn chỉ biết phân biệt cốc uống bia, rượu, rượu vang thông thường sẽ không khỏi thấy “hoa mắt” với đủ hình dạng chén rượu, bình rượu, đĩa đựng đồ nhắm, đĩa chia thức ăn...
Người tổ chức triển lãm Jang Shin-jeong nói: "Trong các tác phẩm bằng đất nung, chén và bình đựng rượu gạo lên men makgeolli này là của nghệ nhân Kim Dae-ung. Các loại chén làm theo kỹ nghệ làm gốm thời kỳ đầu triều đại Joseon là dùng sét trắng để trang trí lớp vỏ ngoài màu đất của gốm. Ngay cả rượu vang cũng có thể bảo quản tại gia đình bằng các bình gốm trắng, gốm xanh, khi lắc rượu trong những bình này sẽ thấy tỏa ra hương rượu thơm đậm đà, tinh tế."

Qua bàn rượu, khách tham quan đến khu trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ sơn mài. Đây vốn là một trong những kỹ nghệ phổ biến của phương Đông, tận dụng nhựa của cây sơn làm chất liệu dán, phủ lên các đồ thủ công mỹ nghệ. Khi ngắm đồ gỗ sơn mài, người xem dường như cảm nhận được hơi thở của từng thớ gỗ sinh động với màu sơn sáng bóng. Bà Jang Shin-jeong chia sẻ:"Vật dụng sơn mài rất thích hợp để đựng và bảo quản đồ ăn do có tính chống ẩm, chống mối mọt và có tuổi thọ cao. Khi phủ sơn mài lên đồ gỗ, có thể duy trì trạng thái sản phẩm như ban đầu tới hơn 50 năm. Jeong Hae-jo là nghệ nhân sơn mài tiêu biểu. Đây là tác phẩm mà nghệ nhân chế tác trong năm nay, lớp sơn mài tinh tế kết hợp hài hòa với hình dáng vật thể và khi đựng nước có thể thể hiện được sự mềm mại, uốn lượn của dòng nước."

[Khu triển lãm chủ đề]Khu triển lãm chủ đề trưng bày các loại chum, vại bằng đất nung có tên gọi “Mỹ nghệ làm nên hương vị”. Đây chính là những vật đựng giản dị nhưng lại có chức năng bảo quản, thông gió ưu việt, giúp thăng hoa “hương sắc và phong vị” của các loại thực phẩm lên men, niềm tự hào của ẩm thực Hàn Quốc, như tương ớt, tương đậu nành, dưa muối kimchi... Bà Jang Shin-jeong giải thích tiếp: "Những chiếc chum, vại này đóng góp trực tiếp vào quá trình lên men, làm nên món ăn hoàn chỉnh. Chỉ cần đựng nước máy trong chum khoảng hai, ba ngày thì nước sẽ tự động được lọc sạch và có thể uống mà không cần đun. Không gian này trưng bày tất cả các loại chum, vại từ thông dụng tới độc đáo."

Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những chiếc chum khổng lồ được dùng để trang trí, đến những chiếc chum, vại nhỏ hay sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khu vực, địa phương lại có những kiểu dáng chum vại khác nhau, được biến tấu và thể hiện sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, vật phẩm thu hút sự quan tâm của người xem nhất là chiếc chum của hoàng thất mang tên “Pureonggi”, trong đó “onggi” là “đồ nung đất”, còn “Pure” chỉ màu xanh thần kỳ tỏa ra từ tác phẩm. Nghệ nhân gốm sứ Bae Yeon-sik giải thích về tác phẩm của mình: "Khác với các đồ gốm tráng men khác, chum “Pure” không tráng men nhưng lại có tính năng cao gấp 10 đến 30 lần so với các sản phẩm thông thường. Đây là sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa có độ bền cao và có màu sắc nền nã, tinh xảo."



Thông qua cuộc triển lãm “Thế giới mỹ nghệ Hàn Quốc - Hương sắc và phong vị”, con người hiện đại thêm một lần nữa nhận ra giá trị quan trọng của những “vật đựng” nhỏ bé, giản dị. Bản thân món ăn cũng có vai trò quyết định, nhưng việc ta trình bày và đựng chúng bằng vật dụng nào, chất liệu nào cũng sẽ tạo nên “hương sắc và phong vị” mới. Giống như câu nói của người xưa “Chiếc bánh đẹp là chiếc bánh ngon”, nhân loại luôn hướng đến việc thưởng thức ẩm thực không chỉ bằng vị giác mà còn bằng thị giác, xúc giác, và sự giao cảm tinh tế. Khi muốn tĩnh tâm, bạn cũng có thể ngồi ngắm nến ánh nến được đặt trên các giá nến cầu kỳ, độc đáo, hay trầm ngâm trước những chiếc đèn làm bằng giấy truyền thống Hanji được trưng bày trong triển lãm. Chân-thiện-mỹ là những gì mà triển lãm “Thế giới mỹ nghệ Hàn Quốc - Hương sắc và phong vị” muốn nhắc nhở và động viên con người trong xã hội hiện đại hướng tới. Một khách tham quan chia sẻ: "Tôi đang học về trang trí và bày biện các món ăn. Khi biết kết hợp đúng kiểu, đúng bộ quả thật sẽ tạo nên hiệu quả không ngờ. Những sản phẩm của các nghệ nhân vừa mang nét truyền thống, dân dã lại vừa là sự kết hợp của nét đơn giản, mà tinh tế đầy hiện đại. Đồ thủ công mỹ nghệ của Hàn Quốc vừa đẹp lại vừa không quá đắt, rất thuận tiện trong đời sống hàng ngày." Một khách tham quan khác nói: "Tôi ấn tượng nhất với các sản phẩm khảm trai. Từ đường vân, màu sắc cho đến hình dạng đều rất độc đáo và thanh nhã. Những sản phẩm này cũng thể hiện rõ quan niệm về cái đẹp của dân tộc Hàn Quốc: ưa chuộng vẻ nền nã, giản dị nhưng vô cùng kiêu sa và ấn tượng."

Lựa chọn của ban biên tập