Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tự hào di sản văn hóa thế giới Namhansanseong

2014-07-22

[Namhansanseong - Di sản văn hóa thế giới thứ 11 của Hàn Quốc]Vào ngày 22 tháng 6 năm 2014, trong cuộc họp lần thứ 38 ở thủ đô Doha, Qatar, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) trên núi Namhan (Nam Hán) ở thành phố Gwangju, tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc là di sản văn hóa thế giới.

Đây là di sản thứ 11 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Vào năm 1995, động Seokguram (Thạch Quật) và chùa Bulguk (Phật Quốc) tại thành phố Gyeongju, Đại trường Kinh thời Goryeo tại chùa Haein (Hải Nhân) ở tỉnh Nam Gyeongsang và Jongmyo (Tông Miếu) ở Seoul đã cùng lúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 1997, đến lượt cung điện Changdeok (Xương Đức) ở Seoul và thành Hwaseong (Hoa Thành) ở thành phố Suwon được công nhận. Tiếp đó, Hàn Quốc được công nhận thêm các di sản văn hóa thế giới gồm di tích mộ đá ở huyện Gochang, Hwasun và Ganghwa; Khu di tích lịch sử thành phố Gyeongju vào năm 2000; Đảo núi lửa Jeju và các hang động dung nham vào năm 2007; Khu lăng tẩm triều đại Joseon vào năm 2009 và làng cổ Hahwe và Yangdong vào năm 2010.

Không chỉ là công trình được xây dựng với mục đích bảo vệ thủ đô Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul ngày nay); Namhansanseong còn là một di tích lịch sử chứng kiến 500 năm thăng trầm của triều đại Joseon (1392 – 1910). Vào tháng 12 năm 1636, nhà Thanh Trung Quốc đã đem 100.000 quân vượt sông Aprok (Áp Lục) khi đó đang đóng băng để xâm nhập vào lãnh thổ của đất nước Joseon. Vua Joseon thứ 16 là Injo (Nhân Tổ) đã cùng với quần thần lánh nạn tại thành Namhansanseong. Tình cảnh lúc đó thật cam go, khi lương thực trong thành chỉ đủ cho 50 khẩu phần, còn phía ngoài thành đang bị quân Thanh vây kín. Để giữ cổng thành, các binh sĩ Joseon đã quyết tử chống lại những đợt tấn công bằng đạn pháo dồn dập của kẻ thù, nhưng tình thế bị cô lập đã bao phủ lên thành một bầu không khí lo âu, sợ hãi. Trước tình cảnh cầm cự bất an bên trong và thương vong, tổn thất nặng nề bên ngoài thành, vua Injo đã phải cắn răng lạy ba lạy và gập đầu chín lần trước vua Thái Tông nhà Thanh để xin hàng. Ngày nay, ở bến phà Samjeon (Tam Điền), nối giữa thủ đô Seoul và thành phố Gwangju (tỉnh Gyeonggi), vẫn còn tấm bia ghi lại “mối hận ngàn thu” này trong lịch sử. Vết thương lịch sử dường như được xoa dịu đi khi sau 377 năm, Namhansanseong đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trở thành báu vật của toàn nhân loại.



[Hành trình thăm quan thành Namhansanseong]Từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Namhansanseong trở nên tấp nập, rộn rã hơn bởi bước chân du khách. Các khách tham quan chia sẻ: "Đây quả là cơ hội quý báu và hữu ích, vì tôi sống ở Seoul mà chưa từng được đi tìm hiểu thực tế như thế này."; "Tôi mới chỉ đọc qua sách vở mà chưa có nhiều dịp trực tiếp đến tìm hiểu những di sản văn hóa của đất nước như thế này. Hôm nay tới đây được tham quan, nghe hướng dẫn nên tôi thấy rất thú vị và bổ ích."; "Tôi thấy tự hào vì chúng ta đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, duy trì các di tích lịch sử. Đây chính là tài sản quý giá mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu sau này."

Hành trình thăm quan thành Namhansanseong thường bắt đầu từ cửa Bắc sang cửa Tây, đi qua khu chỉ huy của các tướng quân là Sueojangdae (Thủ ngự tướng đài), điện thờ tướng quân Ihue (Lý Hội) là Cheongryangdang (Thanh Lương đường), điện thờ hoàng đế đầu tiên của vương quốc Beakje là Sungryeoljeon (Sung Liệt điện), vườn Yeongwoljeong (Nghênh nguyệt đình) và các hành cung bao quanh. Hướng dẫn viên Hong Min-ja giới thiệu: "Tường thành cũng có rất nhiều hình dạng và vai trò khác nhau như wonseong (nguyên thành), weseong (ngoại thành), chiseong (trĩ thành), ongseong (úng thành). "Nguyên thành" là bức tường thành chính dài 8 km. Sau khi bị tấn công, vua Injo cho xây thêm “ngoại thành” là bức tường thành bên ngoài để bảo vệ. Ngoài ra còn có “trĩ thành” là những bước tường thấp trên mặt thành, “úng thành” được xây chụm lại giống hình chiếc chum, nhằm bảo vệ cửa thành và ngăn cản đợt tấn công đầu tiên của quân địch. Tại Namhansanseong, cả “trĩ thành” và “úng thành” đều được xây tại năm nơi, “úng thành” được xây hẳn ra ngoài thành làm nhiệm vụ bảo vệ và bao bọc lấy thung lũng bên trong."

Tường thành Namhansanseong được xây dựng trên núi đã phản ánh rất rõ các giá trị xứng tầm một di sản văn hóa thế giới, thể hiện qua sự bố trí địa hình, kỹ thuật xây dựng thành, kỹ thuật quân sự quốc phòng. Hướng dẫn viên Hong Min-ja giới thiệu tiếp: "Ngay từ bên ngoài, ta có thể ngắm những đoạn tường thành uốn lượn. Namhansanseong được coi là cuốn sách giáo khoa chuẩn mực về thành quách, là công trình kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc của thời kỳ Tam quốc (thời đại ba nước là Goguryeo, Baekje và Silla từ năm 57 sau công nguyên) và thời đại Joseon (1392-1910)."

Tường thành Namhansanseong nằm ở độ cao 500 m so với mực nước biển, thành trong dài 9 km, thành ngoài dài 2.7 km. Thành có đặc điểm là tường thành bên trong thấp và mỏng nhưng tường thành bên ngoài lại cao và hiểm trở. Ngoài bốn cửa chính là Đông, Tây, Nam, Bắc, thành còn có tới 16 cửa bí mật, là nơi để đón quân tiếp viện, nhận vũ khí, lương thực. Namhansanseong cũng là tường thành trên núi được sử dụng làm hoàng cung, và được gọi là thủ đô dã chiến lớn nhất, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại.

Giáo sư Lee Hye-eun của trường đại học Dongguk cho biết: "Nguyên tắc xây dựng thủ đô, như Seoul, là vừa phải có hoàng cung, vừa phải có “tả miếu hữu xạ”, tức bên trái là miếu đường, bên phải có đàn thờ thần như Thần Thổ Địa và Thần Ngũ Cốc. Theo quan niệm của người Hàn Quốc xưa, Tông Miếu và Xã Tắc là cội nguồn và là căn bản của quốc gia. Bởi vậy mà phía Đông của cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) mới có nơi thờ cúng tổ tiên Jongmyeo (Tông Miếu) và phía Tây có đàn tế lễ Sajik (Xã Tắc). Ta cũng có thể bắt gặp lối kiến trúc này tại Namhansanseong với bên phải là “hữu thất”, còn bên trái là “tả điện” gồm có chính điện và Yeongnyeongjeon (Vĩnh Ninh điện), là nơi thờ bài vị của các vua và hoàng hậu, có vai trò giống như Tông Miếu. Trên thế giới, cũng có một số nơi xây thành trên núi và trong thành cũng có người dân sinh sống, nhưng chưa có thành nào lại hội tụ đầy đủ các công trình kiến trúc và điều kiện để trở thành một thủ đô tạm thời như Namhansanseong. Đây chính là điểm độc đáo và là giá trị quý báu nhất của di sản này."

Trên tường thành chính của Namhansanseong có tới hơn 1940 ụ đá, đóng vai trò như tấm giáp che thân khi các binh sĩ bắn súng hay bắn cung, và có thể điều chỉnh hướng ngắm thích hợp. Các khe rộng xen kẽ giữa các ụ tạo ra khoảng cách thích hợp để bắn cung. Bên trong thành còn có vết tích của các đồn quân sự, nơi binh sĩ trú ngụ. Namhansanseong không chỉ là pháo đài quân sự quốc gia mà còn phản ánh sự phát triển của hệ thống vũ khí, kỹ thuật quốc phòng trực quan, sống động. Giáo sư Lee Hye-eun giải thích: "Từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 18 đã có sự phát triển lớn trong việc sử dụng vũ khí. Ngoài cung thì súng và đại bác cũng được dùng nhiều trong quân sự. Bởi vậy mà cự ly bắn hay kích thước các lỗ ngắm bắn cũng phải thay đổi để phù hợp với từng loại vũ khí. Thành trước kia được đắp bằng đá nhỏ, dần dần được đắp lên kiên cố bằng các tảng đá to hơn, phương pháp chọn đá, xếp đá cũng có bước phát triển vượt bậc. Điển hình như các đụn thành hình chum phía Nam được xây dựng kiên cố, không hề bị lún, sập trước những đợt công kích của quân địch. Chính hình dạng, đặc điểm của từng bưc tường thành, từng viên đá tại Namhansanseong đã phản ánh lịch sử phát triển vũ khí và chiến thuật quân sự."



[Cửa Bắc và cửa Tây thành Namhansanseong]Nơi đón tiếp khách tham quan đầu tiên chính là cửa phía Bắc của thành Namhansanseong mang tên Jeonseung (Chiến Thắng). Hướng dẫn viên Hong Min-ja nói: "Cánh cửa này gắn với sự kiện lịch sử mang tên Bính Tý Hồ loạn, khi nhà Thanh Trung Quốc tấn công xâm lược triều đại Joseon lần thứ hai, từ tháng 12 năm 1636 đến tháng 1 năm 1637. Vì bị cô lập trong nhiều ngày, 300 binh sĩ đã cảm tử mở cửa Bắc tiến quân ra ngoài hòng đem lương thực, nhu yếu phẩm vào thành. Tuy nhiên, họ đã bị rơi vào kế sách thâm hiểm của kẻ thù và tất cả đã đều tử trận."

Cửa Jeonseung là tên do vua Jeongjo (Chính Tổ) đặt để nhắc nhở toàn quân đừng bao giờ quên lần bại trận đầy ám ảnh, đau thương này và hãy hướng tới “Chiến thắng”. Bước qua cửa Bắc, du khách sẽ bước lên đỉnh Yeonju (Luyến Chủ), một trong những dải tường thành hình chum đẹp nhất Namhansanseong. Đứng từ đây, ta không chỉ ngắm nhìn được cảnh trong thành, mà còn bao quát hết cả khung cảnh hùng vĩ của núi Acha (Nga Tha) phía Bắc, và một phần sông Hán (Hangang) vắt qua thành phố Namyangju (tỉnh Gyeonggi). Hướng dẫn viên Hong Min-ja dẫn du khách đến cửa Tây của thành: "Cửa Tây được thiết kế rất nhỏ, bên trên cũng không có đụn thành hình chum. Cửa Tây là nơi chứng kiến nỗi đau hàng phục, tiếng khóc bi ai mất nước khi vua Injo phải ra hàng nhà Thanh, Trung Quốc."

Ngày 30 tháng 1 năm 1637, sau một thời gian dài cầm cự trong thành, vua Injo đã quyết định ra hàng quân Thanh của Trung Quốc. Quân Thanh còn bắt nhà vua không được ra cửa chính mà phải diện kiến chúng ở cửa phía Tây. Tương truyền, bách tính trong thành đã than khóc như mưa khi nhìn thấy nhà vua phải cởi long bào, mặc áo thường dân để ra hàng trong bộ dạng vô cùng thảm hại. Sau khi ra khỏi thành, vua Injo đã phải quỳ lạy vua Thái Tông của nhà Thanh tại bến phà sông Hàn (gần phường Samjeon, quận Songpa, Seoul ngày nay). Khách tham quan cảm thấy ngậm ngùi khi nghe giới thiệu về sự kiện lịch sử này: "Trong lịch sử, Injo là một ông vua làm mất thể diện quốc gia, dân tộc. Nhưng khi đứng tại nơi đây, tôi có cảm nhận rõ hơn về tình cảnh hoang mang, bế tắc và rối ren khi đó, trước khi hàng, nhà vua đã tổ chức tới năm buổi chầu để bàn tính cùng các quan thần. Càng thấu hiểu về nỗi đau mất nước, tôi lại càng thấy mình may mắn khi được sống trong một đất nước hòa bình, có độc lập và chủ quyền."

[Sueojangdae - Thủ ngự tướng đài ở cửa Nam]Trên đường từ cửa Tây sang cửa Nam, du khách không thể bỏ qua một di tích quan trọng là Sueojangdae (Thủ ngự tướng đài). Đây là đài quan sát phía Tây nằm ở vị trí cao nhất của Namhansanseong và là nơi các tướng quân họp bàn kế sách, chỉ huy binh sĩ trong chiến tranh. Thành Namhansanseong vốn có năm khu chỉ huy như thế này, nhưng nay chỉ còn đài Sueojangdae. Khi mới xây dựng, đài chỉ huy chỉ có một tầng, đến đời Yeongjo (Anh Tổ), vua cho xây thêm một tầng lầu và đổi tên đài từ Seojangdae thành Sueojangdae. Trên tầng hai còn giữ tấm biển đề ba chữ Mumangru (Vô vong lâu). Hướng dẫn viên Hong Min-ja kể câu chuyện liên quan đến tấm biển này: "Nếu không lên đến tầng hai, nơi cao nhất của đài chỉ huy, ta sẽ không nhìn thấy bến phà Samjeon (Tam Điền), nơi vua Injo xin hàng và bến Beolbong, nơi vua đối đầu với vua Thái Tông nhà Thanh, Trung Quốc. Do vậy, việc xây thêm lầu hai trên đài chỉ huy này cũng là một lời nhắc nhở, đừng bao giờ quên quá khứ đau thương."

Cái tên Mumangru do vua Yeongjo đặt để tưởng nhớ tới vua Injo và đồng cảm với nỗi bất hạnh của con trai thứ hai của Injo, người trở thành vua Hyojong (Hiếu Tông) sau này. Do thua trận trong nạn Bính Tý Hồ loạn mà vua Hyojong đã bị bắt sang Trung Quốc làm con tin trong suốt tám năm. Ngay trước sân của đài chỉ huy Sueojangdae còn có tấm bia đá to, gọi là bia đá tướng quân hay bia chim ưng, dành để tưởng nhớ tướng Ihue (Lý Hội), vị tướng đảm trách vai trò xây dựng thành quách phía Đông, khu vực hiểm trở nhất của Namhansanseong.

Hướng dẫn viên Hong Min-ja nói tiếp: "Tướng quân Ihue là người vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ nên đã cho xây dựng trong khoảng thời gian khá dài đoạn thành cao 3 mét, có đoạn ở phía Nam cao 7.5 mét. Vì vậy mới có lời nói vui rằng ông vừa rong chơi vừa xây thành nên mới lâu đến vậy. Trước khi qua đời tại đây, tướng Ihue có nói “thật oan ức vì khi ta chết sẽ lại có biến lớn xảy ra”. Tương truyền khi ông chết, người ta thấy có một con chim ưng bay lượn rồi đậu trên phiến đá này. Ngày xưa trên phiến đá còn thấy rõ vết chân của chim, nhưng trong thời kỳ đô hộ Hàn Quốc, quân Nhật đã mài nhẵn vết tích đó đi."

[Phật Giáo tham gia giúp đời, giúp nước]Phía dưới đài chỉ huy Sueojangdae là Cheongryangdang (Thanh Lương đường), điện thờ tướng quân Ihue cũng những người có công trong việc xây thành. Trong điện còn thờ cả đại sư Byekamgakseong (Bích Nham Giác Tính), bởi các thiền sư cũng đã có công lớn trong việc xây thành. Ông Jeon Bo-sam, Trưởng phòng Nhà kỉ niệm Manhae, thuộc thành phố Gwangju, tỉnh Gyeonggi, cho biết: "Đại sư Byekamgakseong của chùa Bongeun (Phụng Ân) là người đã kêu gọi các thiền sư của tám tỉnh thành nhà nước Joseon đóng góp sức người, sức của để xây dựng nên 8 km thành. Vua Injo đã ban thưởng và còn viết bài văn ghi nhận sự đóng góp của các vị thiền sư trong việc hoàn thiện công trình Namhansanseong."

Namhansanseong còn là một minh chứng sinh động cho việc Phật giáo giúp đời, giúp nước. Vào thời Joseon, các nhà sư cũng luyện tập võ nghệ và cất giữ vũ khí trong đền, chùa, theo Giáo sư Lee Hye-eun: "Mặc dù Joseon là thời đại phát triển của Nho giáo, nhưng các vị sư chủ trì của tám tỉnh thành vẫn đóng góp công trạng lớn trong việc xây dựng, tu sửa thành. Khi có chiến tranh, các nhà sư cũng tham gia bảo vệ đất nước, thể hiện tinh thần “tốt đời, đẹp đạo” của nhà Phật."



Sau hơn hai nghìn năm lịch sử và do sự phá hoại của thực dân Nhật trong thời kỳ đô hộ Hàn Quốc (1910-1945) nên một phần kiến trúc quan trọng của Namhansanseong đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, tường thành vẫn sừng sững, uy nghiêm và khẳng định những giá trị bất diệt. Đây là “cung điện trong trường hợp khẩn cấp” duy nhất trong lịch sử thế giới và vừa là nơi lưu giữ điện thờ Tông Miếu Xã Tắc, những di tích thiêng liêng và quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc. Ngày nay, Namhansanseong không còn là nơi ghi dấu nỗi đau bại trận, mà là nơi lưu giữ và bảo tồn sinh khí của cả dân tộc, là di sản văn hóa thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập