Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Khu cắm trại từ trường học bỏ hoang

2014-08-05

[Khu cắm trại ở thành phố Pocheon, tỉnh Gyeonggi] Ngày 19 tháng 7 vừa qua, thành phố Seoul đã tổ chức lễ khánh thành Khu cắm trại Seoul, tại ngôi trường tiểu học cũ Sajeong, thuộc xã Gwanin, thành phố Pocheon, tỉnh Gyeonggi.

Du khách chắc hẳn sẽ rất thích thú khi được cắm trại trên nền một ngôi trường nhưng những người thực sự hồi hộp và xúc động trước sự đổi thay này chính là cư dân trong xã Gwanin. Họ tất bật chuẩn bị cho lễ khánh thành và chia sẻ bánh kẹo, đồ uống cho khách tham quan. Một người dân xã Gwanin chia sẻ: "Tôi làm tình nguyện cho Hội phụ nữ xã. Tôi nhận trách nhiệm chuẩn bị bánh và hoa quả cho mọi người". Một người dân khác nói: "Tôi tên là Seo Myeong-ja, hiện giữ chức hội trưởng Hội phụ nữ. Chúng tôi đã luộc ngô, hấp khoai tây để mời khách. Mọi người ở đây đều thấy phấn khởi vì khu cắm trại đã đem lại sinh khí mới cho cả xã. Các con tôi đều đã học ở ngôi trường cũ này, nhưng về sau trường bị bỏ hoang và trở nên tiêu điều. Lâu lắm rồi tôi mới trở lại trường và tôi tin rằng sắp tới sẽ có nhiều điều may mắn đến với mọi người nơi đây."

Trường tiểu học Sajeong đã mở cửa được 20 năm, nhưng do ngày càng ít học sinh nên trường đã ngừng hoạt động vào năm 1985. Sau một thời gian được sử dụng làm trung tâm đào tạo thanh thiếu niên, trường hoàn toàn đóng cửa vào năm 1992. Do thiếu vắng bàn tay con người, cỏ mọc khắp sân trường và những dãy phòng học luôn im lìm, lạnh lẽo khiến người dân trong vùng dần dần cũng tránh đi qua khu vực này. Thật khó có thể diễn tả niềm vui mừng, háo hức của người dân khi có một khu cắm trại hiện đại, mới mẻ được xây dựng ngay trên nền ngôi trường cũ. Ông Choi Hyung-bae, Trưởng bộ phận hợp tác đào tạo, thuộc Phòng hỗ trợ nhà trường của thành phố Seoul, cho biết: "Khi chính sách một tuần học năm buổi được áp dụng cho các trường học tại Hàn Quốc vào năm 2012, nhu cầu nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần ngày càng tăng cao. Do đó, chúng tôi đã cải tạo ngôi trường hoang này thành một khu cắm trại, vừa để khôi phục lại sinh khí trong làng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương."



[Dự án cải tạo trường học bỏ hoang thành khu cắm trại]Thành phố Pocheon không phải là nơi đầu tiên có dự án cải tạo trường học bỏ hoang thành khu cắm trại. Trước đó, vào năm 2013, chính quyền thành phố Seoul đã khánh thành khu cắm trại ở cơ sở Wolhyeon, thuộc trường tiểu học Gangrim, làng Wolhyeon, xã Gangrim, huyện Hoengseong, tỉnh Gangwon. Làng Wolhyeon vốn là nơi có địa thế đẹp, quang đãng, có thể ngắm sao gần và rõ nhất, nên vào tháng 5 năm 1999, làng đã được chọn là khu vực bảo vệ ánh sao đầu tiên tại Hàn Quốc. Cơ sở Wolhyeon của trường tiểu học Gangrim đã hoạt động từ năm 1946, nhưng do số lượng học sinh ngày càng ít, nên trường cũng phải đóng cửa vào năm 1995. Sau đó, trường trở thành nơi nghỉ ngơi chung cho nhân dân trong vùng, nhưng tần suất hoạt động cũng không cao. Sau khi được cải tạo thành khu cắm trại, địa điểm này luôn là một trong những khu du lịch đông đúc. Do có bề dày gần 70 năm lịch sử, trong trường có rất nhiều cây cổ thụ, tạo cảm giác như đang bước vào một khu rừng lâu năm. Đến đây, du khách còn có thể ngắm cảnh bên sông Jucheon hay thưởng thức những đặc sản địa phương vừa rẻ lại vừa tươi ngon.

Và đến năm 2014, du khách lại có thêm một lựa chọn nữa – khu cắm trại được xây dựng trên nền trường tiểu học Sajeong, thuộc xã Gwanin, thành phố Pocheon. Khách du lịch tới đây chia sẻ:"Tôi sống ở thành phố Gimpo. Tôi đến đây do một người quen giới thiệu. Ban đầu tôi cứ nghĩ khu cắm trại từ ngôi trường bỏ hoang sẽ có chút gì rờn rợn, nhưng trái lại, không gian rất sạch sẽ, thoáng đãng. Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ để cắm trại như đèn, bóng bay, thảm ngồi, đồ ăn thức uống... Các con tôi cũng rất phấn khởi. Hôm nay chúng tôi sẽ ăn thịt nướng và ngày mai sẽ đi tham quan quanh vùng."

Khu cắm trại tại trường Sajeong có diện tích mặt bằng 9,787㎡ với sức chứa 25 chiếc lều và các tiện ích du lịch khác như nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp, cửa hàng tạp hóa... Trưởng bộ phận hợp tác đào tạo Choi Hyung-bae cho biết: "Dự án cải tạo các ngôi trường bỏ hoang thành khu cắm trại được thực hiện với phương châm: sử dụng chi phí thấp nhất mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất. Phòng thiết kế trực thuộc quản lý của chính quyền Seoul đã hợp tác với các cơ sở thi công như xưởng sơn, xưởng mộc của địa phương trong quá trình thực hiện dự án. Theo kế hoạch, 20 ngôi trường bỏ hoang khác sẽ được cải tạo thành khu cắm trại để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của du khách."

[Cắm trại tại ngôi trường cũ Sajeong]Bước qua cổng trường, khách tham quan sẽ bắt gặp ngay hình ảnh thân quen, gần gũi của ngôi trường làng với bờ rào, những hàng cây cổ thụ đều tăm tắp. Những tán cây xòe rộng, tỏa bóng xanh mướt như thay cho lời giới thiệu về lịch sử lâu đời của trường. Khu vực phía trước cổng được dùng làm nơi đỗ xe, nhưng dáng dấp của sân vận động xưa vẫn còn nguyên với nền đất bao quanh. Khu vực phía trong, đối diện với các lớp học được quy hoạch làm nơi dựng lều cắm trại. Tùy theo quy mô, kích thước của từng lều mà phía dưới mỗi lều đều được lót sàn gỗ, vừa tránh ẩm thấp lại vừa tiện lợi cho việc dựng lều.

Chỉ cần đóng phí sử dụng 20.000 won (tương đương 20 USD) theo tiêu chuẩn cho bốn, năm người, là khách tham quan có thể sử dụng miễn phí lều và thảm lót. Đây chính là một ưu điểm nổi bật của khu cắm trại tại thành phố Pocheon. Ông Choi Hyung-bae giới thiệu tiếp: "Trong khu cắm trại có tổng cộng 25 chỗ đặt lều trong đó có năm chỗ đặt lều loại to dành cho năm người trở lên. Du khách có thể sử dụng miễn phí lều và các tiện ích cơ bản khác sau khi đóng phí sử dụng 20.000 won và nộp thêm khoảng 3.000 won (3 USD) tiền điện. Vào mùa đông, chúng tôi còn cho mượn thảm điện để giữ ấm. Những ai vốn e ngại phải chuẩn bị nhiều đồ lỉnh kỉnh và chi phí đắt đỏ, thì giờ đây cũng có thể thoải mái trải nghiệm cắm trại cùng gia đình, bạn bè."

Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ lại càng yên tâm hơn, vì nếu không quen ngủ trong lều, hoặc trong điều kiện thời tiết xấu, thì du khách có thể nghỉ ngơi tại phòng sưởi sàn truyền thống ondol, được cải tạo từ chính các phòng học cũ của trường. Ông Choi giải thích: "Các lớp học, phòng giáo vụ của trường được xây dựng và thiết kế lại thành các phòng nghỉ với hệ thống sưởi ondol để tránh mưa bão, sấm chớp. Vì cắm trại là hình thức giao lưu, nghỉ ngơi giữa thiên nhiên, nên việc dự phòng và chuẩn bị cho các điều kiện thời tiết xấu là vô cùng cần thiết. Những gia đình vì vướng bận con nhỏ không thể dựng lều cũng có thể sử dụng ngay những phòng nghỉ này."

Ăn thịt nướng là phần không thể thiếu trong những buổi đi cắm trại. Đến giờ ăn, khu cắm trại từ ngôi trường bỏ hoang càng trở nên nhộp nhịp và sinh động hơn, với những làn khói và mùi thịt nướng tỏa ra tứ phía. Món thịt thường ngày dường như cũng trở nên ngon hơn, thơm hơn khi ta được quây quần cùng gia đình, giữa chốn thiên nhiên yên tĩnh và trong lành như thế này. Các gia đình cắm trại chia sẻ: "Tôi tên là Choi Soon-young, sống ở quận Dobong, Seoul. Hôm nay tôi đã chuẩn bị nhiều món ngon lắm. Có chân gà, bì lợn để nướng và còn hai con gà để tần sâm nữa."; "Quả là sự lựa chọn đúng đắn khi đến đây. Mọi người xung quanh chia cho tôi rất nhiều món ngon, có cả rượu và bỏng ngô nữa."; "Thiên nhiên trong lành và bầu không khí cắm trại rộn ràng khiến tôi ăn ngon hơn ngày thường rất nhiều."; "Thật may vì hôm nay trời không quá nắng nóng. Tôi phải cảm ơn các con rể vì đã dẫn tôi đến nơi đẹp như thế này."; "Đây là cơ hội mà lâu ngày cả gia đình mới được quây quần cùng nhau trò chuyện và tâm sự về những kỷ niệm trong quá khứ cũng như kế hoạch trong tương lai. Tôi yêu cả nhà."



[Các hoạt động vui chơi, trải nghiệm tại khu cắm trại]Cắm trại là dịp để gia đình, bạn bè sum họp, để tất cả cùng nâng ly chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc và cùng thưởng thức vị bia tươi mát lạnh. Người lớn như tìm được cơ hội thắt chặt mối dây tình cảm được đong đầy trong từng chén rượu, còn lũ trẻ thì lại vui đùa thỏa thích trong bể bơi được bố trí ngay trong khu cắm trại.

Tuy chỉ chứa được khoảng 20 người, nhưng nhìn bể bơi lại chẳng thua kém gì một công viên nước thu nhỏ vì xung quanh là thiên nhiên xanh tươi, thoáng đãng. Ở một góc của sân vận động trong khu cắm trại, có hai gia đình đang thi đấu cầu lông. Dẫu trời hơi gió một chút, nhưng trận đấu vẫn diễn ra thật sôi nổi và gay gấn. Một gia đình chia sẻ: "Càng vận động, đặc biệt là giữa thiên nhiên thế này, sẽ càng thấy ăn ngon hơn."Một khách du lịch khác nói: "Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tận hưởng bầu không khí tại ngôi trường cũ gợi nhớ về quá khứ, về thế hệ của những người đi trước như ba tôi."

Không chỉ có phòng nghỉ với hệ thống sưởi sàn ondol, các lớp học cũ còn được cải tạo để phục vụ cho các hoạt động như: khu chơi cờ tướng, cờ vây, khu chiếu phim...Thật không quá lời khi ví nơi đây như một khu nghỉ dưỡng cao cấp tổng hợp với thiên nhiên trong lành và những dịch vụ thư giãn, giải trí đa dạng, phong phú. Trưởng bộ phận hợp tác đào tạo Choi Hyung-bae nói tiếp: "Các lớp học đều đã được sửa sang lại thành không gian giải trí phục vụ du khách. Đây là phòng đọc sách với bàn ghế do các trường tiểu học trong thành phố Seoul quyên tặng. Ngoài ra, các lớp học còn có chỗ chứa bốn bàn bóng bàn, các quầy hàng ăn với thực đơn đa dạng."

Sẽ thật tiếc nếu đã đến khu cắm trại mà không dành thời gian đi thăm quan các thắng cảnh lân cận như sông Hantan, núi Gonam, hồ Sanjeong. Ông Choi Hyung-bae chia sẻ: "Pocheon vốn là thành phố được tạo hóa ưu đãi nhiều cảnh đẹp. Đến đây, du khách có thể thử sức với môn chèo thuyền vượt suối tại sông Hantan, thăm khu thế giới thảo dược, hồ Sanjeong... Ngoài ra, những ai muốn trải nghiệm cuộc sống nông thôn có thể tham gia tình nguyện, giúp đỡ nông dân trong vùng chăm sóc và thu hoạch các loại nông sản theo mùa như ngô, khoai tây, cà chua...Vào buổi sáng sẽ có loa phát thanh thông báo những nơi cần lao động, các gia đình có thể tham khảo thông tin và cùng tham gia trồng cấy, chế biến nông sản, hoặc trải nghiệm tại những trang trại nuôi gia súc, gia cầm."

Chương trình trải nghiệm nông thôn vừa là một hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ người dân địa phương, vừa là cơ hội giúp khách tham quan cảm nhận cuộc sống khác biệt với chốn thành thị. Người dân xã Gwanin với tấm lòng thơm thảo, chắc chắn sẽ không quên chia sẻ và dành tặng du khách những sản vật tươi ngon vừa thu hoạch.

Tiếp nối sự ra đời khu cắm trại ở huyện Hoengseong tỉnh Gangwon, là khu cắm trại ở thành phố Pocheon tỉnh Gyeonggi. Dự tính cho đến năm 2018, thành phố Seoul sẽ tiếp tục cải tạo 20 ngôi trường bỏ hoang thành địa điểm cắm trại. Khắc phục tình trạng nhiều ngôi trường ở nông thôn phải đóng cửa vì không có học sinh, các địa phương đã và đang triển khai nhiều dự án biến trường cũ thành Trung tâm văn hóa cộng đồng, Bảo tàng địa phương, Khu cắm trại... Những cơ sở văn hóa, du lịch này vừa như một luồng gió mới vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, vừa là chiếc cầu nối giúp con người trong xã hội hiện đại thêm gần gũi với thiên nhiên và tìm thấy cho mình một không gian nghỉ ngơi đúng nghĩa.

Lựa chọn của ban biên tập