Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cuộc biểu tình ngày thứ Tư, âm vang thời đại

2014-08-12

[Cuộc biểu tình ngày thứ Tư]Cuộc biểu tình yêu cầu giải quyết vấn đề nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Thế chiến II, được gọi tắt là “biểu tình ngày thứ Tư” đã diễn ra lúc 12 giờ trưa trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc ở quận Jongno, thủ đô Seoul, vào ngày 30 tháng 7 vừa qua. Đây là cuộc biểu tình lần thứ 1.137 kể từ cuộc biểu tình đầu tiên vào năm 1992. Bà Yoon Mi-hyang, Chủ tịch thường trực Hội đồng về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II, cho biết: "Cuộc biểu tình ngày thứ Tư đầu tiên đã diễn ra hôm 8/1/1992 ngay trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nhật lúc đó là Kiichi Miyazawa. Hồi đó, Chính phủ Nhật Bản một mực phủ nhận sự can dự của quân Nhật đối với chế độ nô lệ tình dục và cho rằng các doanh nghiệp tư nhân gây ra. Trước thái độ ngoan cố đó của Tokyo, Hội đồng về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II đã phát động phong trào biểu tình ngày thứ Tư. Cuộc tập hợp luôn diễn ra vào buổi trưa để giới nhân viên công sở và đông đảo người dân cũng có thể tham gia."

Mặc dù đã thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật và chủ quyền đất nước đã toàn vẹn gần 70 năm, nhưng người dân Hàn Quốc và đặc biệt là những nạn nhân chế độ nô lệ tình dục vẫn chưa hết trăn trở trước thái độ vòng quanh của các quan chức Chính phủ Nhật Bản. Bà Kim Bok-dong , nạn nhân của tội ác lịch sử này chia sẻ: "Năm nay tôi đã 89 tuổi. Tôi thấy rất đau lòng khi phải nghe những lời chối tội hàm hồ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ngay tại Nhật Bản cũng có rất nhiều tài liệu ghi lại tội ác của chính quân đội Nhật." Một nạn nhân khác là bà Kil Won-ok nói: "Chính phủ Nhật Bản cho rằng chúng tôi đã ngụy tạo ra những câu chuyện này. Bản thân kiểu phủ nhận đó cũng là sự nói dối trơ trẽn. Họ không nên quanh co như thế, mà phải nhìn thẳng vào vấn đề. Con người có thể mắc lỗi nhưng quan trọng là cần biết trung thực và xin lỗi về những hậu quả mình gây ra."

Tiếng nói đấu tranh đòi công lý của những nạn nhân nô lệ tình dục vẫn vang lên không dứt trong suốt 22 năm qua. Song Tokyo vẫn không chút mảy may ăn năn hối lỗi trước tội ác do mình gây nên. Không lấy đó làm chùn bước, những cụ bà là nạn nhân năm xưa, giờ tuổi cao sức yếu nhưng vẫn khảng khái đi biểu tình. Cụ Kil Won-ok phát biểu: "Giờ sức tôi đã yếu, đứng cũng không vững nữa rồi. Nhưng còn sống ngày nào tôi sẽ đấu tranh ngày đó, cho đến khi Chính phủ Nhật Bản thừa nhận lịch sử và biết hối cải về những tội ác của mình."

Cuộc biểu tình ngày thứ Tư càng thêm đặc biệt vì còn có sự tham gia tích cực của tầng lớp trẻ, từ học sinh tiểu học cho đến sinh viên đại học. Cùng với giới trẻ, các cụ bà như được tiếp thêm sức mạnh. Cụ Kim Bok-dong chia sẻ: "Thật cảm ơn vì các thanh thiếu niên cũng hiểu lịch sử, hiểu cho nỗi đau của chúng tôi, và không quản ngại mưa gió, kiên trì đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua. Hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh chóng."



[Chặng đường đấu tranh bền bỉ gian nan]Trước khi có được sự ủng hộ của đông đảo người dân Hàn Quốc như ngày hôm nay, cuộc biểu tình ngày thứ Tư đã từng bị chỉ trích trong những giai đoạn đầu phát động.

Bà Yoon Mi-hyang, Chủ tịch thường trực Hội đồng về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II, cho biết: "Lần đầu tiên biểu tình chỉ có mặt các đại biểu của hội phụ nữ mà chưa có sự tham gia của các nạn nhân. Vì hồi đó chỉ có khoảng hai, ba cụ công khai mình là nạn nhân nô lệ tình dục. Đến các lần biểu tình tiếp theo, các cụ dần dần tham gia đông hơn, có ngày lên đến 15, 20 người, nhưng vẫn không có những người dân khác. Ngay cả các nhân viên công sở đi ngang qua cũng chế giễu chúng tôi “vạch áo cho người xem lưng”. Vì thế mà để tránh cái nhìn xoi mói của người đời, có khi các cụ phải lấy bảng hiệu che mặt, hay đeo kính khi biểu tình."

Tuy bị cưỡng ép mua vui cho lính Nhật, phải chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng những nạn nhân lại phải chôn giấu nỗi đau và sống trong hổ thẹn, đau đớn. Hoàn cảnh của họ bắt đầu gây được sự chú ý của dư luận khi bà Kim Hak-sun là nạn nhân đầu tiên công khai tố cáo những hành vi phi nhân đạo của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II vào ngày 14 tháng 8 năm 1991. Tiếp nối tiếng trống kêu oan mở màn, ngày càng có nhiều nạn nhân dũng cảm đứng ra làm chứng, và cuộc biểu tình ngày thứ Tư đã nhận được nhiều sự ủng hộ, động viên của các tổ chức, đoàn thể. Thậm chí gần đây còn có nhiều trường học tổ chức đi dã ngoại bằng cách cho học sinh tham gia cuộc biểu tình này. Chủ tịch thường trực Yoon Mi-hyang nói: "Các cụ rất vui khi đi biểu tình, lại được quây quần bên lớp trẻ, cùng ca những bài ca hòa bình và nhận những lời động viên, khích lệ. Giờ đây họ không còn phải che giấu thân phận bằng cách đội mũ, che mặt hay đeo kính. Các cụ dần cảm thấy việc làm của mình có ích cho đời hơn khi được đóng vai trò là nhà hoạt động nhân quyền, người đấu tranh cho hòa bình, hay giản dị hơn là “cuốn giáo khoa lịch sử sống” truyền đạt lại kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ. Tổ chức của chúng tôi cũng đã trải qua nhiều sóng gió, nhưng chúng tôi cũng thấy tự hào vì đã duy trì đều đặn sự kiện này trong suốt thời gian qua."

[Tiếng nói vang xa]Cuộc biểu tình ngày thứ Tư lần thứ 1.137 vừa qua diễn ra vào đợt nghỉ hè, nhưng đã có rất nhiều thanh thiếu niên tụ họp về đây trên toàn quốc và giơ cao những biểu ngữ đấu tranh. Hai em học sinh cấp hai tham gia biểu tình tâm sự. "Cháu đã được học về nạn nhân bị ép buộc mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II, nhưng chưa có dịp đi biểu tình vì bận học. Đang dịp nghỉ hè nên cháu đã tranh thủ đến đây. Cháu mong các cụ sẽ sớm đòi được công lý và nhận được lời xin lỗi từ phía Chính phủ Nhật Bản. Chúng cháu cũng sẽ cố gắng đấu tranh đến cùng."; "Chúng cháu muốn làm hết trách nhiệm và bổn phận của những biểu tình viên. Cháu thấy day dứt trước nỗi đau mà các cụ phải gánh chịu, và chúng cháu sẽ cổ vũ các cụ cho đến khi đạt được mục tiêu của cuộc biểu tình."

Tiếng nói đấu tranh kiên trì trong suốt 22 năm qua của quốc biểu tình ngày thứ Tư đã dần dần vang vọng ra khắp thế giới. Vào năm 2010, tấm bia đầu tiên tưởng nhớ nỗi đau và sự hy sinh của những phụ nữ bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật thời chiến được dựng lên ở bang New Jersey của Mỹ. Và đến ngày 6 tháng 8 năm 2014, tấm bia tưởng niệm thứ bảy cũng đã được khánh thành. Các nước Châu Âu và nhiều nơi trên thế giới cũng bày tỏ đồng tình với tinh thần của cuộc biểu tình ngày thứ Tư. Gần đây, người đứng đầu Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng phê phán thái độ phủ nhận quá khứ và yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải đưa ra lời xin lỗi chính thức, và có bồi thường thỏa đáng đối với các nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục. Bà Yoon Mi-hyang nói tiếp: "Bảy năm trước đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết có nội dung tưởng nhớ nỗi đau và sự hy sinh của những người phụ nữ bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong thời Thế chiến II. Quốc hội của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hà Lan và Canada cũng đã thông qua nghị quyết này, khẳng định sự quan tâm và thái độ lên án của thế giới trước hành vi xuyên tạc lịch sử của Chính phủ Nhật Bản."

Đối với cộng đồng thế giới, vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cần phải được làm rõ. Những tài liệu ghi chép về tội ác này cho thấy rõ đã có hơn 200.000 phụ nữ đã bị xâm hại và đày đến các trại tập trung không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở 12 quốc gia khác như Trung Quốc, Phillipines, Indonesia...Nhân chứng, vật chứng đã rõ ràng, nhưng thủ phạm là Nhật Bản vẫn tiếp tục im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, những cụ bà là nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục lại ngày càng già yếu và không cưỡng khỏi quy luật sinh tử của thời gian. Nạn nhân tham gia biểu tình từ 22 người hiện chỉ còn 2 người, và trong số 237 phụ nữ đã công khai là nạn nhân của chế độ này, hiện chỉ còn 54 người còn sống. Cụ Kim Bok-dong bày tỏ nỗi niềm bản thân: "Hiện nay tôi vẫn khỏe, chỉ có điều mắt ngày càng mờ đi. Bản thân tôi cũng không ngờ công cuộc đấu tranh lại mất nhiều thời gian như thế này. Khi được động viên đứng ra đăng ký công khai, tôi chỉ nghĩ đó là việc phải làm, phải nói cho cả thế gian này biết tội ác của lính Nhật. Làm sao có thể diễn tả được hết thành lời những cảm giác đau khổ, dằn vặt của những người như chúng tôi."

Câu nói “luôn có hy vọng ở ngày mai” có thể đúng với số đông, nhưng với các cụ bà là nạn nhân của chế độ tình dục, thì hôm nay có thể là ngày cuối cùng. Tuy nhiên, các cụ vẫn quyết tâm vượt lên nỗi sợ hãi, bất an đó để đứng vững đấu tranh, bởi bên cạnh các cụ vẫn có rất nhiều người ủng hộ.



[Người Nhật cũng lên tiếng về vấn đề chế độ nô lệ tình dục] Từ ngày 2 đến ngày 20 tháng 7, vở kịch nói “Yeong-ja, cô gái hay nói dối” đã được trình diễn liên tục tại rạp Jeongmi thuộc khu trung tâm biểu diễn nghệ thuật đường Daehak, thủ đô Seoul. Vở kịch lấy bối cảnh Hàn Quốc trong thời kỳ đô hộ của thực dân Nhật từ năm 1910 đến năm 1945, thiếu nữ Yeong-ja 14 tuổi đã bị người đàn ông cùng làng lừa gạt, đem giao cho lính Nhật và trở thành nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục. Vở kịch càng trở nên ý nghĩa và độc đáo hơn vì là tác phẩm của đạo diễn kiêm biên kịch, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội đạo diễn người Nhật Asaya Fujita.

Đạo diễn giải thích lý do lấy vấn đề nô lệ tình dục của lính Nhật trong Thế chiến II làm chủ đề cho tác phẩm của mình:"Lý do tôi thực hiện vở kịch này là vì Chính phủ Nhật Bản đang nói dối. Nhưng tôi muốn cho mọi người biết không phải người Nhật nào cũng tin và đồng tình với những luận điệu giả tạo này. Khi xem kịch sẽ thấy chúng tôi đặt ảnh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và có rất nhiều người phản đối ông ta. Người dân Nhật cũng tập trung biểu tình rất đông trước cửa tòa nhà Quốc hội. Nếu ở Tokyo thì chắc chắn tôi cũng sẽ tham gia."

Vở kịch “Yeong-ja, cô gái hay nói dối” đã được thể hiện trên sân khấu từ năm 1995. Được biết, khi đem tác phẩm công diễn tại nhiều nơi trên nước Nhật như Tokyo hay Kagoshima, tác giả và đoàn nghệ thuật đã bị các nhóm cánh hữu đe dọa. Đạo diễn Asaya Fujita cho biết: "Ban đầu, họ đã đe dọa “nếu không dừng diễn vở kịch này thì cứ chờ xem sẽ có chuyện gì xảy ra”. Nhưng chúng tôi không sợ và vẫn biểu diễn dưới sự bảo vệ của cảnh sát."

Nội dung vở kịch sau 19 năm công diễn vẫn giữ nguyên như ban đầu, vì thái độ của Chính phủ Nhật Bản cũng không hề thay đổi. Theo kế hoạch, tác phẩm sẽ được giới thiệu lần lượt tại các thành phố lớn tại Hàn Quốc tới hết năm nay, và đến năm sau, đoàn kịch sẽ đi lưu diễn trên toàn Nhật Bản. Đạo diễn Asaya Fujita bày tỏ về ý nguyện của mình:"Thông điệp chính mà chúng tôi muốn gửi gắm đến công chúng là “hãy biết sự thật của lịch sử”. Tuy nhiên, thông điệp gửi đến khán giả Hàn Quốc, khán giả Nhật Bản hay khán giả ở một nước thứ ba sẽ khác nhau. Có rất nhiều người Nhật không biết về vấn đề này, nên vở kịch là thông báo sự thật lịch sử. Còn tại Hàn Quốc, chúng tôi muốn các khán giả thấy người Nhật cũng trăn trở, cũng lấy đề tài này làm nghệ thuật, và không phải ai cũng giống như Thủ tướng Shinzo Abe. Hy vọng đây sẽ trở thành chiếc cầu nối giúp người dân hai nước hiểu nhau hơn."

[Âm vang, câu chuyện về những nạn nhân chế độ nô lệ tình dục]Từ ngày 19 tháng 6 đến ngày 26 tháng 7, bảo tàng trường Đại học Hanyang đã tổ chức cuộc triển lãm với chủ đề “Âm vang, câu chuyện về những nạn nhân chế độ nô lệ tình dục”. Triển lãm đã giới thiệu các bức tranh, di vật của những cụ bà bị bắt ép mua vui cho lính Nhật, cùng các bài báo đề cập đến vấn đề này. Hướng dẫn viên phụ trách mảng lịch sử của bảo tàng, bà Kim Eun-yeong cho biết: "Từ “âm vang” có hàm ý tiếng nói đấu tranh của các nạn nhân chế độ nô lệ tình dục sẽ không bao giờ tắt mà sẽ ngân mãi, sẽ khắc sâu thêm những ký ức đau thương và khơi dậy đồng cảm trong mỗi người xem. Trong triển lãm có bức tranh do hai cụ bà là nạn nhân của chế độ tình dục thời chiến trực tiếp vẽ, hai mảng màu đối lập là màu đỏ và đen thể hiện nỗi đau và những ẩn ức trong lòng các cụ rồi thành màu nhạt hơn khi vết thương được dần dần chữa lành."

Đặc biệt, bên lề triển lãm, đã có các buổi thảo luận vào thứ Sáu hàng tuần. Các cụ bà là nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục cũng đã đến để trực tiếp chia sẻ quá khứ đau thương của mình tới người xem. Cụ Lee Yong-su quê ở thành phố Daegu đã bị bắt ép sang Đài Loan làm nô lệ tình dục từ năm 17 tuổi. Mãi đến sau khi đất nước dành độc lập cụ mới trở lại Hàn Quốc và giờ đây cụ vẫn đang phải sống trong đau đớn bởi những di căn do bị tra tấn, đánh đập từ ngày xưa. Cụ Lee Yong-su nói: "Tôi bị bắt giải đến doanh trại quân Nhật trong đêm. Năm 1997 và 1998, tôi trở về Đài Loan xem lại nhà thổ tôi từng ở. Tôi không nghe theo chúng thì bị tra tấn bằng điện, bị chúng lấy dao rạch bụng. Tôi đau đớn và bị ám ảnh cho đến tận bây giờ. Lúc nào tôi cũng thấy toàn thân đau nhức và yếu đến mức không thể đi bộ được nữa."

Một nữ sinh viên trên khán đài đã không kìm nổi tiếng khóc khi nghe lời kể của cụ Lee Yong-su: "Tôi đã khóc khi nghe cụ nói “Tôi cũng là phụ nữ”. Tôi chỉ từng xem hình ảnh các phụ nữ bị ép buộc mua vui qua ảnh và các tư liệu video nhưng đây là lần đầu tiên gặp nạn nhân trực tiếp như vậy. Trên ảnh, ngày đó ai cũng trẻ, cũng tràn đầy sức sống. Vậy mà họ đã bị đày đọa, tra tấn đến tiều tụy, héo hon. Tôi rất mong các cụ sẽ nhận được lời xin lỗi từ Chính phủ Nhật Bản trước khi quá muộn."

[Cuộc biểu tình vì nhân quyền và khát vọng hòa bình]Thứ Tư ngày 13 tháng 8, trước thềm ngày Quốc khánh Hàn Quốc 15/8, đoàn người biểu tình vẫn tập hợp như thường lệ vào 12 giờ trưa, trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Song song với cuộc biểu tình lần thứ 1.139 tại Hàn Quốc, nhiều nước như Mỹ, Philippines cũng đồng loạt tổ chức biểu tình để tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục và phản đối Chính phủ Nhật Bản. Tiếng nói đấu tranh của những người yêu lẽ phải, yêu hòa bình sẽ còn vang mãi, cho đến khi nhận được lời xin lỗi chân thành từ phía Tokyo.

Xin được kết thúc câu chuyện bằng việc trích lại lời phát biểu trong cuộc biểu tình:
"Chiến tranh luôn mang lại đau khổ. Nhưng trẻ em và phụ nữ là những người thiệt thòi, đau khổ nhất. Chúng ta đấu tranh ngày hôm nay không chỉ vì nhân quyền của chính chúng ta, mà còn vì con cháu chúng ta sau này, vì hòa bình và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hậu thế. Xây dựng cuộc sống hòa bình, không có chiến tranh là ước nguyện và là khát khao của mọi người dân trên thế giới, là mưu cầu thiết thực nhất đối với mỗi chúng ta."

Lựa chọn của ban biên tập