Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul (SeMA Biennale) 2014

2014-09-23

[Tổng quan về Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul]Đi bộ khoảng 200m theo con đường lát đá dẫn đến cung Deoksu (Đức Thọ) ở trung tâm thủ đô Seoul, ta sẽ thấy bên trái mở ra một ngõ nhỏ phủ tán cây xanh rì như một khu rừng. Con đường này hướng dẫn đến Trụ sở chính Seosomun của Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul (SeMA, Seoul Museum of Art). Khuôn viên vốn yên tĩnh giữa lòng thủ đô này đang phát ra âm thanh lạ.

Âm thanh nghe như tiếng kèn, vừa như tiếng sáo lá này rất dễ khiến người nghe rùng mình, nhất là vào ban đêm. Đây chính là tác phẩm “Bóng ma và vũ trụ” (The Spectre and the Sphere) của nữ nghệ sĩ Jesse Jones, một trong những tiết mục trình diễn trong Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul, một sự kiện quốc tế về nghệ thuật truyền thông và nghệ thuật đương đại do Bảo tàng mỹ thuật Seoul tổ chức định kỳ hai năm một lần.

Năm nay là lần thứ tám diễn ra Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul, kể từ dấu mốc đầu tiên là năm 2000. Liên hoan được tổ chức với mục đích dùng nghệ thuật truyền thông để tái hiện và suy ngẫm dưới góc nhìn mỹ thuật, văn học những khía cạnh đa sắc màu của thủ đô Seoul, nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất Hàn Quốc.

Ông Park Chan-kyung, đạo diễn nghệ thuật của Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul 2014, chia sẻ: "Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul là liên hoan lớn nhất ở Seoul diễn ra hai năm một lần. Số lượng tác giả tham gia từ trước tới nay đã lên tới hơn một nghìn người. Theo quá trình phát triển, họ đã trở thành những tác giả nổi tiếng thế giới và tên gọi của liên hoan cũng mở rộng ra tầm vóc quốc tế. Có thể nói khái niệm “truyền thông” đã thành quen thuộc khi mọi người đều sử dụng smartphone để nghe nhạc, hay xem phim. Do đó có thể nói, nghệ thuật truyền thông là sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ điện tử để truyền tải những thông điệp đa dạng về cuộc sống, để phản ánh những giá trị nghệ thuật đặc sắc."

Trải qua 14 năm phát triển, Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul đã khẳng định tiếng nói riêng trên sân khấu quốc tế và chủ đề chính của liên hoan lần này là “châu Á”. Đạo diễn Park Chan-kyung giải thích: "Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul năm nay lấy chủ đề là “Châu Á” xuất phát từ những tương đồng về điều kiện địa lý, tôn giáo cũng như những điểm chung về truyền thống văn hóa, lịch sử của các nước trong châu lục. Các nước châu Á cũng có nhiều kinh nghiệm chung trong quá trình chuyển mình từ cận đại sang hiện đại với những biến cố lịch sử quan trọng như chiến tranh chống chế độ thực dân, chiến tranh lạnh. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, khoảng cách giữa các nước trên thế giới đã được rút ngắn lại, nhưng trên thực tế lại rất hiếm có những triển lãm khai thác những khía cạnh tương đồng lịch sử phong phú giữa các nước châu Á."

Những nét lịch sử giống nhau được phân loại thành ba từ khóa lớn là “Ma quỷ, Gián điệp và Người bà” (Ghosts, Spies and Grandmothers), và triển lãm theo thứ tự từ tầng một đến tầng ba của Bảo tàng mỹ thuật Seoul. Đã có 42 đoàn nghệ thuật đến từ 17 quốc gia tham gia liên hoan với hơn 340 tác phẩm. Đạo diễn Park Chan-kyung cho biết thêm: "Chủ đề “Ma qủy” tập trung vào những câu chuyện lịch sử bên lề. Đó không phải là lịch sử trong sách giáo khoa, mà là lịch sử đã bị lãng quên hay bị chôn vùi trong quá khứ. Ai là người nắm giữ những mảng lịch sử đó? Phải chăng là ma qủy? Ma quỷ chính là hình ảnh ẩn dụ, gợi nhắc cho chúng ta về những điều con người hiện đại đã vô tình lãng quên hoặc đang khao khát kiếm tìm. Chủ đề “Gián điệp” tái hiện lại cuộc chiến tranh lạnh, một thời kỳ lịch sử các nước châu Á đã cùng trải qua, cũng như những khía cạnh “chiến tranh lạnh” tiềm ẩn nội tại giữa các quốc gia, dân tộc trong xã hội ngày nay. Hình ảnh “Người bà” tượng trưng cho người phụ nữ kiên cường, đấu tranh và trải qua thời đại của “ma quỷ” và “gián điệp” để tạo dựng nền văn hóa cho nhân loại. Đó chính là ý nghĩa ba chủ đề của liên hoan năm nay."



[Chủ đề "Ma quỷ"]Tầng một của triển lãm khắc họa dòng lịch sử nối dài cho đến tận thời đại ngày nay của nhiều quốc gia châu Á. Giữa đại sảnh của bảo tàng có trình chiếu tác phẩm “Bóng ma và vũ trụ” (The Spectre and the Sphere) của nữ nghệ sĩ Jesse Jones. Hình ảnh sân khấu trong đoạn phim là kiểu sân khấu nhà hát châu Âu đã lâu đời, cũ kỹ. Bà Jang Hye-jin, trưởng nhóm phụ trách triển lãm, giải thích: "Sân khấu trong tác phẩm trình chiếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời đại chủ nghĩa cộng sản còn bành trướng trên thế giới. Tuy hiện nay chỉ là rạp hát thông thường, nhưng trước đây thì địa điểm này là nơi tụ họp của nhiều nhà cộng sản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa. Họ phát biểu, diễn thuyết, đọc tuyên ngôn ngay trên chính sân khấu này. Tuy nhiên, có thể thấy trong thước phim, sân khấu hoàn toàn trống trải, hoang tàn. Những âm thanh đầy ma mị, nghe như tiếng người đang lẩm bẩm, phều phào. Âm thanh này tượng trưng cho những người cộng sản đã biến thành ma quỷ, tuy đã chết nhưng vẫn thao thao bất tuyệt về những điều chẳng ai còn nghe. Đây chính là hình ảnh biểu tượng cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trong dòng lịch sử nhân loại."

Qua đại sảnh đến khu trung tâm của tầng một, người xem sẽ bắt gặp một tác phẩm của Yang Hae-gue mang tên “Điêu khắc Âm thanh (Sonic Sculptures”. Đây là một khối sắp đặt giống hình cái cây có treo chi chít những hạt nhỏ màu vàng. Khi xoay trục giá đỡ, những hạt vàng lại đung đưa, nhún nhảy và phát ra tiếng kêu lúc lắc như đang chào mừng khách tham quan. Trưởng nhóm Jang Hye-jin cho biết: "Đây là một tác phẩm tái hiện năng lực kết nối giữa tác giả và ma quỷ. Tiếng các hạt vàng kêu tựa như ma quỷ xuất hiện khi lên đồng. Chúng ta hãy thử cùng nghe nhé!"

Sau tác phẩm với những chuỗi hạt vàng lóng lánh, người xem sẽ bắt gặp một khung cảnh được sắp đặt và dàn dựng giống như tòa án ngày xưa của tác giả người Nhật Bản Yuichiro Tamura. Bà Jang Hye-jin giới thiệu: "Không gian này có vẻ giống như trường học nhưng thực chất là tòa án tối cao của Gyeongseong (tên thủ đô Seoul dưới thời đô hộ của thực dân Nhật, từ năm 1910 đến năm 1945). Tác phẩm này đã một phần tái hiện lại lịch sử của Bảo tàng mỹ thuật Seoul. Đường vạch dưới đất này chính là khu vực tòa án những năm 1920. Để tái hiện được khung cảnh này, tác giả Yuichiro Tamura đã phải mất hơn một năm nghiên cứu, khảo sát và tìm kiếm các vật liệu xây dựng cùng thời và kết hợp thực hiện cùng những chuyên gia dựng bối cảnh trường quay. Tác phẩm tựa như một “cỗ máy thời gian” đưa ta trở về khung cảnh của những năm 1920 tại chính địa điểm này."

Khu đất của Bảo tàng mỹ thuật Seoul ngày nay, chính là nơi từng đặt Tòa án tối cao của Phủ tổng đốc thực dân Nhật cai trị và quản lý triều đại Joseon trên bán đảo Hàn Quốc. Tác giả đã tạo dựng lại khung cảnh tòa án tối cao dựa trên câu chuyện có thật về viên thông tín sứ, nay tương đương với đại diện ngoại giao, đã bị hạ cấp người Nhật Denjo Suzuki ám sát. Trên bức tường trung tâm có treo bức tranh được đặt tên bằng câu đối “Càn khôn thất sắc- Nhật nguyệt vô quang” (The World Has Lost Its Colors; The Sun and the Moon Have Lost Their Light) của tác giả Joo Jae-hwan. Cảnh vầng trăng rằm khổng lồ trên nền xanh lục cùng khu rừng đen tối bao quanh phản ánh hiện trạng của các nước trong khu vực châu Á.

Người dựng kế hoạch triển lãm của Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul, bà Lee Hyeon-in giải thích. "Họa sĩ Joo Jae-hwan là một trong những nghệ sĩ sáng lập nên phong trào “Hiện thực và phát ngôn” năm 1979. Ông đưa mỹ thuật đến gần với công chúng bằng cách sử dụng phong cách giễu nhại, châm biếm để phản ánh hiện thực. Tiêu đề tác phẩm tham dự triển lãm lần này của họa sĩ “Càn khôn thất sắc- Nhật nguyệt vô quang” có thể được hiểu là nếu trời và đất không còn thần sắc thì mặt trời và mặt trăng cũng mất đi ánh sáng. Đây chính là hiện trạng “đại loạn” với những tai họa liên tiếp xảy ra trong đời sống hàng ngày tại các nước châu Á hiện nay."

Một tác phẩm trình chiếu nghệ thuật của tác giả Nilbar Güreş người Thổ Nhĩ Kỳ mang tên “Bốt điện thoại ngoài trời” (Open Phone Booth) nói về bộ tộc thiểu số Kurds bị đàn áp, phải chạy lên vùng núi hoang sơ, thiếu thốn để sinh sống, mỗi lần gọi điện, người dân trong bộ tộc lại phải mang điện thoại di động lên tận đỉnh đồi cao để bắt sóng.

[Tầng hai: Những tác phẩm về tôn giáo châu Á]Đặc điểm nổi bật của tầng hai là trưng bày rất nhiều ảnh và video về các trường phái tôn giáo của châu Á. Trong đó, bức ảnh có tiêu đề “Nghi thức lên đồng của Hàn Quốc: Bà đồng 1978-1997” (From the series Korean Gut: Shamans 1978-1997) của nhiếp ảnh gia Kim Soo-nam đã khắc họa hình ảnh nguyên sơ của hình thức lên đồng “Gut”, một loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống của Hàn Quốc nhưng nay đã bị mai một. Trưởng nhóm Jang Hye-jin nói tiếp: "Ngày nay, người ta coi lên đồng là mê tín dị đoan và tìm cách bài trừ, nhưng nhiếp ảnh gia Kim Soo-nam đã tiếp cận, gần gũi với những người tham gia nghi lễ lên đồng để ghi lại những bức ảnh cuối cùng, nhấn mạnh khía cạnh học thuật của loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian này. Cũng thật thú vị khi chúng ta so sánh các tác phẩm của Hàn Quốc và Nhật Bản được sáng tác trong cùng một thời kỳ."

Về lĩnh vực video, tác phẩm “Kora” của nghệ sĩ Jawshing Arthur Liou tái hiện con đường hành hương dài 2.300 km của các tín đồ đạo Phật Tây Tạng từ thủ đô Lhasa lên núi Kailash. Tác phẩm này phản ánh quá trình đạo Phật Tây Tạng phát triển và phân tán ra khắp thế giới. Trong khi khách tham quan đang đắm chìm vào thế giới nghệ thuật và văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc của các nước châu Á, có một tác phẩm khác thu hút họ bằng âm thanh sôi động mang tên “Khu vực của các bà - Tiếng nói bên kia” (Grandmothers’ Lounge: From the Other Side of Voices) của tác giả Choi Sang-il và Kim Ji-yeon. Bà Jang Hye-jin cho biết: "Một trong những tác phẩm thu hút chú ý khách tham quan tại tầng hai là tư liệu âm thanh do những người phụ nữ cao tuổi thể hiện.

Các bà vừa hát, vừa chậm rãi kể lại những câu chuyện ngày xưa với giọng điệu trầm trầm, gợi nhớ về những kỷ niệm ấu thơ vốn đã ngủ quên ở một góc nào đó trong tâm hồn mỗi người.

[Các tác phẩm triển lãm tại tầng ba]Tầng ba đón khách tham quan bằng tiếng sóng biển rì rào với tác phẩm “Thợ lặn nữ Haenyeo” (SeaWomen)của tác giả Mikhail Karikis. Vốn là một nghệ sĩ hoạt động tại Anh, nhưng tác giả đã đến tận làng thợ lặn nữ Haenyeo của đảo Jeju để thực hiện những thước phim này. Âm thanh trong lòng biển là tín hiệu ngôn ngữ riêng của những Haeneyo khi lặn mình xuống biển cả. Với những âm thanh độc đáo này, tác phẩm vừa là lời ngợi ca, vừa là lời nhắc nhở phải giữ gìn những giá trị truyền thống của nghề “thợ lặn nữ” đang dần mai một ở đảo Jeju.

Người dựng kế hoạch triển lãm của Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul, bà Lee Hyeon-in cho biết: "Những thước phim tư liệu trong “Thợ lặn nữ Haenyeo” do chính tác giả trực tiếp khảo sát, tìm tòi trong quá trình sinh hoạt trên đảo Jeju. Đáng chú ý nhất là việc sử dụng tiếng đập trong nước để giao tiếp dưới lòng biển là một trong những khả năng đặc biệt của riêng cộng đồng nữ thợ lặn Jeju. Khi lặn dưới nước, các nữ thợ lặn vừa phải điều khiển nhịp thở để duy trì không khí, vừa sử dụng kỹ năng này để trao đổi thông tin, tín hiệu với nhau. Đây quả là điều đáng trân trọng trong xã hội Hàn Quốc vốn coi trọng nam giới và đề cao giá trị lao động của đấng nam nhi. Công việc của những nữ thợ lặn vừa vất vả lại luôn đối mặt với nguy hiểm nên cộng đồng này càng ngày càng bị thu hẹp trong xã hội ngày nay. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu trực tiếp phản ánh chủ đề “Người bà” của Liên hoan."



Tiếng thở dưới lòng biển sâu của những nữ thợ lặn vừa là lời cảnh báo về mối nguy hiểm luôn rình rập, vừa là tiếng nói yêu đời, khẳng định sức sống dẻo dai, kiên cường của người phụ nữ. Tiếng thở vừa là sợi dây sinh mệnh vừa là sợi dây sinh kế đem lại quyền tự chủ cho người phụ nữ trong xã hội trong nam khinh nữ xưa. Theo thời gian, những nữ thợ lặn trong tác phẩm nay đã là những bà lão, và họ chính là những chứng nhân sống động nhất cho thời đại vùng lên dành quyền tự chủ của phụ nữ.

Một trong những tác phẩm đặc sắc đặt tại tầng ba của triển lãm là bức ảnh chụp pho tượng đồng đặt ở châu Phi mang tên “Mansudae Master Class” của tác giả Che One-joon. Bức tượng một người đàn ông tóc xoăn, đeo kính, môi dày và tay phải giơ cao như vẫy chào là công trình kỉ niệm do công ty sáng tác Mansudae (Mansudae Art Studio) của Bắc Triều Tiên xây dựng. Bình Nhưỡng đang cố gắng khẳng định hình ảnh, vị thế về kiến trúc, điêu khắc của mình qua một loạt những tòa nhà, những bức tượng kỷ niệm dựng tại châu Phi. Đây cũng là những công trình gợi lên ý thức rõ nét nhất việc thế giới đang sống trong tình trạng phân tán và chiến tranh lạnh. “Mansudae Master Class” chính là tác phẩm tiêu biểu của chủ đề “Gián điệp”. Trưởng nhóm phụ trách triển lãm Jang Hye-jin nói: "Tác giả đã sang tận châu Phi để tìm hiểu về mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và châu Phi. Hiện tại Bình Nhưỡng đang kiếm tiền bằng cách xây dựng nhiều tượng đài cho các nước độc tài châu Phi. Tác phẩm đã phản ánh những đề tài mang tính chính trị, xã hội dưới con mắt nghệ thuật độc đáo. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu các ấn phẩm liên quan đến các công trình do miền Bắc xây dựng, sổ chấm công của những lao động Bắc Triều Tiên hay các bản vẽ xây kiến trúc được mang trực tiếp từ châu Phi về."

Một tác phẩm trình chiếu khác của tác giả người Úc Pilar Mata Dupont mang tên “Cái ôm lạ lẫm” (The Embrace) khắc họa hai người đang vòng tay ôm nhau nhưng biểu đạt hạnh phúc mất đi, chỉ còn lại sự khó chịu, bực bội trên khuôn mặt các nhân vật. Tác phẩm phản ánh thực chất tình trạng quan hệ của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Hai bức tranh “Bắc Triều Tiên A” và “Bắc Triều Tiên B” (A North Korea A, A North Korea B) của họa sĩ Choi Gene-uk lại vẽ nên khung cảnh hòa bình của hai miền Nam-Bắc. Một trong những nghệ sĩ Việt Nam góp mặt trong Liên hoan năm nay là nhiếp ảnh gia Trương Công Tùng với bức ảnh “Vườn ma thuật” (Magical Garden), gây sự chú ý với dải cầu vồng rực rỡ trải dài như được vẽ theo hình tay đưa của những người trong ảnh. Tác phẩm toát lên quan niệm của người Việt Nam rằng niềm tin sẽ chữa trị mọi vết thương trong thể xác và tâm hồn của lớp người hiện đại. Bà Jang Hye-jin tiếp lời"Địa điểm lấy làm bối cảnh trong tác phẩm “Vườn ma thuật” là nơi chụp được nhiều cầu vồng và người dân bản địa coi đó là hiện tượng thần bí. Nếu xem phim tư liệu có thể thấy người dân còn tắm gội nơi đầm sen này bởi họ cho rằng nước trong đầm có thể chữa trị mọi thứ bệnh trong cơ thể và tâm hồn con người." :

Liên hoan nghệ thuật Media City Seoul năm nay lại ghi thêm một dấu mốc mới với ba chủ đề “Ma qủy, Gián điệp và Người bà”, phản ánh những điểm tương đồng trong quá khứ và hiện đại của các nước châu Á. Mỗi tác giả đem đến triển lãm quan điểm nghệ thuật và phong cách thể hiện riêng, khiến người xem như đang đi dạo vào một vườn hoa, vừa gần gũi, lại vừa lạ lẫm, tươi mới.

Lựa chọn của ban biên tập