Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Phường nhạc nữ Palsandae với ước mơ hồi sinh

2014-09-30

[Sân khấu "Mupung" của phường nhạc nữ Palsandae]Tiếng kèn bầu Taepyeongso mở màn sân khấu trong tiếng vỗ tay hưởng ứng giòn giã như sấm của khán giả. Sân khấu càng lúc càng sôi động theo tiếng kèn, và hòa âm bốn bộ gõ Samulnori rộn rã. Tiết mục nằm trong Chương trình biểu diễn mang tên “Mupung” của phường nhạc nữ Palsandae. Trong đó có những động tác múa uyển chuyển nhẹ nhàng theo tiếng trống nhỏ Sogo và xoay đầu đội chiếc mũ tròn có gắn dải lụa Sangmo.

“Mupung” (Vũ phong), có nghĩa là “điệu nhảy của gió” được công diễn tại Nhà hát quốc gia Seoul từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 9. Đây là sân khấu tái hiện lại các tiết mục biểu diễn của phường nhạc nữ hoạt động rất sôi nổi khắp đất nước cách đây 50 năm. Có thể coi đây là báo hiệu cho sự hồi sinh của những đoàn nghệ thuật nữ tại Hàn Quốc.

Phường nhạc nữ đầu tiên tại Hàn Quốc được thành lập vào năm 1975 tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống Namwon với thành viên là các nữ nghệ sĩ có tuổi đời từ 15 đến 20 tuổi. Ông Kim Yun-tae, Trưởng đoàn phường nhạc nữ Palsandae, giới thiệu:"Trước đây, phường nhạc và gánh diễn truyền thống Pungmul vốn là sân khấu của riêng nam giới. Thời đó, mỗi địa phương đều có một phường nhạc hoạt động như một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, và dần dần được phát triển một cách chuyên nghiệp hơn. Thành phố Namwon thuộc tỉnh Bắc Jeolla vốn là nơi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống được phát triển và gánh diễn nữ đầu tiên có tên “Chunhyang” được thành lập và được đón nhận tích cực. Kế tiếp thành công của phường nhạc Chunhyang, các đoàn nghệ thuật nữ khác như Arirang, Baekgu, Jeonju lần lượt xuất hiện như măng mọc sau mưa."



[Những thăng trầm của phường nhạc nữ theo dòng lịch sử]Thông thường, khi nhắc đến phường nhạc thì người ta liên tưởng tới hình ảnh những nhạc công nam giới khỏe mạnh, làm chủ sân khấu và lôi cuốn khán giả bằng những động tác đầy dứt khoát và sôi động. Nhưng cùng với sự ra đời của các phường nhạc nữ, sân khấu gánh hát ngoài nét khỏe khoắn và mãnh liệt không khác gì các nghệ sĩ nam, lại có thêm những nét độc đáo riêng như các động tác tinh tế, vũ đạo đầy nhịp nhàng, uyển chuyển. Bởi vậy mà việc xuất hiện của các phường nhạc nữ đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Bà Lee Yeong-dan là một thành viên lứa đầu của phường nhạc Honam. Bà tâm sự mặc dù bị cha mẹ phản đối, nhưng bà đã đổi cả tên để được đứng trên sân khấu:"Tên tôi là Lee Yeong-dan nhưng ngày xưa tôi phải dùng tên là Lee Jeong-mi. Tôi bỏ nhà để gia nhập phường nhạc nên có thời gian cha mẹ còn đăng tin tìm người nhà mất tích trên báo. Thấy tôi phải trốn tránh để hoạt động nghệ thuật nên trưởng đoàn ngày đó đã đổi lại tên cho tôi là Lee Jeong-mi."

Chỉ cần một chiếc xe tải chở nhạc cụ, đạo cụ cần cho biểu diễn là một phường nhạc nữ có thể đi công diễn toàn quốc. Mỗi nơi họ dừng chân là khản giả lại vây quanh sân khấu đông nghịt như những đám mây. Ông Kim Yun-tae, Trưởng đoàn phường nhạc nữ Palsandae, cho biết: "Tên gọi là “phường nhạc” nhưng vào thời đó các nghệ sĩ đã không chỉ biểu diễn các giai điệu nông nhạc Nongak mà còn thể hiện nhiều tiết mục khác như diễn kịch, nhạc kịch, diễn trò để thu hút khán giả. Ban đầu các nghệ sĩ lấy lịch sử làm chủ đề và chất liệu để xây dựng các tiết mục, và dần dần nảy sinh nhu cầu tự sáng tác để tạo ra những tác phẩm mới."

Tuy nhiên, từ nửa sau những năm 1970, sân khấu của các phường nhạc nữ dần trở nên vắng khách do sự xuất hiện của truyền hình. Những nữ nghệ sĩ đành ngậm ngùi giấu đi niềm háo hức và lòng nhiệt thành với nghề, và chứng kiến sự giải thể của các phường nhạc năm 1979. Nhưng vào năm 2011, phường nhạc nữ lại được hồi sinh do công của nghệ sĩ múa trống nhỏ Sogo nổi tiếng Kim Yun-tae. Nghệ sĩ lớn tuổi nhất trong đoàn là bà Kim Jeong-suk. Bà gắn bó với phường nhạc nữ từ năm 13 tuổi và đến nay đã ở tuổi 60. Bà nói cảm thấy hạnh phúc, yêu đời hơn khi chứng kiến sự hồi sinh của đoàn nghệ thuật: "Các nghệ sĩ trẻ của đoàn kể từ lứa tuổi 10 cho tới 20 đều đã cùng sinh hoạt chung được ba năm. Chúng tôi cùng thức dậy vào lúc sáu giờ sáng, dành một tiếng để rèn luyện sức khỏe như đạp xe đạp, chơi bóng đá, sau đó là ăn sáng và luyện tập. Tất cả mọi người kể cả lớn hay bé đều phải tuân thủ theo lịch này. Lúc đầu tôi cũng lo ngại vì có nhiều em tuổi còn nhỏ nhưng khi nhìn các em sinh hoạt và luyện tập tôi thấy rất tự hào về các em."

Sau bao nhiêu thăng trầm, phường nhạc nữ Palsandae cũng tập hợp được 20 nghệ sĩ thuộc đủ các lứa tuổi khác nhau.. Sau bao nhiêu nỗ lực, họ đã gặt hái được thành quả đầu tiên khi được đứng trên sân khấu ra mắt tại Triển lãm thế giới Yeosu năm 2012. Bà Jang Bo-mi, người phụ trách hát, chia sẻ: "Phường nhạc của chúng tôi đã trưởng thành từ sau 400 lượt biểu diễn tại Triển lãm Yeosu. Ngày nào chúng tôi cũng có bốn suất diễn trong suốt 93 ngày diễn ra triển lãm. Sau đó, đoàn còn có cơ hội đứng trên các sân khấu quốc tế tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Paralympic Luân Đôn năm 2012, đi diễn vòng quanh châu Âu như Ý, Thổ Nhĩ Kỳ... Ở trong nước, chúng tôi cũng đi đến các thôn xóm, đem tiếng cười và niềm vui đến cho nhiều tầng lớp khán giả."

[Buổi biểu diễn của phường nhạc nữ Palsandae]Sau những kinh nghiệm dạn dày biểu diễn tại triển lãm, hay ở nước ngoài, phường nhạc nữ Palsandae có cơ hội thể hiện năng lực của mình trên sân khấu của Nhà hát quốc gia với chương trình tái hiện lại lịch sử phát triển của các đoàn nghệ thuật nông nhạc nữ. Với tâm nguyện thổi luồng gió mới vào những điệu nhảy, những giai điệu truyền thống, các nghệ sĩ phường nhạc nữ Palsandae đã biến hóa sân khấu dựa trên một cốt chuyện đầy màu sắc.

Buổi biểu diễn bắt đầu với điệu múa trống Buk Palsan, gánh hát Pungmul đến làng của Nhà hát quốc gia rồi xin phép lính làng vào diễn. Màn dạo đầu thật ấn tượng với cảnh các nghệ sĩ trình diễn ngay dưới khán đài rồi từ từ tiến lên sân khấu. Tiếp theo là năm nghệ sĩ khác đeo trống Buk, vừa gõ, vừa múa và khuấy động bầu không khí bằng những âm thanh giòn giã.

Kỹ thuật gõ trống của các nữ nghệ sĩ điêu luyện và hào sảng không kém gì các đấng nam nhi. Bên cạnh đó, những biểu hiện tinh tế, uyển chuyển lại làm nên nét đặc sắc rất riêng cho màn biểu diễn của phái nữ. Nữ nghệ sĩ Lee Yeong-dan cho biết: "Khi chúng tôi học gõ trống phong yêu Janggu, thì lúc đó việc cầm chiếc gậy đánh trống vẫn là chuyện quá xa vời với nữ giới. Lúc đó thầy chỉ dạy cho cách đánh trống thật mạnh và chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để học nhịp, học cách gõ trống thật vang. Chúng tôi được chỉ rằng khi tập phải quên đi thân phận nữ nhi, nghĩ mình là nam giới để học cách điều khiển nhịp trống. Bởi vậy mà các nữ nhạc công đánh trống phong yêu Janggu, phèng Kkwaenggwari rất mạnh, rất vang với kỹ thuật mà người chơi nữ thông thường khó có thể theo kịp."

Sau điệu múa trống Buk giòn giã là màn múa Binari, như một lời chúc phúc, nguyện cầu may mắn để cảm tạ khán giả tới cổ vũ cho phường nhạc nữ Palsandae. Điệu múa Binari mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, điềm rủi cản trở công việc hàng ngày và cầu xin phúc lành cho cuộc sống thanh bình, yên ấm. Đằng sau sân khấu vang lên tiếng trống Buk nhịp nhàng như đang gọi về điềm may và phúc lành. Trưởng đoàn Kim Yun-tae giải thích thêm về ý nghĩa đặc biệt của điệu múa Binari này: "Dạo gần đây tôi bắt đầu cầu nguyện để tỏ lòng cảm ơn trước sự hưởng ứng của đông đảo tầng lớp khán giả cho loại hình nghệ thuật này. Dường như chúng tôi đã được trời đất phù hộ. Tôi đã nghĩ là buổi diễn sẽ không có khán giả và còn đề nghị che đi một phần ghế trống, chỉ để lại các dãy ghế phía trên. Nhưng mọi chuyện quả như một giấc mơ khi khán giả đến kín 660 ghế, đặc biệt lại có rất nhiều những bạn trẻ đến xem. Dường như đây là thời đại khởi sắc của loại hình nghệ thuật nông nhạc cho những phường nhạc như chúng tôi."

Sau điệu múa cầu nguyện phúc lành Binari, phường nhạc nữ Palsandae thực sự thăng hoa với tiết mục Ochejil, điệu múa lên đồng sử dụng năm chiếc chiêng Jing làm âm sắc chủ đạo. Sân khấu dần rộn rã và nóng hừng hực với những màn xoay người, nhảy và quay liên tiếp nhiều vòng trên không của những nghệ sĩ gõ trống nhỏ Sogo. Trong tiếng trống ngày càng dồn dập, khung cảnh sân khấu trông giống như những đốm pháo hoa nở bừng giữa thinh không, khiến khán giả không tài nào rời mắt. Những nghệ sĩ gõ và múa trống nhỏ Sogo cũng trở nên hào hứng hơn trước sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Nghệ sĩ nhí 14 tuổi Park Geun-won chia sẻ: "Em thích các bước di chuyển của người gõ trống nhỏ Sogo, nhưng để thực hiện điều này chúng em đã phải huấn luyện thể lực vô cùng gian khổ. Múa Sogo không phải chỉ cần xoay đầu đội chiếc mũ Sangmo có gắn dải lụa một cách điêu luyện mà phải bật, phải nhảy và xoay nhiều vòng rất tốn sức. Chúng em phải rèn luyện thể lực để đẩy lùi nỗi sợ hãi, đá bóng để thắt chặt tinh thần đồng đội. Em mong nền nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai và mong có thêm nhiều người dân Hàn Quốc sẽ nhận biết và ý thức hơn về những giá trị nghệ thuật quý báu của dân tộc."



Không chỉ biểu diễn xuất sắc múa trống dân gian Pungmul, các nghệ sĩ của phường nhạc nữ Palsandae còn cất lên giọng hát dân ca ngọt ngào. Người hát Soriggun Jang So-mi đang trình diễn khúc “Nongbuga” (Khúc ca người nông dân).
Dường như cả nghệ sĩ và khán giả đã bị cuốn vào guồng quay rộn ràng của sân khấu, như đắm chìm say mê trong sự thăng hoa tột đỉnh của tiếng nhạc cụ, những động tác múa và giọng hát ngân vang. Khán giả đều thấy cảm động khi được thưởng thức hương sắc đích thực của nông nhạc truyền thống. Nhiều người chia sẻ:"Tôi thấy rất thú vị. Đoàn nghệ thuật nữ nhưng lại có phong cách trình diễn rất khỏe khoắn, đầy sức sống. Tôi cũng đã hòa theo không khí sôi động của từng tiết mục trên sân khấu."; "Lần đầu tiên tôi đi xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống do các nữ nghệ sĩ thể hiện. Tôi cảm thấy tâm hồn thư thái sau khi được trải nghiệm những âm thanh và điệu múa đa sắc, đa màu.";"Tôi thấy thán phục và kính nể khi xem người nghệ sĩ 60 tuổi biểu diễn."; "Tôi đã xem các nghệ sĩ nam của đoàn bốn gõ Samulnori của nghệ sĩ Kim Deok-su nhưng với buổi biểu diễn hôm nay, tôi lại cảm nhận được vẻ đẹp và sắc thái riêng của phường nhạc nữ."; "Nếu như nghệ sĩ nam đem lại cảm giác vững chãi thì các nghệ sĩ nữ lại khiến tiết mục uyển chuyển, bay bướm và đem lại nhiều cảm xúc hơn."

[Tâm tình người nghệ sĩ]Trải qua ba năm sinh hoạt và tập luyện chung, các nữ nghệ sĩ đang dần thực hiện ước mơ khôi phục lại phường nhạc truyền thống năm xưa và dường như họ đã tìm ra con đường nhanh tới đích. Nhưng không phải con đường nào cũng rải toàn hoa hồng, khi nghĩ lại quá trình luyện tập đã qua, đã có những lúc người nghệ sĩ muốn bỏ cuộc vì quá gian nan, khổ cực. Nghệ sĩ Jang Bo-mi chia sẻ: "Có ngày tôi muốn về nhà đến mấy lần, thậm chí bây giờ cũng vậy. Những khi bị thầy mắng tôi gói đồ để rời đi, nhưng rồi lại khóc cho đến sáng rồi lại dỡ đồ ra."

Ngày hôm nay, với chương trình biểu diễn tại sân khấu của Nhà hát quốc gia, các nữ nghệ sĩ đang mơ về một tương lai lâu dài và rộng mở hơn cho loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bà Kim Jeong-suk, nghệ sĩ cao tuổi nhất cũng không phải là ngoại lệ: "Trên thế giới, chỉ có duy nhất Hàn Quốc mới có loại hình biểu diễn truyền thống vừa đeo bên người chiêng Jing, trống phong yêu Janggu, trống nhỏ Sogo và vừa gõ, vừa múa, vừa hát. Người nghệ sĩ phải kết hợp rất nhiều động tác trên cơ thể, kỹ năng múa hát để gợi hứng, để thu hút khán giả. Năm sau là tôi tròn 60 tuổi, còn người bé nhất trong đoàn mới có 6 tuổi. Tôi cảm thấy hạnh phúc và khỏe khoắn, dẻo dai hơn khi được đứng cùng sân khấu với những lứa nghệ sĩ trẻ trung."

Phường nhạc nữ Palsandae với những ước mơ và hoài bão không bao giờ cạn dành cho nền nghệ thuật dân gian, đang hướng tới mục tiêu chính thức khôi phục hoạt động. Họ đang lập kế hoạch xây dựng một sân khấu cố định để có thể giao lưu và gặp gỡ với khán giả thường xuyên trong tương lai không xa. Tiếng trống của đoàn nghệ thuật nông nhạc nữ lay động bao trái tim, thúc giục chúng ta hướng tới bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Lựa chọn của ban biên tập