Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thăm vườn thực vật Hantaek

2014-10-07

[Lịch sử hình thành vườn thực vật Hantaek]“Cây này nhỉ? Hay cây kia? Đúng không? Con đọc thử xem đi!”. Mẹ và con trai đang trò chuyện trong lúc đi dạo, tìm kiếm các loài cây trong khu rừng. Địa điểm mà khách tham quan có thể tìm hiểu về thực vật thông qua những trò chơi, những thử thách thú vị này chính là vườn thực vật Hantaek, tại thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi.

Sự cạnh tranh, ganh đua quyết liệt trong xã hội ngày nay dần khiến tâm hồn, cảm xúc con người ngày càng chai sạn. Cũng bởi thế mà những công viên chủ đề sinh thái như vườn cây, vườn thực vật đang dần trở thành điểm đến ưa chuộng giúp "trị liệu" tinh thần cho con người thời hiện đại.

Với tổng diện tích 6.601.000㎡, vườn thực vật Hantaek đang bảo tồn hơn 12.000 loài thảo mộc trong và ngoài nước, và được mệnh danh là vườn thực vật tổng hợp lớn nhất phương Đông. Ông Lee Taek-joo, Giám đốc vườn thực vật Hantaek, cho biết:"Chúng tôi đã chọn lọc và phát triển 1.200 loài trong tổng số 4.900 loài thực vật trong nước. Đây đều là những thảo mộc tiêu biểu, quan trọng và có ích cho con người như những loài hoa đẹp, dược thảo, rau quả... Có thể nói vườn thực vật Hantaek có quy mô và hội tụ đầy đủ những điều kiện của một vườn thực vật tâm cỡ thế giới."



Thực vật ở đây được phân loại và chăm sóc trong 35 khu vườn theo chủ đề và tám nhà kính. Giám đốc Lee Taek-joo nói về ý tưởng ban đầu: "Lúc đầu tôi làm nông trại nhưng sau đó lại đổi sang trồng cây do thấy nhàm chán. Việc trồng cây cũng không đem lại nhiều thành quả nên tôi làm một chuyến sang châu Âu để tìm hiểu và thực sự bị ấn tượng với những vườn thực vật đa dạng, được xây dựng quy củ và có rất nhiều khách tham quan. Sau khi khảo sát, tôi còn được biết trong các nước thành viên Liên hợp quốc, chỉ có Hàn Quốc là không có vườn thực vật. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó mà tôi đã nảy sinh ý tưởng xây vườn thực vật, nhưng tôi không nghĩ là việc đó vất vả như thế này."

Ông Lee Taek-joo đã chuyển đổi từ nông trại sang vườn thực vật từ năm 1979 và bắt đầu đi khắp nơi trên toàn quốc để sưu tầm các loài hoa dại, vốn được coi là thực vật thuần chủng của Hàn Quốc. Ông chia sẻ: "Vào những năm tháng đầu, công việc sưu tầm vô cùng khó khăn vì thời đó chưa có một ai nuôi trồng thực vật sinh trưởng trong nước. Bởi vậy mà tôi phải dành rất nhiều thời gian để đi khắp nơi lấy giống, thu thập và chăm sóc các loài thực vật. Quá trình này vô cùng gian nan, vất vả vì mỗi giống cây có một đặc điểm sinh trưởng khác nhau, loài mọc ở núi Halla (đảo Jeju), núi Seorak ở tỉnh Gangwon, có loài mọc ngoài đồng, loài mọc dưới ao sen. Tóm lại, có thể khẳng định tôi là người đầu tiên sưu tầm giống và trồng các loài thực vật trong nước."

Trong suốt 20 năm đầu tư tâm huyết cho vườn thực vật, có những lúc ông Lee Taek-joo nản lòng muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, các loài hoa dại ngày càng được quan tâm và vườn thực vật của ông cũng dần được biết đến nhiều hơn. Năm 2001, Bộ Môi trường chỉ định khu vườn của ông Lee Taek-joo là nơi bảo tồn nhiều loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Năm 2002, vườn được công nhận là khu vườn thực vật quốc gia, và đến năm 2003 thì chính thức đổi tên thành vườn thực vật Hantaek và mở cửa cho công chúng.

Sau 35 năm xây dựng và phát triển, vườn thực vật Hantaek đã trở thành cuốn bách khoa toàn thư sống về các loài hoa dại Hàn Quốc. Thêm một điều tự hào nữa là vườn tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu trong nuôi trồng thực vật. Trưởng phòng Kim Jin-bong của vườn thực vật Hantaek giải thích: "Vì không sử dụng thuốc trừ sâu nên có thể nhìn thấy rất nhiều đom đóm, tôm càng hay cá tuế ở vườn của chúng tôi. Vườn thực vật không chỉ là nơi triển lãm phong phú các loài thực vật mà còn phải trở thành điểm thực hành sinh thái. Khi đến vườn thực vật của chúng tôi, du khách sẽ nhận thức được điều cơ bản rằng: bảo vệ thực vật không phải biến chúng thành những vật trang trí đẹp đẽ mà phải vun trồng làm sao cho thực vật cũng trở thành một trong những yếu tố làm nên môi trường sinh thái khỏe mạnh, và sinh trưởng hài hòa cùng với các loài côn trùng, động vật xung quanh."



[Hành trình tham quan vườn thực vật Hantaek]Thu sang với hoa cúc và lá phong đỏ, vườn thực vật Hantaek lại nhộn nhịp đón chào khách tham quan. Đi dọc theo hướng bên trái từ cổng chính, ta sẽ bắt gặp vườn mẫu đơn. Đây là khu vườn kỷ niệm giao lưu hợp tác với vườn thực vật Bắc Kinh và ươm trồng 350 loài mẫu đơn mộc và 80 loài mẫu đơn bụi do nước bạn quyên tặng. Ngoài mẫu đơn, vườn cũng trồng nhiều loài cây phong phú khác và luôn khoe sắc rực rỡ suốt từ mùa xuân cho đến hết thu. Đối diện với vườn mẫu đơn là khu vườn trồng toàn hoa diên vĩ và hoa xương bồ. Đi dọc hết khu vườn này theo con đường đá cuội, du khách nghỉ chân tại những chiếc ghế gỗ dài để tận hưởng mùa thu thăng hoa trong ánh nắng vàng rực rỡ.

Khu vực chính giữa được bài trí thành các luống cỏ với chiều dài 120m, chiều rộng 8m. Lấy cỏ làm chủ đề chính, nhưng xung quanh các luống đều phủ đầy với hơn 100 loài cây cỏ khác. Du khách ngẩn ngơ mải mê ngắm khung cảnh nên thơ có màu xanh của cỏ hài hòa với màu vàng nổi bật của hoa cúc. Trưởng phòng Kim Jin-bong cho biết:"Đây là địa điểm tổ chức nhiều triển lãm và sự kiện của vườn thực vật. Người ta hay gọi chung các loài cúc mọc trên núi là “deulguk”, nhưng thực ra không có loài hoa nào là “deulguk”. Trong số đó, có loài đang nở rộ nhất là cúc trắng Gujeolcho (cửu tiết thảo). Tương truyền loài hoa này sẽ hình thành đủ chín mấu (đốt, khúc) vào đúng ngày 9 tháng 9 âm lịch nên mới có tên gọi là “cửu tiết thảo”. Loài hoa này có trong danh sách những liều thuốc dân gian vì cánh hoa có thể ăn hoặc dùng pha chế trà hay thảo dược với công dụng lọc máu và giúp tinh thần sảng khoái, tỉnh táo."

Ngay bên cạnh bãi cỏ rộng là vườn thuốc Đông y với những loài thảo mộc thuần chủng vô cùng quý hiếm. Phía trước quảng trường cỏ là nhà kính hình lục giác rộng 891㎡, nơi ươm trồng hơn 150 loài thực vật của Úc và New Zealand. Trưởng phòng Kim Jin-bong giới thiệu tiếp: "Ngoài Úc ra, đây là nơi duy nhất trên thế giới trồng các loài thực vật đa dạng, độc đáo như bạch đàn, thứ lá mà gấu Koala rất thích ăn; cây tràm liễu; hay các em nhỏ lại rất thích thú với cây bao báp, loài cây đặc trưng của vườn thực vật Úc."

Rất dễ để tìm đến cây bao báp trong vườn thực vật Úc do phía trước cây có chiếc ghế gỗ và tượng hoàng tử nhỏ mời khách dừng chân chụp ảnh. Trưởng phòng Kim Jin-bong giải thích: "Cây bao báp này đã sống ở đây hơn 13 năm và có tuổi đời gần 100 tuổi. Cây có đặc điểm là rất cao và to, đặc biệt thân lại phình to ở giữa nên còn được gọi là “bình nước”. Không phải cây bao báp nào cũng phình to ở giữa, chỉ có cây bao báp ở Úc mới như vậy để chứa nước vào mùa mưa và lượng nước này sẽ giúp cây cầm cự trong suốt mùa khô. Lá bao báp rất giống cây liễu nên đây là loài cây có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh dù là trong điều kiện khắc nghiệt nhất."

Cây bao báp trong vườn Úc sống dai đến mức có đợt máy sưởi trong nhà kính bị hỏng khiến nhiệt độ tụt xuống âm 10 độ C. Rất nhiều cây bị chết nhưng bao báp vẫn kiên cường đứng vững và được mọi người yêu mến, khen rằng do đến Hàn Quốc nên cây học được tính cam chịu, bất khuất giống như thực vật bản địa. Người ta còn ưu ái đặt cho cái tên “cây nhập quốc tịch”. Trưởng phòng Kim Jin-bong đặc biệt khuyên du khách nên đến thăm vườn Úc vào mùa đông: "Nước Úc có mùa đối lập với Hàn Quốc. Nếu ta là mùa đông thì họ lại đang trong mùa xuân rực rỡ. Bởi vậy mà nếu đến vườn Úc vào tháng 2, tháng 3 sẽ thấy lá cây bao báp rất xanh và rất nhiều loài hoa đua sắc như cây tràm liễu, cây ân huệ (grace tree), ngân hoa..."

Cạnh vườn Úc là vườn Trung Nam Mỹ với hơn 400 loài xương rồng và thực vật đến từ vùng sa mạc, nhiệt đới và mạch núi Andes. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ ba loài cây lô hội nằm trong danh sách các thực vật có nguy cơ tuyệt chủng của Nam Phi. Ông Lee Taek-joo, Giám đốc vườn thực vật Hantaek, cho biết:"Lô hội vẫn được coi như một loài dược thảo, nhưng ở Nam Phi còn có cây lô hội rất to, cao và hình thù vô cùng độc đáo. Bởi vậy mà Cộng hòa Nam Phi đã đưa giống cây lô hội này vào danh sách các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi đã phải tốn nhiều công sức để đưa được loài cây quý này về."

Ngay dưới đài quan sát là vườn Amseok (Nham thạch), khu vườn chủ đề được thiết kế hài hòa giữa đá và cây. Được khởi công xây dựng từ năm 1998, vườn Amseok là vườn thực vật bằng đá đầu tiên tại Hàn Quốc. Vì được đặt tại nơi có địa hình cao nhất nên vườn chủ yếu trồng các loài cây có kích thước nhỏ, hay mọc trên núi cao. Ông Kim Jin-bong giới thiệu: "Hai chủ đề chính của vườn Amseok chính là đá và các loài thực vật. Khác với các khu vườn khác, nơi đây chỉ trồng các loài cây bé sống ở địa hình cao. Nổi bật là cây thông vàng (Taxus cuspidata Gold) hay mọc những chồi non màu vàng dịp tháng 4, tháng 5. Giờ là tháng 10 nhưng lá cây vẫn vàng rực rỡ và chỉ đến mùa đông mới trở về màu xanh đúng nghĩa."

Gần vườn Amseok là khu trồng cây Gyesu, một loại cây họ Liên hương tỏa ra hương sắc vô cùng ngọt ngào, hấp dẫn. Cây Gyesu luôn kích thích trí tưởng tượng của người Hàn Quốc lớn lên cùng bài hát thiếu nhi “Trăng bán nguyệt” (Bandal). Vào những đêm trăng sáng, nếu người Việt nghĩ thằng Cuội trên cung trăng, người Hàn hình dung ra cảnh chú thỏ đang giã gạo dưới gốc cây này. Tàu vũ trụ Apollo 11 được phóng lên không gian vào năm 1969 đã chứng minh mặt trăng không có người hay bất cứ sinh vật nào tồn tại, nhưng trong tâm hồn và ký ức của mỗi người Hàn Quốc, bao giờ cũng có một cây Gyesu đang tỏa bóng trên hành tinh này. Lá cây Gyesu có hình trái tim nên những đôi lứa yêu nhau còn ép lá này để tặng nhau với ước nguyện tình yêu đậm sâu, lâu bền. Bởi vậy mà vườn thực vật Hantaek còn đặt tên cho cây là “cây tỏ tình”.

Đi qua vườn Amseok, du khách sẽ bắt gặp vườn lá kim xanh mướt quanh năm và vườn Gyeryu, tức là suối chảy qua thung lũng. Đi dạo trên những con đường quanh co theo bờ suối, hai bên là hàng cây phong đỏ, du khách khoan khoái hít căng vào lồng ngực bầu không khí mát mẻ, trong lành của mùa thu. Quả không sai khi nói đây là địa điểm nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng lý tưởng cho con người trong xã hội hiện đại ngày nay.



[Các chương trình trải nghiệm tại vườn thực vật Hantaek]Đến vườn thực vật Hantaek, du khách không thể bỏ qua các chương trình trải nghiệm phong phú dành cho học sinh từ cấp tiểu học cho đến cấp phổ thông. Trong đó, chương trình du lịch sinh thái gia đình được đăng ký nhiều nhất vào dịp cuối tuần. Chương trình du lịch sinh thái gia đình tìm hiểu về thực vật thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, thử thách được giao. Bà Kim Yeon-suk, người phụ trách giáo dục của vườn thực vật Hantaek, cho biết: "Sau khi được giao nhiệm vụ và gợi ý các thông tin về thực vật, người tham gia sẽ đoán và tìm lời giải. Mỗi khi hoàn thành một thử thách, người chơi sẽ phải làm một bài thơ tứ tuyệt dựa vào tên của loài thực vật vừa tìm và được đóng dấu các loài thực vật quý hiếm trong vườn để nhận về lá hay chồi thay cho điểm thưởng. Cuối cùng, người chơi sẽ tham gia làm khung ảnh bằng chính những lá cây nhận được."

Nghe có vẻ dễ nhưng việc đi khắp cả vườn để tìm ra đúng loài cây được gợi ý trong câu hỏi không phải là điều đơn giản. Đây chính là cách vừa học, vừa chơi. Ai cũng mệt phờ khi hoàn thành xong bốn nhiệm vụ, nhưng hơn cả là niềm vui sướng, tự hào khi nhận được lời chúc mừng công nhận hoàn thành thử thách. Những người chơi chia sẻ:"Đương nhiên là mệt rồi nhưng tôi cảm thấy ấm áp và gần gũi hơn với gia đình khi vừa chạy vừa cầm tay những người thân yêu. Các vườn thực vật khác thường chỉ trồng nhiều hoa, nhưng nơi đây lại chủ yếu là các loài cây và cảnh vật đều rất tự nhiên, rất ít có sự can thiệp của con người. Bởi vậy mà không khí rất trong lành, giúp gia đình tôi giải tỏa mọi mệt mỏi, căng thẳng."; "Càng đi lên cao tôi càng thấy không khí thật tinh khiết, sảng khoái. Đường đi cũng không quá dốc mà được thiết kế vô cùng tiện lợi. Tôi đặc biệt thích mùi hương ngọt như đường tỏa ra từ cây Gyesu."; "Hoa cỏ, cây cối rất đa dạng, phong phú và không khí rất trong lành. Đây là là nơi nghỉ ngơi và nạp năng lượng lý tưởng cho cả thể xác và tâm hồn."

Đi dạo trong vườn thực vật Hantaek, tự lúc nào, du khách cũng trở thành con người của tự nhiên, bước chân dùng dằng chẳng muốn rời chốn thanh bình, yên tĩnh. Ngay cả những loài cỏ dại hai bên đường như cũng nở nụ cười ấm áp vẫy chào. Trọn một ngày du lịch sinh thái tại vườn Hantaek, ai ai cũng cảm thấy được nhận về thật nhiều, được giao cảm cùng thiên nhiên và tìm lại cho tâm hồn những khoảng lặng thư thái, tinh khiết nhất.

Lựa chọn của ban biên tập