Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Cây bám rễ sâu” - Vở ca vũ kịch về quá trình sáng tạo chữ Hàn Hangeul.

2014-10-14

[Ra mắt vở ca vũ kịch "Cây bám rễ sâu"]Vào ngày 7 tháng 10 vừa qua, sân khấu của Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul đã trở thành địa điểm họp báo giới thiệu vở ca vũ kịch “Cây bám rễ sâu”. Vì đây là buổi diễn kỷ niệm ngày mở cửa Bảo tàng Hangeul nhân ngày chữ Hàn Hangeul 9/10 nên đã có rất nhiều báo đài đến đưa tin về sự kiện này. Ông Kim Deok-hee, trưởng nhóm kế hoạch công diễn của Đoàn nghệ thuật Seoul, cho biết: "Đoàn nghệ thuật Seoul là tổ chức chính quy thuộc biên chế nhà nước, chuyên sáng tác và biểu diễn các tác phẩm ca vũ kịch mang tầm quốc gia. Chúng tôi đã không ngừng tìm đề tài để chuẩn bị công diễn kỷ niệm ngày chữ Hàn Hangeul 9/10 và khánh thành Bảo tàng Hangeul. Xa hơn, chúng tôi muốn thực hiện một tác phẩm để quảng bá Hàn Quốc ra sân khấu quốc tế. Thật may mắn thấy có tiểu thuyết “Cây bám rễ sâu” với nội dung hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí trên."

Vở ca vũ kịch mang tên “Cây bám rễ sâu”, tái hiện lại quá trình sáng tạo bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul, sẽ được công diễn từ ngày 9 đến ngày 18 tháng 10 năm 2014. Vở này được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Lee Jeong-myeong. Đây là một tiểu thuyết trinh thám lịch sử xoay quanh vụ giết người hàng loạt nhằm vào những học giả tham gia kế hoạch xây dựng hệ thống chữ viết mới đúng bảy ngày trước khi Sejong (Thế Tông) Đại đế ban bố cuốn “Hunminjeongeum” (Huấn dân chính âm), sách giới thiệu tổng thể về bảng chữ cái Hangeul vào năm 1446. Với lượng tiêu thụ hơn 700.000 bản, tiểu thuyết là một trong những ấn phẩm bán chạy nhất tại thời điểm phát hành và được tái hiện trên sân khấu kịch nói tại nhiều nơi trong và ngoài nước. Vào năm 2011, câu chuyện này đã được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên có tỷ suất người xem ở mức cao kỷ lục. Đây quả là một thử thách lớn với Đoàn nghệ thuật Seoul khi tạo dựng một vở ca vũ kịch dựa trên tác phẩm danh tiếng. Bà Jeong Hye-jin, đạo diễn nghệ thuật của vở diễn, kể về những trăn trở của các nghệ sĩ: "Để vượt qua cái bóng của cả kịch lẫn bộ phim truyền hình chuyển thể rất thành công, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để làm mới tác phẩm và đặc biệt là làm nổi bật lòng yêu nước, thương dân của Sejong Đại đế, cũng như lý tưởng của nhà vua về một quốc gia dân chủ thực sự. Bởi thế nên phụ đề của vở ca vũ kịch mới có tên là “Cuộc cách mạng bắt đầu từ trên xuống”."



[Điểm độc đáo của vở ca vũ kịch "Cây bám rễ sâu"]Lấy bối cảnh lịch sử là quá trình sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul, vở diễn đã tập trung xây dựng hình ảnh đầy nhân văn của vua Sejong, người luôn trăn trở về đạo đức, sứ mệnh của một nền quân chủ thực sự và con đường vì dân, do dân đúng nghĩa. Đạo diễn vở ca vũ kịch “Cây bám rễ sâu”, ông Oh Kyung- taek cho biết: "Hangeul không chỉ là một bảng chữ cái, một ngôn ngữ mới mà còn là một cuộc cách mạng thay đổi cả thế gian. Và người gây dựng cuộc cách mạng vĩ đại ấy không ai khác là vua Sejong với những đòn “cân não”, những trăn trở, giằng xé đầy nhân văn, đầy “tính người” nhất."

Để tái hiện lại quá trình hình thành cuộc cách mạng Hangeul “xây dựng nên thế gian mới”, vở ca vũ kịch “Cây bám rễ sâu” đã đi theo kết cấu một câu chuyện trinh thám với những tình tiết vô cùng căng thẳng, cam go. Ông Kim Deok-hee, trưởng nhóm kế hoạch công diễn của Đoàn nghệ thuật Seoul, chia sẻ: "Mọi người đều biết ai đã tạo ra bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul. Tuy nhiên, người ta lại không biết diễn biến sự tình cụ thể như thế nào. Và tác phẩm đã lựa chọn đi theo mạch trinh thám để tăng tính hấp dẫn, ly kỳ. Trong tác phẩm những học giả tham gia sáng tạo chữ cái mới bị giết hàng loạt, và trong quá trình lần theo dấu vết điều tra vụ án, cốt truyện hé lộ những thế lực ngầm chống đối sáng kiến của nhà vua, những mâu thuẫn giữa thế lực đại phu và phe mới nổi. Và mỗi lần đối đầu với thử thách mới, vua Sejong lại bộc lộ những khía cạnh nhân bản, trái tim và khối óc hướng về muôn dân, bách tính. Đi theo mạch truyện trinh thám này, vở diễn vừa lôi cuốn khán giả bởi những tình tiết hồi hộp, gay cấn, vừa đem lại những giây phút lắng đọng đầy cảm xúc."

Đạo diễn vở ca vũ kịch “Cây bám rễ sâu”, ông Oh Kyung-taek giới thiệu: "Ngay khi vở diễn bắt đầu, vua Sejong đã bị đặt vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhà vua đau lòng khi thấy cảnh người dân vô tội bị giết oan và đằng sau đó là tầng lớp đại phu bảo thủ, nhưng cảm thấy rất khó xử vì nhà vua cần những trí thức của chính những viên quý tộc đó. Vua Sejong càng nhận ra được tầm quan trọng của trí thức trong việc gây dựng đại nghĩa. Và ông nung nấu kế hoạch tạo ra chữ Hàn."

[Phần một: Những trăn trở của vua Sejong]Phân cảnh đầu tiên của vở diễn mở ra thật ấn tượng với hình ảnh vị vua đầy trăn trở, ưu tư khi bị giằng xé giữa một bên là bách tính, một bên là thế lực của tầng lớp đại phu. Những khối đồ được sắp xếp ngổn ngang trên sân khấu như càng làm rõ nét hơn tình cảnh tiến thoái lưỡng nan và sự cô độc khôn cùng của nhà vua. Ông Seo Beom-seok, diễn viên đảm nhiệm vai vua Sejong, chia sẻ: "Động cơ chính thúc đẩy nhà vua phải sáng tạo ra chữ Hàn là nhân dân. Một quốc gia có luật pháp, nhưng chữ viết lại là chữ Hán nên đa số người dân không có điều kiện học hành luôn phải chịu oan ức, chỉ có tầng lớp quý tộc luôn lợi dụng việc biết chữ để lách luật, thoát tội. Vở diễn bắt đầu bằng chính bối cảnh rối ren đó nhằm khắc họa chủ đề quan trọng xuyên suốt toàn tác phẩm: có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự ra đời của chữ Hàn, nhưng trên hết, vua Sejong ban bố hệ thống chữ viết mới là vì nhân dân, vì bách tính."

Vở ca vũ kịch “Cây bám rễ sâu” đưa vào một nhân vật mới không có trong nguyên tác là Kang Chae-yoon. Người này có vai trò quan trọng trong quá trình gỡ nút các manh mối của vụ án giết người hàng loạt. Diễn viên Kim Do-bin, người đảm nhận vai diễn này, cho biết: "Kang Chae-yoon từ nhỏ được người cô tên là Beo-kkeum nuôi nấng. Người cô này làm nô tì và sau đó bị chết oan ức dưới bàn tay của một tên quý tộc. Kể từ đó, anh ta ôm mối hận thù với nhà vua và tầng lớp quý tộc rồi giả làm thị vệ để vào cung. Về sau, chính Kang Chae-yoon là người có công lớn trong việc phò tá vua Sejong ban bố bảng chữ cái tiếng Hàn."

Vào cung với mục đích truy tìm sự thực về cái chết oan ức của người cô, nhưng khi học giả Jang Seong-su thuộc điện Jiphyeon (Tập Hiền Điện) lại bị phát hiện chết dưới giếng trong hậu viên cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), Kang Chae-yoon được phân công điều tra về nguyên nhân của cái chết này. Trong lúc Chae-yoon đang cùng những học giả khác dò tìm đầu mối và bắt đầu truy tìm phủ phạm thì lại tiếp tục có một loạt những vụ án giết người xảy ra trong cung. Tất cả manh mối thủ phạm để lại chỉ là bảng phép tính bị cháy, những vết xăm trên thi thể nạn nhân và cuốn sách Goguntongseo (Cố quân thống sự). Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Chae-yoon tình cờ được biết vua Sejong đang bí mật thực hiện kế hoạch sáng lập hệ thống chữ viết mới. Những cảnh mà hai nhân vật vua Sejong và Chae-yoon có mặt thì đều được xuất hiện ở góc sân khấu hoặc chỉ thấy bóng dáng họ để khán giả cảm nhận sự bí mật của quá trình sáng tạo chữ cái tiếng Hàn.

Để làm nổi bật khía cạnh nhân bản của vua Sejong, vở ca vũ kịch lần này được chia thành hai phần: phần một tái hiện cuộc gặp gỡ giữa Sejong Đại đế và Chae-yoon cùng những thử thách và trăn trở đặt ra cho nhà vua. Phần hai tập trung vào quá trình sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Hàn. Ông Kim Deok-hee, trưởng nhóm kế hoạch công diễn của Đoàn nghệ thuật Seoul, giải thích: "Chia làm hai phần nhưng câu chuyện về nhà vua không khô khan, cứng nhắc mà được tái hiện rất sinh động nhờ sự xuất hiện của nhân vật Chae-yoon. Lần theo hành trình truy tìm thủ phạm của Chae-yoon, ta khám phá ra bí mật của vua Sejong, rồi tiếp theo là mối quan hệ với Trung Quốc, những động cơ thôi thúc nhà vua sáng lập ra hệ thống chữ viết mới. Nội dung này được hé lộ cùng với tiến độ điều tra vụ án. Và lý tưởng, nguyện vọng sâu xa của vua Sejong được bộc lộ một cách tự nhiên ở phần hai của vở diễn."

[Phần hai: ban bố bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul]Trong quá trình sáng tạo chữ Hàn cùng các học giả ở điện Jiphyeon (Tập Hiền Điện), nhà vua đã phải chịu áp lực và mối đe dọa rất lớn từ phía nhà Minh và phe cầm quyền có vai vế trong triều đình. Phân cảnh nhà vua phải đối đầu với đám thích khách của nhà Minh thật cam go, quyết liệt chẳng kém gì trận đấu nơi chiến trường. Cảnh xung đột với bầy thích khách càng làm nổi bật sự chống đối gay gắt của những thế lực thù địch cũng như mối giằng xé dữ dội của vua Sejong. Đạo diễn Oh Kyung-taek giới thiệu tiếp: "Hangeul là hệ thống chữ cái khoa học được cả thế giới công nhận nên thay vì việc đề cao tính vĩ đại của chữ Hàn, tôi muốn lột tả những khó khăn, thử thách của vua Sejong với tư cách là người lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại những thế lực bảo thủ cùng tư tưởng Trung Hoa bao trùm lên xã hội Joseon thời kỳ đó. Đây là một cuộc đấu tranh đầy gian khó và đơn độc của vị hoàng đế sáng tạo ra bảng chữ cái Hangeul."



Bên cạnh đó, không phải tất cả các học giả của điện Jiphyeon cũng đều đồng lòng tán thành kế hoạch sáng lập chữ Hàn của vua Sejong. Ngay cả người đứng đầu điện Jiphyeon thời đó là đại học giả Choe Man-ri cũng cực lực phản đối kế hoạch này. Tuy nhiên, Sejong không hề nao núng, ông bí mật nghiên cứu hệ thống chữ viết mới cùng các học giả trẻ tuổi khác và tình cảnh bị cô lập khiến Choe Man-ri thêm oán hận nhà vua. Phải chăng Choe Man-ri chính là thủ phạm của vụ án giết người hàng loạt?

Thủ phạm giết người cũng chính là một học giả trẻ của điện Jiphyeon mang tên là Sim Jong-su. Trong khi tất cả đang nghi ngờ cho Choe Man-ri thì hắn đã bí mật câu kết với nhà Minh để ám sát các học giả khác. Vở ca vũ kịch “Cây bám rễ sâu” càng lúc càng đến hồi kịch tính. Cuối cùng sau bao nhiêu vất vả, thăng trầm thì vụ án cũng được làm sáng tỏ và vua Sejong đã hoàn thành được ước nguyện là ban bố hệ thống chữ viết mới. Đạo diễn Oh Kyung-taek cho biết:"Đây là cảnh tái hiện giây phút Sejong Đại đế ban bố chữ Hàn. Dàn hợp xướng thể hiện âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ. Từ trên cao, chúng tôi thả một trăm con bướm xuống sân khấu và màn hình trình chiếu hiện ra cả nghìn cánh bướm khác tạo nên hiệu ứng vô cùng kỳ ảo, tráng lệ."

Vào thời khắc Sejong Đại đế ban bố bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul, những cánh bướm bay khắp sân khấu và đậu lại nơi trái tim mỗi khán giả. Năm 1446, vào ngày bảng chữ cái Hanguel xuất hiện trước muôn dân, mọi trăn trở, suy tư của nhà vua dường như cũng tan biến.

Vở ca vũ kịch “Cây bám rễ sâu” dựa trên một sự kiện có thật trong lịch sử, nhưng đã làm giàu thêm quá khứ với hình ảnh vị hoàng đế đầy nhân bản và kiên định vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa bảng chữ cái tiếng Hàn đến với muôn dân. Xem vở diễn, ta càng thêm tự hào khi đang được thừa hưởng kho báu Hangeul quý giá và cảm động rưng rưng khi tri ân với tấm lòng vì dân, vì nước của vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử triều đại Joseon.

Lựa chọn của ban biên tập