Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

“Lễ nghĩa” và “Âm nhạc” trong chính trị của người phương Đông

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-04-03

Âm điệu ngàn xưa


Tư tưởng “lễ nhạc”

Xưa kia, tư tưởng chính trị cơ bản của người phương Đông là “lễ” và “nhạc” hay còn gọi là “tư tưởng lễ nhạc”. Ở đây “lễ” có nghĩa là “lễ nghĩa”, “nhạc” có nghĩa là “âm nhạc”. Nhưng không biết lễ nhạc thì có liên quan gì tới chính trị. 

Theo Nho giáo, “lễ” được dùng để phân biệt sự khác nhau, trân trọng sự khác biệt của nhau chính là mục đích của lễ nghĩa. Còn “nhạc” vốn bắt nguồn từ cảm hứng của con người và có sức mạnh hài hòa mọi sự khác biệt. Sống ở đời, người thì có vị trí xã hội cao, người lại ở địa vị thấp kém; có người giàu nứt đố đổ vách, tiền tiêu đến lúc chết cũng không hết, nhưng lại không ít người phải lo ăn từng bữa. Con người khác nhau về giới tính, suy nghĩ, văn hóa... và để tất cả mọi người đều có thể chung sống với nhau thì theo “lễ”, con người cần phải tạo dựng lề thói trật tự nhất định trong xã hội. Còn “nhạc” lại có sức mạnh dung hòa được mọi sự khác biệt. Chính vì vậy, người ta mới nói là “tư tưởng lễ nhạc”. Dưới thời đại Joseon, âm nhạc đã rất được coi trọng. Trong số những nhạc phẩm âm nhạc cung đình được lưu truyền cho tới nay thì nhạc phẩm Sujecheon (Thọ tế thiên) được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao nhất. “Thọ tế thiên” có nghĩa là “số mệnh tại trời, cầu tế để sống lâu trường thọ”

Khi nghe bản nhạc Sujecheon (Thọ tế thiên), các chuyên gia âm nhạc châu Âu phải thốt lên rằng đây là âm thanh của thiên đường được đưa xuống hạ giới, là liều bạc hà gột rửa cáu cặn của văn minh công nghiệp phương Tây. “Tư tưởng lễ nhạc” đã từng là nền tảng cơ bản của chính trị. 


Tư tưởng lễ nhạc trong thời đại Joseon ở Hàn Quốc

Trong thời đại Joseon ở Hàn Quốc, nhà vua Sejong (Thế Tông) là một vị vua có tài năng đặc biệt về âm nhạc. Jongmyojereak (Âm nhạc tế lễ tông miếu) được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, cũng là nhạc phẩm do vua Sejong (Thế Tông) đích thân sáng tác. 


Dưới thời hậu Joseon, Thế tử Hyomyeong (Hiếu Minh) con trai của vua Sunjo (Thuần Tổ: đời vua thứ 23 của triều đại Joseon) đã lên nắm quyền cai trị đất nước lúc mới 18 tuổi, do phụ hoàng lâm trọng bệnh. Lúc đương thời, triều đình nghiêng ngả vì bị lực lượng ngoại thích, tức người thân của họ ngoại nhà vua như gia tộc hoàng hậu, áp đảo. Thế tử Hyomyeong (Hiếu Minh) khi đó đã ra tay loại trừ những mầm mống gây họa cho triều đình và trọng dụng nhiều nhân tài mới. Để hòa hợp những người trong các phe cánh đối nghịch và những người chịu thiệt thòi, tổn thất, đối sách chính trị mà Thế tử Hiếu Minh thi hành lúc đương thời chính là “lễ nhạc”. Thế tử Hiếu Minh đã tổ chức yến tiệc trần duyên trong triều đình cho phụ thân và mẫu thân. Tại đây, thế tử đã cho trình diễn những bản nhạc và vũ điệu mới sáng tác. Trong đó, tác phẩm Chunaengjeon (Xuân oanh chuyển) do Thế tử Hiếu Minh sáng tác nhân dịp mẫu thân tròn 40 tuổi, vẫn còn được lưu truyền tới nay. Đây là điệu múa miêu tả hình ảnh của chú chim vàng anh bay nhảy giữa khóm liễu trong ngày xuân ấm áp. Trong điệu múa này, người vũ công trong tà áo vàng óng yêu kiều uyển chuyển như chim vàng anh nhảy múa trên chiếc chiếu cói dệt hoa. 

Xưa kia, người Hàn Quốc gọi vũ điệu cung đình là “Jeongjae”, âm Hán là “trình tài”, có nghĩa là “dâng hiến tài năng và kỹ nghệ”. Chunaengjeon (Xuân oanh chuyển) là vũ điệu “trình tài” duy nhất được trình diễn một mình. Do người vũ công chỉ biểu diễn trong phạm vi chiếc chiếu cói hoa, nên động tác vũ đạo không hào nhoáng nhưng lại đẹp hoàn mỹ và trang trọng. Trong vũ điệu này, động tác Hwajeontae (Hoa tiền thái) và Mirong (Mị lộng) là nổi tiếng nhất. Hwajeontae mang ý nghĩa chỉ tư thế trước loài hoa đẹp. Hoa đẹp đến mức không nỡ lòng động tay, người vũ công chắp hai tay phía sau, di chuyển uyển chuyển sang trái sang phải bằng cách nhón nhẹ lần lượt hai chân. Những lúc này, người vũ công khẽ nở nụ cười tủm tỉm. Và đây chính là Mirong. Có lẽ cách đây hơn 200 năm, khi Thế tử Hyomyeong (Hiếu Minh) sáng tác vũ điệu này, ông cũng đã tủm tỉm cười như vậy. Cũng dưới thời Joseon ở Hàn Quốc, khi các vị Quân vương vi hành ra ngoài cung điện, bao giờ cũng có đoàn nhạc tháp tùng. Thời đó, không mấy khi nhà vua ra khỏi hoàng cung để tiếp cận với bách tính, nên nghi lễ xuất cung vô cùng long trọng, hoành tráng. Đây cũng là một trong những hình thức biểu diễn phục vụ bách tính. Các nhạc gia vừa phải diễu hành, vừa chơi nhạc, nên đa số nhạc cụ được dùng là nhạc khí ống và nhạc cụ gõ. Trong số các bản nhạc được cử hành tháp tùng nhà vua xuất cung có khúc quân nhạc Daechwita là nổi tiếng nhất. Các nhạc cụ được dùng trong khúc quân nhạc này gồm có kèn sò Nagak, kèn hiệu Nabal, chiêng Jing, phèng Jabara, trống Buk, trống phong yêu Janggu và kèn bầu Taepyeongso. 


* Chương I nhạc phẩm Sujecheon (Thọ tế thiên)/dàn nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 

* Nhạc phẩm đệm cho vũ điệu Chunaengjeon (Xuân oanh chuyển) / Jeong Jae-guk (sáo trúc Piri), Park Yong-ho (sáo trúc ngang lớn Daegeum), Jeong Su-nyeon  (đàn nhị Haegeum) và Kim Gwang-seop (trống phong yêu Janggu)

* Khúc quân nhạc Daechwita / nhóm nhạc truyền thống Puri 

Lựa chọn của ban biên tập