Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Khúc hát Changbutaryeong và Ipsanga trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-10-03

Âm điệu ngàn xưa

Khúc hát Changbutaryeong và Ipsanga trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Khúc hát Changbutaryeong do danh nhân Jeon Tae-yong thể hiện

Trong làng âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, có những nghệ sĩ giỏi cả đàn và hát, hay giỏi cả hát lẫn nhảy múa. Nhiều khi tài năng nghề tay trái còn lừng lẫy tiếng tăm hơn cả nghề chính. Danh nhân Jeon Tae-yong là một trong số những tài năng này. Danh nhân Jeon Tae-yong sinh ra và lớn lên ở vùng Yeongjong, tỉnh Gyeonggi vào đầu những năm 1920. Năm 15 tuổi, ông bắt đầu dấn thân vào con đường âm nhạc truyền thống và trở thành một trong những cây đại thụ của dòng âm nhạc múa hát lên đồng. Ngoài đàn nhị Haegeum, ông còn có thể chơi thành thục nhiều loại nhạc cụ như sáo trúc dọc Piri, sáo trúc ngang lớn Daegeum, chiêng Jing. Nhắc tới danh nhân Jeon Tae-yong, người đời thường nhớ ngay tới nhạc phẩm “Changbutaryeong” do ông trình diễn. Danh nhân Jeon Tae-yong ít khi hát trên sân khấu chính thức nên không nhiều người biết về tài năng ca hát của ông. Thường thì sau khi chiếu đồng kết thúc, người ta hay tụ tập ăn uống ca hát. Tại đây, một người tình cờ mời danh nhân lên hát, và chính khúc ca mà ông cất tiếng là “Changbutaryeong”. Khâm phục tiếng hát của ông, một số người đã ghi âm tại hiện trường và chính bản ghi âm này sau đó được phát hành thành đĩa hát. 


Xưa kia ở Hàn Quốc, mỗi khi nhà nào có cỗ bàn ma chay cưới hỏi là mọi người trong xóm lại xúm tới mỗi người giúp đỡ một chân một tay. Xong việc thì mọi người cùng vui vẻ ăn uống, tùy hứng ca hát và nhảy múa. Và khúc “Changbutaryeong” do danh nhân Jeon Tae-yong hát đã mang lại đúng bầu không khí nhộn nhịp này, không cần phải hát quá chuyên nghiệp, mà mộc mạc, theo hưng phấn của bản thân. “Changbutaryeong” vốn là một ca khúc vừa được hát vừa được biểu diễn kèm vũ điệu trong các nghi lễ cúng lên đồng của vùng Seoul và Gyeonggi. Chiếu đồng Gut thường được các bà đồng cầm trịch, nam giới chủ yếu là những người tấu nhạc phụ họa. Trong các vị thần được thờ cúng ở tín ngưỡng này, “Changbu” được coi là vị thần của các nhạc công và “Changbutaryeong” là bài hát cúng tế thần Changbu. Có lẽ vì là nhạc công chuyên nghiệp của dòng âm nhạc cúng tế lên đồng nên hơn ai hết danh nhân Jeon Tae-yong đã có thể biểu diễn tốt nhất ca khúc này. Dần dà khúc hát cúng tế lên đồng “Changbutaryeong” được các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trình diễn trên sân khấu. Giờ đây, “Changbutaryeong” được kế truyền như một làn điệu dân ca Minyo tiêu biểu của vùng Gyeonggi. 


Khúc hát Ipsanga do thiền sư Gyeongheo (Cảnh Hư) thể hiện

Thiền sư Geyongheo (Cảnh Hư) là một nhân vật nổi tiếng sống ở thời kỳ hậu Joseon. Xuất gia từ năm lên 9, thiền sư Cảnh Hư thông suốt “Tứ Thư Tam Kinh” và “Kinh Luận”. Truyền rằng, một lần nọ trên đường lên kinh thành Hanyang (Hán Dương) để tìm gặp sư thầy, thiền sư Cảnh Hư gặp mưa bão lớn, lại đúng vào lúc dịch bệnh truyền nhiễm lây lan nên ngôi làng mà thiền sư đặt chân tới nhà nào nhà nấy đều cửa đóng then cài. Không xin ngủ nhờ được ở nhà dân, thiền sư đành phải nằm co ro run rẩy dưới một gốc cây suốt đêm trường mưa to gió lớn. Khi đó, thiền sư Cảnh Hư mới hiểu rõ về gang tấc giữa sự sống và cái chết ở đời. Trong số những lưu bút để lại cho đời của thiền sư Cảnh Hư có khúc hát “Ipsanga” (Nhập sơn ca), tức khúc hát lên núi. Khúc ca có đoạn:

Suy ngẫm thế gian vạn sự bỗng chợt tỉnh giấc mơ

Can qua thấy mình đang trong rừng thẳm

Tiếng suối reo, chim hót vọng từ xa

Bụi nho rừng, lý gai quấn thông cao vút

Dựng mái tranh vui vầy cùng bầu bạn

Khi ngâm thơ lúc thắp nén nhang thơm

Deongdeong deongdeong deong … chơi chưa thỏa


* Ca khúc “Changbutaryeong” / Jeon Tae-yong 

* Khúc ca “Changbutaryeong” / Lee Hee-moon và nhóm nhạc Jazz Prelude

* Khúc hát Ipsanga (Nhập sơn ca) / Kim Yong-wu

Lựa chọn của ban biên tập