Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc và văn hóa truyền thống trên đảo Jeju

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-11-10

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc và văn hóa truyền thống trên đảo Jeju

Những nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống trên đảo Jeju

Thưa quý vị thưa các bạn, Jeju là một hòn đảo tươi đẹp và có nhiều nét khác biệt so với những vùng đất liền khác ở Hàn Quốc. Đất đá ở đảo Jeju đều có màu đen do hình thành từ mắc ma núi lửa; cảnh quan thiên nhiên, hệ động thực vật, phong tục tập quán và ngôn ngữ ở đây cũng rất khác với đất liền. Nếu nghe các vị cao niên trên đảo Jeju nói chuyện thì ngay cả người Hàn Quốc từ đất liền cũng không thể hiểu được. Ngôn ngữ khác nhau nên câu ca tiếng hát cũng khác nhau. Từ xa xưa, ở Trung Quốc có câu “quất hóa vị chỉ”, tức “quýt bờ Nam mà đem trồng ở bờ Bắc song Dương Tử thì cũng thành chanh chúc (quất)”. Thế nên, trong số các giai điệu dân ca Minyo của đảo Jeju, có nhiều giai điệu được lưu truyền tới từ đất liền nhưng đều đã được cải biên cho phù hợp với thiên nhiên và con người xứ đảo. 

Trong liên khúc các làn điệu dân ca của đảo Jeju “Iyahong Taryeong”, “Seouje Sori” và “Neoyeong Nayeong”, giai điệu dân ca “Iyahong Taryeong” và “Neoyeong Nayeong” ca ngợi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ ở đảo Jeju vốn được sáng tác phỏng theo các khúc hát của phường nhạc Sadangpae hoạt động trên đất liền. Còn “Seouje Sori” vốn là khúc hát được hát trên chiếu đồng Gut. Là hòn đảo xa đất liền, thường xuyên phải đối mặt với giông tố bão bùng nên tín ngưỡng bản địa trên đảo Jeju rất đa dạng và ăn sâu bám chặt trong đời sống tinh thần của người dân đảo. Mỗi lần chiếu đồng Gut được cử hành thì thường kéo dài tới nửa tháng, nên có vô số các câu ca bản nhạc và vũ điệu được lưu truyền ở nơi đây mỗi khi cùng vui chơi hay lúc cùng làm việc. Có nhiều khúc hát trên chiếu đồng Gut được hát như dân ca Minyo, ví như khúc ca “Seouje Sori”. Còn “Geomjilsadae” là khúc ca người dân đảo Jeju hát khi làm việc. Ở đất liền, người Hàn Quốc gọi cỏ dại là “Gieum”, nói tắt là “Gim”, và việc “nhổ cỏ dại” được gọi là “Gim Maenda”. “Sadae” là câu hát người dân đảo Jeju hát khi đi làm cỏ. Bán mặt cho đất bán lưng cho trời là công việc muôn thuở của nhà nông nhưng làm cỏ dưới chảo lửa từ trên trời đổ xuống và hơi nóng hầm hập từ mặt đất bốc lên khiến nỗi khó nhọc của người nông dân tăng gấp bội, mồ hôi vã ra như tắm. Lúc này, khúc hát làm cỏ “Gimmaegi” như lời động viên, cảm ơn những người cùng đồng cam cộng khổ, cùng chung vai sát cánh bám đất bám vườn. 


Chiếc mũ Gat của giới quý tộc và học giả Hàn Quốc xưa kia

Gần đây, phim truyền hình Hàn Quốc được đông đảo khán giả nước ngoài quan tâm đón xem. Cùng với xu thế này, mũ Gat truyền thống của Hàn Quốc cũng được bán trên các trang thương mại điện tử trực tuyến. Gat là một loại mũ của nam giới mỏng nhưng cứng, màu đen và có vành rộng. Tuy là mũ nhưng Gat không dùng để che mưa che nắng hay giữ ấm, mà nó là biểu trưng của học vấn và giai cấp quý tộc ở xã hội phong kiến Hàn Quốc xưa. Mũ Gat mỏng và trong nên có thể nhìn được thấp thoáng gương mặt của người đội mũ, tạo hiệu quả thẩm mỹ. Nhưng cũng chính nét đẹp thẩm mỹ có vẻ huyền bí này đã khiến chiếc mũ Gat trở thành thứ đồ xa xỉ nhất của giới học giả Hàn Quốc xưa. Họ thường để tóc dài, búi tóc cao trên đỉnh đầu và dùng dải ruy băng quấn gọn quanh trán để cho các sợi tóc không rũ xuống mặt, sau đó mới đội Gat. Búi tóc của nam giới được gọi là “Sangtu” và dải ruy băng quấn cho gọn tóc là “Manggeon”. Ngoài vành mũ Gat được làm bằng nan tre mảnh, thân mũ Gat và dải ruy băng Manggeon và mũ Tanggeon đội bên trong mũ Gat đều được đan bằng lông đuôi ngựa hoặc bờm ngựa. Ở Hàn Quốc, đa phần ngựa đều được nuôi tại đảo Jeju nên việc làm chủ yếu của người phụ nữ trên đảo trong những ngày nông nhàn vào mùa đông là đan mũ Gat và dệt dải ruy băng Manggeon. 


* Liên khúc các làn điệu dân ca của đảo Jeju “Iyahong Taryeong”, “Seouje Sori” và “Neoyeong Nayeong” / nhóm nhạc Torys 

* Khúc ca “Geomjilsadae” / bô lão Go Seong-ok và nhóm phụ họa

* Khúc hát “Manggeon Jjaneun Sori” (Khúc ca dệt dải ruy băng Manggeon) / Park Jin-ah

Lựa chọn của ban biên tập