Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Trò chơi du thuyền cùng các khúc hát truyền thống ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2016-04-27

Âm điệu ngàn xưa

Trò chơi du thuyền cùng các khúc hát truyền thống ở Hàn Quốc
[Trò chơi du thuyền ở Hàn Quốc xưa kia qua các kiệt tác hội họa]
Tác phẩm Juyucheonggang (Chu du thanh giang) là một trong những kiệt tác hội họa của danh họa Shin Yun-bok hiệu Hyewon (Huệ Viên) sống dưới thời hậu Joseon vào thế kỷ thứ XVIII. Danh họa Shin Yun-bok nổi tiếng trong mảng tranh dân gian ghi lại cảnh đời sống thường nhật của bách dân thiên hạ lúc đương thời. Tựa đề của bức tranh Juyucheonggang (Chu du thanh giang) có nghĩa là du thuyền trên con sông có làn nước trong vắt. Trong tranh, một con thuyền có lọng che nổi bồng bềnh trên sóng nước, phía sau là cảnh núi rừng xanh thẳm, trên thuyền có các học giả và kỹ nữ, có hình ảnh một kỹ nữ đang thổi khèn bầu Saenghwang, một đứa hầu thổi sáo trúc ngang lớn Daegeum, một cô nàng ngâm tay trong dòng nước sông mát lạnh và một học giả bên cạnh đang đắm đuối nhìn nàng. Thời đó, những hoạt động này được gọi là Baetnori, tức là “trò chơi thuyền”, trong chữ Hán gọi là Seonyu âm Hán là “thuyền du”, tức “du thuyền”. “Du thuyền” ở đây không có nghĩa là chỉ ngồi yên trên thuyền ngoạn cảnh mà còn thưởng nhạc, làm thơ và vẽ tranh nữa. Trò du thuyền Baetnori thường diễn ra từ mùa xuân tới hết mùa thu và được coi là trò tiêu khiển cao cấp nhất lúc bấy giờ. Sứ giả của các nước khác tới Hàn Quốc cũng được triều đình chiêu đãi trò chơi du thuyền Baetnori. Đây còn là hình thức những người giàu có thể hiện quyền lực và tiền tài của mình.

Thường thì “khúc hát mạn thuyền” (Baetnorae) là tên gọi khúc hát của ngư dân trong khi đánh bắt cá hoặc khi chèo thuyền. Nhưng khúc dân ca “khúc hát mạn thuyền” (Baetnorae) của tỉnh Gyeonggi lại là khúc hát diễn tả cảm xúc hứng khởi cao trào của người chơi trò du thuyền Baetnori. Người Hàn Quốc có câu tục ngữ “Chức giám sứ Pyeongan mà còn không thích thì chịu rồi” ám chỉ ý nói rằng “dù có là việc tốt đến mấy đi chăng nữa nhưng người trong cuộc không thích thì cũng không thể ép buộc”. Địa danh có tên gọi Pyeongan được đề cập tới trong câu tục ngữ này là điểm giao thông qua lại giữa Trung Quốc và đất nước Joseon xưa kia. Pyeongan nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên. Nơi đây có nhiều mỏ bạc nên sầm uất và giàu có hơn kinh thành Hanyang (Hán Dương: là tên gọi cũ của thủ đô Seoul), và cũng vì thế nên cuộc sống phong lưu ở đây cũng rất phát triển. Tác phẩm hội họa có tựa đề Pyeongangamsahyangyeondo (Pyeongan giám sự hưởng yến đồ) của danh họa Kim Hong-do phác họa cảnh yến tiệc chào đón vị quan thống lĩnh tỉnh Pyeongan, trong đó có vẽ cảnh du thuyền trên sông dưới ánh trăng đêm Wolyaseonyudo (Nguyệt dạ thuyền du đồ). Nếu tác phẩm Juyucheonggang (Chu du thanh giang) của danh họa Shin Yun-bok miêu tả trò chơi du thuyền thanh cảnh của giới học giả thì tác phẩm Wolyaseonyudo (Nguyệt dạ thuyền du đồ) lại toát lên sự xa xỉ hoa mỹ đến cực độ trong trò chơi du thuyền của giới quyền lực. Trong tranh, hàng chục con thuyền có quân lính giương cờ xếp hàng đều tăm tắp đậu kín mặt sông Daedong, bên bờ sông hàng trăm ngọn đuốc cháy sáng rực trong đêm. Và sau hàng đuốc là hình ảnh người dân chen chúc nhau tới ngắm cảnh tượng hùng tráng này. Có lẽ đây là cảnh tượng mà cả quan thống lĩnh vùng đến những người dân thường hiếu kỳ tới thưởng ngoạn cũng không thể nào quên được.

[Trò chơi du thuyền đối với giới học giả và người dân chài]
Xưa kia đối với các học giả Hàn Quốc, trò chơi du thuyền Baetnori có ý nghĩa đặc biệt không bởi chỉ vì cảnh phong lưu của chuyến du thuyền mà vì đây còn là trò tiêu khiển hiếm có cơ hội được tham gia. Lý do là vì chi phí thuê thuyền, trang trí thuyền, chuẩn bị đồ ăn thức uống và thuê đám kỹ nữ phục vụ cho chuyến đi rất tốn kém. Thế nhưng đối với những ngư dân xóm chài, công việc đi thuyền hàng ngày của họ cũng chính là trò chơi. Khi chèo thuyền hướng ra sông ra biển, lúc tung lưới đánh cá, những câu hát tiếng hò luôn đồng hành với cuộc sống sông nước của họ. Khác với các học giả chỉ coi du thuyền là lối thưởng ngoạn cuộc sống phong lưu, đối vớinhững người dân chài, biển cả sông nước gần gũi với họ như lẽ sống hàng ngày, nhưng cũng mang sức mạnh thần bí bao la của tự nhiên. Tiếng hát cùng năm tháng thấm đẫm hơi gió biển, kể câu chuyện đời buồn vui của người dân sông nước.

* Dân ca Baetnore (Khúc hát mạn thuyền)của tỉnh Gyeonggi / Lee Geum-mi
* Tạp ca Seonyuga (Thuyền du ca) của vùng Gyeonggi / Im Jeong-nan
* Khúc hát Siseonbaetnorae (Bài ca tàu chở hàng) / Kim Yong-wu và nhóm phụ họa

Lựa chọn của ban biên tập