Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 1 : Hát vang bài ca mừng ngày độc lập

2015-01-06

Phần 1 : Hát vang bài ca mừng ngày độc lập
[Bán đảo Hàn Quốc giành độc lập]
Ngày mà hàng triệu người dân trên bán đảo Hàn Quốc mong mỏi sau suốt 36 năm sống dưới sự cai trị khắc nghiệt của đế quốc Nhật cuối cùng đã đến. Những âm thanh “muôn năm, muôn năm” ngập tràn niềm vui vang lên khắp bốn bề. Tất cả người dân trên bán đảo Hàn Quốc đều cầm trên tay lá quốc kỳ Taegeukgi mà họ đã giấu trong suốt thời gian dài, miệng hát vang bài quốc ca trong niềm vui ngày độc lập khao khát từ lâu. Đất nước của dân tộc Hàn đã hồi sinh, một chương mới trong lịch sử Hàn Quốc đã thực sự bắt đầu.

Vào 12 giờ trưa ngày 15 tháng 8 năm 1945, bài diễn văn tuyên bố đầu hàng dài gần 30 phút của Nhật Hoàng Hirohito đã được phát sóng trực tiếp trên toàn bán đảo Hàn Quốc. Bài diễn văn này cũng chính là lời kết cho sự tồn tại của đế quốc Nhật Bản khét tiếng một thời, đồng thời mở ra giai đoạn độc lập của bán đảo Hàn Quốc. Tuy 70 năm đã trôi qua nhưng với những nghĩa sĩ ngày ấy như Lee Ju-ho hay Jang Byeong-ha thì những cảm xúc của khi đó vẫn còn vẹn nguyên. Hai ông cho biết: Khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, các bạn tôi đã đến báo tin cho tôi. Đối với tôi mà nói thì ngày đó là ngày vui mừng không thể nói nên lời, một ngày cảm động vô cùng. Cái ngày ấy sẽ mãi là ngày duy nhất mà mọi người thức từ sáng cho đến đêm khuya không ai nói câu nào ngoại trừ những câu chúc mừng. Đó giống như là ngày tôi được sinh ra lần thứ hai vậy. Khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng thì tôi vẫn đang ở tù nên không biết được thông tin gì cả. Nhưng tôi cảm nhận được bầu không khí kỳ lạ khi nhìn ra ngoài cửa phòng giam. Cũng vào tối hôm đó, quản ngục người Hàn đến báo cho chúng tôi rằng Nhật Hoàng đã đầu hàng và bán đảo Hàn Quốc đã chính thức độc lập. Khi biết tin, tôi cứ đơ người ra, không thốt lên được lời nào. Nói thật, lúc đó tôi nghĩ cuối cùng cũng đã có đường sống và nước mắt cứ thế tuôn trào ra. Chúng tôi đã ôm nhau và khóc rất lâu.

Trên đây là “Bài ca bình minh” rà đời vào năm 1941 và đến sau giải phóng thì trở thành một bài hát được hầu hết dân chúng biết đến. Dưới thời kỳ thống trị của thực dân Nhật, người dân trên khắp bán đảo đã hát bài ca này như một biểu hiện của sự quyết tâm không bao giờ từ bỏ khát vọng độc lập. Và cũng như trong bài hát, khát vọng đó cuối cùng đã trở thành hiện thực. Giáo sư Park Chan-seung thuộc Khoa Lịch sử Hàn Quốc, trường Đại học Hanyang cho biết: Dưới thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc, đặc biệt là vào cuối giai đoạn này, dân tộc Hàn đã phải chịu rất nhiều thống khổ do đế quốc Nhật cưỡng chế, áp bức người và của, đẩy người dân đến cảnh khốn cùng. Không chỉ vậy, khi Nhật Bản gây chiến với Trung Quốc và Mỹ, Tokyo đã cưỡng ép rất nhiều người dân bán đảo Hàn Quốc tham gia vào đội quân của mình. Số người bị bắt đi lính khi đó ước tính khoảng gần 190.000 người, số người ra chiến trường phục vụ ngoài quân đội cũng lên tới 150.000 người. Ngoài ra, 1,12 triệu người bị huy động ra chiến tranh dưới danh nghĩa tình nguyện. Gộp tất cả lại thì tổng số người lên tới 1,5 triệu người.

Dựa trên số liệu tổng nhân khẩu mà Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc lưu trữ thì ước tính dân số bán đảo Hàn Quốc vào năm 1944 là 25 triệu người. Điều này có nghĩa là khoảng 6% dân số đã bị Nhật Bản ép tham chiến. Bên cạnh đó, đế quốc Nhật đã tiêu hủy hết các văn tự ngôn ngữ và lịch sử của triều đại Joseon, đồng thời cướp bóc hàng hóa và lương thực. Nghĩa sĩ đấu tranh vì độc lập, ông Jang Byeong-ha hoài niệm về tình hình lúc bấy giờ: Tất cả những gì được sản xuất trên bán đảo Hàn Quốc khi đó đều phải cống nạp cho cuộc chiến của Nhật Bản. Kể cả những đồ dùng hàng ngày của người dân như thìa muỗng hay các vật dụng bằng đồng cũng phải đóng góp để chế tạo vũ khí. Trường học bị biến thành trại huấn luyện quân sự. Thực dân Nhật không chú trọng giảng dạy mà cưỡng chế bắt ép học sinh phải tham gia huấn luyện quân sự, phục dịch quân đội cùng nhiều hoạt động tương tự.

Bên cạnh đó, đế quốc Nhật cũng thúc đẩy chính sách xóa bỏ chữ viết và ngôn ngữ Hàn Quốc. Nghĩa sĩ Kim Woo-jeon đã tận mắt chứng kiến điều này: Để đồng hóa dân tộc Hàn, đế quốc Nhật không những không cho dạy chữ Hàn Hangeul mà còn đóng cửa các cơ sở phát hành báo bằng tiếng Hàn. Chúng gọi tiếng Nhật là chữ quốc ngữ và bắt dạy tiếng Nhật tại trường học. Khi tôi học lớp 3 thì vẫn còn có môn tiếng Joseon, nhưng về sau môn học này đã bị xóa bỏ.

Bất chấp sự đàn áp dã man của thực dân Nhật, người dân trên bán đảo Hàn Quốc vẫn không vì thế mà chịu khuất phục. Các phong trào kháng Nhật, giải phóng tổ quốc ngày càng nổ ra rầm rộ. Giáo sư Park Chan-seung cho rằng phong trào kháng Nhật của nhân dân chính là động lực dẫn đến giải phóng đất nước: Hàn Quốc đã giành được độc lập vào ngày 15 tháng 8 năm 1945 nhờ vào sự giúp đỡ của Liên hợp quốc là điều không bàn cãi. Nhưng nếu không có những phong trào vận động độc lập của người dân diễn ra từ năm 1910 thì chưa chắc đã có kết quả này. Chính bởi người dân Hàn Quốc đã liên tục đấu tranh đòi tự do công khai, mạnh mẽ từ sau năm 1910 nên cộng đồng quốc tế mới biết được nguyện vọng và ý chí muốn giải phóng của nhân dân ta. Nhận thức được ách nô lệ mà nhân dân bán đảo Hàn Quốc đang phải chịu đựng trong Bản tuyên bố Cairo 1943, ba cường quốc Mỹ, Anh và Trung Quốc đã kiên định rằng bán đảo Hàn Quốc phải được tự do và độc lập. Do đó, có thể nói, chính phong trào vận động giành độc lập của người dân là nguồn sức mạnh chính để đất nước được giải phóng hoàn toàn.

[Nỗ lực xây dựng đất nước tự do độc lập]
Như vậy, độc lập trên bán đảo Hàn Quốc không phải là thứ cho không tặng không, mà là một kỳ tích lịch sử được tạo ra bởi phong trào kháng Nhật của toàn dân. Nó đã mở ra một giai đoạn mới cho dân tộc Hàn Quốc - giai đoạn xây dựng đất nước tự do độc lập. Sau giải phóng, xã hội trên bán đảo đã dần gột rửa sạch những tàn dư của chế độ thực dân Nhật và người dân nỗ lực xây dựng một chính thể thống nhất. Trong đó, thể hiện sự phát triển mau lẹ nhất chính là lĩnh vực văn hóa đại chúng.

Ca khúc giải phóng đầu tiên mang tên “Hãy mở bốn cánh cổng lớn ra” chứa đựng niềm vui vô hạn của người dân bán đảo Hàn Quốc trong thời khắc lịch sử tháng 8 năm 1945. Nhà bình luận âm nhạc đại chúng Lee Jun-hee hồi tưởng lại: Sự kiện giải phóng năm 1945 là điều mà hầu như không ai có thể dự đoán được, là một cú sốc đối với giới văn hóa. Mặt khác, nó cũng mở ra một thời kỳ mới đầy hy vọng cho dân tộc. Điều trước tiên có thể thấy là những khúc quân ca hay ca khúc cổ động do quân Nhật cưỡng ép người dân Hàn hát giờ đã không còn tồn tại nữa. Trong bầu không khí này, ca khúc “Hãy mở bốn cánh cổng lớn ra” đã ra đời, phù hợp với thời đại mới. Vốn dĩ ban đầu bài hát này mang tên “Bài hát của nhân dân”, được sáng tác vào khoảng cuối tháng 8 năm 1945. Ca khúc được lưu truyền đến bây giờ là theo nhạc phổ được phát hành sau đó. Ca từ của bài hát nói đến nhiều tầng lớp nhân dân từ người nông dân đến thanh niên học sinh, báo hiệu cho họ biết một thời kỳ mới của lịch sử Hàn Quốc đang tới.

Những giai điệu tựa như hành khúc mạnh mẽ, vang rền giúp chúng ta sống lại cảm giác phấn khởi và cảm động của người dân bán đảo Hàn Quốc tay nâng cao lá quốc kỳ, tràn ra mọi con đường sau khi đất nước giành được độc lập. Bài hát cũng cho ta thấy được ý nghĩa đích thực của giải phóng dân tộc, đó là được tự mình tạo ra một bài quốc ca cho dân tộc. Âm nhạc vừa giúp nối lại mạch văn hóa, vừa nối lại lịch sử, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc đã tưởng như bị đứt dưới thời kỳ Nhật thống trị. Cùng với đó, báo chí bằng tiếng Hàn cũng được hồi sinh, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc đã xuất hiện trở lại ở các trường học.

Như trích đoạn thời sự truyền đi vào tháng 8 năm 1945, những học sinh sinh ra trong thời kỳ mất nước, không được học chữ viết, ngôn ngữ của dân tộc thì sau giải phóng đã bắt đầu được sử dụng trở lại sách giáo khoa viết bằng chữ Hàn Hangeul. Nói cách khác, mạch tinh thần dân tộc bị đứt quãng giờ đã được nối lại.

[Các kiều bào trở về tổ quốc]
Ngay sau khi đất nước được giải phóng, các kiều bào sinh sống ở nước ngoài đã lần lượt trở về. Đặc biệt, những người bị cưỡng ép lao động, bị đày ra các công trường để khai khoáng phục vụ quân đội cũng được lên tàu trở về với quê hương của mình.

Trên đây là bài hát “Con tàu hồi hương”, một ca khúc quần chúng được hát với cảm xúc trào dâng của những người con xa xứ khi trở về tổ quốc. Bài hát đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng sau khi bán đảo Hàn Quốc giành độc lập, làm rung động hàng triệu trái tim. Nhà bình luận âm nhạc đại chúng Lee Jun-hee giải thích: “Con tàu hồi hương” được biết đến là được sáng tác ngay sau giải phòng. Trên thực tế thì tác phẩm này được công bố vào năm 1949. Tuy nhiên, nội dung ca từ lại mô tả rất chính xác cảm xúc của những người trên chuyến tàu trở về tổ quốc vào năm 1945. Những lời ca như: “Đã trở về, đã trở về, tìm lại sông núi quê hương, nhung nhớ biết bao - hoa dâm bụt Mugung - quốc hoa của dân tộc, nhung nhớ biết bao cờ thái cực Taegeukgi. Hải âu à, hãy cười lên, sóng biển à, hãy nhảy lên, mũi tàu hồi hương mang niềm hy vọng lớn”. Hoa Mugung, cờ Taegeukgi vốn là những hình ảnh, ngôn từ cấm kị trước năm 1945, nhưng khi đó đã được nói tới một cách thoải mái. Bài hát hàm chứa thông điệp về một thế giới tự do tươi sáng.

Sau ngày giải phóng bán đảo, ngoài những kiều bào ở nước ngoài, các chí sĩ, nghĩa sĩ tham gia phong trào kháng Nhật ngày trước cũng liên tiếp trở về. Vào tháng 10/1945, tiến sĩ Rhee Syng-man, Tổng thống của chính phủ lâm thời Đại hàn dân quốc thành lập ở Thượng Hải, cũng đặt chân trở về quê hương. Và 40 ngày sau đó, Kim Gu - Chủ tịch của chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc thành lập tại Trung Quốc cũng nối tiếp trở về Seoul.

[Vĩ tuyến 38 độ Bắc chia cắt hai miền Nam-Bắc]
Nhưng niềm vui giải phóng đất nước thật là ngắn ngủi, bởi vì sau đó Mỹ và Liên Xô, với danh nghĩa giải giáp vũ khí của quân Nhật đã chia cắt hai miền Nam-Bắc của bán đảo Hàn Quốc bằng cách thiết lập đường ranh giới quân sự ở vĩ tuyến 38 độ Bắc và đóng quân ở hai bên. Giáo sư Park Chan-seung của trường Đại học Hanyang nhớ lại: Liên Xô chính thức tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, đồng thời đưa quân xâm chiếm các khu vực phía Bắc của bán đảo Hàn Quốc ngay sau đó. Đây là nguyên cớ nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô trong việc đóng quân trên bán đảo Hàn Quôc. Cuối cùng, họ thương lượng và đi đến đồng ý phân chia bán đảo theo đường vĩ tuyến 38 độ Bắc, mỗi bên đóng quân ở một nửa. Kết quả là, Liên Xô ngừng tiến xuống phía Nam của vĩ tuyến 38 độ Bắc còn quân đội Mỹ đã ở lại Hàn Quốc từ ngày 8 tháng 9 năm 1945. Việc thiết lập đường ranh giới tại vĩ tuyến 38 độ Bắc là điều hoàn toàn bất ngờ đối với người dân Hàn Quốc. Thậm chí có những ngôi làng, ngôi nhà vì đường ranh giới này mà bị chia cắt từ đó đến nay.

Vĩ tuyến 38 độ Bắc vốn dĩ chỉ là một đường ranh giới quân sự tạm thời do Mỹ và Liên Xô vạch ra, nhưng qua thời gian, nó đã trở thành đường ranh giới chính trị chia cắt nhiều gia đình, cộng đồng người dân trên bán đảo Hàn Quốc.

Trên đây là bài hát về vĩ tuyến 38 độ Bắc với tựa đề: “Hãy biến mất đi, vĩ tuyến 38” của ca sĩ Nam In-su. Nhà phê bình âm nhạc Lee Jun-hee nói về bài hát: Ca khúc “Hãy biến mất đi, vĩ tuyến 38” được phát hành vào khoảng cuối năm 1947 hoặc đầu năm 1948, là một ca khúc rất thành công thời đó. Thực tế, mặt sau đĩa của bài hát cũng có ghi một ca khúc khác là “Ngàn dặm hy vọng”. Hãng phát hành ban đầu dự đoán bài đó sẽ ăn khách hơn nhưng hóa ra chính bài hát “Hãy biến mất đi, vĩ tuyến 38”, nói lên nỗi buồn chia ly, lại trở thành ca khúc nổi tiếng nhất. Điều đó cho thấy sự quan tâm lớn nhất của người Hàn Quốc khi đó chính là nỗi lo lắng đất nước sắp bị chia cắt hơn là niềm vui độc lập.

Như vậy, niềm vui độc lập sau 36 năm dưới ách thực dân còn chưa được bao lâu thì vĩ tuyến 38 độ Bắc đã đẩy cả dân tộc Hàn lâm vào tình thế hỗn loạn. Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc, vốn trải qua ách thống trị của thực dân Nhật với niềm tin tưởng vào nền độc lập, giờ đây một lần nữa được tỏa sáng. Tinh thần ấy được kết hợp với khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh đã làm nên những kỳ tích sau đó để đưa đến một Hàn Quốc phát triển thịnh vượng như ngày nay.

Lựa chọn của ban biên tập