Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 2: Thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc

2015-01-13

Phần 2: Thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc
[Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc ra đời]
Ngày 15/8/1948, sau ba năm bán đảo Hàn Quốc giành độc lập, Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc đã chính thức được thành lập. Buổi lễ tuyên bố đã diễn ra hết sức long trọng. Trong ngày này, Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là Rhee Syng-man đã đọc bản tuyên bố chính thức, với quyết tâm xây dựng một đất nước tự do và dân chủ. Tuyên bố này cũng chấm dứt thời kỳ chiếm đóng quân sự kéo dài ba năm của Mỹ và mở ra nền cộng hòa thứ nhất của lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 38 độ Bắc, hay chính là nước Hàn Quốc.

Mặc dù Chính phủ mới thành lập chỉ hoạt động ở phía Nam của bán đảo Hàn Quốc nhưng sự ra đời của nước Đại Hàn Dân Quốc cũng đánh dấu một trang sử mới, mang đến nhiều hy vọng cho nhân dân về một tương lai tươi sáng. Nghĩa sĩ đấu tranh vì độc lập, ông Jang Byeong-ha nói:
“Trước thời điểm đó, chúng ta chưa từng có một chính phủ thực sự. Chính bởi vậy nên người dân Hàn Quốc đã tràn ngập vui mừng và hy vọng khi ông Rhee Syng-man trở thành vị tổng thống đầu tiên. Nhân dân cả nước khi đó đều một lòng quyết tâm, đều mong mỏi cùng chính phủ xây dựng một đất nước giàu mạnh bằng nội lực của mình.”

Có thể nói, ước mong lớn nhất của người dân Hàn Quốc khi đó là đất nước trở nên giàu mạnh. Nhưng kể từ sau ngày giải phóng, với việc bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt, thì hai miền Nam và Bắc cũng đi theo hai con đường khác nhau và đối lập nhau về hệ tư tưởng.

[Phân chia lãnh thổ ủy trị trên bán đảo Hàn Quốc]
Ngày 28/12/1944, tức là chỉ còn mấy ngày nữa sẽ bước qua năm 1945, quyết định phân chia khu vực lãnh thổ uỷ trị đã được thông qua tại Hội nghị tam cường là Liên bang Xô Viết, Mỹ và Anh diễn ra ở Mát-xcơ-va (Nga). Giáo sư Park Chan-seung thuộc Khoa Lịch sử Hàn Quốc, trường Đại học Hanyang giải thích về quyết định này: “Ngay từ khi Thế chiến II còn đang diễn ra, Tổng thống Mỹ là Franklin Roosevelt đã đưa ra phương án phân chia lãnh thổ uỷ trị nhằm giải quyết những vấn đề đang xảy ra trên bán đảo Hàn Quốc lúc bấy giờ. Và sau khi chiến tranh kết thúc, vào tháng 12 năm 1945, phương án này đã chính thức được thông qua tại Hội nghị tam cường diễn ra ở Mát-xcơ-va. Theo yêu cầu của Liên Xô, kỳ hạn uỷ trị được đặt là năm năm. Tuy nhiên, việc quản lý lãnh thổ uỷ trị này sẽ được tiến hành như thế nào thì vẫn không đạt được thỏa thuận cuối cùng.”

Tin tức về quyết định phân chia lãnh thổ ủy trị trên đã làm rung động bán đảo Hàn Quốc. Nhân dân Hàn Quốc vừa mới thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật chưa được bao lâu thì nay đã phải đối mặt với nguy cơ mới là trở thành “thuộc địa” của nước khác dưới danh nghĩa “lãnh thổ uỷ trị”. Do vậy, tất cả các đảng phái hữu khuynh, tả khuynh khi đó đều đồng lòng chống lại quyết định nói trên. Ngay lập tức những gương mặt tiêu biểu của Chính phủ lâm thời đã phản đối và tổ chức biểu tình chống quyết định vô lý này của các cường quốc.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã đổi khác vào năm 1946. Phái cánh tả của miền Nam chỉ mấy ngày trước đó vẫn còn lớn tiếng phản đối việc bán đảo Hàn Quốc được uỷ trị, nhưng đến thời điểm này lại đột nhiên thay đổi thái độ. Sự thay đổi lập trường một cách đột ngột này đã một lần nữa đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn. Thậm chí sau đó, trong lễ kỷ niệm đầu tiên của Phong trào độc lập chống thực dân Nhật 1/3/1919, phái cánh tả và cánh hữu cũng tự đứng ra tổ chức riêng sự kiện có ý nghĩa to lớn này.

Thời gian trôi qua, sự đối lập giữa hai cánh tả-hữu ngày càng sâu sắc. Kết quả là vào ngày diễn ra lễ kỷ niệm phong trào 1/3 năm 1947, đã xảy ra vụ xung đột đẫm máu giữa hai phái khiến cho 16 người thiệt mạng. Trong khi đó thì trên thế giới, liên minh Mỹ-Xô cũng sụp đổ. Giáo sư Park Chan-seung cho biết: “Hội đồng liên minh Mỹ-Xô được lập ra với mục đích tránh cho bán đảo Hàn Quốc khỏi bị chia cắt và thành lập nên một Chính phủ thống nhất tại đây. Để đạt được mục đích này thì cả Mỹ, Liên Xô cùng các đảng phái chính trị ở hai miền đều phải đạt được một thỏa thuận thống nhất. Nhưng trải qua hai lần đàm phán trong các năm 1946 và 1947 tại Seoul, Mỹ và Liên Xô vẫn không thể tìm được tiếng nói thống nhất về việc quản lý vùng lãnh thổ ủy trị, thậm chí không thu hẹp được khoảng cách ý kiến về việc cho phép các đảng phái nào trên bán đảo Hàn Quốc tham gia vòng đàm phán. Cuối cùng liên minh Mỹ-Xô bị phá vỡ bởi vì Liên Xô muốn thành lập chính phủ thân Xô Viết trong khi Mỹ cũng muốn bán đảo Hàn Quốc có chính phủ ủng hộ Mỹ.”

Trong bối cảnh miền Nam trở nên hỗn loạn bởi sự mâu thuẫn giữa hai phái tả-hữu thì tại vĩ tuyến 38 độ Bắc, tình hình quan hệ giữa người dân hai miền cũng trở nên căng thẳng hơn. Tháng 9/1945, được sự hậu thuẫn của Liên Xô, với trang phục Đại úy Hồng quân Liên xô, ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đã tiến vào Bình Nhưỡng và thiết lập nên bộ máy chính quyền của mình. Giáo sư Im Hyeong-jin đến từ trường đại học Nhân văn thuộc trường Đại học tổng hợp Kyunghee nói“Miền Bắc có vẻ như đã có sự chuẩn bị từ trước. Ngay sau khi bán đảo Hàn Quốc được giải phóng vào 15/8/1945 thì tháng 9 năm đó, đại úy Kim Nhật Thành cũng trở về miền Bắc và thành lập ra Hội đồng nhân dân, hay nói cách khác là thể chế xã hội chủ nghĩa theo phương thức miền Bắc đang dần được hình thành. Một năm sau đó, vào năm 1946, miền Bắc cũng hoàn thành xong việc cải cách ruộng đất, tức là chia đất cho những người nông dân không có ruộng đất trước đó. Đương nhiên, với việc được chia ruộng đất như thế này thì người nông dân không ai lại không vui mừng mà ủng hộ chính quyền mới cả. Việc này cũng cho thấy chính quyền ông Kim Nhật Thành đã sớm vạch ra phương hướng xây dựng nền móng cơ sở vật chất cho việc hình thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, chính quyền miền Bắc đã có sự chuẩn bị cho việc xây dựng quốc gia mới một cách bài bản, với kế hoạch thực hiện hết sức tỉ mỉ.”
Sự đối lập của hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Trong bối cảnh này, sau khi liên minh Mỹ-Xô bị phá vỡ, Mỹ đã đưa vấn đề bán đảo Hàn Quốc ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Kết quả là Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết tổ chức tổng tuyển cử tại bán đảo Hàn Quốc vào tháng 2 năm 1948 dưới sự giám sát của một ủy ban Liên hợp quốc. Tuy nhiên, miền Bắc đã từ chối không cho ủy ban này vào giám sát cuộc tổng tuyển cử. Vào tháng 3 năm đó, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội tại miền Nam cũng được ban hành.

[Tổng tuyển cử đầu tiên tại Hàn Quốc]
Ngày 10/5/1948, cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra tại miền Nam bán đảo Hàn Quốc. Đây là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên nhằm chọn ra các đại biểu Quốc hội. Cuộc bầu cử diễn ra từ 7 giờ sáng cho đến 7 giờ tối và cuối cùng, đã bầu ra được 198 đại biểu nhân dân. Giáo sư Park Chan-seung nói: Tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 10/5/1948 là cuộc bầu cử phổ thông đầu tiên của Hàn Quốc. Nhiều quốc gia khác đã phải trải qua một lịch sử phức tạp để đi tới bầu cử phổ thông, nhưng tại Hàn Quốc cuộc bầu cử đầy ý nghĩa này diễn ra mà không kể nam nữ, không kể địa vị xã hội đã cùng nhau cầm lá phiếu trên tay để bầu ra người đại diện cho mình. Việc bầu cử này là chủ trương được đề ra từ năm 1919 khi chính phủ lâm thời Hàn Quốc được thành lập, cụ thể là sẽ tổ chức bầu cử ra Quốc hội khi đất nước được độc lập. Như vậy, bản thân từ “Quốc hội” cũng đã được sử dụng từ khi đó, hay nói cách khác, cuộc tổng tuyển cử năm 1948 chính là sự hiện thực hóa chủ trương nói trên.

Song song với việc bầu cử Quốc hội là thành lập Chính phủ mới. Ngày 31/5/1948, Quốc hội lập hiến đã công bố Hiến pháp và bầu ông Rhee Syng-man làm Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Hàn Quốc. Tiếp theo đó, vào ngày 20/7, thông qua cuộc bầu cử gián tiếp, ông Rhee Syng-man đã trúng cử và trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Đến ngày 15/8, nước Đại Hàn Dân Quốc đã chính thức xuất hiện trong lịch sử. Giáo sư Im Hyeong-jin phân tích: “Việc thành lập chính phủ có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Trong đó quan trọng nhất là việc người dân được tự do bỏ phiếu một cách dân chủ. Nó cho thấy việc thành lập chính phủ ở đây là do ý dân và là sự lựa chọn của người dân. Mặc dù vẫn còn có nhiều thế lực phản đối bầu cử nhưng chúng ta vẫn phải khẳng định đây là một cuộc bầu cử chính thống, một cuộc bầu cử thực sự của nhân dân.”

Có thể nói, việc thành lập một chính phủ do dân, của dân chính là điểm then chốt để miền Nam giải quyết được những vấn đề cấp thiết trên phương diện kinh tế xã hội, trên cơ sở đó xây dựng một nền móng đất nước vững mạnh.

[Miền Nam bắt tay vào xây dựng đất nước]
Việc đầu tiên mà chính phủ thực hiện, đó là cải cách ruộng đất. Vào lúc bấy giờ, nông dân chiếm đến 70% dân số và quá nửa số đó là bần nông. Do đó, lập trường của Chính phủ là coi cải cách ruộng đất như một vấn đề mang tính thời đại, bắt buộc phải giải quyết ngay thì mới phát triển được kinh tế xã hội. Chính phủ đã bắt đầu công cuộc cải cách này từ tháng 9/1948. Đúng như dự đoán, việc phân chia ruộng đất đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các địa chủ. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết tâm xúc tiến công cuộc này. Tháng 6/1949, Luật cải cách ruộng đất được công bố và vào tháng 3 năm sau đó, đã chính thức được áp dụng trong thực tiễn. Cụ thể là Chính phủ mua ruộng đất của địa chủ và bán lại cho nông dân, hay nói cách khác là thực thi chính sách “tịch thu đền bù, phân chia miễn phí”.

Thông qua những bản tin thời đó có thể thấy, nhờ vào cải cách ruộng đất mà hàng trăm hàng nghìn người nông dân cuối cùng đã được sở hữu mảnh ruộng của riêng mình.

Cùng với cải cách ruộng đất, Chính phủ Hàn Quốc cũng xúc tiến mạnh mẽ công cuộc cải cách giáo dục, mà mở đầu là việc xây dựng các trường học. Từ thời điểm sau khi đất nước được giải phóng đến năm 1952, chỉ tính riêng số trường tiểu học được xây dựng mới cũng đã tăng gấp đôi so với thời kỳ trước. Tháng 12/1949, Chính phủ ban hành Luật giáo dục trên tinh thần của Hiến pháp và ra quyết định phổ cập bậc giáo dục tiểu học gồm sáu năm học.

Giáo dục là con đường duy nhất để gột rửa nỗi đau quá khứ của dân tộc, và là sự đầu tư khôn ngoan để đưa đất nước tiến vào tương lai vững mạnh. Giờ đây, người dân đã không còn phải chịu sự giáo dục cưỡng ép thời thực dân Nhật và họ còn có thể đóng góp ý kiến của mình vào công cuộc đào tạo nhân tài mang tinh thần dân tộc cho đất nước.

Ngày 3/10/1949, ngày giỗ tổ Dangun Wanggeom lập nước trên bán đảo Hàn Quốc đã diễn ra tại núi Mani trên đảo Ganghwa với lễ rước đuốc. Với lễ kỷ niệm này, nước Hàn Quốc đã khôi phục lại lịch sử cổ đại của mình, bước qua những tàn tích “thuộc địa” để viết tiếp mạch lịch sử bị đứt đoạn và tìm lại niềm tự hào dân tộc.

Tiếp theo việc thành lập chính phủ tại miền Nam vào 15/8/1948, thì tháng 9 năm đó, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở miền Bắc cũng chính thức được thành lập. Bán đảo Hàn Quốc với một dân tộc thống nhất trong suốt hơn nghìn năm lịch sử giờ đây đã bị chia rẽ thành hai nửa, với hai thể chế chính trị, hai hệ tư tưởng đối lập nhau. Sự chia cắt đó đã để lại hậu quả sâu sắc cho đến ngày nay.

Lựa chọn của ban biên tập