Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 3: Chiến tranh Triều Tiên – cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”

2015-01-20

Phần 3: Chiến tranh Triều Tiên – cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”
[Quân đội miền Bắc tấn công miền Nam]
Các em học sinh đang trong kỳ nghỉ đông đã đến tham quan Bảo tàng Chiến tranh nằm tại quận Yongsan ở thành phố Seoul. Tại đây, các em được nghe kể về cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu bằng sự kiện quân đội miền Bắc vượt qua vĩ tuyến 38 độ Bắc tấn công xuống miền Nam vào ngày 25/6/1950. Sự kiện những người thuộc cùng một dân tộc lại chĩa họng súng, tàn sát lẫn nhau thì có lẽ vẫn là một điều khó hiểu với những tâm hồn trẻ thơ non nớt.

Chiến tranh Triều Tiên kéo dài trong ba năm, từ năm 1950 đến 1953. Tính đến nay đã 65 năm trôi qua, nhưng vết thương của cuộc chiến dường như vẫn còn hằn sâu trong ký ức của nhiều người. Mỗi lần nhìn lại nỗi đau và những tổn thất do chiến tranh gây ra cũng chính là một lần chúng ta nhận thức thêm tầm quan trọng của hòa bình.

Vào rạng sáng Chủ nhật 25/6/1950, quân đội miền Bắc đã tấn công miền Nam. Với mật danh “Bão tố”, cuộc tấn công trải dài trên toàn bộ đường biên giới, từ bán đảo Ongjin ở phía Tây đến Gaeseong, Chuncheon và Gangneung ở phía Đông. Tuy nhiên, tin tức về cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên không làm cho người dân miền Nam náo động, vì trước đó họ đã nhiều lần chứng kiến những cuộc đụng độ thường xuyên gần khu vực biên giới. Ông Lee Dae-yong, một trung úy thuộc sư đoàn 6 đã tham chiến và ông Cha Seung-hyun, một người tị nạn vào thời điểm đó, nhớ lại:
“Khi thức dậy, tôi nghe thấy tiếng súng nổ. Tôi đã nghĩ rằng đó là buổi tập luyện của đơn vị mình. Nhưng ngay sau đó có báo động tình trạng khẩn cấp. Cảnh báo như thế thường xuyên diễn ra trước đó bởi những người lính miền Bắc hay vượt qua biên giới vào ban đêm để tấn công chúng tôi, vì vậy tôi khá choáng váng khi biết chuyện gì đang thực sự diễn ra. Tôi nghe thấy tiếng đại bác, rồi sau đó người chú họ đến thăm nhà đã dặn chúng tôi đi vào trong nhà. Tôi hỏi tại sao, thì chú cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.”

Tình thế lần này không còn giống như những lần trước. Quân đội miền Bắc đã chuẩn bị hết mọi thứ và bắt tay cùng Trung Quốc và Liên Xô bí mật, từng bước tiến hành cuộc tấn công này. Giáo sư Im Hyeong-jin đến từ trường Nhân văn thuộc Đại học tổng hợp Kyunghee nói: “Chính quyền miền Bắc vin vào lập luận giải phóng dân tộc và cho rằng người dân miền Nam vẫn chưa được tự do. Vì vậy, sau khi thành lập Chính phủ, lãnh tụ miền Bắc là Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đã sớm từng bước chuẩn bị một cuộc tấn công vũ trang vào phía Nam vĩ tuyến 38 độ Bắc với khẩu hiệu giải phóng cho người dân miền Nam. Chính quyền Bắc Triều Tiên thậm chí còn bắt tay với Liên Xô, anh cả của khối Xã hội chủ nghĩa cũng như nhiều nước khác, để tìm kiếm sự ủng hộ. Ngày 30/3/1950, ông Kim Nhật Thành cùng với một quan chức khác của miền Bắc là Park Heon-young đã đến gặp nhà lãnh đạo của Liên Xô là Joseph Stalin. Tại đây, họ đã nhận được lời hứa của Stalin rằng sẽ chi viện cho Bắc Triều Tiên để tấn công miền Nam. Sau đó, vào tháng 5 năm 1950, lãnh đạo Bắc Triều Tiên thăm Bắc Kinh gặp với cả Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và cũng nhận được một lời hứa sẽ hỗ trợ cho cuộc chiến này.”

Cuộc nội chiến tồi tệ nhất của dân tộc đã bắt đầu như thế. Hàn Quốc đã đột kích khi không hề có một sự chuẩn bị trước nào. Quân đội miền Bắc tấn công dồn dập bằng xe tăng, pháo binh của Liên Xô, đẩy quân miền Nam lùi về phía Nam. Và Seoul đã bị chiếm chỉ trong vòng ba ngày. Một đoạn tin tức được sản xuất tại Bắc Triều Tiên đã miêu tả tình thế lúc bấy giờ như thế này.

Ngày 28 tháng 6, Seoul đã được giải phóng. Vào rạng sáng ngày 28, quân đội đã bao vây thành phố Seoul theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh quân đội nhân dân Triều Tiên, tiến vào trung tâm thành phố. Đầu tiên là chiếm Tổng cục trung ương Seoul của Chính phủ bù nhìn Rhee Syng-man và sau đó đánh chiếm đến các cơ quan trọng yếu khác như toà thị chính Seoul, cục cảnh sát, đài truyền hình, toà báo...

Cuộc sống của người dân miền Nam bỗng chốc rơi vào cảnh khốn khó. Thanh niên thì phải ra chiến trường, những người dân thường thì lo gói gém hành lý để đi tị nạn. Từng dòng người lưng đeo gùi, nắm tay gia đình mình kéo nhau đi tị nạn. Tiếng kêu gào thảm thương vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm. Ông Kim Sang-guk hồi tưởng: “Tôi dẫn theo đứa cháu nhỏ của mình, mang theo cả chăn nệm đi tị nạn lúc gần sáng. Mọi người không ai nói lời nào, âm thanh duy nhất trong khung cảnh lúc bấy giờ chính là tiếng bom rơi đạn nổ. Cuối cùng chúng tôi cũng lên được tàu hỏa, nhưng trên tàu chất đầy các vật to nặng nên chúng tôi phải leo lên phía trên để ngồi. Và tôi đã bị rơi xuống khi mà tàu hỏa bị đâm vào một đường hầm. Thật là may mắn tôi được một số người cứu và được đưa tới một căn nhà nhỏ ở gần đó để băng bó vết thương và nghỉ lại qua đêm. Ngày hôm sau, tôi trở lại nơi mình bị ngã xuống thì thấy cảnh tượng thật khủng khiếp với nhiều thi thể của những người cũng bị té như tôi, thậm chí có người thân thể còn không được nguyên vẹn.”

Hành trình của những người tị nạn khi đó thật trĩu nặng đau thương. Hàng nghìn gia đình phải rời bỏ quê hương, bị ly tán, nhiều đứa trẻ mồ côi bị mất cha mẹ vì chiến tranh. Không chỉ vậy, họ còn phải đau lòng chứng kiến cảnh người thân của mình ra đi trong mưa bom đạn lạc.

[Liên quân Liên hợp quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên]
Tin tức về cuộc chiến tại bán đảo Hàn Quốc lan rộng ra khắp thế giới. Đứng về phía lập trường của Hàn Quốc, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã họp vào ngày 26/6 và hai ngày sau đó đã thông qua một nghị quyết để cử quân đội Liên hợp quốc vào hỗ trợ Hàn Quốc. Giáo sư Im Hyeong-jin nói: “Mỹ đã hết sức bàng hoàng khi biết tin này vì không thể nghĩ rằng Bắc Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc như vậy. Theo đó, Mỹ đã gấp rút mở cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và chỉ một ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, tức ngày 26/6/1950, cuộc họp của Liên hợp quốc đã diễn ra với kết luận rằng Bắc Triều Tiên đã thực hiện hành động bạo lực, đi ngược lại mục tiêu tự do hòa bình của thế giới. Bởi vậy, để ngăn chặn hành động này, Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết đưa quân vào tham chiến dưới danh nghĩa của tổ chức này. Quân đội Liên hợp quốc bao gồm bộ binh, quân y đến từ 16 quốc gia, đứng đầu là Mỹ, đã tham gia chiến tranh vào ngày 17/7/1950.”

Tuy nhiên, tình hình càng lúc càng trở nên căng thẳng hơn. Sau một tháng tham chiến, vào tháng 8 năm 1950, quân đội Hàn Quốc và liên quân Liên hợp quốc phải lùi về vùng phía Bắc thành phố Daegu, đồng thời xây dựng tuyến phòng ngự sông Nakdong trải dài 240 km từ núi Masan đến khu vực Yeongdeok. Ngày 15/9, miền Nam đã tiến hành trận đánh đổ bộ Incheon nhằm đảo ngược tình thế chiến sự lúc bấy giờ. Ông Warren Wiedhahn, từng là binh nhất thuộc Hạm đội Hải quân số 1 của Mỹ khi tham gia chiến tranh nhớ lại:“Thời gian mực thủy triều khá thấp không còn lâu, nhưng tướng quân Mỹ Douglas McArthur đã quả quyết rằng chúng tôi sẽ đổ bộ thành phố Incheon thành công. Nhiều người cũng cho rằng chúng tôi đã gặp may. Miền Bắc lúc bấy giờ đang tập trung tiến quân vào Busan (miền Nam Hàn Quốc). Tướng quân McArthur đã cho quân đội đổ bộ đánh vào phía sau là thành phố Incheon (miền Trung bán đảo Hàn Quốc) để cắt đứt sự tiếp tế giữa lực lượng này với đội quân chủ lực đang tiến về Busan. Khi đó, quân đội miền Bắc giống như rắn mất đầu vậy.”

Dưới sự chỉ huy của tướng Douglas MacArthur, quân đội miền Nam với sự hỗ trợ của liên quân Liên hợp quốc đã giành chiến thắng. Một nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi này chính là nhờ chiến dịch đổ bộ vào vùng Incheon, nhờ đó đã mở ra con đường để trở lại Seoul cũng như cắt đứt đường tiếp tế của quân đội chủ lực miền Bắc. Cuối cùng, ngày 28/9, ba tháng sau khi cuộc chiến bắt đầu, Hàn Quốc đã giành lại được Seoul từ quân đội Bắc Triều Tiên. Thừa thắng, quân đội Hàn Quốc và liên quân Liên hợp quốc đã tiến công lên cả phía Bắc, tiến vào Bình Nhưỡng vào ngày 20/10/1950, sau đó tiến sát sông Apnok, biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, vào tháng 11. Việc thống nhất bán đảo Hàn Quốc chỉ còn là chuyện “một sớm một chiều”.

Tuy nhiên, điều không thể lường trước được đã xảy ra. Đúng lúc tình thế đang nghiêng về phía Hàn Quốc thì quân đội của Trung Quốc lại nhảy vào tham chiến. Đội quân của Trung Quốc đã vượt qua sông Apnok để hỗ trợ cho miền Bắc và kết quả là cuộc tấn công của miền Nam đã thất bại. Việc thống nhất bán đảo Hàn Quốc tan thành mây khói. Ông Francis Warlock Myers thuộc sư đoàn 3 của quân đội Mỹ khi đó kể lại: “Quân đội Trung Quốc luôn đánh vào ban đêm. Chúng tràn vào bất ngờ với súng ngắn cứ như nước triều đang lên. Chúng khua chiêng, thổi còi, gây ra nhiều tiếng động ầm ĩ để đánh lạc hướng. Trận đọ súng diễn ra rất quyết liệt. Chúng tôi sử dụng cả máy bay ném bom cũng như đại pháo để tiêu diệt mục tiêu. Nhưng mỗi lần chúng tôi tưởng đã tiêu diệt hết quân địch thì chúng lại tràn lên một lần nữa. Thậm chí đợt sau chúng còn không mang theo vũ khí mà tới lượm vũ khí mà nhóm trước để lại. Và rồi lại đến lần thứ ba, cứ như thế chúng liên tục đánh cả đêm.”

Sự can thiệp của Trung Quốc buộc quân đội Hàn Quốc và liên quân Liên hợp quốc phải rút lui về phía Nam vào ngày 4/1/1951. Nhiều người phản đối thể chế Bắc Triều Tiên đã phải đau đớn rời bỏ gia đình và quê hương yêu dấu ở miền Bắc trong giá lạnh của mùa đông để đi tìm miền đất tự do. Một người tị nạn kể:“Trên đường đi tị nạn từ Daegu đến Busan, tôi đã chứng kiến những cảnh tượng đau thương. Nhiều người bị thiếu ăn, không thể đi bộ bởi chân sưng quá đau, những em nhỏ chân được bọc bông chống lạnh và được cõng trên lưng nhưng vẫn bị tê cóng.”

[Hiệp định đình chiến trên bán đảo Hàn Quốc]
Chiến tranh càng kéo dài càng làm tăng số người thiệt mạng. Những quốc gia đã từng trải qua Thế chiến I và II đều rất lo ngại rằng cuộc nội chiến trên bán đảo Hàn Quốc có thể trở thành ngòi nổ cho chiến tranh thế giới tiếp theo. Bởi vậy, họ đã bắt đầu có những động thái can thiệp nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến.

Sau một năm xảy ra chiến tranh Triều Tiên, vào tháng 6 năm 1951, ông Yakov Malik, Đại sứ của Liên Xô tại Liên hợp quốc đã đưa ra đề nghị đình chiến. Thảo luận về việc đình chiến đã diễn ra trong gần hai năm và có lúc đi vào bế tắc. Trong suốt thời gian này, ở các vùng xung quanh khu vực đình chiến, những cuộc tấn công quyết liệt nhằm giữ và chiếm từng tấc đất vẫn diễn ra.

Ngày 27/7/1953, tại khu vực đình chiến Panmunjeom (Bàn Môn Điếm), hai bên đã chính thức ký hiệp định đình chiến. Như vậy, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài ba năm một tháng, cuối cùng vẫn không có bên nào giành thắng lợi hoàn toàn mà mới chỉ đạt được trạng thái đình chiến mà thôi.

Người cùng một dân tộc lại chĩa mũi súng vào nhau, cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc thật giống như một cuộc huynh đệ tương tàn và để lại vô vàn đau thương, mất mát. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng, đất nước thì bị tàn phá. Giáo sư Kim Young-myung thuộc Khoa Chính trị và Hành chính của trường Đại học Hanlim nói:“Cuộc nội chiến liên Triều đã để lại hậu quả to lớn. Hai thành phố trọng điểm là Seoul và Bình Nhưỡng bị tàn phá tan hoang. So với miền Nam thì miền Bắc chịu nhiều tổn thất hơn. Có khoảng 150.000 quân của miền Nam và hơn 200.000 quân của miền Bắc đã hy sinh trong chiến tranh. Con số thương vong của dân thường lại càng nhiều hơn, với 370.000 người miền Nam và 400.000 người miền Bắc thiệt mạng. Tính tổng số người thiệt mạng thì lên tới hơn 1,5 triệu người, còn số người bị thương là 3 triệu người. Ngoài ra, còn có khoảng 1,2 triệu người ở cả hai miền bị mất tích. Tuy con số có thể khác biệt đôi chút tùy theo tài liệu thống kê nhưng khi nhìn vào tỷ lệ so với toàn bộ dân số thì ta có thể thấy thiệt hại lớn như thế nào. Tổn thất về tài sản cũng rất khủng khiếp mặc dù hồi đó đất nước ta vẫn chưa phát triển lắm. Chiến tranh Triều Tiên có thể nói là cuộc chiến tranh gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới nếu ta nhìn vào tỷ trọng kinh tế hay tỷ lệ dân số.”

Chiến tranh Triều Tiên bắt nguồn từ sự khác biệt về ý thức hệ chính trị. Tuy cuộc chiến đã kết thúc vào ngày 27/7/1953 nhưng nó đã khiến cho hai miền càng chia rẽ hơn bởi nỗi đau và lòng thù hận. Giáo sư Kim Young-myung nói: “Chiến tranh làm cho sự chia cắt ngày càng sâu sắc hơn. Thực tế là Kim Nhật Thành tấn công miền Nam với mong muốn thống nhất hai miền để đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chính cuộc chiến này lại gây ra sự chia rẽ nặng nề, và không những thế còn làm cho tình trạng đối đầu giữa hai miền Nam-Bắc ngày càng xấu đi. Cuộc đối đầu này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, còn vĩ tuyến 38 độ Bắc thì trở thành giới tuyến. Có thể nói, sự đối lập của ý thức hệ đã gây ra biết bao nhiêu bất hạnh, đau thương trên bán đảo Hàn Quốc, trở thành một bài học cho thế giới. Và bản thân Hàn Quốc cũng phải trả cái giá vô cùng đắt cho điều này, một điều mà dân tộc Hàn sẽ vĩnh viễn không bao giờ được quên.”

Tiếng súng có thể đã dừng lại nhưng cuộc chiến thì vẫn chưa kết thúc thực sự. Hai miền Triều Tiên vẫn đối đầu nhau, vẫn liên tục có những cuộc khiêu khích xung quanh khu vực giới tuyến phi quân sự. Trên tất cả là nỗi đau, nước mắt của các gia đình ly tán bởi chiến tranh vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai, và trong tim họ vẫn hằng mong mỏi một ngày được đoàn tụ.

Lựa chọn của ban biên tập