Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 4: Khát vọng tự do và sự du nhập văn hóa Mỹ

2015-01-27

Phần 4: Khát vọng tự do và sự du nhập văn hóa Mỹ
[Hàn Quốc thay đổi khi chiến tranh kết thúc]
Vào chiều ngày 18 tháng 4 năm 1955, một buổi biểu diễn hợp xướng cùng dàn nhạc đã được tổ chức trang trọng tại Gyeongmudae (tên gọi của phủ Tổng thống khi đó). Người chỉ huy dàn nhạc chính là nhạc sĩ Ahn Eak-tai, tác giả bài quốc ca của Hàn Quốc. Ông đã trở về quê hương sau 25 năm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc ở châu Âu. Ông dẫn dắt dàn nhạc chơi bản nhạc do chính mình sáng tác mang tên “Korea Fantasy” (tạm dịch là “Hàn Quốc kỳ ảo”). Korea Fantasy là một bản giao hưởng đầy hào sảng nhằm khích lệ và cổ vũ người dân Hàn Quốc vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn thời hậu chiến.

Ngày sau hôm biểu diễn, tức là ngày 19/4, sân trước của Gyeongmudae, nơi sinh hoạt kiêm văn phòng làm việc của Phủ tổng thống, đã mở cửa đón công chúng vào tham quan. Đây là lần đầu tiên kể từ sau khi thành lập Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc, dinh thự của tổng thống lại cho phép người dân bình thường được bước chân vào. Đông đảo sinh viên, những người dân, và thậm chí cả những nông dân ở xa đã không quản ngại đường sá đến nơi này chỉ để tận mắt xem nơi ở của Tổng thống như thế nào.

Sau khi chiến tranh kết thúc, người ta đã chứng kiến sự thay đổi ở Hàn Quốc mà điển hình là nhu cầu tự do cá nhân ngày càng lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt, việc du nhập văn hóa Mỹ giống như những đợt thủy triều, càng làm thay đổi mạnh mẽ hơn xã hội Hàn Quốc. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-sik nói: “Sau khi chiến tranh kết thúc, Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn, với sự chạm trán của văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đặc biệt là văn hóa Mỹ được du nhập vào Hàn Quốc. Văn hóa Mỹ mà trọng tâm là những phong trào đòi tự do và đề cao cái tôi cá nhân nhanh chóng lan tỏa trong toàn bộ xã hội Hàn Quốc. Những giá trị nhân sinh quan và thế giới quan mới thâm nhập vào đã tạo nên sự mâu thuẫn giữa văn hóa truyền thống và hiện đại ở Hàn Quốc trong những năm 1950.”

[Tranh luận gay gắt về tiểu thuyết “Phu nhân tự do”]
Đầu năm 1954, chưa đầy sáu tháng sau khi cuộc chiến tranh liên Triều chấm dứt, xã hội Hàn Quốc bỗng xôn xao bởi sự ra mắt của cuốn tiểu thuyết “Phu nhân tự do”. Đây là tác phẩm của nhà văn Jung Bi-seok, được đăng dài hạn trên báo bắt đầu từ tháng 1 năm 1954. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-sik cho biết:“Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này là phu nhân của một giáo sư trên con đường tìm kiếm tình yêu mới. Vấn đề ở đây là cuốn tiểu thuyết xoay quanh một người phụ nữ đã có chồng với những hành vi vượt ngoài quan niệm đạo đức truyền thống. Việc một tác phẩm gây sốc như vậy được đăng nhiều kỳ trên báo chí chính thống thực sự là một sự kiện văn hóa đáng chú ý lúc bấy giờ. Tiểu thuyết “Phu nhân tự do” đã đi vào lòng người, truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim truyền hình, điện ảnh hay những tiểu thuyết sau này về đề tài hôn nhân và tự do yêu đương của phụ nữ.”

Tiểu thuyết “Phu nhân tự do” ra đời đã châm ngòi cho những cuộc tranh luận hết sức gay gắt. Người mở màn cho cuộc “khẩu chiến” này là Giáo sư Hwang San-deok thuộc trường Luật của Đại học quốc gia Seoul. Ông đã viết một bài phê bình mạnh mẽ cuốn tiểu thuyết này, đăng trên tạp chí số ra ngày 1 tháng 3 của trường Đại học quốc gia Seoul. Nội dung bài viết của ông có thể tóm gọn trong đoạn sau:

“Phu nhân tự do” không phải là một tác phẩm văn học. Việc cho phép đăng tải tiểu thuyết này nhiều kỳ trên các tờ báo của Hàn Quốc sẽ làm suy đồi đạo đức của giới trẻ. Không chỉ vậy, những điều vô căn cứ trong tác phẩm còn là tội ác không thể tha thứ được và là một sự lăng mạ văn hóa truyền thống của dân tộc đã được dày công xây dựng. “Phu nhân tự do” chính là kẻ thù sẽ phá hủy nền văn học nước nhà, vì vậy có thể coi nó tương đương với 500.000 quân lính Trung Quốc.

Thông qua một bài viết đăng trên Báo Seoul ngày 11 tháng 3, tác giả Jung Bi-seok bác bỏ lời phê bình cuốn tiểu thuyết của ông như kẻ thù của tổ quốc. Trong đó, ông nhấn mạnh rằng giáo sư Hwang San-deok đã không hiểu về văn học khi đưa ra những nhận xét như vậy. Sau đây là nguyên văn lời tác giả Jung Bi-seok nói lúc sinh thời: “Chưa có tác phẩm nào đăng báo lại chịu nhiều tranh cãi trái chiều như tác phẩm “Phu nhân tự do”. Vì tác phẩm này mà trong một thời gian dài, tôi đã nhiều lần bị cơ quan điều tra của Hàn Quốc gọi lên chất vấn, điều tra theo đơn thư tố cáo nào đó. Thậm chí tôi còn bị đe dọa, một ngày có khi phải nhận mấy lá thư nặc danh. Nhiều người đã hỏi địa chỉ để tìm đến nhà tôi, nhưng tòa báo nơi đăng tiểu thuyết đã không cho họ biết. Những rắc rối như thế này hiển nhiên sẽ khiến nhiều người bình thường phải lo lắng, hoảng sợ.”

Tranh luận gay gắt xoay quanh tiểu thuyết “Phu nhân tự do” đã diễn ra trong suốt một thời gian dài ở Hàn Quốc. “Phu nhân tự do” được dựng thành phim vào năm 1956 và nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Giống như tiểu thuyết, bộ phim đã khắc họa thành công thực trạng thời bấy giờ là xung đột giữa các giá trị luân lý đạo đức truyền thống và làn sóng văn hóa du nhập từ Mỹ với biểu tượng là những điệu nhảy hiện đại.

[Tiếp nhận văn hóa phương Tây]
Trong bối cảnh đất nước bị tàn phá, người dân phải chịu cảnh đói nghèo, thì Mỹ, một quốc gia giàu có đã viện trợ cho Hàn Quốc. Khi không có cái gì để ăn, thì những thỏi sô-cô-la hay những thanh kẹo cao su mà quân đội Mỹ phát cho đã trở thành ký ức ngọt ngào trong lòng nhiều người thời bấy giờ. Hai người bà nhớ lại. “Chỉ cần đi theo họ nói “Hello, hello” thì họ sẽ đưa cho nào là sô-cô-la, nào là kẹo cao su. Mỹ chi viện cho chúng ta mọi thứ như bánh kẹo, quần áo. Và nhờ vậy mà chúng ta sống qua đận khó khăn lúc đó.”

Những bảng hiệu bằng tiếng Anh như Tiệm chụp ảnh Okay hay cửa hàng nhạc cụ Modern xuất hiện nhan nhản trên các đường phố. Còn trong gia đình thì các sản phẩm của phương Tây như kem đánh răng Lucky ngày càng phổ biến. Và âm nhạc đại chúng cũng không phải là ngoại lệ. Tiếng Anh cũng xuất hiện tương đối nhiều trong ca từ bài hát, như một sự ngưỡng mộ về những quốc gia xa xôi như nước Mỹ.

Bên cạnh đó, nhiều ca khúc với giai điệu mới cũng ra mắt. Người ta nhún nhảy theo những giai điệu chưa từng biết đến trước đó như Tango, Mambo và Blues. Trước xu thế đó, một số người tỏ ra lo lắng về sự tiếp nhận văn hóa Mỹ một cách không chọn lọc trong xã hội Hàn Quốc. Thậm chí còn xuất hiện một số bài hát giễu cợt những người chạy theo lối sống của Mỹ.

[Sân khấu biểu diễn, thành tích thể thao an ủi người dân thời hậu chiến]

Giữa tình thế lúc bấy giờ, một sân khấu văn hóa đại chúng khác cũng xuất hiện. Đó là chương trình biểu diễn văn nghệ do Chính phủ tổ chức tại Seoul và nhiều thành phố trong cả nước nhằm an ủi người dân đã chịu tổn thương nặng nề của chiến tranh. Từ màn đi trên dây truyền thống cho đến màn trình diễn của đội quân nhạc và tiết mục của những ca sĩ đương đại, buổi công diễn đã đem đến sự thỏa mãn cho khán giả. Trong đó, màn đối thoại hài hước giữa Jang So-pal và Koh Chun-ja lôi kéo nhiều sự chú ý nhất. Ẩn sau những câu đối đáp dí dỏm giữa hai nghệ sĩ chính là cảnh cuộc sống hàng ngày của tầng lớp thường dân. Và chúng ta có thể thấy được phảng phất nỗi lo lắng của người dân khi phải sống trong cảnh đói nghèo.

Năm 1957, một tin vui trong giới điện ảnh được lan truyền. Bộ phim “Ngày về nhà chồng” được trao giải đặc biệt ở hạng mục phim hài tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương. Bộ phim đã khắc họa một cách vui nhộn quá trình gả con gái về nhà chồng. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-sik giải thích: “Bộ phim hài “Ngày về nhà chồng” được trình chiếu tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương năm 1957, và đã được tạo giải thưởng đặc biệt . Thực ra, thể loại diễn xướng hài kịch đã xuất hiện ở Hàn Quốc từ lâu nhưng phải đến thời điểm đó mới có một bộ phim hài được sản xuất. Nói cách khác, đây chính là bộ phim hài đầu tiên của Hàn Quốc. Đặc biệt, ra đời thời kỳ những năm 1950 với nhiều nỗi buồn lo nên phim giống như một liều thuốc an ủi người dân và do vậy nó càng trở nên nổi tiếng hơn.”


Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-sik, những tình tiết hài hước và trào phúng đậm chất Hàn Quốc tràn ngập trong bộ phim đen trắng này đã khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.

Bên cạnh phim ảnh, lần đầu tiên cuộc thi hoa hậu Hàn Quốc được tổ chức tại Nhà hát thành phố nằm ở khu vực Myeongdong, trung tâm Seoul, vào ngày 14/5/1957. Cuộc thi đã gây ra tranh luận gay gắt về việc cho phép phụ nữ mặc áo tắm lên sân khấu trình diễn. Số ra ngày 20 tháng 5 của tờ Kyunghyang đã mô tả chi tiết về không khí lúc đó.
Người ta ào ào đổ đến xem từ trước khi ngày thi diễn ra, thậm chí mấy cái cửa sổ đã bị vỡ do đám đông náo động. Mọi người nín thở khi bảy người đẹp được tuyển chọn bước lên sân khấu trong trang phục áo tắm và thi nhau biễu diễn dưới ánh đèn sân khấu.

Mục đích của cuộc thi là nhằm tuyển chọn đại diện đất nước tham dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ (Miss Universal) được tổ chức ở Mỹ. Và danh hiệu hoa hậu đã được trao cho cô Park Hyun-ok với giải thưởng là 300.000 hwan (nay là 30.000 won), một bộ trang phục truyền thống Hàn Quốc Hanbok, vòng cổ và một bộ muỗng thìa bạc. Nhà phê bình văn hóa Kim Heo-shik nói: “Cuộc thi người đẹp vốn không phải là truyền thống ở Hàn Quốc. Đặc biệt, việc những người đẹp mặc áo tắm trên sân khấu, vốn là điều bị cấm kị trong văn hóa truyền thống, đã gây xôn xao lớn trong dư luận. Tuy nhiên, chính điều đó đã tạo ra sức hút cho cuộc thi khi được phát sóng trên truyền hình. Cuộc thi cũng là động lực để phụ nữ thời đó thoát ra khỏi quan niệm cổ hủ, tích cực tham gia vào hoạt động xã hội nhằm khẳng định mình. Bởi vì những người chiến thắng không chỉ nhận danh hiệu không mà họ còn được tham gia vào nhiều hoạt động xã hội khác.”

Trong bối cảnh nhiều biến động xã hội, một tin vui từ Nhật Bản truyền về đã xoa dịu lòng tự tôn dân tộc của người Hàn Quốc. Tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ ba được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm 1958, vận động viên marathon Lee Chang-hoon đã giành huy chương vàng. Đây có thể xem như một thành tích bù đắp cho việc Hàn Quốc không thể tham dự đại hội thể thao trước đó do chiến tranh. Tự hào khoác trên mình lá quốc kỳ Hàn Quốc, Lee Chang-hoon đã giành chiến thắng một cách thuyết phục với kỷ lục mới, nhanh hơn 48 giây so với kỷ lục trước. Thành tích này cũng giúp người dân phần nào quên đi nỗi buồn đau trải dài dưới thời kỳ cai trị của đế quốc Nhật.

Mặc dù chiến tranh đã kết thúc nhưng những vết thương nó gây ra thì vẫn chưa liền lại hoàn toàn. Và không chỉ vậy, người dân còn phải đối mặt với nỗi lo đói nghèo thường trực. Cho nên sự hỗn loạn trên phương diện văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Có thể nói, thập kỷ 1950 là những năm của xung đột, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới tràn vào. Trong bối cảnh đó, yêu cầu tái thiết đất nước ngày càng trở nên cấp bách hơn và điều đó cũng mang tới niềm hi vọng cho người dân.

Lựa chọn của ban biên tập