Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 5: Đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế

2015-02-03

Phần 5: Đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế
[Khánh thành một loạt tuyến đường sắt vận tải]
Ngày 15/9/1955, tuyến đường sắt Mungyeong kết nối khu vực Jeomchon và làng Gaeun thuộc thành phố Mungyeong ở tỉnh Bắc Gyeongsang chính thức được khánh thành. Tuyến đường sắt này được xây dựng với mục đích phục vụ cho hoạt động khai thác tài nguyên dưới lòng đất như mỏ than hay kẽm ở khu vực đó. Bốn tháng sau, vào đầu năm 1956, hai tuyến đường sắt khác cũng tiếp tục được khai thông, đó là tuyến Yeongam và tuyến Yeongwol. Lễ khánh thành hai tuyến đường sắt này đã diễn ra trang trọng. Hai tuyến đường trên được xây dựng với mục đích vận chuyển than từ các khu vực miền núi thuộc tỉnh Gangwon, vượt qua địa hình nguy hiểm của dãy núi Taebaek với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển. Một loạt tuyến đường sắt vận tải chính thức đi vào hoạt động như vậy cho thấy nền tảng cơ sở hạ tầng, hay nói cách khác là mạch máu của nền kinh tế Hàn Quốc đã bắt đầu đập và sẵn sàng cho sự vươn lên mạnh mẽ của quốc gia.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài ba năm đã tàn phá đất nước Hàn Quốc và gây tổn thương sâu sắc cho dân tộc. Các khu vực thành thị trở thành đống tro tàn, hơn 60% nhà máy công xưởng cũng như cơ sở vật chất bị tàn phá. Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, tức là năm 1953, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ vào khoảng 67 USD. Những cụ già ngoài 80 tuổi từng trải qua thời kỳ hậu chiến hồi tưởng về tình cảnh thống khổ của đất nước khi đó:“Sau chiến tranh là đến hạn hán kéo dài ba năm. Chúng tôi buộc phải ăn đến rau sam ngoài đồng mà không cần biết nó độc như thế nào. Rồi chúng tôi phải lên núi kiếm thức ăn. Đó là những năm tháng mà chúng tôi phải ăn bất cứ thứ gì có thể nuốt được."
"Vì không có gạo nên chúng tôi chẳng có lấy một bữa cơm ra hồn. Tôi buộc phải ăn Dotorimuk, một loại thạch làm từ hạt sồi xay nhuyễn và thậm chí phải sử dụng luôn phần cặn bã là thứ mà con vật cũng ít khi ăn."
"Tôi phải ăn cả rễ của cây ngải cứu, sắn dây, và thậm chí vỏ cây thông. Chúng tôi đã sống sót qua ngày như thế đấy.”


[Cộng đồng quốc tế trợ giúp Hàn Quốc phục hồi sau chiến tranh]
Trong thời kỳ chẳng có gì để ăn và buộc phải cố gắng cầm cự qua ngày để tồn tại, thì viện trợ nước ngoài giúp cho nền kinh tế quốc gia trụ vững. Cơ quan tái cấu trúc Hàn Quốc trực thuộc Liên hợp quốc (UNKRA) và cộng đồng quốc tế đã cùng chung tay giúp đỡ Hàn Quốc phục hồi sau chiến tranh. Trong số đó, viện trợ của Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Vào thời điểm năm 1954, viện trợ của Mỹ chiếm đến một phần ba ngân sách của Chính phủ. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung thuộc Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc giải thích: “Viện trợ của Mỹ gồm viện trợ theo kế hoạch và viện trợ nông sản dư thừa. Viện trợ theo kế hoạch của Mỹ là viện trợ về vốn cho Hàn Quốc để phát triển cơ sở công nghiệp hạ tầng. Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp lương thực thực phẩm mà Hàn Quốc đang thiếu thốn như bột mỳ, bột ngô hay sữa bột tách béo. Mỹ đã trợ giúp như thế cho đến năm 1957.”

Phần lớn nông sản viện trợ cho Hàn Quốc đều dưới dạng các nguyên liệu nên đã giúp phát triển các ngành công nghiệp cơ bản như sản xuất bột, đường, dệt sợi... Nhiều nhà máy được xây dựng và trang bị bằng khoản tiền viện trợ đã chính thức đi vào hoạt động và tạo ra bàn đạp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Một trong những nhà máy như vậy chính là nhà máy dệt Taechang được thành lập vào tháng 10 năm 1954.

Bên cạnh đó là nhà máy sản xuất sợi nilon được mệnh danh là vải kỳ diệu lúc đó, ra mắt ở Hàn Quốc lần đầu tiên vào năm 1953. Sợi nilon được sản xuất ở đây có tính năng không thấm, dai bền, ít bị hư hại và hoàn toàn là sản phẩm của Hàn Quốc. Việc phổ cập sợi nilon đã thổi làn gió mới vào ngành dệt cũng như cả nền kinh tế quốc gia khi đó.

[Chính phủ và toàn dân nỗ lực phát triển nền kinh tế tự chủ]
Bước vào giữa những năm 1950, có nhiều ý kiến ở Hàn Quốc đòi Chính phủ phải bớt lệ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài, thay vào đó là chuẩn bị những nền tảng cơ bản để phát triển nền kinh tế tự chủ. Theo đó, Chính phủ cũng bắt đầu triển khai các chính sách phát triển công nghiệp sản xuất và kích thích tiêu dùng sản phẩm nội địa hơn. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung cho biết:“Ngành kinh tế trọng điểm của Hàn Quốc lúc bấy giờ là sản xuất dép cao su, dệt và trồng trọt. Để phát triển được ngành trồng trọt thì phân bón rất cần thiết. Chính vì vậy, Chính phủ rất chú trọng đến việc sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có mỏ khoáng sản, nên Chính phủ cũng đồng thời triển khai các chính sách khôi phục lại các cơ sở phục vụ cho ngành khai khoáng. Ngoài ra, Hàn Quốc còn chú trọng đến công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là các nhu yếu phẩm mà thị trường đang thiếu. Đó chính là những bước đi đầu tiên để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tạo nền tảng phát triển đất nước.”

Tháng 2 năm 1955, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một cơ quan mới với tên gọi là “Bộ Tái thiết”, để thay thế cho Cục Kế hoạch trước đó nhằm xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế thay vì các dự án đơn thuần, nhỏ lẻ dựa vào vốn viện trợ trước đó nhằm thiết lập một nền kinh tế tự lập, tự chủ. Vào tháng 10 cùng năm, tại cung Changgyeong (Xương Khánh) ở thủ đô Seoul, Triển lãm công nghiệp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng đã diễn ra trong bầu không khí hết sức sôi động. Có khoảng 40.000 sản phẩm được trưng bày tại triển lãm này, từ mỹ phẩm cho đến các chế phẩm nhựa. Tất cả đều gắn nhãn “Made in Korea” (Sản xuất tại Hàn Quốc). Hội chợ dự kiến diễn ra trong hai tháng, nhưng đã phải kéo dài hơn một tháng so với dự kiến do dòng người từ khắp mọi miền đất nước không ngừng đổ về tham quan. Buổi triển lãm diễn ra trong sự cổ vũ của toàn dân.

Chiếc tàu hỏa mini với tên gọi Samcheolli (3.000 dặm) và chiếc ô tô đầu tiên lắp ráp trong nước có cái tên Sibal, có nghĩa là “khởi hành” ra mắt tại sự kiện đã thu hút sự chú ý của hầu hết quan khách. Sibal cũng là chiếc xe hơi đầu tiên của Hàn Quốc được chế tạo lại từ chiếc xe Jeep mà quân đội Mỹ đã để lại sau chiến tranh. Trong suốt cuộc triển lãm, chiếc xe đã trở thành tâm điểm chú ý, thậm chí còn nhận được giải thưởng đặc biệt từ Tổng thống Hàn Quốc. Và đến năm 1957, Hàn Quốc đã có thể sản xuất được xe chín chỗ ngồi. Mặc dù chỉ giống như một chiếc hộp sắt lắp thêm những bánh xe vào, chưa bao gồm nội thất, nhưng đây là sản phẩm ô tô đầu tiên được chính bàn tay người Hàn tạo nên. Nó đã mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà.

Những năm 1950, mặc dù phải nhận viện trợ từ nước ngoài nhưng người dân Hàn Quốc luôn mang trong mình giấc mơ về một nền kinh tế tự chủ. Ý chí của toàn dân đã được Tổng thống Rhee Syng-man nhấn mạnh trong Lễ kỷ niệm Quốc khánh diễn ra vào ngày 15 tháng 8 năm 1957. Sau đây là nguyên văn lời Tổng thống Rhee Syng-man tại buổi lễ: “Với lượng hàng hóa sản xuất mỗi năm ngày càng tăng thì việc chúng ta có thể xây dựng một nền kinh tế tự cung tự cấp trong một tương lai gần là điều hoàn toàn có thể. Công nghiệp trong nước hiện nay đang phát triển trên nhiều phương diện. Nhiều nhà máy như nhà máy sản xuất xi măng và nhà máy phát điện cũng đã được xây dựng và hoạt động rất tốt. Chúng ta cũng đang tiến hành khai thác khoáng sản như than đá, mỏ vàng hay sắt thép. Bên cạnh đó, trong ngành nông nghiệp, chúng ta cũng rất chú ý khai hoang đất đai, phát triển thủy lợi và tăng diện tích đất trồng trọt.”

Vào tháng 9 năm 1957, tức là một tháng sau Lễ kỷ niệm ngày Hàn Quốc giành độc lập, nhà máy xi măng ở Mungyeong thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang đã chính thức được hoàn công. Xi măng vốn là nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước, nhưng do thiếu cơ sở và thiết bị sản xuất trong nước nên trước đó, Hàn Quốc hầu như phải nhập xi măng từ nước ngoài. Do vậy, việc xây dựng nhà máy sản xuất xi măng đầu tiên của quốc gia tại Mungyeong có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bộ trưởng Bộ Công thương lúc bấy giờ đã có bài phát biểu như sau: “Hôm nay, trong buổi lễ khánh thành nhà máy xi măng Mungyeong, tôi xin được báo cáo sơ lược về việc xây dựng công trình này. Tổng chi phí xây dựng là 8.904.000 USD. Công ty Smith của Đan Mạch là nhà thầu chính, ngoài ra còn có 17 công ty xây dựng Hàn Quốc tham gia vào các công đoạn cơ bản. Nhà máy được xây dựng trên diện tích khoảng 12.500 m2, và có thể đạt quy mô sản xuất khoảng 20.000 tấn xi măng mỗi năm.”

Với việc xây dựng một công trình như vậy, có thể nói Hàn Quốc đã tiến thêm một bước trong quá trình phát triển kinh tế. Vào tháng 3 năm 1959, một công trình khác là nhà máy sản xuất phân bón tại Chungju cũng được đưa vào vận hành thử nghiệm.

Việc tự cung tự cấp nguồn lương thực là một việc cấp thiết vào lúc bấy giờ, vì vậy Chính phủ đã ưu tiên phát triển ngành công nghiệp phân bón. Sau khi nhà máy sản xuất phân bón Chungju ra đời thì tiếp đó, nhà máy sản xuất phân bón Honam cũng được tiến hành khởi công, rồi lần lượt tới nhà máy chế tạo kính. Như vậy, Hàn Quốc đã từng bước xây dựng nền tảng phát triển ngành công nghiệp nặng và hóa chất của mình. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung thuộc Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc nói: “Sau khi chiến tranh tạm ngừng vào năm 1953, khoảng 70%, 80% các cơ sở sản xuất công nghiệp bị tàn phá. Tuy nhiên, chỉ trong vòng bốn năm, 95% các cơ sở đó đã được khôi phục với tốc độ nhanh. Không chỉ vậy, nhiều cơ sở hạ tầng cơ bản được xây dựng mới đã tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế. Người nông dân cũng nỗ lực hết sức để tăng sản lượng nông nghiệp xuất khẩu. Trong thời điểm đó đã có nhiều kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp như cải cách ruộng đất. Và những nỗ lực đó đã được đền đáp khi đến năm 1957, đất nước đã được khôi phục về cơ bản. Như vậy, dù bị tàn phá trong suốt ba năm chiến tranh nhưng chỉ trong bốn năm mà Hàn Quốc đã hồi phục hoàn toàn, đây có thể coi là một kinh nghiệm rất quý giá của dân tộc Hàn Quốc.”

[Hàn Quốc bắt đầu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp]

Chúng ta vừa nghe một đoạn tin ngắn về tình hình xuất khẩu thời tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh. Chính sách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp hàng hóa của Hàn Quốc ngày càng được biết đến nhiều ở thị trường nước ngoài. Và năm 1959 đã đánh dấu một chương mới trong lịch sử xuất khẩu của Hàn Quốc khi lần đầu tiên Hàn Quốc xuất khẩu được sản phẩm công nghiệp thay vì nhu yếu phẩm như gạo và thạch rau câu trước đó. Có thể nói, sự nỗ lực và bền bỉ của người dân đã mang tới thành tựu to lớn như vậy cho đất nước.

Nền kinh tế Hàn Quốc đã phải bắt đầu lại từ đống tro tàn của chiến tranh. Do vậy, khát vọng lớn nhất của người Hàn Quốc khi đó là xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh và không còn phụ thuộc vào nước ngoài. Ước mơ đó tồn tại mãnh liệt ngay trong cả bối cảnh khó khăn nhất của thời hậu chiến. Và ngay cả khi nhận được sự trợ giúp của nước ngoài, thì người Hàn Quốc cũng không từ bỏ ước nguyện về tương lai thịnh vượng của dân tộc. Chính ý chí và khát vọng mãnh liệt đó đã tiếp thêm nghị lực cho họ vươn lên, xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự tăng trưởng trong bối cảnh đầy những tàn tích của chiến tranh.

Lựa chọn của ban biên tập