Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 6: Xây dựng đất nước từ nền tảng giáo dục

2015-02-10

Phần 6: Xây dựng đất nước từ nền tảng giáo dục
[Hàn Quốc ban hành “Luật giáo dục”, bắt đầu cải cách giáo dục]
Vào tháng 3 năm 1957, bản tin về lễ tốt nghiệp của các cấp học đã được truyền đi khắp cả nước trên sóng phát thanh truyền hình. Trong bản tin này, điều gây ấn tượng nhất chính là những học sinh tốt nghiệp tiểu học. Các em nhập học vào năm 1951, đúng thời điểm cuộc chiến Triều Tiên đang diễn ra khốc liệt, trải qua sáu năm học đầy gian khó để rồi cuối cùng đã bước chân qua cánh cửa học vấn đầu tiên. Một đất nước nghèo tài nguyên, chẳng có gì ngoài nhân lực. Một đất nước đã trải qua bao đau thương do chiến tranh gây nên. Đó chính là động lực thúc đẩy người dân Hàn Quốc có tinh thần say mê học tập, hướng tới xây dựng đất nước giàu mạnh.

Năm 1948, sau khi chính thức thành lập Chính phủ, Hàn Quốc đã ngay lập tức bắt tay vào công cuộc cải cách giáo dục. Với mục tiêu nhanh chóng xây dựng giáo dục để làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước, đến năm 1949, Hàn Quốc đã ban hành “Luật giáo dục”, có thể coi như là hiến pháp của ngành này. Tiến sĩ Giáo dục học Oh Cheon-seok, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa và giáo dục lúc bấy giờ nói về việc ban hành Luật giáo dục: “Sau khi bán đảo Hàn Quốc giành độc lập và Chính phủ chưa được chính thức thành lập, hệ thống giáo dục của Hàn Quốc phải đối mặt với một số vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Đó là việc xây dựng một thể chế, chế độ, quan điểm làm nền tảng cho sự hình thành một nền giáo dục mới, một quốc gia mới hay biên soạn bộ sách giáo khoa bằng tiếng Hàn từ tiếng Nhật, hoặc tiếp nhận trẻ nhỏ vào các lớp học. Theo đó, một Hội đồng thẩm định kế hoạch giáo dục đã được thành lập với sự tham gia của khoảng 100 thành viên là những nhân vật nổi bật trong ngành. Hội đồng này đã trải qua khoảng 120 cuộc họp để đề ra luật mới. Dựa trên cơ sở này, một hội đồng 10 người đã thẩm định lại một lần nữa để đưa ra kết luận cuối cùng. Kết quả là, đến ngày 31/12/1949, Luật giáo dục đã chính thức được công bố.”

Dựa theo số liệu của Cục thống kê thì vào năm 1945, tỷ lệ người mù chữ trên 12 tuổi chiếm đến 77,8% dân số, nghĩa là cứ 10 người thì có 8 người không biết đọc biết viết. Những người lớn tuổi đã từng trải qua thời kỳ thất học dưới ách thống trị của đế quốc Nhật, đều mong muốn con cái của họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn và biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, giáo dục bắt buộc ở bậc tiểu học đã trở thành nội dung trọng tâm của Luật giáo dục khi đó. Bộ luật có 11 chương, 173 điều, trong đó, mục đích của giáo dục đã được đề cập đến ngay trong điều 1.

Mục tiêu của giáo dục là giúp người dân hoàn thiện nhân cách, có năng lực tự chủ, nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hướng tới lợi ích toàn dân và góp phần quan trọng cho mục tiêu quản lý đất nước của Chính phủ. Mọi người dân đều có quyền được học tập miễn phí sáu năm bậc tiểu học và ba năm bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, giáo dục bắt buộc ở trung học sẽ được dần dần thực hiện sau. Người dân có nghĩa vụ cho con em mình đi học. Nhà nước phải thực hiện giáo dục bắt buộc và Chính phủ trung ương và chính quyền địa phương phải bố trí các trường học một cách công bằng theo phân chia cấp bậc và khu vực. Bên cạnh đó chúng ta cần phải có trách nhiệm đẩy mạnh chính sách giáo dục dành cho những người không thể đi học được hay những người dân bình thường.M

Bắt đầu từ ngày 1/6/1950, giáo dục bắt buộc chính thức được thực thi ở Hàn Quốc. Người dân cả nước đã tổ chức ăn mừng sự kiện này trong bầu không khí hết sức sôi nổi. Giáo sư Lee Gil-sang thuộc Viện Nghiên cứu trung ương Hàn Quốc học cho biết: “Việc triển khai giáo dục bắt buộc đã khiến người dân suy nghĩ rằng giáo dục là nghĩa vụ, là quyền lợi và rất vui sướng được sống ở một đất nước độc lập mới. Chính phủ đã bắt tay ngay vào thực hiện chính sách này sau ngày giải phóng. Và đây có thể coi là một món quà tuyệt vời gửi tặng cho toàn dân.”

Bước tiếp theo sau khi thực hiện giáo dục bắt buộc, đó chính là cơ cấu lại hệ thống giáo dục. Trước đây, bậc giáo dục tiểu học là tám năm, giáo dục trung học là năm năm thì trong cải cách giáo dục kỳ này, Chính phủ đã quyết định đưa vào thực thi chế độ giáo dục ở bậc tiểu học là sáu năm, bậc trung học cơ sở là ba năm và bậc trung học phổ thông cũng là ba năm, tổng cộng là 12 năm học.

[“Lớp học lánh nạn” thời chiến]
Tuy nhiên, Luật giáo dục ra đời chưa được bao lâu thì nỗi đau đã ập xuống bán đảo Hàn Quốc, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Chiến tranh bùng nổ, dân chúng phải đi sơ tán khắp nơi. Tuy nhiên, ngay cả trong lúc phải chạy nạn, những lớp học tạm thời vẫn được mở ra để người dân có thể tiếp tục đi học. Các lớp học đó được gọi là “lớp học lánh nạn”. Và khi các lớp học bị phá hủy, thì các sân vận động hay các bãi đất trống trong làng lại được tận dụng để làm địa điểm học. Cụ Chae Gwi-jin năm nay 75 tuổi, xuất thân từ vùng Gangjin, tỉnh Bắc Jeolla, hồi tưởng về khoảng thời gian đó: “Các trường học đều bị tàn phá. Sau khi chiến tranh kết thúc, mọi người chỉ có thể ngồi học tại các đình làng hay bên những bức vách trơ trọi. Những bộ sách giáo khoa thì được dùng chung, chuyển giao từ anh chị sang các em của mình. Cứ nghe bài hát lễ tốt nghiệp là có thể hiểu ngay tình hình lúc bấy giờ. Trong ca từ có nội dung các em học sinh đón nhận sách từ các anh chị của mình.”

Hình ảnh các trường học lánh nạn thời kỳ chiến tranh cũng được phản ánh đặc biệt dưới con mắt của người nước ngoài. Phóng viên Greg Mac Greggor của tờ Thời báo New York đã có bài viết số ra ngày 8/6/1951 như sau:

Tại một đất nước bị chiến tranh tàn phá thì ta có thể đoán được sách giáo khoa thiếu trầm trọng như thế nào. Tuy vậy, đi đâu chúng ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh một tấm bảng được treo trên cây, ở phía dưới là các học sinh cùng chia sẻ nhau cuốn sách giáo khoa. Thầy cô thì giảng bài cùng với cây thước gỗ. Mỗi nhóm học sinh gồm sáu, bảy em cùng chung nhau một quyển sách học. Các quan chức có tư tưởng tiến bộ của Chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào việc đào tạo nhân tài cho đất nước, và do vậy họ đã nỗ lực giảm tỷ lệ mù chữ cũng như nâng cao tiêu chuẩn giáo dục, đào tạo. Và những nỗ lực của họ nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn từ cơ quan đại diện của Liên hợp quốc.

[Vận động xóa mù chữ]
Mặc dù bị cuốn vào dòng xoáy của chiến tranh, nhưng Hàn Quốc đã không lơ là sự nghiệp giáo dục. Chiến tranh kết thúc đã mở ra chương mới cho lịch sử đất nước, và giáo dục cũng theo đó phát triển nhanh chóng. Năm 1960, theo thống kê của Bộ Giáo dục, tổng số học sinh ở cả ba cấp tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông đã tăng gấp đôi so với năm 1950. Số trường đại học cũng tăng lên 78 trường so với 42 trường vào năm 1948. Sau đây là đoạn tin được sản xuất vào tháng 1 năm 1959.

Sau giải phóng, số trường trung học không quá 165 trường, song ngày nay số trường học đã tăng gấp 10 lần, lên tới 1.657 trường. Số lượng học sinh lúc trước là 85.000 em thì hiện nay đã tăng mạnh lên thành 680.000 em. Sự lớn mạnh vượt bậc của các trường trung học như vậy chính là kết quả của việc triển khai giáo dục bắt buộc bậc tiểu học. Chính sự thấu hiểu về tầm quan trọng của giáo dục, cùng với sự nhiệt tình hưởng ứng của người dân đã đưa đến thành quả giáo dục trên mức mong đợi như vậy.

Trên đây là một cảnh trong phim Sangnoksu (Cây thường xanh) được công chiếu vào năm 1960. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Shim Hun được xuất bản vào năm 1935 nói về những học sinh, sinh viên vận động tổ chức lớp học vào ban đêm để xóa mù chữ trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Giống như những gì mà cuốn tiểu thuyết trên đã đề cập, giới trí thức và các cơ quan ngôn luận thời bấy giờ đã phát động Cuộc vận động chống mù chữ trên toàn quốc. Khắp nơi, các lớp học ban đêm được mở ra để giảng dạy chữ quốc ngữ cho người dân. Học giả Quốc ngữ học Huh Woong từng làm Chủ tịch hiệp hội Hàn Quốc học hồi tưởng không khí thời bấy giờ: “Rất nhiều người dân quê không biết chữ, và các trường tiểu học cũng chưa áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc. Chỉ có số ít trẻ em mới có điều kiện được học tiểu học. Vậy nên khi đó chúng tôi đã nghĩ rằng phải tạo cơ hội cho họ đến trường. Rất nhiều nhà dân tộc chủ nghĩa đã cống hiến sức lực cho dự án này. Đó cũng là cách để khuấy động tinh thần dân tộc chống lại chế độ thực dân Nhật. Và trên hết, việc dạy học có ý nghĩa rất lớn bởi chữ Hàn Hangeul là tài sản văn hóa của quốc gia, là một biểu tượng của tinh thần dân tộc.”

Sau khi đất nước được giải phóng, Chính phủ Hàn Quốc được thành lập vào năm 1948 đã triển khai tích cực sự nghiệp đẩy lùi nạn mù chữ vốn là tàn dư từ thời kỳ đế quốc Nhật cai trị. Tiến sĩ Ahn Ho-sang, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Hàn Quốc, nói về mục đích của phong trào xóa mù chữ này: “Sau khi ra đời, Chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục người trưởng thành. Lý do là vì tỷ lệ người mù chữ của người trưởng thành ở Hàn Quốc lúc này rất cao, chỉ khoảng 10% người dân biết chữ thôi. Trong tình hình này, Chính phủ khó triển khai các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa. Vì vậy vấn đề cần ưu tiên giải quyết lúc này chính là dạy chữ Hàn Hangeul cho những người mù chữ để họ có thể đọc sách, báo. Hơn nữa, thông qua việc học chữ, người dân có thể được tiếp thu thêm kiến thức về lịch sử dân tộc cũng như tăng cường vốn hiểu biết về thế giới bên ngoài.”

“Cuộc vận động chống mù chữ” được xem là chương trình trọng điểm của quốc gia trong suốt thập kỷ 1950 và được tiếp nối trong những năm 1960 đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người dân. Công cuộc đẩy lùi nạn mù chữ đã đạt được thành công rực rỡ. Nếu như vào năm 1953, tỷ lệ người mù chữ là 35,1% thì đến năm 1960, tỷ lệ này chỉ còn dưới 28%. Và việc đầu tư cho giáo dục đã tạo nền tảng cơ bản cho sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc. Giáo sư Lee Gil-sang của Viện Nghiên cứu trung ương Hàn Quốc nói tiếp: “Vào thập kỷ 1950, nền kinh tế Hàn Quốc hầu như dậm chân tại chỗ. Cuối những năm 1950, thu nhập đầu người vẫn chỉ ở mức 100 USD/người. Vốn dĩ việc đầu tư cho giáo dục cơ bản là phải mang tính chất dài hạn, nếu chỉ đầu tư ngắn hạn thì sẽ không thể phát huy được hết hiệu quả. Chính sự tập trung quan tâm cho giáo dục vào những năm 1950 đã tạo nền tảng cơ bản cho nền kinh tế quốc gia đi lên trong những năm 1960.”

Đất nước Hàn Quốc trong những năm 1950 bị tàn phá bởi chiến tranh và có rất ít hy vọng được phục hồi lại. Nhưng những người dân Hàn Quốc khi đó đã kiên cường đứng dậy từ tro tàn và không tiếc công sức để đầu tư giáo dục thế hệ tiếp theo. Cuộc chiến có thể lấy đi tất cả trên phương diện vật chất, nhưng không thể xóa nhòa khát vọng mạnh mẽ được đi học của người Hàn Quốc. Nói cách khác, người Hàn hiểu rằng kiến thức thu được thông qua giáo dục sẽ không thể bị phá hủy bởi chiến tranh hay bất cứ điều gì, và do vậy, đó chính là tương lai, hy vọng của Hàn Quốc. Chính nhiệt huyết và mong mỏi học tập mãnh liệt đó đã trở thành động lực để một đất nước nghèo tài nguyên như Hàn Quốc có thể đạt được những bước tiến thần kỳ sau này và trở thành tấm gương sáng cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập