Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 8: Kỳ tích sông Hàn

2015-02-24

Phần 8: Kỳ tích sông Hàn
[Hàn Quốc quyết tâm phát triển kinh tế]
Ngày 13/1/1962, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một thông báo quan trọng. Trong bài phát biểu chào mừng năm mới của mình, Chủ tịch Hội đồng tối cao tái thiết quốc gia Park Chung-hee đã trình bày một kế hoạch chi tiết nhằm đưa Hàn Quốc trở thành một đất nước có nền kinh tế tự chủ.

Với quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ đói nghèo trên toàn quốc và đạt tới sự phồn vinh thịnh vượng thực sự, đó là một báo hiệu cho sự khởi đầu của một chuỗi những thành công sau này, còn được gọi bằng cái tên Kỳ tích sông Hàn.

Bước sang thập niên 1960, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn còn trong tình trạng nghèo nàn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 87 USD, thấp nhất thế giới khi đó. Không chỉ vậy, tỷ lệ thất nghiệp cũng lên tới 35%. Có thể nói đây là thập kỷ của nghèo khó, cho nên vấn đề mang tính cấp thiết nhất lúc này của Chính phủ là tìm cách thoát nghèo. Và một “kế hoạch phát triển kinh tế” đã ra đời. Giáo sư Roh Young-ki đến từ Khoa kinh tế học của trường Đại học Chungang cho biết: “Chính phủ đã đề ra Kế hoạch năm năm lần thứ nhất, từ năm 1962 đến năm 1966, với mục tiêu là tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới tự chủ, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể là Chính phủ đã tích cực thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hiện đại hóa các ngành công nghiệp nền tảng như nông nghiệp, công nghiệp năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như đường sá, cầu cống.”

Đầu tiên, Chính phủ lên kế hoạch xây dựng khu công nghiệp nặng và hóa chất quy mô lớn giống như mô hình thành phố Manchester ở Anh hay Pittsburgh ở Mỹ. Vào ngày 3/2, tin tức về buổi lễ động thổ công trình Trung tâm công nghiệp Ulsan, dự án trọng tâm của Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ nhất, truyền đi khắp đất nước.

Một năm sau đó tức là năm 1963, công trình xây dựng nhà máy lọc dầu của Tổng công ty dầu Daehan đã được hoàn tất. Nối tiếp sau đó, một loạt nhà xưởng công nghiệp chủ đạo như nhà máy đóng tàu, nhà máy sản xuất ô tô cũng được hình thành nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

[Khó khăn về nguồn vốn và nỗ lực khắc phục của Hàn Quốc]
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho Kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ nhất lại là nguồn vốn. Bước sang những năm 1960, Mỹ đã giảm dần nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho Hàn Quốc. Mức độ tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc cũng ở mức thấp nên việc vay vốn vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh đó, một quốc gia ở châu Âu là Tây Đức đã ra tay giúp đỡ Hàn Quốc.

Cũng giống như Hàn Quốc, Tây Đức bị chia cắt sau chiến tranh. Tây Đức đã ký với Hàn Quốc một hiệp định kinh tế song phương, trong đó nhấn mạnh tài trợ máy móc thiết bị với tổng giá trị lên tới 150 triệu mark Đức cho Hàn Quốc. Sự trợ giúp này là nền tảng đầu tiên tạo đà cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong giai đoạn gian nan đó.

Vào 10h đêm ngày 9/6/1962, Chính phủ đã thông báo một quyết định trọng đại, đó là thực thi cải cách tiền tệ. Cụ thể là đổi đơn vị tiền tệ từ “hwan” sang “won” với tỷ lệ 10 hwan đổi 1 won. Tuy nhiên trái với mong đợi, việc đổi tiền như vậy đã dẫn tới lạm phát, gây ra một sự hỗn loạn lớn trong xã hội. Trước tình trạng này, Chính phủ đã quyết định chấm dứt kế hoạch chỉ sau một tháng, đồng thời thúc đẩy phong trào vận động người dân tiết kiệm.

Trung tâm sản xuất phim quốc gia lúc đó đã cho ra đời một video khuyến khích người dân tiết kiệm. Đoạn phim quảng bá ngắn này có sự tham gia của nam diễn viên được yêu thích nhất lúc bấy giờ là ông Kim Hee-gap, đã cho thấy sự nỗ lực tha thiết của Chính phủ nhằm thúc đẩy tiết kiệm. Đoạn phim này có nội dung:

Hãy nhớ rằng tiết kiệm và mua bảo hiểm không chỉ giúp tích trữ tài sản của mình mà còn đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Đó chính là một mũi tên trúng hai con nhạn. Chỉ cần kiên trì dành dụm thì không chỉ quốc gia phát triển phồn vinh thịnh vượng mà mỗi cá nhân chúng ta sẽ có một cuộc sống đủ đầy hơn. Những người làm trong ngành nghề phim ảnh như tôi cũng cố gắng tiết kiệm các cuộn phim.

Chính sách kinh tế của Chính phủ đưa tới nhiều thay đổi trong cuộc sống của người dân. Từ người già đến trẻ nhỏ đều lập một tài khoản tiết kiệm tiền, mỗi gia đình còn tích góp các đồng tiền lẻ để bỏ vào heo đất. Không khí hưởng ứng sôi nổi khắp nơi như vậy đã khiến Chính phủ quyết định chọn Ngày tiết kiệm là ngày 21/9 vào năm 1964.

Người dân Hàn Quốc đã thực hiện theo câu ngạn ngữ "Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được" bằng cách thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng đồng tiền nhỏ nhất của mình. Chính phủ cũng đã cổ vũ hành động của người dân bằng việc duy trì lãi suất cao lên tới hơn 20%. Nhờ vậy, tỷ lệ tiết kiệm của Hàn Quốc đã tăng vọt, và tiền gửi của người dân sau đó đã được dùng để cho doanh nghiệp vay và đầu tư, trở thành nguồn động lực phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

[Những thay đổi của nông thôn Hàn Quốc]
Kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc cũng đem tới sự “thay da đổi thịt” cho khu vực nông thôn. Làng quê yên ả ngày thường giờ đây đã trở nên sôi động hơn. Và mỗi buổi sáng, âm thanh Bài ca tái thiết vang đi từ loa phát thanh đã trở thành giai điệu khởi đầu cho một ngày mới của người nông dân. Trọng tâm phát triển kinh tế của Chính phủ khi đó là cứu vớt nền nông nghiệp trì trệ và thay đổi cuộc sống nông thôn. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung đến từ Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc cho biết: “Trọng tâm của Kế hoạch năm năm công bố vào năm 1962 là ưu tiên mở rộng sản xuất nông nghiệp. Nhiều người vẫn nghĩ rằng chính sách phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu đã được triển khai từ khi đó, nhưng thực tế thì trong năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch năm năm lần thứ nhất, tức năm 1962, chẳng ai khi đó dám nghĩ đến chuyện xuất khẩu vì lúc đó Hàn Quốc vẫn chưa có gì để xuất đi được cả. Vì vậy nên việc đầu tiên mà Chính phủ có thể nghĩ tới là tăng năng suất nông nghiệp. Nói cách khác, việc tăng thu nhập cho nông dân mới chính là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó, do diện tích đất nông nghiệp tương đối ít, nên Chính phủ cũng đặt mục tiêu khai hoang mở rộng diện tích đất trồng trọt.”

60% dân số Hàn Quốc khi đó làm nghề nông, nhưng phần lớn lương thực lại được nhập về từ nước ngoài. Cứ 10 người làm nông thì có bốn người là tiểu nông. Vì vậy việc đầu tiên trong chính sách phát triển kinh tế khi đó chính là thay đổi diện mạo nông thôn. Một vài nông dân cao tuổi ở đảo Ganghwa hồi tưởng lại: “Việc đầu tiên trong Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ nhất là xây dựng đường sá. Nhiều con đường đã được mở rộng hoặc trám thêm xi măng để đảm bảo chất lượng hơn. Chúng tôi nhận xi măng từ Nhà nước, sau đó mua cát rồi trộn với xi măng để trải đường, cầu. Để phát triển kinh tế thì nhất thiết phải xây đường sá rồi. Tuy chỉ là một ngôi làng nhỏ nhưng chúng tôi đã nỗ lực để làm tốt.”. “Ở quê tôi lúc bấy giờ, cuộc sống rất khó khăn. Vấn đề lớn nhất khi đó là năng suất sản xuất nông nghiệp thấp dẫn đến vụ mùa thất thu”. “Vào lúc đó, những mái nhà bằng rơm đã được thay bằng mái ngói. Vì vậy, sau khi thu hoạch, rơm không còn được trưng dụng để lợp mái nữa mà được dùng để làm phân bón, nhờ đó đã cải thiện được năng suất cây trồng trong những vụ sau.

“Nông thôn phải phát triển thì quốc gia mới tiến lên được”. Với quan điểm này, chính sách khuyến nông của Chính phủ đã đem tới sự thay da đổi thịt cho khu vực nông thôn.

[Chuyển đổi trọng tâm kinh tế sang ngành công nghiệp nặng]
Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực hiện chính sách kinh tế chuyển đổi từ trọng tâm ngành công nghiệp nhẹ sang ngành công nghiệp nặng. Ngành công nghiệp sản xuất chế tạo - trái tim của nền kinh tế - dần dần được cải tiến. Các nhu yếu phẩm nội địa ngày càng xuất hiện nhiều, thay thế cho hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung phân tích “Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vào năm 1961 là 82 USD thì năm 1964 đã tăng lên mức 130 USD. Xuất khẩu năm 1960 đạt 24 triệu USD thì đến năm 1964, con số này đã tăng lên tới 100 triệu USD. Có thể nói, Chính phủ đã ý thức đầy đủ rằng việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm sẽ khiến quốc gia trở nên lệ thuộc vào nước ngoài cả về giá thành và chất lượng hàng nhập khẩu. Theo đó, việc xây dựng nhà máy sản xuất các mặt hàng này từ chính nguồn lực trong nước là một yêu cầu cấp thiết nhất định phải thực hiện. Và từ đó, Chính phủ bắt đầu quan tâm nên xây dựng nhà máy sản xuất tại đâu hoặc chúng ta cần nguyên liệu nào.”

Mặt khác, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế như cầu, đường cũng được xây dựng khắp nơi. Ngày 7/12/1965, tuyến đường sắt Jinsam nối các thành phố như Jinju với các thị trấn ven biển của Samcheonpo thuộc tỉnh Nam Gyeongsang được hoàn thành. Đây là một tin vui bởi với tuyến đường này thì các tỉnh thành trên toàn quốc đã được kết nối với nhau, khiến việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.

Và chỉ bốn ngày sau, tức là vào ngày 11/12, tuyến đường cao tốc Gyeongchun nối liền thủ đô Seoul và thành phố Chuncheon ở tỉnh Gangwon cũng được nâng cấp. Quốc lộ Gyeongchun nối Seoul và Chuncheon vốn được xây dựng từ năm 1920 nhưng vẫn chưa được tráng nhựa. Sau khi hoàn tất việc nâng cấp thì khoảng cách từ Seoul đến Chuncheon đã được rút ngắn từ 4 tiếng xuống còn 2 tiếng 30 phút chạy xe. Tiếp đó, ngày 14/11/1966, tuyến đường Gyeongbuk dài 29,7 km nối huyện Yecheon và thị trấn Yeongju của tỉnh Bắc Gyeongsang cũng chính thức được khai thông sau bốn năm sáu tháng xây dựng

Kế hoạch phát triển kinh tế từ năm 1962 đã mang đến kết quả vượt trên cả mong đợi. Trong khoảng thời gian thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình của Hàn Quốc đã đạt tới 7,9% hàng năm. Quy mô xuất khẩu năm 1962 đạt 54 triệu USD, thì đến năm 1970 đã tăng gấp trên 10 lần và đạt 835 triệu USD. Giáo sư Roh Young-ki thuộc Khoa kinh tế học của trường Đại học Chungang nhận xét: “Thành quả đầu tiên là quy mô kinh tế được mở rộng. Xuất khẩu từ con số không thì đến khi đó đã đạt khoảng 100 triệu USD. Chính kế hoạch năm năm lúc đó đã đặt nền tảng cho quy mô thương mại đạt 1.000 tỷ USD như hiện nay. Quan trọng hơn cả là thành tựu đó đã giúp cái tên Hàn Quốc được biết đến nhiều trên thế giới, giúp nâng cao thu nhập đầu người, tỷ lệ tuyển dụng và cải tiến đổi mới tư duy cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Bởi vậy, có thể nói thành công của Hàn Quốc - cường quốc kinh tế thứ 10 trên thế giới ngày nay - chính là xuất phát từ thành tựu của Kế hoạch năm năm lần thứ nhất.”

Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ nhất đã được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc bị tàn phá khốc liệt bởi chiến tranh và dường như không thể gượng dậy được. Có thể nói, khi đó Hàn Quốc đã phải đối mặt với một thách thức vô cùng to lớn. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, người dân Hàn Quốc vẫn đạt được thành công rực rỡ dù không có lợi thế về nguồn vốn và công nghệ. Cho đến hiện tại, cái tên Hàn Quốc đã trở thành một biểu tượng, một cường quốc kinh tế thực sự trên thế giới, sánh vai cùng các nước phát triển. Đó là lý do mà thế giới đã gọi sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là Kỳ tích sông Hàn.

Lựa chọn của ban biên tập