Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 12: Biệt kích Bắc Triều Tiên tấn công Phủ tổng thống Hàn Quốc

2015-03-31

Phần 12: Biệt kích Bắc Triều Tiên tấn công Phủ tổng thống Hàn Quốc
[31 biệt kích miền Bắc thâm nhập miền Nam để ám sát tổng thống]Chủ nhật, ngày 21 tháng 1 năm 1968, khi chỉ còn 10 ngày nữa tới Tết âm lịch, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã xảy ra một sự kiện không thể nào tin nổi. Sau đây là lời tường trình của ông Noh Young-seok, Trưởng bộ phận Thông tin và truyền thông của Đội phản gián thuộc Lục quân lúc bấy giờ: “Nhóm gián điệp vũ trang Bắc Triều Tiên thâm nhập vào Hàn Quốc này xuất thân từ một đội quân mới được thành lập vào tháng 7 năm 1967 nhằm tiến hành các vụ tập kích, phá hủy và gây sát thương các cơ sở công cộng, nhằm vào các nhân vật chủ chốt của Hàn Quốc như tổng thống, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội. Đội quân này thuộc đại đội 124 của quân đoàn số 283. Họ được vũ trang hạng nặng như súng tiểu liên các loại, súng lục, địa lôi chống tăng... Chúng cải trang thành binh sĩ trong nước với mục tiêu đầu tiên là tấn công Phủ tổng thống.”

Biệt kích của Bắc Triều Tiên, trang bị các loại vũ khí như súng và lựu đạn, đã xâm nhập vào khu vực phụ cận Phủ tổng thống Hàn Quốc nhằm ám sát Tổng thống lúc bấy giờ là ông Park Chung-hee. Một cuộc đấu súng đã xảy ra sau đó, khiến nhiều người thương vong. Từ sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, Bắc Triều Tiên đã không ngừng tiến hành các hành động khiêu khích miền Nam. Tuy nhiên, việc tấn công trắng trợn vào trung tâm quyền lực của Hàn Quốc là một hành động không thể ngờ tới, gây sốc và hoang mang trong toàn dân.

“Thật kinh khủng. Chúng tôi không thể nào tưởng tượng được việc toán quân du kích của Bắc Triều Tiên lại có thể leo qua những ngọn núi rất cao như thế để xâm nhập vào Hàn Quốc được. Tôi đã run biết bao, suýt nữa thì tổng thống của chúng ta đã gặp nạn rồi. Tôi rất sợ khi nghe tin chúng đã tới Phủ tổng thống. Rất nhiều câu hỏi trong đầu tôi lúc đó như: “Cái gì vậy chứ? Làm sao có thể xảy ra việc như thế được? Tổng thống có bị làm sao không?”.”

Cụ thể, khi đó khoảng 10 giờ đêm ngày 21 tháng 1 năm 1968, một cuộc nổ súng đã diễn ra gần cổng Jahamun thuộc phường Cheongun, cách Phủ tổng thống khoảng 200m. 31 biệt kích của miền Bắc đã tiến đến khu vực lân cận Phủ tổng thống. Và khi chúng bị cảnh sát miền Nam kiểm tra thì cũng là lúc bắt đầu xảy ra cuộc đấu súng. Chúng ném lựu đạn vào xe buýt dân sự rồi tiếp tục dùng tiểu liên để bắn khắp nơi. Vụ nổ súng này đã làm bảy người thiệt mạng, trong đó có sĩ quan thuộc Sở cảnh sát Chongno là Choi Gyu-sik, học sinh và nhân viên công ty.

[Bắt tên biệt kích Kim Shin-jo và tiêu diệt 30 tên còn lại]
Sau một hồi giao chiến, lính biệt kích Bắc Triều Tiên đã chia nhau ra, nổ súng để tìm đường chạy thoát. Vào lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau, một tên trong số chúng đã đầu hàng tại núi Bukak phía sau Phủ tổng thống. Đó là Kim Shin-jo, 27 tuổi, thuộc đại đội 124 của miền Bắc. Vào lúc 7 giờ tối ngày 22 tháng 1, tức là 17 tiếng sau khi Kim Shin-jo bị bắt, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại Đội phản gián của Lục quân Hàn Quốc. Thân hình gầy gò, nhỏ bé nhưng kẻ biệt kích Kim Shin-jo đã trả lời phỏng vấn với một giọng nói đầy rắn rỏi và kiên quyết. Suốt buổi họp báo, Kim Shin-jo với vẻ mặt thản nhiên đã trả lời rành mạch các câu hỏi của phóng viên về nhiệm vụ của mình. Kim trả lời như sau: “Nhiệm vụ của 31 người chúng tôi đó chính là cắt cổ Park Chung-hee, tiếp theo là bắn chết những cán bộ chủ chốt cấp dưới. Chúng tôi được trang bị 31 súng tiểu liên, 31 súng lục và mỗi người có 8 quả lựu đạn. Súng được lắp ráp ở Bắc Triều Tiên, còn ngòi nổ thì được sản xuất tại Liên Xô. Lựu đạn cũng như thế.”

Phát biểu của Kim Shin-jo về nhiệm vụ ám sát Tổng thống trong buổi họp báo không chỉ gây ngạc nhiên mà còn khiến nhiều người hoảng hốt. “Chúng tôi xuất phát từ một trạm gác của Bắc Triều Tiên ở ấp Maehyeon vào lúc 2 giờ chiều ngày 16/1 và tới Gaesung vào 12 giờ đêm cùng ngày. 10 giờ đêm ngày 17/1, chúng tôi vượt qua biên giới quân sự ở khu vực căn cứ số 24 của Mỹ bằng cách cắt dây thép vượt rào. Sau đó chúng tôi tiếp tục đi bộ qua sông Imjin vì lúc đó dòng sông đang đóng băng.”

Khi kế hoạch và hành trình xâm nhập Hàn Quốc được tiết lộ thông qua lời khai của Kim Shin-jo, người Hàn Quốc đã cảm thấy vô cùng lo sợ trước những lỗ hổng an ninh của đất nước. Bởi những tên biệt kích của miền Bắc không chỉ nắm được địa hình miền Nam mà còn cả cơ cấu nội các của Phủ tổng thống, để lên kế hoạch hết sức chi tiết cụ thể. Đại tướng Yoon Pil-yong thuộc Đội phản gián của Lục quân lúc bấy giờ nói: “31 người bọn chúng chia thành sáu nhóm. Mỗi nhóm có từ năm đến bảy người. Chúng đã lên kế hoạch cho một nhóm đóng chốt mé bên trái cửa lớn Phủ tổng thống để quan sát tình hình và khống chế hai người canh ở cửa trước để cho các nhóm tập kích vào. Một nhóm sẽ lên tầng hai của Phủ tổng thống, một nhóm ở tầng trệt, một nhóm vào phòng cảnh vệ, một nhóm khác đột nhập phá hủy phòng thư ký. Nếu kế hoạch thành công thì chúng sẽ tiến vào đơn vị vận chuyển trong Phủ tổng thống để cướp xe rồi bỏ trốn đến Munsan và sau đó vượt sông Imjin trở về miền Bắc.”

Sau khi bắt giữ Kim Shin-jo, quân đội Hàn Quốc vẫn tiếp tục truy bắt các thành viên còn lại của đội biệt kích Bắc Triều Tiên. Họ truy lùng khắp khu vực phía Bắc từ Seoul cho đến thành phố Yangju, Paju, Gimpo của tỉnh Gyeonggi, và ở một số nơi đã xảy ra các cuộc đọ súng. Ông Kim Chang-gi từng là lính lục quân đóng ở gần Paju hồi tưởng lại: “Tôi mới nhập ngũ chưa quá ba tháng thì vụ việc đó xảy ra. Lúc đó tôi đang ăn tối thì không hiểu sao bỗng dưng được cung cấp đạn thật. Bình thường khi huấn luyện trong quân đội thì chúng tôi không được phát đạn thật đâu. Rồi tôi và người đồng nghiệp nhận được lệnh trực gác hướng về thủ đô Seoul. Trên trời những chiếc máy bay thả pháo sáng liên tục. Bầu trời lúc đó sáng trưng như ban ngày vậy. Bắt đầu từ ngày hôm sau, các tiểu đội chia nhau lùng sục trên các dãy núi và lúc đó giao chiến đã xảy ra. Tôi rất sợ vì chẳng biết đạn từ đâu bay ra.”

Trong đợt truy quét này, ngoài Kim Shin-jo thì tất cả 30 người trong đội biệt kích đều đã tự sát hoặc bị bắn chết. Chiến dịch truy lùng căng thẳng này đã kết thúc vào ngày 31/1. Trong quá trình rượt đuổi, quân đội Hàn Quốc cũng chịu nhiều tổn thất to lớn. Khoảng 52 người bị thương, 25 sĩ quan, binh lính và bảy dân thường đã thiệt mạng, trong đó có cả đại tá Lee Ik-soo, một chỉ huy thuộc Sư đoàn bộ binh số 1.

[Bắc Triều Tiên bắt cóc chiến hạm Pueblo của Mỹ]
Vụ đột kích ngày 21/1/1968 chỉ là mở màn của chuỗi hành động khiêu khích liên tục từ phía Bắc Triều Tiên. Sau hai ngày kể từ ngày tấn công Phủ tổng thống, tức là vào ngày 23/1, tại hải phận quốc tế vùng biển gần Wonsan, Bắc Triều Tiên lại tiếp tục bắt cóc chiến hạm Pueblo, tàu thông tin của hải quân Mỹ. Trên chiến hạm khi đó có 83 thủy thủ đoàn và dân thường. Chính phủ Mỹ đã lên án hành động này của miền Bắc và coi đây là hình thức gây chiến. Động thái khiêu khích liên tiếp của Bắc Triều Tiên đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc và tạo ra bầu không khí căng thẳng, ngập tràn nỗi lo sợ về chiến tranh. Người dân đã tổ chức các cuộc hội họp và biểu tình phản đối miền Bắc. Các cuộc biểu tình, mít-tinh có sự tham gia của học sinh và các đoàn thể dân sự đã cho thấy ý chí người dân miền Nam là kiên quyết chống chính quyền Bình Nhưỡng.

[Chính phủ Hàn Quốc lập quân dự bị địa phương và sửa đổi hình thức chứng minh nhân dân]
Sự kiện ngày 21/1/1968 đã đưa đến nhiều thay đổi trong xã hội Hàn Quốc như Chính phủ sửa đổi cơ cấu cũng như luật pháp quốc gia. Giáo sư Lim Hyung-jin đến từ trường Nhân văn thuộc trường Đại học tổng hợp Kyunghee nói: “Sự kiện này đã dấy lên một hồi chuông thức tỉnh tinh thần cảnh giác của Hàn Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Rõ ràng, việc chúng ta hoàn toàn không có sự phòng bị trước cuộc tấn công của 31 lính biệt kích miền Bắc cho thấy Seoul đã quá lỏng lẻo trong công tác an ninh quốc phòng. Vì vậy, Chính phủ cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, đồng thời phải đưa ra những chính sách cứng rắn hơn nữa. Một trong số đó chính là việc thành lập lực lượng quân dự bị.”

Trên đây là bài hát về đội quân dự bị địa phương được thành lập vào ngày 3/4/1968, tức là ba tháng sau khi xảy ra vụ tập kích. Khi đất nước hòa bình thì đội quân này vẫn sống và sinh hoạt như người dân bình thường. Nhưng bất cứ lúc nào, khi đất nước có chiến tranh hay có biến cố, họ sẽ đứng lên bảo vệ nơi ở và làm việc của mình. Ông Kim Su-chang, người từng được chọn làm tiểu đội trưởng của quân dự bị địa phương sau khi xuất ngũ lính thủy đánh bộ vào tháng 1 năm 1968, kể lại:“Lúc đó, lễ ra mắt đội quân dự bị đã diễn ra tại sân vận động Hyochang ở Seoul. Tuy nhiên bầu không khí không lấy gì vui vẻ cho lắm. Vì để tự vệ nên chúng ta buộc phải thành lập đội quân này, và việc này cũng là sự thể hiện quyết tâm bảo vệ quê hương của chúng ta. Quân dự bị địa phương cũng giúp Hàn Quốc lấp kín lỗ hổng an ninh và tăng cường lực lượng quân sự của mình.”

Giáo sư Lim Hyung-jin của trường Nhân văn thuộc trường Đại học tổng hợp Kyunghee nói tiếp:“Không chỉ có vậy, lần đầu tiên chúng ta còn hợp tác với Mỹ để tổ chức cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Ulchi Freedom Guardian” (Người bảo vệ tự do Ulchi). Chính phủ cũng kéo dài thêm thời gian phục vụ quân ngũ của binh sĩ. Cụ thể là thời gian nghĩa vụ quân sự của binh sĩ lục quân và thủy quân lục chiến được kéo dài thêm sáu tháng, còn hải quân và không quân sẽ là thêm ba tháng. Cũng từ vụ tập kích 21/1 mà lực lượng cảnh sát thiện chiến, đội quân trong trường học và giấy chứng minh nhân dân cũng bắt đầu hình thành.”

Sau vụ biệt kích Bắc Triều Tiên tấn công phủ tổng thống Hàn Quốc, hình thức giấy chứng minh nhân dân cấp theo tỉnh thành đã được hủy bỏ. Theo đó, tất cả người dân trên 18 tuổi thì mỗi người sẽ được cấp cho một số chứng minh nhân dân, bắt đầu từ ngày 21/11.

[Miền Bắc liên tục khiêu khích, đẩy quan hệ liên Triều bế tắc hơn]Sau đó, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục những hành động khiêu khích, uy hiếp Hàn Quốc như sự kiện binh lính miền Bắc xâm nhập vào Uljin và Samcheok (tỉnh Gangwon) vào năm 1968, vụ mưu sát hụt Tổng tống Park Chung-hee vào ngày 15/8/1974, vụ đánh bom khủng bố tại Nghĩa trang quốc gia Aung San của Myanmar nhằm tiêu diệt Tổng thống Hàn Quốc vào năm 1983 và vụ đánh bom một chiếc máy bay của hãng hàng không Korean Air vào năm 1987. Sự kiện ngày 21/1/1968 và việc bắt cóc con tàu Pueblo của Mỹ đã khiến cho quan hệ Nam-Bắc ngày càng rơi vào chỗ bế tắc hơn và đẩy bầu không khí chống cộng sản ở Hàn Quốc lên cao trào. Giáo sư Lim Hyung-jin cho biết: “Tình hình lúc đó rất bế tắc. Đất nước chúng ta đã phải chịu đựng nhiều cú sốc. Bởi vậy mà bầu không khí chống cộng sản miền Bắc tràn ngập các phố phường, làng quê ở miền Nam. Tổng thống Park lúc bấy giờ đã ban hành các chính sách ưu tiên an ninh quốc phòng và đưa ra chủ trương cảnh giác cao độ với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, miền Bắc cũng ngày càng thể hiện rõ sự thù địch với miền Nam và thắt chặt thể chế độc tài. Có thể nói là vụ đột kích vào Phủ tổng thống Hàn Quốc là sự kiện không hay ho gì với cả hai miền và đã khắc sâu thêm mâu thuẫn trên bán đảo Hàn Quốc.”

Đã 47 năm trôi qua kể từ khi biệt kích Bắc Triều Tiên xâm nhập vào trung tâm quyền lực của Hàn Quốc và cố gắng ám sát tổng thống. Cho đến nay, những ký ức về cuộc tấn công này vẫn chưa phai mờ trong tâm trí người dân Hàn Quốc. Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vết rạn giữa hai miền Nam-Bắc vẫn không thể nào liền lại được. Bán đảo Hàn Quốc vẫn phải chứng kiến sự thù địch, nghi ngờ, những cuộc đấu trí đầy căng thẳng, cuộc chiến thông tin khốc liệt giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập