Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 14: Jeon Tae-il - người dũng cảm đấu tranh cải thiện điều kiện lao động tại Hàn Quốc

2015-04-14

Phần 14: Jeon Tae-il - người dũng cảm đấu tranh cải thiện điều kiện lao động tại Hàn Quốc
[Sự hy sinh bi tráng của thanh niên Jeon Tae-il]Chiều ngày 13/11/1970, tại ngã tư trước chợ Pyounghwa nằm ở phố suối Cheonggye số 6 (Seoul) đã có một cuộc biểu tình đòi cải thiện điều kiện làm việc của 13 lao động, đứng đầu là một thợ may trẻ tuổi tên là Jeon Tae-il. Vào 1 giờ 30 phút, tức là 10 phút sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, một cảnh tượng bi thảm đã diễn ra. Cơ thể người thanh nhiên 22 tuổi Jeon Tae-il đột nhiên chìm trong ngọn lửa. Anh đã tự thiêu để phản đối điều kiện làm việc tồi tệ tại chợ Pyounghwa, nơi anh làm việc. Vụ việc này đã làm chấn động xã hội Hàn Quốc.

Chiều cùng ngày, mẹ của Jeon Tae-il, bà Lee So-seon đã gần như sụp đổ khi nghe tin về con trai mình. Sau đây là lời tâm sự của bà lúc bà còn sống (Bà đã qua đời vào năm 2011) khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình: “Ở mỗi xóm làng khi đó đều có một loa phóng thanh thông báo những sự việc quan trọng của thôn, làng. Hôm đó, tôi nghe tiếng loa gọi rằng: "Mẹ Jeon Tae-il ở đâu mau trở về nhà gấp”. Tôi lật đật chạy về nhà, lúc này mọi người đang tụ họp rất đông ở nhà tôi. Và tiếng loa lại thông báo tiếp rằng con tôi, Jeon Tae-il sống ở số nhà 208 phường Ssangmun, đã tự thiêu để phản đối Luật lao động.”

Bà đã hy vọng mọi thứ chỉ là trong cơn mơ, nhưng ngờ đâu khi đến nhận con, bà chỉ thấy trước mắt là đứa con trai yêu quý trên người quấn đầy băng trắng và đang mất dần ý thức. Bà nói về cảm xúc của mình trước tình cảnh con trai ở bệnh viện: “Ngày 13 tháng 11 năm ấy, trời lạnh vô cùng. Con trai tôi từ đầu đến chân được quấn bằng băng trắng, chỉ còn chừa mỗi miệng và lỗ mũi. Khi tôi sờ vào môi nó, môi nó cứng như đá vì bị thiêu cháy. Và con tôi nói rằng mẹ đừng đụng vào con, hãy nói chuyện thôi.”

Lấy chút sức lực cuối cùng còn lại, người thanh niên ấy đã nói với mẹ mình rằng hãy giúp anh hoàn thành nguyện ước mà anh đã không thể thực hiện được. Bà Lee So-seon kể tiếp:“Con trai tôi muốn tôi thay nó thực hiện nhiệm vụ mà nó chưa hoàn thành. Lúc đó tôi đã không trả lời ngay. Nó liền nói tiếp rằng nó tin tôi là người không bị vật chất cám dỗ. Tôi trả lời ‘được rồi, được rồi’ nhưng nó cứ nhấn mạnh muốn tôi phải chắc chắn giữ lấy lời hứa. Bởi vậy, tôi đã gật đầu trả lời rằng tôi sẽ làm điều con yêu cầu. Nó lại bảo tôi nói lớn tiếng lên. Và tôi đã đáp lại rằng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tâm nguyện của con dù cho thân thể này có tan thành cát bụi. Vừa trả lời mà tim tôi như vỡ tan.”

Người thanh niên trẻ tuổi Jeon Tae-il cuối cùng cũng không vượt qua được vết thương quá nặng. Anh qua đời vào lúc 10 giờ đêm hôm đó, 13 tháng 11. Và lời cuối anh nói, đó là "Mẹ ơi, con đói quá".

[Cuộc đời lao động nghèo khó và nhiều tâm tư của Jeon Tae-il]Jeon Tae-il sinh ngày 6 tháng 8 năm 1948 tại thành phố Daegu. Cha anh là công nhân xí nghiệp may và gia đình anh rất nghèo. Khi anh lên 11 tuổi thì cha anh bị phá sản, gia đình sa sút nên chàng thanh niên trẻ đã phải bỏ ngang lớp tiểu học để đi kiếm tiền. Anh làm bất kỳ công việc nào từ đánh giầy đến bán báo và thậm chí thỉnh thoảng đi ăn xin để kiếm tiền nuôi gia đình mình. Sinh thời Jeon Tae-il đã lưu lại rất nhiều nỗi niềm tâm sự trong những trang nhật ký. Vào tháng 8 năm 1962 anh viết rằng anh đã quá mệt mỏi với cuộc sống này. Sau đây là một đoạn trong cuốn nhật ký đó: “Mặt trời như thiêu đốt mọi thứ trên mảnh đất khô cằn. Một đứa bé 14 tuổi với cái bụng trống rỗng, đang tìm cách tránh cái nắng gay gắt và cơn khát khô họng dưới mái hiên nhà. Tôi đã thầm nghĩ: “Làm thế nào mà những con người kia lại vui như thế chứ? Còn tôi, tại sao tôi lại phải ở đây đến chết đói và kiệt sức như thế này? Tại sao tôi phải mang những đôi giầy rách rưới mà người ta quăng đi, và mặc những bộ đồ dơ cũ chẳng hợp với thời tiết thế này?”

Mặc dù gia cảnh nghèo khó, cơm không đủ no, nhưng Jeon Tae-il chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ học tập của mình. Khi tròn 15 tuổi vào năm 1963, Jeon Tae-il nhập học trung học, nhưng sau đó lại tiếp tục bỏ dở khi chưa học được tới một năm. Năm tiếp theo, anh bắt đầu làm thợ học việc tại một xưởng may ở chợ Pyounghwa, Seoul. Năm đó, Jeon Tae-il mới 16 tuổi. Vào thời điểm năm 1962, khu vực quanh suối Cheonggye có rất nhiều xí nghiệp, xưởng may nhỏ. Riêng chợ Pyounghwa đã có hơn 500 cửa hàng may mặc ở tầng 2 và 3 của chợ. Điểm chung của tất cả những xưởng may này là điều kiện làm việc kinh khủng không thể tin được. Ông Lim Hyeon-jae, người đã từng làm cùng Jeon Tae-il tại chợ Pyounghwa kể lại:“Lúc đó, một xưởng may thường được chia thành hai tầng, không gian rất chật hẹp, muốn đi thì phải khom lưng, và các công nhân cũng chỉ có chỗ ngồi vừa đủ để thao tác. Chúng tôi phải lao động trong căn phòng đầy bụi vải mà không có bất kỳ hệ thống quạt hút thông gió nào. Đó là lý do nhiều người bị mắc bệnh về phổi. Thời gian làm việc thì cũng quá dài. Các công nhân phải làm từ 7 giờ sáng cho tới 11 giờ tối mới được về, thậm chí có nhiều lúc đến quá nửa đêm luôn. Mỗi ngày chúng tôi làm việc trung bình đến 16 tiếng đồng hồ.”

Jeon Tae-il đã tỏ ra rất phẫn nộ khi phải làm việc trong một môi trường tồi tệ với mức lương bèo bọt như vậy. Đây là một đoạn nhật ký anh viết vào khoảng năm 1966: “Thật bất công khi tôi phải lao lực trong thời gian kéo dài, thậm chí phải tăng ca liên tục và không thể từ chối mệnh lệnh của quản đốc, người có quyền lực tuyệt đối đối với các thợ may trong xưởng. Phải làm việc cả ban đêm cho nên hôm sau năng suất làm việc cũng giảm. Nhưng liệu có lối thoát nào cho tôi và những người công nhân trình độ thấp, chẳng có tiếng nói bằng chủ xưởng, như chúng tôi chứ.”

Có khoảng 20.000 người làm việc tại chợ Pyounghwa vào nửa sau những năm 1960, trong đó, có khoảng 80, 90% là những thiếu nữ chưa tới tuổi đôi mươi. Bà Lee So-seon, mẹ của Jeon Tae-il, hồi tưởng lại:“Con trai tôi nói với tôi là các công nhân khác đều nhỏ tuổi hơn nó. Tất cả đều phải làm việc đến rất khuya. Các bé gái hầu như ai cũng đều buồn ngủ và rất đói nên khó hoàn thành chỉ tiêu của mình. Và lúc đó thì Hàn Quốc có áp dụng lệnh cấm đi lại vào ban đêm nên có khi các bé gái không được về hay phải mau chóng chuẩn bị về trước khi lệnh có hiệu lực. Con tôi kể, một bữa nọ có các em trong xưởng bảo là “anh ơi chúng em đói lả không còn tí sức lực nào”, nên nó đã lấy tiền đi lại của mình để mua đồ ăn cho mấy cô bé đó, còn mình thì đi bộ về nhà.”

Trong những trang nhật ký viết vào năm 1968, Jeon Tae-il kể lại rằng anh thường mua thuốc cho những cô gái bị bệnh và làm giúp họ. Và anh luôn bị ám ảnh bởi những gì bản thân chứng kiến trong nhà máy: “Tất cả chúng ta đều là con người, nhưng tại sao người nghèo lại phải làm nô lệ cho người giàu? Tại sao những em gái nhỏ kia lại phải vắt sức lao động của mình để làm ra tài sản cho bọn nhà giàu dơ bẩn chứ? Chẳng nhẽ đây là hiện thực xã hội? Hay là quy luật của của kẻ giàu và người nghèo?”

[Chặng đường đấu tranh vì quyền lợi công nhân]Giống như nhiều người khác lúc bấy giờ, Jeon Tae-il đã không hề biết gì về Luật lao động cho tới năm 1968. Anh cũng nhận thức được rằng các công nhân phải đoàn kết, lên tiếng đòi quyền lợi để được sống như một con người, để thay đổi điều kiện làm việc cũng như những quy định lao động bất hợp lý. Ông Lim Hyeon-jae, người đã từng làm cùng Jeon Tae-il tại chợ Pyounghwa, nói tiếp: “Hầu hết các công nhân không hề biết đến Luật lao động. Một ngày nọ, Tae-il mang theo cuốn Luật lao động đến và nói các điều luật trên đó ghi rõ phải bảo vệ những công nhân như chúng tôi. Anh ấy nói bởi vì những luật này không được tuân thủ, nên chúng tôi mới phải làm việc vất vả trong thời gian dài đến đổ bệnh như vậy.”

Đến cuối tháng 6 năm 1969, 10 công nhân ở khu chợ Pyounghwa đã gặp nhau tại một quán ăn Trung Quốc gần cung Deoksu. Họ chính là các thành viên của nhóm có tên gọi là Hội Ngờ nghệch. Ông Kim Yeong-mun từng là cựu thành viên của nhóm và cũng là bạn của Jeon Tae-il kể lại:“Hội Ngờ nghệch gồm những người bạn thường xuyên gặp nhau để chia sẻ về hoàn cảnh của những người công nhân và điều kiện làm việc rất kinh khủng lúc ấy. Ban đầu, chúng tôi chỉ đơn giản là gặp gỡ chia sẻ thế thôi, chứ không có ý định tổ chức một phong trào đấu tranh nào đâu. Nhưng rồi qua đây chúng tôi kể cho nhau cuộc sống của người công nhân. Đồng thời chúng tôi cũng tìm được cuốn Luật lao động ở một hiệu sách cũ trước chợ Pyounghwa và đọc cho nhau các điều khoản trong đó. Càng ngày, chúng tôi càng cảm thấy thích thú và tổ chức gặp mặt nhau thường xuyên hơn để tìm hiểu về luật pháp, cũng như về môi trường lao động khi đó.”

Jeon Tae-il chính là người đã lập nên Hội Ngờ nghệch. Anh cố gắng học Luật lao động và khởi xướng phong trào cải thiện tình hình làm việc của công nhân lúc đó. Tuy nhiên, các chủ xưởng biết được điều này và Tae-il bị đưa vào danh sách nhân vật nguy hiểm đối với sự tồn vong của chợ. Kết quả là anh bị sa thải. Jeon Tae-il đã chuyển sang làm việc tại một công trường xây dựng sau khi bị sa thải khỏi xưởng may. Nhưng một năm sau đó, vào tháng 9 năm 1970, anh lại được thuê làm thợ may ở một xưởng may ở chợ Pyounghwa. Sau khi trở về, anh đã kêu gọi những thành viên trong Hội Ngờ nghệch quay lại cùng với 12 công nhân cắt may khác điều tra môi trường làm việc xung quanh khu vực suối Cheonggye và đệ bản khiếu nại lên Sở lao động. Thư khiếu nại cũng được đăng trên trang nhất của tờ báo Kyunghyang, và đã gây tiếng vang lớn trong dư luận. Tuy nhiên nó đã không thay đổi được điều gì cả. Các chủ xưởng ở khu chợ Pyounghwa cũng chẳng đoái hoài gì. Thất vọng vì thái độ của chính quyền và giới chủ, Jeon Tae-il đã quyết định dùng đến phương cách cuối cùng. Và ngày 13 tháng 11 Tae-il đã tự thiêu cùng với cuốn Luật lao động trong tay.

[Ý nghĩa sự kiện tự thiêu của công nhân trẻ Jeon Tae-il]Sự kiện tự thiêu của người công nhân trẻ đã khiến cả nước bàng hoàng. Giáo sư Hong Yoon-ki thuộc khoa Triết học của trường Đại học Dongguk nói: “Jeon Tae-il đã lên tiếng kêu gọi hãy tuân thủ Luật lao động, rằng công nhân không phải máy móc, họ có quyền nghỉ ngơi vào ngày Chủ nhật, không phải làm tăng ca. Anh ấy cũng yêu cầu không được để cái chết của mình trở thành vô nghĩa. Thật buồn khi mà trong lúc nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt được tốc độ phát triển nhanh nhất, Chính phủ lại không đếm xỉa đến ước muốn nhỏ nhoi của một công nhân và đẩy anh ấy đến con đường phải tự sát. Đó quả thật là một cú sốc đối với xã hội lúc bấy giờ.”

Nỗi đau của người mẹ Jeon Tae-il, bà Lee So-seon, sẽ mãi mãi không thể xoá mờ. Nhưng cũng nhờ sự hy sinh của Jeon Tae-il mà vào ngày 27 tháng 11, bà Lee So-seon cùng các đồng nghiệp của anh đã thành lập nên Liên đoàn lao động Cheonggye theo đúng nguyện ước của Jeon Tae-il. Ông Lim Hyeon-jae, người đã từng làm việc tại chợ Pyounghwa, nói tiếp:“Khi Tae-il được đưa đến bệnh viện, chúng tôi những người bạn của cậu ấy đã cùng tập hợp nhau lại, viết một bức huyết thư và tổ chức biểu tình. Tuy nhiên sau đó chúng tôi bị cảnh sát bắt đi. Khi nghe tin những người bạn của con mình bị bắt, bà Lee So-seon đã nói với cảnh sát và cơ quan điều tra rằng bà sẽ không mở miệng nói bất cứ điều gì nếu họ không thả những người bạn ấy. Trước giọng điệu cương quyết của bà Lee, các nhà chức trách đã buộc phải phóng thích một vài người ngay trong đêm hôm đó, và đến ngày hôm sau thì toàn bộ đã được thả hết. Sau vụ việc này, các đoàn thể lao động đã tìm đến chúng tôi và chỉ cho chúng tôi cách để hiện thực nguyện vọng của Jeon Tae-il, đó là thành lập một tổ chức công đoàn. Và cuối cùng, vào ngày 27 tháng 11, tức hai tuần sau cái chết của Tae-il, Liên đoàn lao động Cheonggye đã được thành lập. Nhiệm vụ chính của liên đoàn này là kế thừa mong ước dang dở của Jeon Tae-il, đó là cải thiện môi trường làm việc cho công nhân.”

Sau sự kiện chấn động này, xã hội Hàn Quốc cũng bắt đầu có nhiều thay đổi. Sự hy sinh của Jeon Tae-il đã cảnh báo về những mặt trái của xã hội song hành với sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc lúc đó. Và từ đó đã đánh dấu sự khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của người lao động ở Hàn Quốc sau này. Giáo sư Hong Yoon-ki thuộc khoa Triết học của trường Đại học Dongguk nhấn mạnh: “Khi đi sâu vào phân tích nguyên nhân nào đã khiến Jeon Tae-il phải tự sát, thì ta thấy rằng xã hội của chúng ta tuy mang tính dân chủ, nhưng lại không được dân chủ thực chất. Chính nhờ sự hy sinh của anh ấy mà chúng ta dần dần thức tỉnh để nhận ra hiện thực xã hội. Dựa vào điểm này có thể nói Jeon Tae-il hoàn toàn xứng đáng được công nhận là người anh hùng có công lớn đối với đất nước, đặc biệt là trong việc nâng cao chủ nghĩa dân chủ thực chất, trong đó có quyền lợi của người lao động, ở Hàn Quốc.”

Tae-il, người đã trải qua nỗi khổ cực cùng những công nhân bị coi rẻ khác, đã dùng chính mạng sống của mình để truyền ngọn lửa đấu tranh trên cả nước. Vụ tự sát bi thương của anh vào năm 1970 sẽ mãi được nghi nhớ như là sự khởi đầu và biểu tượng của phong trào đấu tranh vì quyền lợi của người lao động Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập