Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 19: Hàn Quốc vươn ra thị trường thế giới

2015-05-19

Phần 19: Hàn Quốc vươn ra thị trường thế giới
[Nỗ lực tự sản xuất ô tô]Vào giữa những năm 1970, lá quốc kỳ của Hàn Quốc bắt đầu bay ở nhiều nước trên thế giới, nơi mà cái tên "Hàn Quốc" trước đó hầu như không mang tới bất cứ ấn tượng gì. Những chiếc xe ô tô do Hàn Quốc sản xuất đã xuất hiện trên các cung đường tại các quốc gia Trung Nam Mỹ và Đông Nam Á. Các tòa nhà và khu công nghiệp của Hàn Quốc cũng mọc lên nhiều ở Trung Đông. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sản phẩm Hàn Quốc ở khắp nơi trên thế giới từ giữa những năm 1970 đã thực sự đưa quốc gia vượt ra khỏi phạm vi các nước lạc hậu, kém phát triển.

Ô tô, sản phẩm thường được gọi là “Đóa hoa của ngành công nghiệp” lần đầu tiên được chế tạo tại Hàn Quốc vào năm 1955. Từ năm đó cho đến giữa những năm 1960, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai, về cơ bản chỉ là nhập khẩu ô tô cũ từ Mỹ rồi về tháo ra, lắp ráp lại. Giáo sư Kim Pil-soo của Khoa Công nghệ ô tô thuộc trường Đại học Daelim sẽ nói rõ hơn về ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc thời kỳ đầu: “Chiếc xe hơi đầu tiên của Hàn Quốc có tên gọi Sibal (có nghĩa là “xuất phát”) ra mắt vào năm 1955. Sau đó, Hàn Quốc đã rất nỗ lực để có thể tự sản xuất từ những phụ tùng nhỏ nhất đến chiếc xe hoàn chỉnh. Song vào những năm 1960 thì nền công nghiệp ô tô của quốc gia mới chỉ dừng lại ở việc hợp tác với các công ty nước ngoài để lắp ráp các bộ phận lại thành chiếc ô tô mới. Trong thời kỳ đầu này, Hàn Quốc chủ yếu sản xuất các bộ phận ô tô bằng nhựa đơn giản hoặc sản phẩm đúc khuôn. Rồi dần dần gần như chế tạo phụ tùng ô tô chủ chốt vào nửa sau những năm 1960. Đây chính là bước khởi đầu quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc.”

Việc sản xuất một chiếc ô tô, vốn được cấu thành bởi khoảng 20.000 phụ tùng, đòi hỏi công nghệ mang tính hệ thống của ngành chế tạo phụ tùng và ngành sắt thép. Công nghiệp sản xuất ô tô của Hàn Quốc phải bước vào thập niên 1970 mới bắt đầu có được nền móng cơ bản để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, nhờ vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp nặng, hóa chất và sắt thép. Nhờ việc thành lập nhà máy sản xuất sắt thép Pohang, cùng ý chí quyết tâm phát triển ngành chế tạo ô tô nước nhà của Chính phủ, công nghiệp ô tô Hàn Quốc bắt đầu cất cánh. Giáo sư Kim Pil-soo phân tích: “Năm 1969, Chính phủ đã công bố kế hoạch phát triển công nghiệp ô tô trong nước gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1967 đến 1969 là hoàn thành xây dựng các nhà máy chế tạo ô tô. Giai đoạn thứ hai từ năm 1970 đến 1973 là sản xuất hàng loạt các phụ tùng linh kiện xe hơi. Đây cũng là giai đoạn khánh thành các nhà máy chế tạo động cơ và khung gầm ô tô. Giai đoạn cuối cùng từ năm 1973 đến 1975 là chế tạo đầy đủ một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh bằng công nghệ trong nước.”

[Pony, chiếc ô tô hoàn chỉnh đầu tiên của riêng Hàn Quốc]Công nghiệp sản xuất ô tô của Hàn Quốc với những bước khởi đầu như thế đã tạo ra một cú huých trên thị trường khi cho ra đời chiếc xe hơi hoàn chỉnh đầu tiên với tên gọi Pony, vào ngày 1/12/1975. Chiếc xe của tập đoàn Hyundai này được ví như một tín hiệu tốt dự báo tương lai tươi sáng cho ngành sản xuất ô tô của Hàn Quốc về sau. Giáo sư Kim Pil-soo cho biết: “Sau khi cho ra mắt chiếc xe hơi hoàn chỉnh đầu tiên mang tên Pony vào năm 1975, thì một năm sau, năm 1976, Hàn Quốc cũng lần đầu tiên xuất khẩu xe ô tô sang Ecuador. Việc xuất khẩu ô tô hoàn chỉnh cũng cho thấy bước phát triển của công nghệ sản xuất xe hơi trong nước. Lúc bấy giờ, xe ô tô vẫn được coi là sản phẩm độc quyền của các nước phát triển. Bởi vậy, năm 1976 có thể coi là một cột mốc quan trọng, đánh dấu điểm khởi đầu cho việc xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc.”

Trên thực tế, việc Huyndai xuất xưởng chiếc Pony cũng có thể xem là một cuộc đánh cược. Hyundai có xuất phát điểm là công ty liên doanh với hãng xe hơi Ford của Mỹ từ năm 1967, nhưng đến năm 1972 thì sự hợp tác này bị gián đoạn. Ban lãnh đạo của Hyundai đã buộc phải tìm cách để cứu công ty và giải pháp đó chính là tự sản xuất ra chiếc xe của riêng mình. Chủ tịch Hyundai, ông Chung Se-yung, người qua đời vào năm 2005, đã nói như sau khi còn sống: “Tháng 3 năm 1972, hãng GM đã vào Hàn Quốc và tuyên bố bắt tay với hãng ô tô Shinjin. Chúng tôi khi đó nghĩ rằng việc hợp tác này sẽ kết thúc trong một, hai năm, nên không lo lắng mấy. Hai tháng sau, hai công ty này chính thức công bố việc liên doanh. Nếu GM, hãng ô tô của Mỹ vào hàng lớn nhất trên thế giới, nhảy vào thị trường Hàn Quốc, và như vậy thì miếng bánh của Hyundai có còn lại bao nhiêu đâu. Làm thế nào chúng ta có thể tồn tại được chứ? Kể từ lúc đó chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều cách để vượt qua được thử thách này. Và chúng tôi nhận ra rằng chỉ có con đường duy nhất là sản xuất dòng xe vừa bán được trong nước vừa có thể xuất khẩu. Để xuất khẩu thì chúng ta không thể sao chép mẫu của những chiếc xe nhập khẩu đời trước được. Sau một thời gian nghiên cứu tìm tòi, cuối cùng chúng tôi đã sản xuất ra chiếc xe Pony của riêng Hàn Quốc.”

Mọi người đã hoài nghi khi Hyundai công bố kế hoạch sản xuất dòng xe tự chế tại Hàn Quốc chỉ trong vòng hai năm. Khi đưa ra tuyên bố đầy tham vọng trên, công nghệ sản xuất xe ô tô của Hyundai thực chất vẫn còn ở giai đoạn sơ khai thôi. Bởi vậy, họ đã phải cử các kỹ sư của mình đến các hãng chế tạo ô tô lớn trên thế giới để học tập, nắm bắt được công nghệ cao hơn. Cố Chủ tịch Hyundai, ông Chung Se-yung, lúc còn sinh thời đã nói: “Để sản xuất được một chiếc xe ô tô thì trước hết phải chế tạo được khung xe. Sau khi tiến hành điều tra thị trường, chúng tôi được biết là hãng Fiat của Ý có bán thiết kế khung xe có động cơ. Vì thế, Hyundai đã cử người tìm đến Fiat để hợp tác, bắt tay vào thiết kế và chế tạo khung xe. Lúc bấy giờ, 12 kỹ sư của chúng tôi đã tới Ý để học tập kinh nghiệm trong một năm trước khi cho ra mắt dòng xe Pony.”

Vào tháng 6 năm 1974, nguyên mẫu đầu tiên của dòng xe Pony đã được hoàn thành và đến tháng 9 năm đó, thì Hyundai chính thức công bố dòng xe này có tên là “Pony”. Tháng 12 năm 1975, tức là ba năm sau khi tuyên bố sẽ phát triển dòng xe riêng của Hàn Quốc, Hyundai đã thực sự bắt tay vào việc sản xuất ô tô như lời cam kết. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản, và là nước thứ 16 trên thế giới tự chế tạo được xe ô tô.

[Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu ô tô]Dòng xe Pony xuất hiện lần đầu trên thị trường trong nước vào năm 1976, và đã nhanh chóng bán được với số lượng lên tới 10.726 chiếc xe, chiếm gần 43,5% thị phần trong nước. Pony còn thu hút được sự chú ý từ nước ngoài. Sau khi xuất khẩu sang Ecuador vào tháng 7 năm 1976, 1.019 xe Pony được bán sang khu vực Trung Nam Mỹ và châu Phi. Đến năm 1977, con số này tăng lên là 4.523 chiếc, và đến năm 1978 đã có 12.195 chiếc được xuất khẩu. Đây cũng là bước đi then chốt chuẩn bị cho Hàn Quốc vươn lên trở thành “cường quốc sản xuất ô tô”. Giáo sư Khoa Công nghệ ô tô thuộc trường Đại học Daelim, ông Kim Pil-soo, giải thích: “Từ sau mẫu xe Pony, các dòng xe trong nước đã dần dần được chú ý và ưa chuộng trên thị trường. Dòng xe Peugeot 604 và Fiat 132 của hãng Kia đã lần lượt ra đời vào năm 1979. Sau đó, dòng xe Stellar của Hyundai ra mắt năm 1983, dòng Pony Excel xuấ xưởng năm 1985, dòng Royale của công ty ô tô Daewoo vào năm 1978. Điều này đã làm gia tăng các chủng loại và sự đa dạng về mẫu mã xe hơi trên thị trường Hàn Quốc. Trong số đó, Pride của Kia và Lemans của Daewoo là hai dòng xe có số lượng xuất khẩu tăng rất nhanh,góp phần tăng cường sự hiện diện của thương hiệu Hàn Quốc trên thị trường quốc tế.”

[Ngành xây dựng cũng góp phần quảng bá Hàn Quốc trên thế giới]Vào thập niên 1970, ngành đã đóng góp vào việc quảng bá cái tên “Hàn Quốc” trên thế giới chính là ngành xây dựng. Lúc bấy giờ, các đơn đặt hàng về xây dựng từ nước ngoài tới tấp đổ về. Nói cách khác, chính sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ của các công nhân xây dựng Hàn Quốc ở nước ngoài đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh trong thời kỳ này. Giáo sư Kim Seung-wook của Đại học Kinh tế thuộc trường Đại học tổng hợp Chungang giải thích rằng việc ngành xây dựng Hàn Quốc tiến ra nước ngoài giống như một làn gió mát làm dịu đi bầu không khí căng thẳng do cuộc khủng hoảng dầu mỏ gây ra trên thế giới vào năm 1973:“Tháng 10 năm 1973, Tổng thống Ai Cập Anwar Al-Sadad đã ra lệnh tập kích vào Israel, dẫn tới cuộc chiến Trung Đông lần thứ tư và cú sốc dầu mỏ bắt đầu như thế. Những quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã lấy dầu mỏ làm vũ khí cho mình. Điều đó khiến giá dầu tăng nhanh một cách bất ngờ, làm cho nhiều người choáng váng. Hàn Quốc vốn là một đất nước nghèo tài nguyên và phải nhập khẩu nhiều dầu thô, nên giá dầu tăng như thế đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước ta.”

Hàn Quốc lúc đó đang xúc tiến Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ ba đặt trọng tâm vào công nghiệp nặng và hóa chất. Tuy nhiên, giá dầu tăng như vậy đã gây ra sự hỗn loạn trên thị trường. Vật giá ngày càng tăng cao, trong khi ngân khố quốc gia thì ngày càng giảm xuống. Trong năm 1974, cán cân thu chi quốc tế Hàn Quốc thâm hụt lên tới 1,71 tỷ USD. Nhà nước không có cách nào để bù đắp khoản thâm hụt này và đất nước đứng trước nguy cơ phá sản. Chính vào lúc đó, Chính phủ và giới xây dựng đã chú ý đến khu vực Trung Đông. Giáo sư Kim Seung-wook nhận định: “Những nước sản xuất dầu mỏ đã đẩy giá dầu lên cao, kéo theo một khoản lợi nhuận cực lớn đã chảy vào túi họ. Vậy thì họ sẽ lấy tiền đó để làm gì? Hiển nhiên họ sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như nhà máy công xưởng, hệ thống cảng và nhiều thứ khác rồi. Trung Đông thừa tiền nhưng lại thiếu lao động, còn Hàn Quốc vừa dư thừa lao động vừa đang cạn kiệt về ngân sách, nên đây có thể coi là cơ hội vàng cho ngành xây dựng nước ta.”

Ngành xây dựng của Hàn Quốc chính thức tiến ra nước ngoài, sau khi Công ty xây dựng Hyundai nhận được đơn hàng thi công đường cao tốc nối liền Pattani và Narathiwat tại Thái Lan vào năm 1965. Rồi tiếp tục thâm nhập các thị trường Đông Nam Á khác. Những kinh nghiệm tích luỹ đó tạo nền tảng cho việc tiến vào Trung Đông. Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Ả-rập Xê-út, ông Yoo Yang-soo kể lại: “Không phải tự nhiên mà chúng ta bất ngờ tiến vào thị trường Trung Đông. Từ nửa sau những năm 1960, cùng với việc đưa khoảng 330.000 binh lính sang Việt Nam tham chiến, thì khoảng năm, sáu công ty xây dựng vừa và nhỏ nhận đơn đặt hàng từ quân đội Mỹ tại Việt Nam. Vào các năm 1971, 1972, 1973, Mỹ bắt đầu rút dần khỏi Việt Nam. Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng rời khỏi Việt Nam và một số khác thì chuyển sang khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, Trung Đông đã trở thành đích đến mới cho một số doanh nghiệp của chúng ta.”

Thành công của ngành xây dựng Hàn Quốc tại Trung Đông được đánh dấu bằng sự kiện công ty Samhwan thắng thầu xây dựng tuyến đường cao tốc Khayba ở Alula thuộc Ả-rập Xê-út với tổng giá trị 27 triệu USD vào năm 1973. Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Ả-rập Xê-út, ông Yoo Yang-soo, cho biết: “Sau Samhwan là công ty Daelim, rồi công ty Hanil, Seongrak cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường Ả-rập Xê-út. Cũng nhờ việc Samhwan trúng thầu dự án xây dựng đường cao tốc, những lao động Hàn Quốc đã làm việc trong nội thành Jeddah. Và để xây dựng đường cao tốc ngang qua nội thành thì tối đến các lao động của chúng ta đã phải bật lửa để làm việc trong đêm. Khi đó quốc vương Ả-rập Xê-út đã thấy được và hỏi họ là ai, và khi được biết rằng đó là những người Hàn Quốc thì ông đã tỏ ra rất khâm phục. Từ đó, câu chuyện về những người lao động chăm chỉ đến từ Hàn Quốc đã nhanh chóng lan truyền khắp đường phố Ả-rập Xê-út.”

Trên nền tảng những gì có được tại Ả-rập Xê-út, ngành xây dựng của Hàn Quốc lại tiếp tục tiến vào những đất nước khác ở Trung Đông, như Jordan, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Cô-ét. Nhờ vậy mà đến năm 1974, Hàn Quốc đã thu về 260 triệu USD từ các doanh nghiệp đang nhận thầu xây dựng ở Trung Đông và đến năm 1975, con số này đã tăng gấp ba lần, tương đương 850 triệu USD. Với sự kiện công ty Hyundai thắng thầu xây dựng Cảng công nghiệp Al-Jubayl tại Ả-rập Xê-út vào năm 1976, ngành xây dựng của Hàn Quốc tại nước ngoài lại một lần nữa tăng trưởng nhảy vọt. Đến năm 1979, số tiền thi công xây dựng Cảng công nghiệp Al-Jubayl đã lên tới 940 triệu USD, chiếm đến 25% ngân sách của Hàn Quốc lúc đó. Nguồn ngoại tệ từ các dự án này đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc vượt qua được khó khăn sau cú sốc về dầu mỏ. Giáo sư Kim Seung-wook của Đại học Kinh tế thuộc trường Đại học tổng hợp Chungang, giải thích: “Phải nói rằng, nếu không có số tiền kiếm được từ thị trường xây dựng Trung Đông thì Hàn Quốc sẽ rất khó khăn trong việc phát triển thành công ngành công nghiệp nặng của mình. Bởi vì để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất nặng thì cần số vốn rất lớn và không thể chỉ vay nợ từ nước ngoài được. Đó cũng là tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt của người lao động Hàn Quốc. Họ đã phải làm việc rất vất vả ở xứ sở nóng như thiêu đốt này để gửi tiền về cho gia đình, quê hương. Sự hy sinh của họ, cùng với chính sách rất đúng đắn kịp thời của Chính phủ, đã là nguyên nhân chính đưa Hàn Quốc vượt qua cú sốc về dầu mỏ lúc bấy giờ.”

Mặc dù thiếu vốn và công nghệ, Hàn Quốc vẫn vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970 bằng nhiệt huyết và quyết tâm lớn. Và dù đi sau các nước khác đến 100 năm nhưng với sự nỗ lực hết mình, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, Hàn Quốc đã trở thành một trong năm cường quốc về công nghiệp ô tô trên thế giới. Trong khi đó, những người làm xây dựng phải hít thở khói bụi để xây các đường cao tốc, cảng biển ở Trung Đông đã đi tiên phong cho sự hiện diện của Hàn Quốc trên toàn thế giới. Những bước tiến này đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Hàn Quốc cho đến ngày nay, trở thành niềm kiêu hãnh và tự hào của quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập