Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 32: Khởi đầu kỷ nguyên internet, cuộc cách mạng trầm lặng

2015-08-25

Phần 32: Khởi đầu kỷ nguyên internet, cuộc cách mạng trầm lặng
Bước vào thế kỷ XXI, thế giới đã gọi Hàn Quốc bằng một cái tên khá ấn tượng: “Cường quốc internet”. Đúng với danh hiệu này, Hàn Quốc đã đạt được những thành tích nổi bật như tốc độ internet tính đến năm 2015 đang chiếm giữ ngôi vị số 1 thế giới. Sau đây là một trích dẫn từ bản tin thời sự.

Ngày nay, chỉ cần một chú nhấp chuột trên mạng là có thể tiếp cận ngay bất cứ thông tin nào trên thế giới. Theo kết quả điều tra của một tờ báo Mỹ, thì tốc độ truy cập internet trung bình của Hàn Quốc vào khoảng 22,2Mbps (megabyte/giây), nhanh nhất thế giới, hơn hẳn vị trí thứ hai là Hồng Kông với 16,8Mbps.

Theo số liệu thống kê năm 2013, Hàn Quốc đứng thứ năm trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về số thuê bao internet tốc độ cao, đồng thời, tỷ lệ sử dụng internet trong nước cũng chiếm đến 84,1%, gấp trên hai lần mức trung bình của thế giới. Không chỉ vậy, chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Hàn Quốc cũng đứng đầu thế giới. Người dân Hàn Quốc đã bắt đầu sử dụng internet từ năm 1994. Từ đó đến nay, trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, lĩnh vực internet ở Hàn Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân.

[Hàn Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ internet bằng modem năm 1994]

Ngày 20/6/1994, công ty viễn thông Hàn Quốc Korea Telecom, tiền thân của tập đoàn KT ngày nay, đã cho ra mắt dịch vụ Kornet, mở ra kỷ nguyên phổ cập internet tại Hàn Quốc. Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Yang Seung-taik nói rõ hơn về môi trường internet khi đó: “Từ "Internet" hay thuật ngữ www (World Wide Web) lần đầu tiên được sử dụng trên thế giới vào năm 1989, và bắt đầu được biết đến ở Hàn Quốc từ sau năm 1992. Vào thời điểm đó, Marc Andreessen đã phát triển một trình duyệt được gọi là Msaic, cho phép người dùng tìm kiếm trang web. Trình duyệt Msaic đã kết nối mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc, và từ đó internet đã ra đời.”

Thời điểm đó, internet vẫn còn là một khái niệm xa lạ với những người bình thường. Đây được xem là một mạng lưới đặc biệt mà chỉ một số chuyên gia trong các trường đại học, phòng thí nghiệm và các tập đoàn lớn mới có thể sử dụng. Hầu hết mọi người thậm chí không nhận thức được sự tồn tại của internet. Internet thời đó phải truy cập bằng modem thông qua đường dây điện thoại, nên tốc độ chỉ đạt 9,6 Kbps (kilobytes/giây). Mặc dù vậy nhưng bước khởi đầu của internet đã mở ra một chân trời mới, nơi toàn bộ thế giới được kết nối với nhau thông qua mạng máy tính. Nhưng chẳng mấy ai lúc đó, kể cả các kỹ sư máy tính, có thể dự đoán được tương lai tuyệt vời của internet sau này. Ông Lee Jin-se, kỹ sư phát thanh, từng học chuyên ngành máy tính, nhớ lại: “Tôi bước chân vào đại học năm 1978 và theo học chuyên ngành kỹ thuật điện tử. Sau khi xuất ngũ và quay trở lại trường học, chuyên ngành của tôi đã được chuyển thành kỹ thuật điện tử và máy tính. Đây thực sự mới mẻ đối với tôi bởi máy tính khi đó vẫn còn xa lạ. Trong giai đoạn sơ khai của máy tính và internet, thật khó để vận hành một chiếc máy tính nếu bạn không phải là một chuyên gia. Thêm vào đó, máy tính cá nhân hồi đó cũng không hề phổ biến.”

[Internet nhanh chóng thâm nhập cuộc sống người dân]

Xuất hiện một cách trầm lặng, internet đã dần thâm nhập vào cuộc sống của người dân với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Các doanh nghiệp tư nhân chính là những người sớm nhất đón đầu xu hướng này. Đến năm 1996, các nhà sản xuất thiết bị điện tử gia dụng đã cho ra mắt chiếc tivi internet giúp mọi người có thể lướt mạng trên ti vi một cách dễ dàng. Các trang mua sắm trực tuyến cho phép người dân đặt mua bất cứ thứ gì mà không cần rời khỏi nhà, đã nổi lên như là một loại hình mua sắm mới và góp phần đẩy mạnh việc phổ cập internet hơn. Người tiêu dùng dần nhận ra rằng thông tin đáng giá như tiền bạc và bắt đầu tận hưởng nguồn thông tin vô biên đó thông qua internet. Sự tiện lợi của các giao dịch trực tuyến cũng lan sang cả lĩnh vực tài chính. Hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến đầu tiên của Hàn Quốc được thiết lập vào năm 1997 và hai năm sau đó, các dịch vụ ngân hàng internet đầu tiên cũng xuất hiện. Từ đó, trung tâm giao dịch tài chính của Hàn Quốc bắt đầu chuyển sang hình thức trực tuyến. Cùng với đó, các cơ quan báo chí, truyền thông, các đài truyền hình cũng đã bắt đầu sử dụng internet như là một nền tảng truyền thông mới. Vào tháng 10 năm 1995, KBS trở thành đài truyền hình Hàn Quốc đầu tiên ra mắt dịch vụ internet.

Sự xuất hiện của internet đã mở ra một không gian văn hóa mới, đó là các quán café internet. Khách hàng có thể dễ dàng truy cập vào internet trong khi thưởng thức trà và cà phê. Cuộc phỏng vấn một số bạn trẻ thời đó cho thấy quán café internet đã trở thành địa điểm mới được rất nhiều người ưa chuộng, bởi ở đó họ có thể bơi trong biển thông tin vô tận. “Tôi sử dụng máy tính đã lâu, nhưng gần đây mới làm quen với internet. Mặc dù internet vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa được phổ cập, nhưng tôi nhận thấy rằng mình sẽ nhận được rất nhiều thông tin cần thiết qua đây. Môi trường internet là một mô hình kiểu mới. Tôi nghĩ rằng internet sẽ là một công cụ phổ quát đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi người trên thế giới. Nó sẽ trở thành một phương tiện trao đổi thông tin và tương tác chính của con người.”

Số người sử dụng internet tại Hàn Quốc tăng cao khi các trường học, cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp bắt đầu thiết lập môi trường trực tuyến này. Theo Cơ quan xúc tiến internet Hàn Quốc, số lượng người dùng internet tại quốc gia này đã tăng vọt từ 138.000 người vào năm 1994 lên 731.000 người vào năm 1996, và lên tới 10 triệu người vào năm 1999.

[Mở đầu kỷ nguyên internet tốc độ cao ADSL]

Mặc dù đi sau trong cuộc cách mạng internet, nhưng Hàn Quốc đã nhanh chóng bắt kịp những nước đi trước về tỷ lệ phổ cập và tốc độ internet, và rồi nổi lên như là một cường quốc internet. Chính phủ từng tuyên bố vào năm 1994 rằng sẽ đưa internet đến với mọi người dân Hàn Quốc. Trên nền tảng này, vào năm 1999, Hàn Quốc chính thức phổ cập hóa internet tốc độ cao (ADSL). Cho đến thời điểm đó, người ta chỉ truy cập vào internet bằng modem qua đường dây điện thoại. Song sự phát triển của internet tốc độ cao thông qua mạng thông tin chuyên dụng đã biến môi trường internet trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Ông Ji Gyeong-yong, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu điện tử viễn thông của Hàn Quốc giải thích: “Vào năm 1995, nước Mỹ đã công bố một chính sách mới mang tên “siêu xa lộ thông tin”. Một năm sau, Hàn Quốc cũng tuyên bố một kế hoạch đầy tham vọng được gọi là "cơ sở hạ tầng thông tin của Hàn Quốc" (KII). Một trong những nội dung quan trọng là phát triển công nghệ internet tốc độ cao (ADSL). Tổng thống thời đó là ông Kim Dae-jung tuyên bố ông muốn người dân Hàn Quốc sẽ trở thành những người hiểu biết về internet tốt nhất trên thế giới. Theo đó, từ năm 1999, Hàn Quốc bắt đầu mở rộng mạng lưới truy cập internet bằng công nghệ ADSL. Đến năm 2002, Hàn Quốc trở thành quốc gia có cơ sở hạ tầng internet tốt nhất thế giới.”

Việc phổ cập internet tốc độ cao đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan, như trò chơi trực tuyến hay thương mại điện tử. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của những dịch vụ liên quan như truyền hình giao thức internet IPTV và điện thoại internet. Nhờ đó, người Hàn Quốc đã có thể tận hưởng đầy đủ các lợi thế của kỷ nguyên internet.

[Phát triển mạnh mạng lưới thông tin nhờ quyết tâm của Chính phủ và hệ thống chung cư]

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực internet của Hàn Quốc như vậy? Ông Ji Gyeong-yong lý giải: “Xét theo phương diện cung cấp, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một tầm nhìn và các kế hoạch cụ thể để thực hiện tầm nhìn đó. Điển hình là kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin từ năm 1995 đến năm 2000. Nếu kế hoạch thứ nhất nhằm thiết lập mạng lưới hạ tầng cần thiết cho sự thâm nhập của internet, thì kế hoạch thứ hai mang tên Cyber Korea XXI bắt đầu từ năm 1999, lại hướng đến cải tiến mạng truy cập kết nối với mạng lưới cơ sở hạ tầng đó. Đó chính là lúc internet tốc độ cao (ADSL) của Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ, đưa tới sự bùng nổ của internet.”

Hàn Quốc đã sớm dự đoán về thời đại thông tin hóa và tập trung mọi nguồn lực để mở rộng mạng lưới thông tin và đào tạo chuyên gia công nghệ thông tin. Tại lễ kỷ niệm Ngày Khoa học lần thứ 27, diễn ra vào ngày 21/4/1994, Tổng thống khi đó là Kim Young-sam đã tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ là nước đi đầu trong kỷ nguyên thông tin hóa. Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đã đưa tới những bước tiến nhanh chóng cho các ngành công nghiệp liên quan đến internet ở Hàn Quốc. Ông Ji Gyeong-yong, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu điện tử viễn thông của Hàn Quốc, phân tích: “Hàn Quốc có một hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh được Chính phủ trợ cấp. Cụ thể, các cơ quan, viện nghiên cứu điện tử viễn thông của Nhà nước đã dồn nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời chuyển giao công nghệ mới cho các doanh nghiệp. Nhờ vậy mà các sản phẩm của họ sẽ tiếp cận người sử dụng trong nước dễ dàng hơn. Vòng tuần hoàn như vậy chỉ có thể thực hiện được bởi Chính phủ và hệ thống R&D. Các viện nghiên cứu nhận được sự giúp đỡ tài chính của Chính phủ, và công nghệ mà các viện này phát minh ra lại được các tập đoàn lớn như Samsung hay LG ứng dụng vào phát triển sản phẩm. Sau đó, những sản phẩm này được thử nghiệm cẩn thận ở thị trường tiêu dùng trong nước trước khi được xuất khẩu ra nước ngoài. Đó là một mối quan hệ có lợi cho tất cả các bên.”

Cùng với việc phát triển công nghệ, trong giai đoạn đầu thương mại hóa internet, Chính phủ đã khuyến khích tất cả người dân trong nước sử dụng internet bằng cách hướng dẫn sử dụng cho những người cao tuổi, các bà nội trợ và quân nhân. Nhờ vậy mà số người sử dụng internet tại Hàn Quốc đã tăng mạnh. Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Yang Seung-taik cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1998 đã tạo bước ngoặt mới ngành công nghiệp IT của Hàn Quốc. “Internet đã đóng một vai trò quan trọng giúp Hàn Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Trong quá trình tái cơ cấu khiến hàng loạt lao động bị sa thải, Chính phủ đã quyết định đào tạo các kỹ năng máy tính cho họ và nhờ vậy, họ đã tìm lại được việc làm. Tất cả các bưu điện khi đó đã trở thành các trung tâm đào tạo, truyền dạy những kỹ năng về máy tính và công nghệ thông tin. Hơn 10 triệu người đã hưởng lợi từ chương trình này và cũng nhờ vậy mà ngành IT của Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ cài đặt máy tính ở nhà và ứng dụng các kỹ năng học được vào công việc. Kết quả là thị trường phần cứng máy tính tại Hàn Quốc cũng phát triển theo.”

Ngoài ra, môi trường cư trú với trọng tâm là hệ thống chung cư của Hàn Quốc cũng là một yếu tố thuận lợi cho sự phổ cập internet và máy tính, đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc trong lĩnh vực này. Ông Ji Gyeong-yong, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu điện tử viễn thông của Hàn Quốc nói: “Do diện tích đất nước tương đối nhỏ và hầu hết người Hàn Quốc sống ở khu chung cư và các khu đô thị đông dân cư, mặt khác quãng đường từ bưu điện đến các hộ dân không xa lắm nên việc lắp đặt mạng internet ADSL rất dễ dàng. Đây là một yếu tố đã góp phần tạo nên thành công cho lĩnh vực internet của Hàn Quốc.”

[Hàn Quốc, hình mẫu cho công nghiệp IT thế giới]

Tỷ lệ phổ cập internet và máy tính thuộc hàng cao nhất thế giới cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan đã đưa Hàn Quốc trở thành một siêu cường internet như hiện nay. Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Yang Seung-taik nhấn mạnh: “Cơ sở hạ tầng internet cũng như dịch vụ tìm kiếm nội dung trên internet ở Hàn Quốc từ lâu đã đi đầu thế giới. Tất cả người dân Hàn Quốc đều có thể truy cập và tận dụng mọi tiện ích tuyệt vời mà internet mang lại. Chúng tôi có thể tìm kiếm bất cứ thứ gì trên internet. Ngay cả người dân Canada hoặc Mỹ cũng cho rằng hãy nhìn vào Hàn Quốc nếu bạn muốn nhìn thấy tương lai của ngành công nghiệp IT.”

Sau 21 năm kể từ ngày internet bắt đầu được phổ biến ở Hàn Quốc, quốc gia đã bước vào kỷ nguyên internet tốc độ cao tới 100 Mbps (megabyte/giây) và đang đóng vai trò trung tâm trong thế giới rực rỡ mà internet tạo nên.

Lựa chọn của ban biên tập