Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 33: Di sản văn hóa của Hàn Quốc được công nhận là di sản của nhân loại

2015-09-01

Phần 33: Di sản văn hóa của Hàn Quốc được công nhận là di sản của nhân loại
Dân tộc Hàn tồn tại được hơn 5.000 năm lịch sử và có thể nói cả đất nước Hàn Quốc được coi như một bảo tàng sống. Vào ngày 6/12/1995, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã lần đầu tiên chính thức đưa ba di sản tiêu biểu nhất của Hàn Quốc vào danh sách các di sản văn hóa thế giới. Đó là ba di sản văn hóa của ba triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Hàn Quốc là Silla thống nhất, Goryeo và Joseon. Điều này có nghĩa là những di tích cổ của Hàn Quốc chứa đựng cả kho tàng trí tuệ của người Hàn thời xưa đã được công nhận như là báu vật của thế giới.


[Hàn Quốc nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa sau chiến tranh]
Trong nửa đầu thế kỷ XX, trải qua giai đoạn bị đế quốc Nhật chiếm đóng và cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt, người Hàn càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa của mình. Có lẽ là vì người dân cảm thấy có trách nhiệm phải khôi phục và bảo tồn những di sản văn hóa bị thất lạc hay hư hại do hậu quả của biến động lịch sử, để qua đó xây dựng lại niềm tự hào quốc gia và truyền lại niềm tự hào đó cho thế hệ tương lai. Từ năm 1955, tức hai năm sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra “Tuần lễ cảm kích các di tích văn hóa”.

[Tích cực tu sửa di sản văn hóa vào những năm 1960]
Bước vào những năm 1960, các hoạt động tu sửa và phục hồi các di sản văn hóa càng trở nên sôi nổi hơn. Một trong những di sản văn hóa tiêu biểu nhất của Hàn Quốc, động Seokguram (Am Thạch Quật) đã được bắt đầu trùng tu vào năm 1961. Seokguram là một hang động được hình thành bằng việc đẽo đá granit và đá tự nhiên nằm trên núi Toham, thuộc thành phố Gyeongju, cố đô của vương quốc Silla. Động được xây dựng vào năm 751, năm thứ 10 trị vì của vua Gyeongdeok (Cảnh Đức) thuộc vương triều Silla. Đây được coi là một tuyệt tác trên cả phương diện tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc lẫn hình học thời kỳ hoàng kim của triều đại Silla thống nhất. Sau đó, vào năm 1969, chùa Bulguk (Phật Quốc) cũng ở Gyeongju, ngôi chùa đã gắn bó với Hàn Quốc suốt chặng đường 1200 năm lịch sử, cũng được đưa vào trùng tu. Sau dự án kéo dài ba năm, chùa Bulguk đã được khôi phục lại diện mạo cũ và giữ nguyên như thế cho đến ngày nay. Cùng với việc tu sửa, bảo tồn các di sản văn hóa, Chính phủ cũng dồn sức vào việc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống. Một ví dụ tiêu biểu chính là kho cất giữ bộ Đại trường Kinh thời Goryeo tại chùa Haein (Hải Nhân). Một bản tin về công trình này vào năm 1983 cho biết: “Kho cất giữ bộ Đại trường kinh thời Goryeo, di sản văn hóa quốc gia số 52 nằm trong chùa Haein ở huyện Hapcheon, tỉnh Nam Gyeongsang, vốn dĩ là công trình kiến trúc đầu thời kỳ Joseon, được xây dựng với hệ thống điều tiết gió, nhiệt độ và độ ẩm hoàn hảo. Đồng thời bên trong nó còn được thiết kế thành các kệ để bảo quản kinh sách khắc gỗ. Tất cả cho thấy trí tuệ tuyệt vời của người Hàn Quốc thời xưa.”

[Di sản văn hóa Hàn Quốc lần đầu tiên được công nhận di sản thế giới năm 1995]
Di sản thế giới của UNESCO chỉ những tài sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc được đưa vào danh sách di sản thế giới theo Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được thông qua vào tháng 10 năm 1972. Quá trình đăng ký di sản thế giới rất phức tạp, khó khăn và thường mất khoảng ba năm. Ông Huh Kwon hiện là Giám đốc Trung tâm Mạng lưới và thông tin quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc UNESCO và cũng từng là một thành viên của phái đoàn Hàn Quốc tới UNESCO vào năm 1995 cho biết về quá trình này: “Quá trình để được Liên hợp quốc công nhận di sản thế giới được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là lên một danh sách sơ bộ để đệ trình lên UNESCO rằng chúng ta có những di sản nào muốn được xét duyệt, ít nhất một năm trước khi quá trình xét duyệt trong nước bắt đầu. Quá trình xét duyệt trong nước là một khi các chuyên gia hoặc các tổ chức địa phương đề xuất một di tích văn hóa là di sản thế giới, Ủy ban di sản văn hóa trong nước sẽ đánh giá và xét duyệt di sản đó một cách ký lưỡng. Cả quá trình đó phải mất trung bình hai năm. Sau đó, hồ sơ đệ trình chính thức sẽ được nộp trực tiếp đến trụ sở UNESCO và nếu cần thiết thì sẽ bổ sung hồ sơ. Tiếp theo, UNESCO sẽ cử một đoàn thanh tra đến tận nơi để xem xét kỹ lưỡng các di sản trong danh sách.”

Hàn Quốc gia nhập Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới gọi tắt là Công ước Di sản thế giới vào năm 1988. Sáu năm sau đó, vào năm 1994, khi Seoul hoàn thành xong hồ sơ đăng ký di sản thế giới đối với ba di sản trong nước, chùa Bulguk không nằm trong danh sách đệ trình này. Tuy nhiên, đoàn thị sát của UNESCO đến Hàn Quốc đã đề nghị đưa ngôi chùa này vào danh sách xét duyệt, cho thấy UNESCO đã nhận ra giá trị của chùa Bulguk. Ông Huh Kwon nói tiếp: “Vào thời điểm đó, các nhà chức trách Hàn Quốc cứ nghĩ rằng những di sản văn hóa được lựa chọn phải giữ nguyên vẹn tình trạng ban đầu. Đó là lý do chùa Bulguk không được đưa đề xuất, mà chỉ có động Seokguram thôi. Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra của UNESCO đến thị sát, họ đã đề nghị đưa chùa Bulguk vào danh sách cùng với động Seokguram. Đoàn thanh tra nói rằng Công ước Di sản thế giới đặt nặng ý nghĩa, giá trị tinh thần của di sản hơn là việc nó có bảo tồn được nguyên trạng hay không. Vì vậy, ngay cả khi di sản đó đã được tu sửa thì vẫn có thể được xếp vào di sản thế giới, chỉ cần còn giữ nguyên giá trị văn hóa ban đầu. Cũng vì thế mà cái tên chùa Bulguk đã được đặt cạnh động Seokguram để đệ trình xét duyệt di sản thế giới.”

Ngoài hai di sản trên, thì bộ Đại trường Kinh thời Goryeo tại chùa Haein và Jongmyo (Tông miếu) cũng là những cái tên đủ giá trị để thu hút sự chú ý. Ông Huh Kwon nói: “Jongmyo, không nghi ngờ gì nữa, là một di sản đặc biệt. Jeongjeon (Chính điện) được coi là kiến trúc bằng gỗ nguyên khối dài và lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, ở đây vẫn duy trì thường niên các nghi thức tế lễ của vương triều cổ xưa nên ngoài ý nghĩa di sản văn hóa vật thể, đây còn được coi là một di sản phi vật thể có sức ảnh hưởng đến ngày nay. Đối với bộ Đại trường Kinh thời Goryeo nằm trong chùa Haein thì chỉ riêng khu vực lưu trữ nó đã nổi tiếng về kiến trúc khoa học để bảo tồn được tốt nhất bộ kinh sách bằng gỗ khắc. Kích thước và vị trí của các cửa sổ, cùng cách bố trí bên trong công trình này được ca ngợi là một "kiến trúc hoàn hảo”, phù hợp với điều kiện khí hậu của Hàn Quốc.”

Việc UNESCO đồng thời công nhận các di sản văn hóa Phật giáo của thời kỳ hoàng kim Silla và Goryeo và di sản Nho giáo của thời Joseon là di sản thế giới đã khiến người dân Hàn Quốc thêm tự hào về bề dày văn hóa và lịch sử của mình. Nhà báo của Đài phát thanh và truyền hình KBS, Kim Hye-song cho biết: “Người Hàn vốn đã luôn hãnh diện về các di sản văn hóa của mình, nhưng giờ đây khi các di sản đó được thế giới công nhận thì niềm tự hào này tăng theo cấp số nhân. Ngày nay, chúng ta đã quen với thuật ngữ "đẳng cấp của quốc gia". Thực tế, thuật ngữ này không chỉ giới hạn trong sức mạnh kinh tế của một quốc gia mà nó còn được quyết định bởi giá trị văn hóa của quốc gia đó. Sự công nhận của UNESCO cho phép người Hàn có thể tự hào rằng nước mình không thua kém bất kỳ ai trên phương diện văn hóa.”

Khi một di sản được công nhận là di sản thế giới thì nó sẽ được lưu giữ, bảo tồn theo tiêu chuẩn quốc tế. Giám đốc Huh Kwon của Trung tâm Mạng lưới và thông tin quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc UNESCO cho biết: “Bản chất của việc UNESCO lựa chọn di sản thế giới là bắt nguồn từ nhận định một số quốc gia không đủ khả năng bảo tồn các di sản này, và vì thế các nước phát triển hơn phải đứng ra để hỗ trợ theo tinh thần của Công ước chung. Quỹ Di sản thế giới sẽ tài trợ từ việc thiết lập kế hoạch quản lý bảo tồn đến việc đào tạo các chuyên gia bảo tồn hay in ấn tài liệu quảng bá. Việc tài trợ sẽ được quyết định dựa trên hồ sơ, bản thảo kế hoạch mà quốc gia sở hữu di sản đệ trình lên Ủy ban di sản thế giới. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng sẽ giúp đỡ trong những trường hợp khẩn thiết như khi di sản đó bị hư hại bởi hỏa hoạn, chiến tranh, thiên tai.”

Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã xuất bản các tài liệu quảng bá về di sản hàng năm và phát hành đến cơ quan quản lý du lịch của các nước, qua đó đóng góp lớn vào việc thúc đẩy ngành du lịch quốc tế.

[12 di sản thế giới, 15 di sản thế giới tiềm năng]
Tính đến năm 2015, Hàn Quốc đã có 12 di sản được công nhận là di sản thế giới của UNESCO. Hai trong số đó là cung Changdeok (Xương Đức), nơi ở hoàng thất Joseon và pháo đài Hwaseong ở thành phố Suwon cũng được xây dựng dưới thời Joseon đều trở thành di sản thế giới vào năm 1997. Nối tiếp hai di sản trên, khu di tích lịch sử cố đô Gyeongju và cụm di tích mộ đá ở huyện Gochang, Hwasun và Ganghwa đã được UNESCO công nhận vào năm 2000. Tiếp theo, đảo núi lửa Jeju và hang động dung nham của đảo Jeju được công nhận là di sản tự nhiên của thế giới vào năm 2007 và đây cũng là di sản tự nhiên duy nhất trong 12 di sản thế giới của Hàn Quốc. Đến năm 2009, một di sản nữa cũng chính thức được đưa vào danh sách di sản thế giới, đó là khu lăng tẩm triều đại Joseon. Sau khi Jongmyo, nơi thờ cúng bài vị của các bậc vua chúa thời Joseon và tiếp đó là cung điện Changdeok, rồi khu lăng tẩm triều đại Joseon lần lượt được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thì người ta bắt đầu quan tâm hơn đến văn hóa hoàng gia Joseon. Chỉ một năm sau đó, hai ngôi làng lịch sử Hahoe ở Andong và Yangdong ở Gyeongju đã được thêm vào danh sách, tiếp theo là tường thành Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) được công nhận vào năm 2014 và di tích lịch sử vương triều Baekje vào năm 2015. Không chỉ vậy, ở thời điểm hiện tại tháng 9 năm 2015, Hàn Quốc đang có 15 di tích lịch sử văn hóa sơ bộ, chờ đợi để được ghi tên chính thức vào danh sách di sản thế giới của UNESCO.

[Hàn Quốc có 17 di sản văn hóa phi vật thể của thế giới]
Bên cạnh đó, 17 di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc cũng đã được UNESCO công nhận, càng góp phần nâng cao giá trị văn hóa của Hàn Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế. Những di sản đó bao gồm: Tế lễ Tông Miếu và nhạc tế lễ Tông Miếu; múa vòng tròn Ganggangsullae cầu mong cho vụ mùa bội thu; Arirang, bài dân ca mang tính biểu tượng nhất của Hàn Quốc; kimjang, mùa muối kimchi với số lượng lớn để chuẩn bị cho mùa đông; và Nongak (Nông nhạc), âm nhạc của người nông dân Hàn Quốc.

[Di sản thế giới thúc đẩy phát triển văn hóa và kinh tế của quốc gia]
Như vậy, giờ đây, vẻ đẹp độc đáo, nét tinh thần thú vị của văn hóa truyền thống Hàn Quốc đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Nhà báo Kim Hye-song nhấn mạnh: “Có nhiều di sản văn hóa và lịch sử được UNESCO công nhận cũng có nghĩa rằng Hàn Quốc sở hữu nhiều tài sản có giá trị với nhân loại. Hay nói cách khác, di sản văn hóa của Hàn Quốc được hình thành trên nền tảng môi trường thiên nhiên tuyệt vời đã và đang được thế giới đánh giá cao theo những tiêu chuẩn khách quan. Điều này góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của Hàn Quốc và thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến đây. Trong tương lai nếu có nhiều hơn nữa di sản được UNESCO công nhận thì nhất định nó sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước trên cả phương diện văn hóa và kinh tế.”

Tài sản gắn liền với lịch sử 5.000 năm của Hàn Quốc hiện đã trở thành một phần di sản của nhân loại. Ngày nay người dân và chính phủ Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực để bảo tồn và nâng cao hơn nữa những giá trị trong di sản của mình để đóng góp tích cực vào nền văn hóa của thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập