Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 34: Chế độ tự quản địa phương tại Hàn Quốc

2015-09-08

Phần 34: Chế độ tự quản địa phương tại Hàn Quốc
Vào năm 1995, chế độ tự quản địa phương tại Hàn Quốc chính thức quay trở lại sau một thời gian dài bị lãng quên với việc thực thi bầu cử địa phương trên phạm vi toàn quốc. Người dân cả nước đã dồn chú ý đến sự ra đời của chế độ tự quản địa phương, mong mỏi về một nền hành chính và sự phát triển cởi mở hơn của các khu vực. Giờ đây, cán cân chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa vốn nghiêng về thủ đô Seoul đã bắt đầu chuyển dần về các nơi khác.

[Chế độ tự quản địa phương ra đời cùng với việc thành lập Chính phủ mới năm 1948]
Chế độ tự quản địa phương lần đầu tiên được đưa vào hoạt động ở Hàn Quốc vào năm 1948 cùng với sự ra đời của Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc. Sau đây, Giáo sư khoa Hành chính công Kim Soon-eun thuộc trường Đại học Quốc gia Seoul sẽ giải thích rõ hơn về lịch sử của thể chế này: “Năm 1948, khi Hiến pháp ra đời, thì những quy định liên quan đến chính quyền địa phương cũng bắt đầu được đưa vào. Theo Hiến pháp, Luật tự quản địa phương đã được ban hành vào năm 1949, nhưng không thi hành ngay lập tức. Vào năm 1952 khi bán đảo Hàn Quốc chìm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, cuộc bầu cử địa phương đầu tiên đã được tổ chức tại khu vực phía Nam bán đảo Hàn Quốc.”

Năm 1952, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến tranh Triều Tiên, chính quyền địa phương đã được thành lập sau các cuộc bầu cử, nhưng về cơ bản hệ thống tự quản địa phương khi đó khó có thể nói là phát huy tác dụng triệt để. Ủy viên hội đồng địa phương được bầu thông qua bầu cử trực tiếp, trong khi người đứng đầu của địa phương thì được ủy viên hội đồng chọn ra. Khi Chính phủ của Tổng thống Rhee Syng-man mất quyền vào năm 1960 với cuộc cách mạng 19/4, Chính phủ của đảng Dân chủ lên cầm quyền đã tiến hành sửa đổi Luật tự quản địa phương, trong đó quy định rằng các ủy viên hội đồng địa phương và lãnh đạo chính quyền địa phương phải được bầu chọn thông qua bầu cử trực tiếp. Khi đó, nền tự quản địa phương mới thực sự bắt đầu.

[Chế độ tự quản địa phương bị gián đoạn do đảo chính quân sự những năm 1960]
Nhưng trước khi được thực thi một cách nghiêm chỉnh thì thể chế tự trị địa phương đã một lần nữa tan rã sau cuộc đảo chính quân sự ngày 16/5/1961. Giáo sư Kim Soon-eun giải thích: “Cơ chế tự quản địa phương đã hoạt động trong suốt giai đoạn 1952-1960, nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết, sai lầm bởi Hàn Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành chính quyền địa phương. Khi cuộc đảo chính 16/5/1961 xảy ra, người ta đã cho rằng cơ chế này không thực sự hữu ích cho sự phát triển của đất nước và vì thế không cần thiết tiếp tục tồn tại.”

Hệ thống tự quản địa phương của Hàn Quốc đã bị ngắt quãng như vậy trong suốt 30 năm tiếp theo và mọi thứ liên quan đến nền chính trị, hành chính địa phương đều do Chính phủ trung ương quyết định.

[Trì hoãn thực thi do bất đồng chính kiến]
Chế độ tự quản địa phương của Hàn Quốc đã bắt đầu thấy tia hy vọng hồi sinh từ năm 1987. Đó là thời kỳ bùng nổ chủ nghĩa dân chủ và khắp nơi, người dân Hàn Quốc đã lên tiếng đòi dân chủ, quyền tự chủ cho chính quyền địa phương. Vấn đề về quyền tự trị địa phương trở nên không thể trì hoãn được nữa. Trong Tuyên bố 29/6, Chủ tịch đảng Dân chủ công lý Roh Tae-woo đã phải đề xuất thành lập hội đồng địa phương nhằm xoa dịu tình hình. Giáo sư Kim Soon-eun nhận xét về nội dung Tuyên bố này: “Tuyên bố ngày 29/6/1987 của ông Roh Tae-woo rất quan trọng, được coi là nền tảng cho quá trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc. Điểm đáng chú ý nhất trong tuyên bố này là việc thiết lập một hệ thống bầu cử tổng thống trực tiếp và sự hồi sinh của chế độ tự trị địa phương. Tuyên bố 29/6 có thể coi là một bước ngoặt lớn trong tiến trình hướng tới dân chủ của Hàn Quốc. Theo đó, tổng thống và người đứng đầu địa phương sẽ được người dân bầu trực tiếp. Theo hệ thống cũ, các tỉnh trưởng và thị trưởng được tổng thống bổ nhiệm nên họ sẽ phải tôn trọng ý kiến của người đã bổ nhiệm họ và như vậy, họ sẽ không có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách công bằng và độc lập. Đó là lý do vì sao quyền tự trị của chính quyền địa phương là yếu tố bắt buộc trong quá trình chuyển đổi dân chủ hóa chính quyền.”

Như vậy, quá trình chuyển đổi quyền lực với mục tiêu dân chủ hóa nền chính trị đã nổi lên như một nhu cầu cấp thiết của thời đại. Và chế độ tự quản địa phương là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong tiến trình này. Trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 được tổ chức vào năm 1987, việc thành lập chính quyền địa phương tự trị cũng trở thành như cam kết chủ yếu của các ứng cử viên. Tuy nhiên, sự khác biệt về quan điểm và những tranh cãi về chính trị đã khiến chế độ tự quản địa phương chưa thể được thực thi như mong muốn. Đến tháng 12 năm 1990, sau nhiều tranh cãi, cuối cùng đảng cầm quyền và đảng đối lập cũng đã nhất trí áp dụng trở lại hệ thống này bằng việc đề ra Luật bầu cử chế độ tự quản địa phương. Vào tháng 3 năm 1991, chế độ chính quyền địa phương tự trị lại vấp phải một thách thức khác. Đảng cầm quyền đã hoãn lại cuộc bầu cử người đứng đầu các địa phương với lý do là để ổn định nền kinh tế. Vậy vì lý do gì mà thể chế này lại gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như vậy? Giáo sư Kim Soon-eun phân tích: “Những yếu tố chính trị chính là nguyên nhân khiến hệ thống tự quản địa phương được đưa vào áp dụng trong năm 1952 cũng như trong những năm 1990. Năm 1952, Tổng thống Rhee Syng-man được Quốc hội bầu chọn. Nhận thấy rằng mình có thể sẽ không giành được tín nhiệm từ những nghị sĩ Quốc hội nữa nên Tổng thống Rhee Syng-man sau đó đã quyết định trao quyền tự chủ cho chính quyền các địa phương để tạo ra một hệ thống ủng hộ và giúp mình duy trì quyền lực. Còn vào năm 1991, những người tham gia các phong trào dân chủ nghĩ rằng sự chuyển đổi chính quyền sẽ thành công khi áp dụng chế độ tự quản địa phương. Vì vậy, bất chấp những thiếu sót của chế độ đó, họ vẫn đẩy nhanh thực thi trở lại hệ thống tự trị mà không quan tâm cần phải khắc phục những thiếu sót đó như thế nào. Đây cũng là lý do vì sao cho đến ngày nay, chế độ tự quản địa phương vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.”

[Cuộc bầu cử địa phương đầu tiên thành công năm 1995]
Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này cũng không ngăn cản được mong muốn của người dân về một nền dân chủ đích thực. Cuối cùng, vào ngày 27/6/1995, cuộc bầu cử địa phương đã lần đầu tiên được tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Diễn ra trong sự quan tâm và kỳ vọng lớn của người dân, cuộc bầu cử địa phương đầu tiên đã ghi nhận những con số ấn tượng với lượng cử tri đi bầu lên tới 68,4%. Đây là nền tảng cho chiến thắng đầu tiên của đảng đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1997, dẫn tới sự ra đời của một chính quyền mới. Giáo sư Kim Soon-eun nói: “Trong 20 năm qua đã hai lần diễn ra cuộc chuyển đổi quyền lực giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập. Người ta cho rằng cả hai lần đều xuất phát từ vấn đề quyền tự quản của các địa phương. Từ đó có thể thấy rằng, vấn đề địa phương tự trị đóng vai trò rất lớn trong tiến trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc. Khi chưa có chế độ tự quản địa phương, ngân sách cho chính quyền địa phương thường được Bộ Nội vụ lúc đó xem xét, thẩm định. Nhưng dưới chế độ tự quản địa phương, ngân sách mà thị trưởng hay tỉnh trưởng đưa ra sẽ được hội đồng của địa phương đó xem xét, và việc thẩm định lại cũng do địa phương quyết định. Ở khía cạnh này, có thể nói chế độ tự quản địa phương đã đóng vai trò đáng kể trong sự phát triển chính trị của Hàn Quốc.”

[Đóng góp cho phát triển khu vực]
Được thiết lập vững chắc từ năm 1995, chế độ tự quản địa phương đã đem đến nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế và văn hóa cho người dân. Người đứng đầu các địa phương được nhân dân bầu chọn trực tiếp nên không thể độc đoán, mà ngược lại càng phải nỗ lực hơn nữa để phát huy tính kỷ luật và năng lực quản lý, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Theo Báo cáo đánh giá kết quả 20 năm thực hiện chế độ tự quản địa phương được Bộ Hành chính nội vụ công bố vào tháng 8 năm nay, từ năm 1995 đến năm 2014 trên toàn quốc, số lượng các cơ sở văn hóa như bảo tàng nghệ thuật hay nhà hát đã tăng gấp năm lần, các cơ sở y tế cũng tăng gần gấp đôi từ 31.138 lên đến 60.751 cơ sở, và tỷ lệ lát đường cũng tăng từ 74,5% lên 82,5%. Giáo sư Kim Soon-eun nói tiếp: “Ngày nay, đi thư viện đã trở thành một hoạt động quen thuộc đối với mọi người. Người ta đến thư viện không chỉ để đọc sách, học tập nữa mà giờ họ còn tìm đến đó để nghe nhạc, thưởng thức các buổi biểu diễn và tham gia vào các khóa đào tạo. Cùng với đó, sự quan tâm của người dân đối với y tế cũng tăng cao, do vậy chính quyền địa phương đã cho xây dựng nhiều công viên, các cơ sở y tế công cộng và cung cấp thêm nhiều dịch vụ khiến cho cuộc sống của người dân trở nên tiện lợi hơn nhiều. Đó chính là những đóng góp lớn của chính quyền các địa phương.”

Một bước tiến nữa mà chế độ tự quản địa phương mang lại là người dân giờ đây đã có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các cơ quan hành chính địa phương. Giáo sư Kim Soon-eun giải thích: “Công chức được người dân lựa chọn đương nhiên phải khác những người được cấp trên bổ nhiệm. Công chức được cấp trên bổ nhiệm thường phải tôn trọng ý kiến của người đã bổ nhiệm họ, bởi những đánh giá tích cực từ cấp trên sẽ quyết định xem họ có thể tiếp tục phục vụ trong nhiệm kỳ tới hay không. Còn đối với các công chức được dân bầu ra, thì sự đánh giá của các cử tri cứ bốn năm một lần là quan trọng nhất. Do vậy, họ buộc phải lắng nghe ý kiến của dân và cũng nhờ đó mà người dân có thể tiếp cận các cơ quan hành chính công dễ dàng hơn, đồng thời các công chức cũng phải thể hiện thái độ thân thiện hơn để làm đẹp lòng cử tri. Kết quả là vị thế của người dân đã được nâng cao hơn trước rất nhiều.”

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng không còn chỉ biết thực thi những chính sách từ trung ương đưa xuống nữa, mà đã bắt đầu đề ra và cùng người dân thực hiện các chiến lược phát triển của riêng mình, nhờ đó đã tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế địa phương.

[Các lễ hội làm phong phú văn hóa địa phương]
Vào năm 1995, tại Gwangju, nơi được ví là thành phố của nghệ thuật, lần đầu tiên đã diễn ra Lễ hội Biennale. Đây là chương trình văn hóa hai năm một lần đầu tiên kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật và quảng bá du lịch do được chính quyền địa phương tự chủ trì. Thị trưởng Gwangju Yoon Jang-hyun cho biết lý do quyết định tổ chức lễ hội này: “Chính phủ trung ương đã chỉ định năm 1995 là năm của nghệ thuật và xem đây như một phần của chính sách coi trọng bản sắc địa phương và toàn cầu hóa. Xét theo quan điểm thúc đẩy nền văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, để xoa dịu vết thương của cuộc vận động dân chủ Gwangju 18/5, cũng như kết hợp truyền thống nghệ thuật với tinh thần yêu nước của cư dân thành phố để kiến tạo nên các giá trị văn hóa mới, Gwangju đã quyết định tổ chức một lễ hội nghệ thuật. Ngoài ra, năm 1995 cũng là thời gian một gian riêng của Hàn Quốc đã được mở ra ở triển lãm Venice Biennale nổi tiếng nhân dịp 100 năm diễn ra triển lãm này. Do vậy, chúng tôi đã có ý tưởng tổ chức một lễ hội Biennale tương tự để từ đó mở ra một tương lai mới cho thành phố Gwangju.”

Cùng với việc thiết lập hệ thống chính quyền địa phương, một loạt các lễ hội truyền thống, các địa danh và đặc sản văn hóa của từng khu vực cũng bắt đầu được chú trọng quảng bá, từ đó giúp hình thành nên nền văn hóa riêng biệt của mỗi địa phương. Liên hoan phim quốc tế Busan cũng bắt đầu được tổ chức vào năm 1996 và trở thành sự kiện tiêu biểu của khu vực này. Năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm ra đời, liên hoan phim này đã nhận được hỗ trợ đầy đủ và sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền cũng như người dân thành phố Busan. Giờ đây, sự kiện này đã trở nên nổi tiếng thế giới và góp phần định hình Busan như một thành phố của văn hóa. Trong khi đó, thành phố Hampyeong lại được biết đến là nơi tổ chức lễ hội bướm Hampyeong thu hút rất nhiều du khách. Mục đích là để bảo tồn hệ sinh thái và các loài bướm của khu vực. Những lễ hội địa phương dựa trên ý tưởng độc đáo kết hợp với nền văn hóa bản địa đặc sắc như ba lễ hội kể trên đã làm phong phú thêm nền văn hóa của các địa phương.

[Hệ thống tự quản địa phương đưa nhân dân trở thành chủ nhân thực sự]
Mặc dù chỉ có bề dày lịch sử 20 năm, nhưng hệ thống tự quản địa phương của Hàn Quốc đã góp phần đáng kể vào tiến trình dân chủ hóa, đưa người dân trở thành những người chủ thực sự. Giờ đây, chính quyền địa phương đã và đang trở thành đầu tàu của sự phát triển khu vực và là nền tảng vững chắc cho chủ nghĩa dân chủ ở Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập