Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 37: Điện ảnh Hàn Quốc thăng hoa trong thập niên 1990

2015-09-29

Phần 37: Điện ảnh Hàn Quốc thăng hoa trong thập niên 1990
[Phim “Con trai của tướng quân” lập kỷ lục phòng vé]
Bước vào những năm 1990, nền điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước tiến vô cùng ấn tượng. Bộ phim “Con trai của tướng quân” của đạo diễn Im Kwon-taek khởi chiếu vào tháng 6 năm 1990 đã lập tức gây được tiếng vang. Nhân vật chính trong phim là Kim Doo-han, con trai của tướng quân Kim Jwa-jin, người đã phát động phong trào đấu tranh kiên cường giành độc lập trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Nội dung bộ phim khắc họa quá trình Kim Doo-han trở thành đại ca của giới giang hồ ở phường Jongno. Phim “Con trai của tướng quân” đã thiết lập một kỷ lục phòng vé mới tại Hàn Quốc khi thu hút đến 680.000 người đến xem chỉ tính riêng tại Seoul. Trước đó, trong thập niên 1970 và 1980, nền điện ảnh Hàn Quốc đã phải chật vật tìm lối thoát trước sự kiểm duyệt gắt gao của Chính phủ, cùng với sự gia tăng của các thiết bị phát sóng tại nhà như ti vi.. Trong bối cảnh đó, thì thành công của phim “Con trai của tướng quân” quả là một điều đáng trân trọng, tạo đà để nền điện ảnh Hàn Quốc cất cánh. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định chọn năm 1991 là Năm điện ảnh và nỗ lực phục hồi, đẩy mạnh ngành công nghiệp này.

[1991 được chọn là Năm điện ảnh]
Công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc đã phát triển rực rỡ và huy hoàng trong những năm 1990. Một loạt những kỷ lục mới đã được thiết lập với danh tiếng vang xa cả trong và ngoài nước.

[Nhiều phim Hàn Quốc được vinh danh quốc tế]
Thập niên 1990 cũng chứng kiến các nhà làm phim và các diễn viên Hàn Quốc bắt đầu giành được các giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim quốc tế, thu hút nhiều sự chú ý. Tại Liên hoan phim thế giới Montreal lần thứ 15 diễn ra vào tháng 9 năm 1991 ở Canada, nữ diễn viên Lee Hye-suk đã giành được giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn trong bộ phim "Con ngựa bạc không tới" (Silver Stallion). Đạo diễn của phim này, ông Jang Gil-su thì giành giải Kịch bản phim xuất sắc nhất. Một năm sau đó, tức là vào năm 1992, bộ phim “Anh hùng lắt léo của chúng ta” (Our Twisted Hero) của đạo diễn Park Jong-won và "Cuộc chiến màu trắng” (White Badge) của đạo diễn Chung Ji-young đã lần lượt được công nhận là Nhà sản xuất xuất sắc nhất tại Liên hoan phim thế giới Montreal và giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ năm. Trên đà đó, nhiều bộ phim Hàn Quốc về sau cũng tiếp tục được vinh danh tại các sự kiện điện ảnh khác như Liên hoan phim quốc tế Moscow (Nga), Liên hoan phim quốc tế San Diego (Mỹ), Liên hoan phim quốc tế Salerno (Ý). Có thể nói, những năm 1990 là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hàn Quốc.

[Phim “Seopyeonje” đạt một triệu lượt người xem]
Bộ phim “Seopyeonje” của đạo diễn Im Kwon-taek được công chiếu vào tháng 4 năm 1993. Với cốt truyện về cuộc đời anh em nghệ nhân hát kể chuyện Pansori của Hàn Quốc, “Seopyeonje” được ca ngợi là một trong những đỉnh cao nghệ thuật tạo hình trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Sức hút của bộ phim “Seopyeonje” đã thổi bùng mối quan tâm của xã hội đối với loại hình hát kể chuyện Pansori nói riêng và âm nhạc truyền thống Hàn Quốc nói chung. Mọi người thuộc tất cả các tầng lớp, từ tổng thống đến các bà nội trợ, đều đến xem kín rạp, và kết quả là bộ phim đã phá kỷ lục phòng vé với con số 1 triệu lượt người xem. Nhờ tác phẩm “Seopyeonje” mà đạo diễn Im Kwon-taek đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ nhất, khẳng định vị thế một nhà làm phim bậc thầy đại diện cho điện ảnh Hàn Quốc. Thành công vang dội của Seopyeonje cũng là minh chứng rằng những bộ phim phản ánh tâm tư, tình cảm và vẻ đẹp văn hóa truyền thống của Hàn Quốc hoàn toàn có thể cạnh tranh với các siêu phẩm Hollywood của Mỹ. Từ đó, các nhà làm phim Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm những cách thức mới để thể hiện mình và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nền điện ảnh Hàn Quốc.

[Bắt đầu sản xuất phim hài lãng mạn, phim theo kế hoạch]
Vào mùa thu năm 1992, bộ phim “Câu chuyện hôn nhân” (Marriage Story) của đạo diễn Kim Ui-seok đã càn quét các rạp chiếu phim trong nước. Bộ phim là câu chuyện hài hước xoay quanh một cặp vợ chồng mới cưới, người chồng là một biên tập viên truyền hình còn người vợ là một diễn viên lồng tiếng. Đây là lần đầu tiên thể loại phim hài lãng mạn có được tiếng vang như vậy ở Hàn Quốc. Những đoạn đối thoại rất hợp thời, tiết tấu phim, sự chuyển cảnh nhanh đã đặc biệt hấp dẫn các khán giả trẻ, và đưa “Câu chuyện hôn nhân” trở thành phim bom tấn ở Hàn Quốc lúc bấy giờ. Bộ phim “Câu chuyện hôn nhân” cũng đã mở màn một xu hướng điện ảnh mới, đó là "sản xuất phim theo kế hoạch". Thay vì một mình đạo diễn đảm nhiệm, kiểm soát tất cả quy trình làm phim từ viết kịch bản đến chọn diễn viên, thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị, thì giờ đây hệ thống nhà sản xuất chuyên nghiệp đã được đưa vào. Điều này đã đẩy mạnh sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Giáo sư Kim Hong-jun của trường Điện ảnh thuộc Đại học tổng hợp Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc đánh giá về ý nghĩa của xu hướng mới này: “Năm 1990 mang tính cách mạng đối với hệ thống sản xuất phim của Hàn Quốc, có thể ví như sự biến chuyển từ thời kỳ đồ đá tiến thẳng lên kỷ nguyên kỹ thuật số. Những nhà sản xuất mới đã cho ra đời nhiều bộ phim với mục tiêu tiếp thị, quảng bá rõ ràng, trong đó có những phim tiêu biểu như “Câu chuyện hôn nhân” hay "Hai chàng cảnh sát” (Two Cops). Bất cứ ai có tiền và đam mê làm phim đều có thể tham gia vào thị trường này, và chỉ cần phim đó có chất lượng thì sẽ được trình chiếu tại rạp. Với sự thay đổi này, việc sản xuất phim đã trở nên dễ thở, ít bị hạn chế bởi các quy tắc hơn và tự do ngôn luận được bảo đảm. Nói cách khác, một hệ thống làm phim thương mại đã xuất hiện.”

Cách thức làm phim kiểu mới đã khuyến khích các đạo diễn trẻ tài năng dấn thân hơn vào thế giới nghệ thuật rộng lớn và nỗ lực tạo ra các bộ phim thuộc nhiều chủ đề đa dạng.

[Điện ảnh Hàn Quốc những năm 1990 phong phú về đề tài và hình thức thể hiện]
Bộ phim hài hành động “Hai chàng cảnh sát” của đạo diễn Kang Woo-suk ra mắt năm 1993 đã phá vỡ một điều cấm kỵ lớn của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trước đó, đấy là không làm phim về cảnh sát. Bộ phim nói về một cặp cảnh sát, một người vào nghề trước, người kia vào nghề sau với những tính cách hoàn toàn khác nhau và cuộc chiến của họ chống xã hội đen. Ngay sau khi trình chiếu, bộ phim đã trở thành thỏi nam châm hút khách đến rạp và đứng thứ hai về lượng người xem trong năm 1993, sau phim "Seopyeonje". Có thể nói, việc đề tài và hình thức thể hiện được cởi trói, không còn bị gò bó, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc trong những năm 1990. Giáo sư Kim Hong-jun nói thêm: “Một thế hệ mới lớn lên trong cùng giai đoạn thời gian, chia sẻ những tâm tư tình cảm tương đồng và nền tảng văn hóa tương đồng đã tiến vào và tạo ra sự thay đổi hoàn toàn cho nền điện ảnh nước nhà trong những năm 1990. Xã hội Hàn Quốc đã dễ dàng chấp nhận tự do ngôn luận hơn, sau phong trào dân chủ nửa cuối những năm 1980. Người dân đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bộ phim hơn, và theo đó cũng xuất hiện nhiều đạo diễn, các nhà sản xuất và các nhà đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.”

Từ đó, xu hướng phim hài dần thống lĩnh nền điện ảnh Hàn Quốc, đặc biệt là với những bộ phim như "Người tình già của tôi” (My Old Sweetheart) và "Người mẹ ma” (Ghost Mamma). Những tác phẩm tươi mới của các đạo diễn trẻ đã mang tới cho khán giả những tràng cười sảng khoái. Bộ phim “Liên lạc” (The Contact) của đạo diễn Jang Yoon-hyun kể về một mối quan hệ nam nữ lãng mạn thông qua phương tiện trung gian là chiếc máy tính và phòng chat, đã thiết lập một kỷ lục mới với 1,5 triệu lượt người xem. Thành tích này càng đặc biệt hơn bởi vì phim được phát hành vào năm 1997, thời điểm cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á đang càn quét nền kinh tế Hàn Quốc.

[“Shiri”, bộ phim bom tấn phong cách Hàn Quốc đầu tiên]
Vào năm 1998, công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đứng trước một thách thức lớn. Đó là những tranh cãi về việc giảm hạn ngạch màn hình cho các bộ phim Hàn Quốc. Ý kiến này đã nhận phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà làm phim trong nước. Họ thậm chí đã biểu tình để chống lại việc cắt giảm lượng thời lượng tối thiểu trình chiếu các bộ phim Hàn Quốc trên các rạp. Cùng với đó, một vấn đề khó khăn khác là số lượng phim sản xuất trong nước cũng giảm mạnh do khủng hoảng tài chính. Trong bối cảnh này, “Shiri”, bộ phim hành động của đạo diễn Kang Je-kyu được phát hành vào năm 1999, nói về các sĩ quan tình báo Hàn Quốc và các điệp viên Bắc Triều Tiên đã đạt kỷ lục doanh thu và trở thành bộ phim bom tấn hành động đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Giáo sư Kim Hong-jun giải thích: “Nếu xét trên tiêu chí thị trường thì “Shiri” mới chính thức là bộ phim bom tấn đầu tiên của Hàn Quốc. Có thể nói đây là một tác phẩm vô cùng hoành tráng trên cả phương diện thương mại và nghệ thuật, góp phần định hình lại ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh của quốc gia. Trước đó, các phim nhựa của Hàn Quốc chủ yếu được các nhà làm phim ở Chungmuro (nơi tập trung những người làm phim chuyên nghiệp) sản xuất và tài trợ. Thế nhưng thành công của "Shiri" đã lôi kéo nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cấp vốn để làm phim.”

Bộ phim Shiri đã mất bốn năm để hoàn thành, trải qua khâu viết kịch bản trong 20 tháng và tiêu tốn hết 3,1 tỷ won vốn đầu tư (tương đương 2,6 triệu USD theo tỷ giá hiện tại). Ngay từ khi mới ra mắt, bộ phim ngay lập tức phá vỡ kỷ lục phòng vé của bom tấn Hollywood là "Titanic" tại Hàn Quốc với 6 triệu vé bán ra. Đạo diễn Kang Je-kyu nói về bộ phim: “Thách thức lớn nhất của tôi khi thực hiện bộ phim này là làm thế nào để tạo ra sự khác biệt với những phim nhập khẩu của Hollywood, và làm thế nào để áp dụng các yếu tố, chất liệu phim trinh thám hành động nước ngoài vào tác phẩm của mình một cách có chọn lọc và hiệu quả. Về mặt nội dung, bộ phim này độc đáo khi nhấn mạnh vào những vấn đề mà một đất nước đang bị chia cắt như Hàn Quốc gặp phải. Tôi cho rằng đó là yếu tố quan trọng đã giúp bộ phim này thành công về mặt thương mại.”

“Shiri”, bộ phim nói về tình yêu và cuộc chiến ngầm giữa lực lượng tình báo hai miền Nam-Bắc, thu hút được khán giả còn là nhờ những tiến bộ trong công nghệ điện ảnh. Các hiệu ứng đặc biệt như cảnh đấu súng trong thành phố, các vụ nổ..., những gì có trong các bộ phim Hollywood, đều được tái hiện bằng công nghệ tiên tiến. Và từ đó đã mở ra một kỷ nguyên mới của phim bom tấn mang phong cách Hàn Quốc. Kể từ đó, một loạt các tác phẩm vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính thương mại đã được sản xuất ở Chungmuro, khiến cho người ta kỳ vọng hơn về tương lai điện ảnh Hàn Quốc trong giai đoạn tiếp theo. Giáo sư Kim Hong-jun nói: “Từ nửa cuối những năm 1990 cho đến nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước sản xuất phim hàng đầu thế giới. Nếu xét tỷ lệ phim Hàn Quốc được chiếu trong nước, thì Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia có thể cạnh tranh được với Hollywood. Phim Hàn Quốc thu hút được nhiều người xem hơn các phim thương mại của Mỹ. Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc được cho là kết quả của tác động từ bên ngoài, sự cải cách thể chế và sự du nhập nhiều nguồn vốn sản xuất hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, thành công đó bắt nguồn từ chính thế hệ các nhà làm phim trẻ thời đó. Chính họ đã chèo lái con thuyền điện ảnh nước nhà đi đúng hướng trong 20 năm qua. Họ không chỉ theo đuổi công danh cá nhân mà còn hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung của toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia. Và không chỉ các nhà làm phim phải vắt óc suy nghĩ như vậy mà nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng, và cả Chính phủ cũng đều vào cuộc để hỗ trợ nền điện ảnh nước nhà. Đó chính là những yếu tố đưa điện ảnh Hàn Quốc tỏa sáng rực rỡ hơn vào những năm 2000.”

[Hàn Quốc bước vào hàng ngũ cường quốc điện ảnh thế giới]
Với tinh thần sáng tạo và nhiệt huyết vô tận, điện ảnh Hàn Quốc trong những năm 1990 đã giành được nhiều chiến thắng ngoạn mục trước các bộ phim Hollywood được đầu tư kinh phí khủng. Và trên nền tảng đó, những năm 2000 lại tiếp tục chứng kiến một loạt các bộ phim trong nước phá kỷ lục với hàng chục triệu lượt người xem, đưa Hàn Quốc sánh vai các cường quốc điện ảnh trên thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập